Loạt bài dài về nguồn gốc và ý nghĩa của Kinh Mân Côi đã giúp chúng ta hiểu Kinh Mân Côi là lời cầu đơn sơ, bao gồm ba lời kinh mà mọi Kitô hữu đều thuộc: Kinh Lậy Cha, Kinh Kính Mừng và Kinh Sáng Danh.
Kinh Mân Côi là lời kinh của người nghèo, vì là lời kinh ưa thích của các tâm hồn khiêm hạ, nhưng nhất là bởi vì nó là lộ trình dẫn đưa tín hữu tới sự đơn sơ và tinh thần nghèo khó.
Kinh Mân Côi là lời kinh chiêm niệm, vì nó là trường dậy tín hữu biết chiêm ngắm các mầu nhiệm chính trong cuộc đời của Chúa Giêsu Kitô Cứu Thế.
Kinh Mân Côi là lời kinh giảng dậy, vì nó là phương pháp sư phạm đơn sơ và bình dân giúp giảng giáo lý và trình bầy đức tin.
Kinh Mân Côi là lời kinh theo tiết nhịp của cuộc sống thường ngày, vì giúp tín hữu vun trồng lòng yêu mến sùng mộ thân tình với Mẹ Thiên Chúa để cùng Mẹ bước vào trong các mầu nhiệm của Chúa Kitô con Mẹ, và sống các mầu nhiệm ấy để được biến đổi.
Kinh Mân Côi là lời kinh sáng tạo, vì nó giúp chúng ta kiểm thực mức độ lòng tin và tương quan của chúng ta với Chúa Kitô trong tư tưởng lời nói và việc làm.
Sau cùng Kinh Mân Côi là lời kinh dẫn đưa chúng ta vào trong phụng vụ cử hành các mầu nhiệm cứu độ của Chúa Kitô, được dưỡng nuôi bằng Thánh Kinh, bởi vì Kinh Mân Côi cũng chiêm niệm cùng các mầu nhiệm ấy.
Việc canh tân thánh mẫu học, do sự thức tỉnh của các khoa kinh thánh, giáo phụ và giáo hội học, đã đem đến cho Kitô giáo một sự phong phú vĩ đại. Nó cũng tạo ra các ảnh hưởng tốt trong nền thánh mẫu học, và giúp Kitô hữu tái khám phá ra chân dung Mẹ Maria như mẫu gương của cuộc sống Kitô. Các phong trào này đã làm nảy sinh ra phương pháp tìm hiểu biện chứng, đối nghịch và phân biệt, để sau đó đi tới chỗ tổng kết và hiệp nhất.
Khi đặt để Lời Chúa vào chỗ nhất, phong trào kinh thánh đã giúp trông thấy nơi Đức Maria người được chúc phúc ”vì đã tin”. Nó không chỉ vén mở cho thấy nhiệm vụ quan phòng của Mẹ Chúa trong chương trình cứu độ và ơn gọi của Mẹ, mà cũng còn trình bày với chúng ta Đấng là người đầu tiên đã nhận lãnh và nhập thể ơn Tin Mừng. Trong Kinh Mân Côi chúng ta được liên tục mời gọi lắng nghe Lời Chúa và chiêm ngắm các kỳ công Chúa làm cho loài người chúng ta.
Phong trào giáo phụ đã đặt để đề tài nhập thể lên hàng đầu, và đây là đề tài nổi bật trong Kinh Mân Côi.
Phong trào giáo hội học thì đặt để Mẹ Maria ở trọng tâm của Giáo Hội như là ”hình ảnh và mẫu gương”, và đã đưa ra ánh sáng nhiệm vụ không thể thay thế được của Mẹ. Kinh Mân Côi là trường học, nơi tín hữu học với Mẹ Maria và noi gương Mẹ sống mầu nhiệm cứu độ.
