Là nơi Đức Mẹ chọn để vén mở cho chúng ta biết Mẹ là ”Đấng vô nhiễm nguyên tội”, Lộ Đức trở thành kinh thành của Thánh Thể và Kinh Mân Côi và là nơi tín hữu nhận được rất nhiều ơn thánh Chúa: ơn phần xác và nhất là ơn phần hồn. Kể từ khi Đức Mẹ hiện ra với chị Bernadette Soubirous năm 1858 đến nay đã có 200 triệu tín hữu và du khách hành hương đến Lộ Đức và ít nhiều gì cũng đã nhận được ơn lành Thiên Chúa ban qua lời bầu cử của Mẹ.
Trong nhiều thập niên qua đã có các chuyến hành hương quy mô cho nhiều thành phần khác nhau như: các bệnh nhân, các người tàn tật, trước đây đã ít được tiếp đón. Từ năm 1946 người ta đã tổ chức các cuộc hành hương cho các người mù và các bệnh nhân tâm thần. Các anh chị em này cầu nguyện và tham dự các lễ nghi phụng vụ thích hợp với điều kiện của họ.
Trong chuyến hành hương cho các bệnh nhân tâm thần dịp lễ Phục Sinh năm 1971 có một người Canada, bị vào nhà thương tâm thần từ khi còn bé. Sau 50 năm ông có dịp khám phá ra thế giới tuyệt vời và lời cầu nguyện. Năm 1963 một bác sĩ tỉnh Nancy đã phát động cuộc hành hương Lộ Đức cho các bệnh nhân bị bệnh teo cơ bắp vì vi-rút tấn công các trung tâm điều khiển cử động của tủy sống, và khiến cho mọi bệnh nhân có thể tham dự, kể cả những người đang dưỡng bệnh trong các phổi sắt. Việc chuyển vận từ nhà thương cho tới xe lửa, rồi từ xe lửa vào trong nhà thương ở Lộ Đức đã đòi hỏi các kỹ thuật chuyên môn chưa từng có. Nhưng chuyến hành hương đã là một kinh nghiệm tích cực đối với các bệnh nhân, cũng như các bác sĩ và nhân viên y tế tháp tùng, trên cả bình diện vật chất. Giá trị tinh thần của nó đẹp và mạnh mẽ đến độ nó trở thành cuộc hành hương quốc tế được lập lại sau đó vào các năm 1968, 1973, 1978 và 1983.
Các chuyến hành hương Lộ Đức cho các bệnh nhân có một ý nghĩa xã hội và tinh thần rất lớn. Chúng tháp nhập các anh chị em bệnh nhân vào mầu nhiệm cuộc sống kitô, nơi họ là các phần tử có một chỗ đứng đặc tuyển dưới bóng thập giá Chúa Kitô. Song song chúng trả lại cho họ các tương quan xã hội, tình bạn và sự liên đới giữa các bệnh nhân và các người lành mạnh; và các tương quan ấy thường kéo dài sau chuyến hành hương.
Lộ Đức cũng mở rộng vòng tay tiếp đón các anh chị em bị chính quyền hay xã hội coi là cặn bã và bị gạt bỏ ngoài lề. Tin Mừng yêu thương được loan báo cho họ là những người nghèo nàn nhất, vì bị tưởc đoạt phẩm giá là người và là con cái Chúa. Đó là các cuộc hành hương của các anh chị em du mục, những người sống lang thang, nay đây mai đó trên các caravane.
Thường khi các cuộc hành hương cho người du mục hay cho các người tàn tật khiến cho công quyền và những người giầu ở trong tình trạng báo động, vì sợ họ ăn trộm ăn cắp hay gây xáo trộn, và các người tổ chức cũng thường phải bảo vệ họ chống lại các thành kiến và sự sợ hãi. Người ta còn nhớ trong cuộc hành hương đầu tiên tổ chức cho 4.000 người bệnh tâm thần, trong đó có 400 người đến trực tiếp từ các nhà thương tâm trí, nhiều hàng quán tại Lộ đức đã đóng cửa vì sợ các khách hành hương này quấy phá; nhưng thật ra đã không có chuyện gì xảy ra.
Sau cùng còn có các cuộc hành hương quốc tế của các quân nhân, bắt đầu năm 1958, bao gồm binh sĩ của mọi binh chủng đến từ nhiều nước khác nhau, mà ít năm trước đó còn chĩa súng vào nhau. Năm 1982 với sự đồng ý của hàng giáo phẩm đã có hai cuộc hành hương cho các binh sĩ Anh giáo. Và tại Lộ Đức cũng có một nhà nguyện nơi các tín hữu không công giáo có thể cử hành các lễ nghi phụng vụ của họ. Hồi năm 1976 đã có một nữ mục sư người Đan Mạch xin phép cử hành phụng vụ tại đây, và bà đã được phép của các vị hữu trách Đền Thánh Lộ Đức. Đôi khi giới truyền thông cũng đưa tin về sự hiện diện của các nhóm tín hữu Hồi giáo. Vào tháng 10 năm 1975 cũng có một nhóm tín hữu Phật giáo tới viếng thăm Lộ Đức.
