** Các chương cuối cùng của sách Tông Đồ Công Vụ cho thấy lời Chúa Giêsu nói với ông Khanania sau khi kêu gọi Phaolô từ từ được hiện thực: “”Con cứ đi, vì người ấy là lợi khí Ta chọn để mang danh Ta đến trước mặt các dân ngoại, các vua chúa và con cái Ít-ra-en. Thật vậy, chính Ta sẽ chỉ cho người ấy thấy tất cả những đau khổ người ấy phải chịu vì danh Ta.”. Sau bao năm bôn ba truyền giáo và làm chứng cho Chúa Kitô phục sinh và Tin Mừng của Chúa giờ đây Phaolô bị bắt bớ và phải ra trước Hội đồng Do thái và chính quyền Roma. Các chương 24 -26 sách Công Vụ kể rằng: “Năm ngày sau, thượng tế Kha-na-ni-a xuống Xê-da-rê cùng với một số kỳ mục và một trạng sư tên là Téc-tu-lô. Họ đến kiện ông Phao-lô trước toà tổng trấn. Ông Phao-lô bị gọi ra toà, và ông Téc-tu-lô bắt đầu tố cáo như sau: “Thưa ngài Phê-lích đáng kính, nhờ ngài chúng tôi được sống trong cảnh thái bình; nhờ ngài ân cần săn sóc, dân tộc này được hưởng nhiều cải cách. Ở đâu và lúc nào chúng tôi cũng đón nhận những ân huệ ấy với tất cả lòng biết ơn. Nhưng để khỏi quấy rầy ngài thêm, chúng tôi sẽ trình bày vắn tắt vụ việc như sau, xin ngài nghe với tấm lòng khoan hậu sẵn có. Số là chúng tôi đã bắt gặp tên này, một thứ ôn dịch, chuyên gây bạo loạn giữa mọi người Do-thái trong thiên hạ, và là đầu sỏ phái Na-da-rét. Y còn mưu toan xúc phạm đến Đền Thờ, và chúng tôi đã bắt y. Chúng tôi muốn xử y chiếu theo Luật của chúng tôi, nhưng viên chỉ huy Ly-xi-a đã can thiệp, dùng bạo lực mà giật y khỏi tay chúng tôi, và truyền cho những người tố cáo y phải đến trước toà ngài.Tra hỏi y, ngài sẽ có thể biết rõ về mọi điều chúng tôi tố cáo y.” Người Do-thái tán đồng và quả quyết là đúng như vậy.
Tổng trấn ra hiệu bảo ông Phao-lô nói, ông liền đáp: “Tôi biết rằng đã từ nhiều năm, ngài cầm cân nảy mực cho dân tộc này, nên tôi sung sướng biện hộ cho mình. Chính ngài có thể biết rõ: tôi lên Giê-ru-sa-lem hành hương đến nay chưa quá mười hai ngày. Trong Đền Thờ, trong các hội đường cũng như trong thành phố, người ta đã không bắt gặp được tôi thảo luận với ai hay sách động đám đông. Họ cũng không thể đưa ra cho ngài bằng chứng về những điều bây giờ họ tố cáo tôi.
** “Tuy nhiên, tôi xin công nhận với ngài điều này: tôi phụng thờ Thiên Chúa của cha ông chúng tôi theo Đạo mà họ gọi là bè phái; tôi tin mọi điều chép trong sách Luật Mô-sê và sách Các Ngôn Sứ. Tôi đặt nơi Thiên Chúa niềm hy vọng này, như chính họ cũng hy vọng, là người lành và kẻ dữ sẽ sống lại. Vì thế, cả tôi nữa, tôi cố gắng để trước mặt Thiên Chúa và người ta, lương tâm tôi không có gì đáng chê trách.
“Sau nhiều năm, tôi về Giê-ru-sa-lem để đem tiền cứu trợ cho dân tộc tôi và để dâng lễ phẩm lên Thiên Chúa. Chính lúc đó họ bắt gặp tôi trong Đền Thờ, sau khi tôi làm nghi lễ tẩy uế, không có tụ tập đám đông, cũng không gây ồn ào chi cả. Có mấy người Do-thái từ A-xi-a đến. Đáng lẽ họ phải ra trình diện với ngài mà tố cáo tôi, nếu như họ có điều gì chống tôi. Hoặc những người đang có mặt đây cứ nói xem: khi tôi ra trước Thượng Hội Đồng, họ đã tìm thấy điều gì phạm pháp? Phải chăng là lời duy nhất tôi đã hô lên khi đứng giữa họ: chính vì sự phục sinh của kẻ chết mà hôm nay tôi bị các ông đưa ra xét xử? “
Ông Phê-lích là người biết rất chính xác về Đạo, ông hoãn vụ án lại và nói: “Khi nào viên chỉ huy Ly-xi-a xuống, tôi sẽ xét vụ kiện của các người.” Ông truyền cho viên đại đội trưởng giam ông Phao-lô, nhưng cho ông hưởng chế độ dễ dãi và không ngăn cấm thân nhân nào đến giúp đỡ ông.