Phong trào phụng vụ đã đưa lòng sùng mộ Mẹ Maria trở về với một sự trung thực và một tương quan nòng cốt với các mầu nhiệm của Chúa Kitô. Kinh Mân Côi là việc thực hành đạo đức trung thành đồng thuận với phụng vụ thánh. Học giả Bouyer khẳng định rằng: ”Hơn tất cả mọi việc thực hành đạo đức khác, Kinh Mân Côi chắc chắn là việc thực hành đạo đức có thể được tái sinh và đuyệt xét trở lại dưới ánh sáng của phụng vụ. Sự đơn sơ của nó, bầu khí tinh tuyền và chiêm niệm tin mừng của nó khiến cho Kinh Mân Côi là một con đường dễ dàng để trải dài việc chiêm niệm phụng vụ ra trong suốt cuộc sống thường ngày” (L. Bouyer, La vie de la liturgie, Ed. Cerf, Paris 1960,308).
Các thành kiến đối với các việc sùng mộ nói chung, và một cách đặc biệt đối với Kinh Mân Côi, từ từ rơi rụng, trong khi người ta chiếm hữu được sự sáng suốt và khách quan lớn hơn đối với Kinh Mân Côi. Đối với vài khía cạnh điều này cho thấy rõ cuộc khủng hoảng mà Kinh Mân Côi phải chịu. Nó đã không được dung tha bởi men của các thời đại sau này cũng như lời cầu nguyện cộng đoàn và riêng tư đã không được dung tha. Các cộng đoàn tín hữu có truyến thống gắn bó với Kinh Mân Côi như tại Ailen, Italia, châu Mỹ Latinh và Tây Ban Nha vv… cũng đã gánh chịu hậu qủa của cuộc khủng hoảng này.
Trong nguồn gốc của nó có nhiều lý do, nhưng có thể tập trung chúng vào trong hai đặc thái sau đây: thứ nhất là cuộc khủng hoảng của lời cầu nguyện sùng kính, trầm trọng vì sự tục hóa và các chủ thuyết nhân bản mới bị ý thức hệ hóa; thứ hai, cuộc khủng hoảng của lòng tôn sùng Mẹ Maria là bối cảnh sống còn tự nhiên của Kinh Mân Côi. Cuộc khủng hoảng còn đả thương Kinh Mân Côi trong cấu trúc của nó là lời cầu nguyện thầm trong trí và đọc lớn tiếng bên ngoài, trong cái khó khăn của việc suy ngắm và trong sự từ chối việc lập đi lập lại một lời kinh, bị tố cáo là máy móc vô hồn. Các khó khăn này có tầm nghiêm chỉnh của chúng, và không thể trả lời với các kiểu nói quen thuộc được.
Cần phải đọc hiểu cuộc khủng hoảng này trên hai chiều kích: một chiều kích triệt để hơn liên quan tới cuộc khủng hoảng của việc cầu nguyện, và một chiều kích mà chúng ta có thể định nghĩa là chuyên biệt hơn, khiến cho người ta coi Kinh Mân Côi là một lời kinh máy móc, khô khan, nhàm chán, không sống động.
Liên quan tới khía cạnh thứ nhất chỉ cần nói rằng không phải cải tổ Kinh Mân Côi là có thể đem lại giải pháp cho cuộc khủng hoảng của việc cầu nguyện. Trong khi các cố gắng cập nhật hóa muốn minh nhiên các khó khăn tâm lý và thực tế, mà người ta cảm thấy đối với Kinh Mân Côi từ phía những người vẫn còn yêu thích lần hạt Mân côi.