Chương trình ”cửa rộng mở” trợ giúp cuộc đối thoại với tín hữu các tôn giáo khác, và sẵn sàng tiếp đón tín hữu của mọi tôn giáo đến viếng thăm Lộ Đức. Tất cả những điều này là kết qủa của lời cầu nguyện và tình bác ái, là hai nét nổi bật của Lộ Đức. Lộ Đức là kinh thành của Đức Mẹ Vô Nhiễm, nơi tín hữu tỏ lòng sùng mộ đối với Mẹ Thiên Chúa, nhưng nhất là nơi tín hữu lắng nghe điều Mẹ đã nói với các gia nhân của đôi tân hôn trong tiệc cưới tại làng Cana xưa kia: ”Người bảo gì các anh cứ làm như vậy”. Với hàng triệu tín hữu đến hành hương Lộ Đức ngày nay Đức Mẹ Vô Nhiễm cũng lập lại lời nhắn nhủ ấy: ”Các con hãy làm tất cả những gì Chúa Giêsu truyền cho các con”. Nghĩa là tất cả đều phải quy chiếu về Chúa Giêsu Kitô Con Mẹ. Ngày 12 tháng 3 năm 1858 Đức Mẹ nói với chị Bernadette xin các linh mục xây một nhà nguyện và đi rước kiệu đến đó. Nhưng đã cần phải có nhiều nhà thờ để tiếp đón tín hữu hành hương. Và bí tích Thánh Thể luôn luôn là trọng tâm của mọi cuộc hành hương Lộ Đức. Tín hữu tham dự các thánh lễ cử hành tại Hang Đá nơi Đức Mẹ đã hiện ra, hay trong các vương cung thánh đường và nhiều khi ngay cả giữa cánh đồng cỏ đối diện với Hang Đá bên kia bờ sông Gave nữa.
Trong số các tín hữu hành hương Lộ Đức giới trẻ có không gian rộng rãi và một trại tiếp đón với các nhân viên trẻ linh hoạt cuộc hành hương của họ. Hàng năm có 300.000 người trẻ hành hương Lộ Đức, trong đó có 120.000 đi theo các đoàn hành hương, số còn lại đi riêng rẽ. Số người trè hàng năm đến Lộ Đức cũng tương tự như số người trẻ tìm đến cộng đoàn đại kết Taizé bên Pháp để sống kinh nghiệm cầu nguyện, sự hiệp nhất và tình huynh đệ đại đồng.
Ban giám đốc Đền Thánh Đức Mẹ Lộ Đức dành cho giới trẻ một khu vực cắm trại rộng 16 mẫu tây, nơi họ thể sinh hoạt thoải mái ngoài trời. Liên quan tới sự hiện diện của người trẻ tại Lộ Đức, cần ghi nhận việc giới trẻ tham gia việc phục vụ các bệnh nhân với khoảng 30%, và khi đó là các đoàn hành hương giáo phận thì sự tham gia của người trẻ phục vụ các bệnh nhân lến tới 60%, nghĩa là có từ 20 tới 30 ngàn bạn trẻ. Có những người trẻ hy sinh thời gian nghỉ hè đến Lộ Đức tình nguyện giúp đỡ các bệnh nhân trong nhiều năm liên tiếp.
Con số tín hữu hành hương Lộ Đức gia tăng đã bắt buộc chính quyền địa phương phát triển hệ thống giao thông, gia tăng các chuyến xe lửa và cải tiến đường cho xe hơi, cũng như các tuyến đường hàng không. Một đường xe lửa quan trọng dài 2.000 cây số nối liền Lộ Đức với Paris, Bordeaux và Lyon. Sân bay Tarbes được nới rộng với các phi đạo có thể tiếp đón các máy bay Boeing lớn. Ngoài ra cũng đã phải xây thêm nhiều trung tâm rộng rãi đầy đủ tiện nghi để tổ chức các hội nghị, các lễ hội, các buổi hòa nhạc, đại hội thánh nhạc, văn hóa và thể thao.
Từ sau Công Đồng Chung Vaticăng II Hội Đồng Giám Mục Pháp chọn Lộ Đức làm nơi nhóm đại hội thường niên, cũng như nơi tổ chức Đại Hội Thánh Thể quốc tế 1981. Đáng lý ra đã có sự tham dự của Đức Gioan Phaolô II, nhưng vụ mưu sát ngày 13 thlang 5 năm 1981 đã khiến cho ngài không thể có mặt. Bù lại Đức Gioan Phaolô II đã đến hành hương Lộ Đức ngày 15 tháng 8 năm 1983.
Sự hiện diện của Mẹ Maria Vô Nhiễm tại Lộ Đức rất là kín đáo. Bức tượng Đức Mẹ tại Hang Đá được khánh thành ngày 4 tháng 4 năm 1864 liên tục nhắc nhớ sự hiện diện của Mẹ. Tượng bằng cẩm thạch Carrara do ông Fabisch tạc theo lời tả của chị Bernadette, nhưng đã không khiến cho chị hài lòng. Thay vì là một thiếu nữ tươi trẻ đơn sơ, thì ông đã biến Đức Mẹ thành một Bà Lớn trong nghệ thuật điêu khắc cổ điển.