Ít ngày sau, ông Phê-lích cùng đến với vợ là bà Đơ-ru-xi-la, người Do-thái. Ông cho vời ông Phao-lô đến và nghe ông nói về lòng tin vào Đức Ki-tô Giê-su. Nhưng khi ông Phao-lô biện luận về đức công chính, sự tiết độ và cuộc phán xét mai sau, thì ông Phê-lích phát sợ nên nói: “Bây giờ ông có thể lui ra. Khi nào tiện dịp, tôi sẽ cho gọi ông đến.” Một trật, ông cũng hy vọng ông Phao-lô đút lót; vì thế ông năng cho vời ông Phao-lô đến nói chuyện.
Mãn hạn hai năm, ông Phê-lích được ông Po-ki-ô Phét-tô đến thay thế. Vì muốn được lòng người Do-thái, ông Phê-lích cứ để ông Phao-lô ở lại trong tù.
Ba ngày sau khi nhậm chức, tổng trấn Phét-tô từ Xê-da-rê lên Giê-ru-sa-lem. Các thượng tế và thân hào Do-thái đến kiện ông Phao-lô. Họ khẩn khoản xin tổng trấn một ân huệ để hại ông Phao-lô, là đưa ông về Giê-ru-sa-lem, vì họ đang chuẩn bị một cuộc mai phục để giết ông dọc đường. Nhưng ông Phét-tô đáp rằng ông Phao-lô đang bị giam giữ ở Xê-da-rê, còn chính ông cũng sắp sửa về đó ngay. Ông lại thêm: “Những ai trong các ông có đủ tư cách, hãy cùng xuống đó với tôi, và nếu đương sự có gì sai trái thì cứ việc tố.”
** Sau khi ở lại Giê-ru-sa-lem không quá tám hay mười ngày, ông xuống Xê-da-rê. Hôm sau ông ra ngồi toà và truyền điệu ông Phao-lô đến. Ông Phao-lô vừa tới, thì những người Do-thái từ Giê-ru-sa-lem xuống đã vây quanh ông: họ tố cáo ông nhiều tội, mà toàn là tội nặng, nhưng họ không thể minh chứng. Ông Phao-lô tự biện hộ: “Tôi không có tội gì đối với Lề Luật Do-thái, đối với Đền Thờ hay hoàng đế Xê-da.” Ông Phét-tô muốn được lòng người Do-thái nên đề nghị với ông Phao-lô: “Ông có muốn lên Giê-ru-sa-lem để được xử tại đó trước mặt tôi về những lời tố cáo này không? ” Nhưng ông Phao-lô đáp: “Tôi đang đứng trước toà án của hoàng đế Xê-da, tôi phải được xử tại đó. Tôi đã không làm gì hại người Do-thái, như chính ngài thừa biết. Nếu quả thật tôi có tội, nếu tôi đã làm điều gì đáng chết, thì tôi không xin tha chết. Nhưng nếu những điều tố cáo của các người này là vô căn cứ, thì không ai có quyền nộp tôi cho họ. Tôi kháng cáo lên hoàng đế Xê-da! ” Bấy giờ ông Phét-tô bàn với hội đồng tư vấn, rồi trả lời: “Ông đã kháng cáo lên hoàng đế Xê-da, thì ông sẽ lên hoàng đế Xê-da.”
Ít ngày sau, vua Ác-ríp-pa và bà Béc-ni-kê đến Xê-da-rê chào mừng ông Phét-tô. Vì hai người ở lại đó nhiều ngày, ông Phét-tô mới đem vụ ông Phao-lô ra trình bày với nhà vua. Ông nói: “Ở đây có một người tù ông Phê-lích để lại. Khi tôi tới Giê-ru-sa-lem, các thượng tế và các kỳ mục Do-thái đến kiện và xin tôi kết án người ấy. Tôi đã trả lời họ rằng người Rô-ma không có lệ nộp bị cáo nào, trước khi đương sự ra đối chất với nguyên cáo, và được cơ hội biện hộ về lời tố cáo. Vậy họ cùng đến đây với tôi, và không chút trì hoãn, ngày hôm sau tôi ra ngồi toà và truyền điệu đương sự đến. Đứng quanh đương sự, các nguyên cáo đã không đưa ra một tội trạng nào như tôi tưởng. Họ chỉ tranh luận với ông ta về một số vấn đề liên quan đến tôn giáo riêng của họ, và liên quan đến một ông Giê-su nào đó đã chết, mà Phao-lô quả quyết là vẫn sống. Phần tôi, phân vân trước cuộc tranh luận về những chuyện ấy, tôi hỏi xem ông ta có muốn đi Giê-ru-sa-lem để được xử tại đó về vụ này không. Nhưng Phao-lô đã kháng cáo, xin dành vụ này cho Thánh Thượng xét xử, nên tôi đã ra lệnh giữ ông ta lại cho đến khi giải lên hoàng đế.” Bấy giờ vua Ác-ríp-pa nói với ông Phét-tô: “Tôi cũng muốn được nghe ông ta nói.” Ông Phét-tô trả lời: “Ngày mai ngài sẽ được nghe.”
