Ngày 11/6/2013 linh mục Pascal Vesin 43 tuổi thuộc giáo phận Annecy ( Pháp ) đã bị …treo chén vì hoạt động cho hội quán ( Massonic Lodge ) Grand Orient. Vị này tuyên bố rằng ông không coi việc theo Tam Điểm là chống Giáo Hội đồng thời cho rằng hành động của mình là biểu hiện sự tự do tuyệt đối về lương tâm Công giáo. Người Công giáo, hơn nữa lại là linh mục mà theo Tam Điểm thì rõ ràng là đã chống lại Giáo Hội chứ còn gì nữa ? Tuy nhiên việc chống hay tại sao lại phải chống Tam Điểm đối với người Công giáo đó thực sự vẫn là một vấn đề không đơn giản.
Tam Điểm là một hội kín và hơn nữa nó còn là một tôn giáo với đầy đủ những hình thức lễ nghi “ Giáo hội Công giáo có nhiều khó khăn với Tam Điểm bởi vì nó thực sự là một tôn giáo riêng biệt. họ có đền thờ, bàn thờ luật đạo nghi lễ thờ phượng, áo lễ, ngày lễ, một hệ thống phẩm trật, có nghi lễ nhập môn và mai táng, hứa hẹn phần thưởng đời đời cùng với sự trừng phạt. Trong khi ở Mỹ hầu hết các hội viên Tam Điểm là Ki Tô Hữu cho nên một quyển Kinh Thánh thường được trưng bày trên bàn thờ của họ. Nhưng ở những nơi khác người Do Thái người hồi giáo hoặc tôn giáo ngoài Ki Tô giáo khác có thể được thu nhận và có thể sử dụng Sách Thánh riêng của mình. ở Pháp vào năm 1877 hội quán Grand Orient loại bỏ sự cần thiết phải tin vào Thiên Chúa hoặc sự bất tử của linh hồn do đó thừa nhận người vô thần vào hội của họ. Những hội Tam Điểm vô thần này đang đặc biệt lan tràn ở các nước Châu Mỹ La Tinh” ( Nguồn Vietcatholic News – 12/8/2013 – Trần Mạnh Trác – Người Công giáo và Hội Tam Điểm ).
Nhận định về Tam Điểm chúng ta cần phân biệt thành hai dạng. Một dạng hữu thần và một dạng vô thần. Coi là hữu thần bởi Tam Điểm có những nghi lễ như vừa kể trên. Còn vô thần là bởi nó không chấp nhận bất cứ một thứ Thánh Thần nào mà duy chỉ có Lý Trí ( Duy Lý ). Mặc dầu có vẻ khác biệt thế nhưng thật sự ẩn sau nó vẫn chỉ có một …Chúa là Sa Tan điều khiển.
Bởi lẽ Tam Điểm do Sa Tan điều khiển thế nên mục đích cuối cùng của nó là triệt hạ Đạo Công giáo. Sự triệt hạ có thể thực hiện dưới hình thức một thứ Tam Điểm hữu thần mang màu sắc tôn giáo “ Các nghi lễ của họ làm sai lạc hoàn toàn những ý nghĩa của Ki Tô giáo. Thập giá được họ sử dụng làm một biểu tượng của thiên nhiên và sự sống đời đời chứ không phải là sự cứu chuộc của Chúa Ki Tô cho tội lỗi. Chữ INRI đối với Ki Tô Hữu là “ Jesus Nazarenus Rex Judaeorum tức là Chúa Giê Su thành Nazareth vua dân Do Thái. Nhưng với Tam Điểm nó lại có nghĩa là Igne Natura Renovatus Integra ( Ngọn lửa của thiên nhiên làm hồi sinh ngọn lửa thiêng của nhân loại cũng giống như mặt trời tái tạo thiên nhiên trong mùa xuân” ( Nguồn Vietcatholic News đã dẫn ).
Sự chống phá của Tam Điểm đối với Công giáo ở chỗ nó thay biểu tượng của thập giá là Chúa Giê Su Đấng Cứu Độ bằng ngọn lửa của thiên nhiên làm hồi xuân tất cả. Không có Chúa Giê Su bị chết treo trên thập tự giá thì nhân loại không thể có Ơn Cứu Độ “ Ngoài sự đổ máu thì không thể có ơn tha thứ” ( Dt 9, 22 ).