Ngay chính giữa quảng trường có một tượng khác của Đức Mẹ đặt trên cột cao giữa vườn hoa. Nhưng sự hiện diện của Mẹ còn được nhắc nhở bởi hai vương cung thánh đường chồng lên nhau chính giữa là nhà thờ hầm, nơi có gắn các bảng khắc Kinh Kính Mừng bằng hàng trăm thứ tiếng khác nhau, trong đó có tiếng Việt. Đây cũng là nơi đặt Mình Thánh Chúa cho tín hữu chầu liên lỉ. Nhà thờ hầm là phần cổ nhất bắt đầu xây năm 1863 và hoàn thành năm 1866, bên trên Hang Đá Massabielle.
Vương cung thánh đường Vô Nhiễm Nguyên Tội tức nhà thờ bên trên, do kiến trúc sư Violet-le-Duc khởi công xây năm 1866 và hoàn thành năm 1871, dài 51 mét rộng 21 mét, có 600 chỗ ngồi, với tháp chuông cao 70 mét, bên trên có chiếc đồng hồ bằng đồng, điểm giờ với nhạc của kinh Kính Mừng. Bên trong vương cung thánh đường có 12 bàn thờ cạnh được trang hoàng bằng các cờ của các đoàn hành hương. Các kính mầu bên trên diễn tả các cảnh Cựu Ước cho tới việc định nghĩa tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. 23 kính mầu bên dưới kể lại câu chuyện Đức Mẹ hiện ra với chị Bernadette và cảnh đội triều thiên cho tượng Đức Mẹ, đặt cạnh cung thánh năm 1876.
Vương cung thánh đường bên dưới, tức vương cung thánh đường Đức Mẹ Mân Côi được xây giữa các năm 1874-1887. Trên cửa vào có tượng nổi Đức Mẹ bồng Chúa Giêsu đang ban chuỗi Mân Côi cho thánh Đa Minh. Bên trong nhà thờ có hình thánh giá Hy Lạp, với bốn cánh đều nhau mỗi cánh dài 50 mét, kiến trúc theo kiểu roman bisantin. Nhà thờ có các bức khảm đá mầu rất đẹp diễn tả 15 mầu nhiệm kinh Mân Côi và trong cung thánh là bức khảm đá mầu Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội rất lớn. Bên trên vương cung thánh đường là mái tròn có vương miện và thánh giá mạ vàng.
Năm 2007 mặt tiền vương cung thánh đường được trang hoàng thêm nhiều bức khảm đá mầu diễn tả các biểu tượng bánh, dầu, rượu và nước và các bức khảm đá mầu kể lại một số cảnh trong cuộc đời Chúa Giêsu.
Phía dưới bên trái là thánh Gioan Tẩy Giả, Chúa Giêsu lãnh phép rửa; chính giữa tiệc cưới tại làng Cana, Chúa Giêsu với vết thương cạnh sườn và Đức Mẹ. Bên phải cảnh Chúa hiển dung trên núi Tabor.
Phía bên trên: loan báo Nước Trời và kêu mời hoán cải; Chúa Kitô phục sinh hiện ra với 10 Tông Đồ; Ba Tông Đồ Phêrô, Giacôbê và Gioan nhận Mình Thánh Chúa; các Tông Đồ với tay dấu bên trong áo choàng, Giuđa cầm túi tiền; Chúa Giêsu chữa người bất toại.
Để đáp ứng nhu cầu của các đoàn hành hương quốc tế năm 1958 Đức Cha Théas, Giám Mục Lộ Đức đã cho xây thêm vương cung thánh đường Pio rộng mênh mông. Vương cung thánh đường nằm bên dưới lòng đất có bàn thờ ở chính giữa có thể chứa được 20.000 người. Đây là nơi cử hành thánh lễ quốc tế bằng nhiều thứ tiếng khác nhau. Hai bên có hai màn hình lớn để tín hữu có thể theo dõi lễ nghi phụng vụ dễ dàng hơn.
Bên kia bở sông Gave ở đầu cánh đồng cỏ đối diện với Hang Đá Đức Mẹ là nhà thờ kính thánh nữ Bernadette, dài 100 mét rộng 80 mét, hình thao trường, có 5.000 chỗ ngồi, được khánh thành năm 1988. Hai bên nhà thờ có nhiều phòng họp. Bên trong nhà thờ có vách ngăn đôi để trong trường hợp cần hai đoàn hành hương có thể cử hành các nghi thức phụng vụ trong cùng một lúc. Bên cạnh nhà thờ thánh nữ Bernadette có một nhà nguyện nơi tín hữu có thể chầu Mình Thánh Chúa suốt ngày. Nhà nguyện này được khánh thành năm 1995.
Đối diện với Hang Đá bên kia sông Gave là đồng cỏ trống có thể chứa tới 200.000 người trong các dịp đặc biệt như các thánh lễ do Đức Gioan Phaolô II cử hành trong hai lần viếng thăm Lộ Đức năm 1983 và 2004.
(Thánh Mẫu Học bài 340)
Linh Tiến Khải