Thật ra, tại nhiều nơi bên cạnh kiểu lần hạt Mân Côi truyền thống, vì các lo lắng mục vụ người ta cũng đã bắt đầu các hình thức lần hạt Mân Côi khác, có mục đích chính xác là dành ưu tiên cho sức mạnh của Kinh Mân côi và cho thấy rõ ràng quyền năng định đoạt của chính nó. Chẳng hạn trong các hình thức mới này có việc đọc các văn bản kinh thánh liên quan tới các mầu nhiệm suy gẫm. Nghĩa là không chỉ tóm tắt mầu nhiệm mà đọc chính bản văn kinh thánh trình bầy mầu nhiệm đó. Thế rồi việc đọc Kinh Kính Mừng được rút ngằn lại chỉ giữ lại phần đầu, tức lời Thiên Thần Gabriel chào Đức Trinh Nữ mà thôi. Còn phần hai của Kinh Kính Mừng chỉ được đọc vào cuối chục kinh, để nhấn mạnh vẻ đẹp của lời khẩn cầu luôn luôn diễn tả lòng sùng mộ của Giáo Hội đối với Đức Trinh Nữ, và là lời khẩn nài tín hữu dâng lên Mẹ, sau khi đã suy ngắm mầu nhiệm cuộc đời của Chúa.
Như thế, được tóm tắt các ước khoản giúp ghi nhớ, mà thánh Alberto thành Castello đã kinh nghiệm và tóm tắt các ý chỉ cầu nguyện với những khoảng thinh lặng. Sự thinh lặng cần thiết phải được đánh giá trở lại trong phụng vụ và cả trong các buổi lần hạt Mân Côi nữa. Kinh Lậy Cha và Kinh Vinh Danh có thể được hát, và như thế làm sống dậy tính cách ca đoàn của việc cầu nguyện. Trong hình thái mới này bản chất Kinh Mân Côi vẫn nguyên vẹn, nhưng tín hữu chỉ muốn trải rộng cái nhìn chiêm niệm ra để được thấm nhuần các mầu nhiệm của Chúa nhiều hơn. Ngoài ra cũng có các buổi lần hạt Mân Côi trước Chúa Giêsu Thánh Thể, và theo sau đó là buổi Chầu Mình Thánh Chúa.
Có một hình thái canh tân khác nữa đó là việc cử hành Kinh Mân Côi trong hình thái của buổi cử hành Lời Chúa. Tuy không phải là phụng vụ chính cống nhưng nó rút tiả ra các linh hứng từ phụng vụ và được thích ứng vào đó. Nghĩa là bắt đầu buổi đọc Kinh Mân Côi bằng cách chuẩn bị tâm hồn tín hữu tham dự vào một cách cá nhân và sống động hơn theo các thời gian phụng vụ khác nhau, và kéo dài các hiệu qủa của nó trong nội tâm. Dưới hình thức này người ta thấy rõ hơn vai trò của Kinh Mân Côi nhằm trợ giúp tín hữu chuẩn bị cho các chu kỳ phụng vụ trong năm như Mùa Vọng – Mùa Giáng Sinh, Mùa Chay – Mùa Phục Sinh và lễ Chúa Thánh Thàn hiện xuống. Nhưng đây vẫn còn là hình thái thử nghiệm.
Còn có một hình thái khác gọi là ”Kinh Mân Côi sống” trong gia đình hay trong cộng đoàn. Mỗi một thành phần trong gia đình hay nhóm hoặc cộng đoản nhận suy niệm một mầu nhiệm và lần một chục trong chuỗi Mân Côi. Như thế, nếu gia đình hay nhóm có 5 người, thì tuy không lần hết 50 chục kinh, nhưng vì đã đồng ý hiệp nhất với nhau trong ngày nên cũng đã được một chuỗi Mân Côi rồi.
Khó mà có thể thấy trước được con đường tương lai, nhưng chúng đã được chấp thuận. Tuy nhiên, cũng có các hình thức thử nghiệm làm sai lạc tinh thần của lời kinh này, hay với việc bỏ hoàn toàn yếu tố kinh cầu, hoặc với phần giải thích suy niệm và giảng giải kinh thánh qúa dài hoặc gia tăng các mầu nhiệm vv… Các nỗ lực này có thể làm sai lac tinh thần của Kinh Mân Côi như đã được hình thành qua một tiến trình lịch sử rất dài.
(Thánh Mẫu Học bài số 374)
Linh Tiến Khải
Nguồn: RV