Thay Chúa Giê Su chết treo trên thập giá bằng ngọn lửa của thiên nhiên. Đây là thâm ý của Tam Điểm và thâm ý này có mục đích là để phá đổ mạc khải của Đức Ki Tô về Đấng Cha. Sự phá đổ ấy đã được thực hiện bằng cách là thay thế Đấng Cha do Đức Ki Tô mạc khải bằng Đấng Thần Linh Tạo Hoá mà người Tam Điểm gọi là Kiến Trúc Sư vĩ đại của vũ trụ. “ James Anderson ( mất năm 1739 ). Là một đại sư phụ của Tam Điểm và cũng là một mục sư người Scotland đã viết cuốn Sách Hiến Pháp trong đó ông giả tạo ra một lịch sử của Tam Điểm nay được gọi là lịch sử truyền thống. Người Tam Điểm ( Thợ Hồ ) cho rằng Thiên Chúa là một Kiến Trúc Sư vĩ đại đã thành lập ra hội ( Thợ Hồ ) Tam Điểm và những người như Adong và các tổ phụ là những khách hàng. Chúa Giê Su được liệt kê là Grand Master ( Đại Sư Phụ ) của Ki Tô giáo. Họ nhận rằng họ là những người đã dựng nên chiếc tàu của ông Noah, xây tháp Babel, xây các Kim Tự Tháp và đền thờ của vua Salomon” ( Nguồn Vietcatholic News đã dẫn ).
Suy cho cùng người Tam Điểm coi Thiên Chúa như là Kiến Trúc Sư vũ trụ thì cũng chẳng có chi khác với quan niệm Đấng Tạo Hoá của người Công giáo và phải chăng chính vì sự…không khác ấy mà Giáo Hội đã không khỏi lúng túng trong việc phê phán Tam Điểm ? “ Theo tinh thần của của CĐ Vatican II khi việc sửa đổi giáo luật đang được tiến hành, tinh thần thịnh thời lúc đó là Đối Thoại Đại Kết làm cho nhiều vị giám mục đặt câu hỏi là liệu Canon 2335 ( Tuyệt thông Tam Điểm ) còn có hiệu lực không ? Trả lời những câu hỏi như thế, một bức thư của đức hồng y Francis Seper tổng trưởng Thánh bộ Giáo Lý Đức Tin gửi tới tất cả các vị chủ tịch của các HĐGM ngày 18.7/1974 nói rằng Toà Thánh đã nhiều lần và đang tìm kiếm thông tin về các hoạt động hiện đại của Tam điểm nhằm chống lại Giáo Hội từ các giám mục. Trong khi chờ đợi sự sửa đổi của Bộ Luật mới sẽ không có luật nào mới về vấn đề này. Tất cả các giáo luật thuộc về hình sự vẫn cần phải được hiểu đúng và cấm hàng giáo sĩ tu sĩ và các thành viên của các cơ sở dân sự của Giáo Hội gia nhập Tam Điểm” ( Nguồn Vietcatholic News đã dẫn ).
Sở dĩ có sự lúng túng ấy là bởi một đàng Giáo Hội không thấy có sự khác biệt nào với chủ trương Thiên Chúa như là Kiến Trúc Sư Vũ Trụ của Tam Điểm. Một đàng lại biết rõ âm mưu chống Công Giáo của hội này. Thật ra sự lúng túng của Giáo Hội trong việc kết án Tam Điểm là điều không mấy khó hiểu. Tại sao ? Bởi vì Tam điểm với ba tiêu chí Tự Do – Bình Đẳng – Bác Ái mà nó không ngừng rêu rao đã hấp dẫn được hầu hết các nhà lãnh đạo quốc gia, những danh nhân thế giới trước đây như Isaac Newton tổng thống Hoa kỳ Geoge Washinton, Benzamin Franklin, Theodore Rossevelt v.v… và ngày nay như Cabot Lodge, Henry Kissinger hai cha con tổng thống Bust, Obama vợ chồng Clinton, John Kerry v.v…
Sức cuốn hút và ảnh hưởng của Tam Điểm vẫn không ngừng gia tăng “ Cha Manuel Guerra Gomez tác giả của 25 cuốn sách nói về các giáo phái và các chủ đề khác vừa mới xuất bản cuốn sách bằng tiếng Tây Ban Nha mang tựa đề “ Âm Mưu Của Tam Điểm”( la trama masonica ). Trong cuộc phỏng vấn với hãng tin Zenit cha khẳng định = Cách thức của Tam Điểm vốn từ bản chất là vô thần bộc lộ ra một thứ học thuyết Tương Đối về lịch sử rồi từ đó họ cổ vũ Thuyết Tương Đối về văn hoá xã hội.