Vậy hôm sau vua Ác-ríp-pa và bà Béc-ni-kê tiến vào công đường cách rất long trọng, cùng với các sĩ quan chỉ huy cơ đội và các người có chức vị trong thành phố. Theo lệnh của ông Phét-tô, người ta điệu ông Phao-lô đến. Ông Phét-tô nói: “Kính thưa đức vua Ác-ríp-pa và toàn thể quý vị có mặt ở đây với chúng tôi, quý vị thấy người này: toàn thể cộng đồng Do-thái đã đến gặp tôi, ở Giê-ru-sa-lem cũng như ở đây, về việc của đương sự. Họ la lên rằng đương sự không được phép sống nữa. Phần tôi, tôi không thấy đương sự đã làm gì đáng chết; nhưng vì chính đương sự đã kháng cáo lên thánh thượng, nên tôi đã quyết định giải về kinh. Về vụ của đương sự, tôi không có gì chắc chắn để tâu lên chúa thượng. Vì thế tôi đã đưa đương sự ra trình diện quý vị, và nhất là ngài, kính thưa đức vua Ác-ríp-pa, để sau lần tra hỏi này, tôi sẽ có gì để tâu. Vì thiết tưởng giải tù nhân lên, mà không nói rõ đương sự bị tố cáo về những tội gì, thì thật là vô lý.”
** Vua Ác-ríp-pa nói với ông Phao-lô: “Ông được phép tự bào chữa.” Ông Phao-lô bèn giơ tay ra tự biện hộ:
“Kính thưa đức vua Ác-ríp-pa, tôi lấy làm sung sướng vì hôm nay sắp được tự biện hộ trước mặt ngài, về mọi điều người Do-thái tố cáo tôi, nhất là vì ngài am hiểu tất cả những tục lệ và những chuyện tranh luận giữa người Do-thái. Bởi thế, xin ngài kiên nhẫn nghe tôi nói.
“Tôi đã sống như thế nào từ hồi niên thiếu, ngay từ đầu, giữa dân tộc tôi và tại Giê-ru-sa-lem, điều đó mọi người Do-thái đều rõ. Từ lâu họ đã biết, và nếu muốn, họ có thể làm chứng rằng tôi đã sống theo phái nghiêm nhặt nhất trong tôn giáo chúng tôi, tức là phái Pha-ri-sêu. Và giờ đây tôi bị đưa ra toà chính là vì hy vọng điều Thiên Chúa đã hứa cho cha ông chúng tôi. Mười hai chi tộc chúng tôi ngày đêm kiên trì thờ phượng Chúa, hy vọng thấy lời hứa ấy được thực hiện. Kính thưa đức vua, chính vì niềm hy vọng đó mà tôi bị người Do-thái tố cáo. Sao trong quý vị lại có người cho rằng việc Thiên Chúa làm cho kẻ chết sống lại là chuyện không thể tin được?
“Về phần tôi, trước kia tôi nghĩ rằng phải dùng mọi cách để chống lại danh Giê-su người Na-da-rét. Đó là điều tôi đã làm tại Giê-ru-sa-lem. Được các thượng tế uỷ quyền, chính tôi đã bỏ tù nhiều người trong dân thánh; và khi họ bị xử tử, tôi đã bỏ phiếu tán thành. Nhiều lần tôi đã rảo khắp các hội đường, dùng cực hình cưỡng bức họ phải nói lộng ngôn. Tôi đã giận dữ quá mức đến nỗi sang cả các thành nước ngoài mà bắt bớ họ.
“Thế là sau khi được các thượng tế trao quyền và uỷ nhiệm, tôi lên đường đi Đa-mát. Kính thưa đức vua, đang khi đi đường, vào lúc trưa, tôi đã thấy một luồng ánh sáng chói lọi hơn mặt trời, từ trời chiếu toả xuống chung quanh tôi và các bạn đồng hành. Tất cả chúng tôi đều ngã nhào xuống đất, và tôi nghe có tiếng nói với tôi bằng tiếng Híp-ri: “Sa-un, Sa-un, tại sao ngươi bắt bớ Ta? Đá lại mũi nhọn thì khốn cho ngươi! Tôi hỏi: “Thưa Ngài, Ngài là ai? Chúa đáp: “Ta là Giê-su mà ngươi đang bắt bớ. Nhưng ngươi hãy chỗi dậy, đứng thẳng lên. Ta hiện ra với ngươi là để chọn ngươi làm đầy tớ và làm chứng nhân về những điều ngươi đã thấy, cũng như những điều Ta sẽ hiện ra mà tỏ cho ngươi biết. Ta sẽ cứu ngươi thoát khỏi tay dân Do-thái và các dân ngoại: Ta sai ngươi đến với chúng để mở mắt cho chúng, khiến chúng rời bóng tối mà trở về cùng ánh sáng, thoát khỏi quyền lực Xa-tan mà trở về cùng Thiên Chúa. Như vậy, nhờ tin vào Ta, chúng sẽ được ơn tha tội và được hưởng phần gia tài cùng với các người đã được thánh hiến.”
TMH 516
Linh Tiến Khải
RV