Thật hợp lý khi nghĩ rằng Tam Điểm cố gieo rắc và loan truyền những nguyên tắc theo ý thức hệ của họ là Thuyết Tương Đối, chủ nghĩa vô thần và thuyết Ngộ Đạo. Nếu trên chúng ta nói Tam Điểm trở thành một thế lực quốc tế về mọi ngành chính trị văn hoá khoa học…thì rõ rệt thế lực này hiện đang khống chế Quốc Hội Âu Châu. Người ta nghĩ tới 60% dân biểu Âu Châu thuộc Tam Điểm. Do đó thực chất mà nói tất cả những đề nghị liên quan tới các vấn đề gia đình, đạo đức sinh học vốn trái ngược hẳn với giáo huấn của Giáo hội, thậm chí trái ngược với cả luật tự nhiên đều được Quốc Hội Âu Châu thông qua” ( Nguồn giaoxuvnparis.org – Bản Chất Của Tam Điểm Là Vô Thần ).
Điều nguy hại nhất Tam Điểm đã gây ra cho tôn giáo nói chung và Đạo Công Giáo nói riêng chính là ở nơi Chủ Nghĩa Tương Đối ( Relativisme ). Với thuyết này thì không có cái chi là tuyệt đối kể cả Thiên Chúa. Một khi đã không có tuyệt đối thì đương nhiên cũng chẳng thể có con đường về với Thiên Chúa Đấng là tuyệt đối. Tôn giáo cũng gọi là đạo tức con đường thực hiện tâm linh và con đường ấy không phải để dẫn đưa con người đến một nơi chốn nào đó trong thế giới hiện tượng sinh diệt này nhưng là trở về với Đấng Thiên Chúa Đấng chính là Bản Thể ( Subtance ) của mỗi người. Người Công Giáo nhờ Đức Ki Tô có được Ơn Gọi Trở Về ấy “ Chỉ có một thân thể, một Thánh Linh cũng như trong sự kêu gọi mình mà anh em đã được gọi đến một hy vọng một Chúa một đức tin một Phép Rửa một ĐCT là Cha mọi người Ngài vượt trên mọi người và ở trong mọi người” ( Eph 4, 4 -6).
Để có thể thực hiện được Ơn Gọi Trở Về ấy nhất định là phải có đức tin bởi đức tin là cánh cửa mở vào ĐẠO. Tuy nhiên cần xác định đó là đức tin nào, nếu không Con Đường Trở Về ấy sẽ không thể thành tựu. Câu trả lời ở đây đó là chúng ta cần xác tín nơi mạc khải của Đức Ki Tô “ Ngoài Cha không ai biết Con. Ngoài Con và người nào Con muốn mạc khải cũng không ai biết Cha” ( Lc 10, 22 ).
Biết Cha tức là cái biết về Thực Tại Vô Phân Biệt. Thực Tại ấy Đức Ki Tô tuỳ từng đối tượng hay trường hợp khác nhau có khi Ngài gọi là Nước Trời có khi gọi là Đấng Cha. Tuy danh có khác nhưng vẫn chỉ là một thực tại nôi tại ở nơi mỗi người bậc Thánh không tăng, kẻ phàm không giảm. Mặt khác Đức Ki Tô mạc khải về Đấng Cha cũng có nghĩa là Ngài cho chúng ta biết rằng ngoài đời sống hữu hạn sinh tử này còn có một đời sống vô hạn bất sinh bất diệt khác. Đời sống vô hạn ấy cũng chính là Sự Sống Đời Đời mà con người có thể có được do nơi nhận biết Thiên Chúa Đấng là Cha “ Hễ ai Cha đã ban cho Con thì Con ban cho họ Sự Sống Đời Đời. Còn Sự Sống Đời Đời là nhận biết Cha tức Chân Thần Duy Nhất cùng Giê Su Ki Tô mà Cha đã sai đến” ( Ga 17, 2 -3 ).
Nhận biết Cha Đấng ở nơi mình hầu có được Sự Sống Đời Đời đó là ơn gọi của người Công Giáo. Sự nhận biết Cha ấy sẽ thật là khó nếu không có Đức Ki Tô dẫn đường chỉ lối. Mặc dầu vậy cũng chẳng có chi khó miễn là chúng ta biết thực hiện những lời truyền dạy của Đức Ki Tô. Đức Maria nói với các người giúp việc “ Thầy bảo gì các ngươi hãy cứ làm theo” (Ga 2, 5 )./.
Phùng Văn Hoá