Nghi thức và thủ tục của Mật nghị bầu tân Giáo hoàng

Trong khi chờ đợi tin tức chính thức từ Vatican, về diễn biến của việc bầu cử tân Giáo hoàng, mời xem tin tức về nghi thức và thủ tục của Mật nghị bầu tân Giáo hoàng năm 2005, để chúng ta có chút ý niệm trước khi theo dõi những gì xảy ra trong cuộc bầu rất quan trọng năm nay.
Nghi thức và thủ tục của Mật nghị bầu tân Giáo hoàng năm 2005 

Nguyện đường Sistine – nơi Mật tuyển viện họp bầu tân Giáo hoàng

Sáng Thứ Bảy 16-4-2005, vị giám đốc văn phòng báo chí Toà Thánh đã phổ biến sau đây những gì liên quan đến cuộc tuyển bầu vị tân giáo hoàng của Giáo hội Công giáo Rôma vào Thứ Hai 18-4, ngay sau khi kết thúc Tuần Cửu Nhật cầu cho cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II.

“Thứ Hai, 18-4, 115 vị hồng ý thuộc 52 quốc gia đại diện cho 5 châu lục sẽ bắt đầu mật nghị đầu tiên cho thiên kỷ thứ ba của mình để tuyển bầu người kế vị Thánh Phêrô thứ 264, tức là vị Giáo hoàng thứ 265 trong lịch sử Giáo hội Công giáo.

“Các vị hồng y sẽ đến Trú viện ‘Domus Sanctae Marthae’ chiều Chúa Nhật 17-4. Tất cả các vị sẽ gặp nhau ở bữa ăn tối.

“Như đã được đề cập đến trước đây, Thánh lễ ‘cầu cho việc tuyển bầu Giáo hoàng’ sẽ được cử hành ở Đền thờ Vatican vào lúc 10 giờ sáng Thứ Hai.

“Vào lúc 4 giờ 30 chiều Thứ Hai, các vị hồng y tuyển bầu diễn hành từ Sảnh đường Chư Phúc đến Nguyện đường Sistine. Nghi thức này sẽ được thu truyền hình tại chỗ.

“Vào trong Nguyện đường Sistine rồi, tất cả mọi vị hồng y tuyển bầu sẽ tuyên thệ. Vị trưởng đoàn hồng y sẽ đọc mẫu tuyên thệ, sau đó mỗi vị hồng y, nói lên tên của mình và đặt tay trên sách Phúc Âm, tuyên bố những lời: ‘Tôi xin hứa quyết, bảo đảm và thề nguyền’.

“Trong những ngày ấy sẽ thường nói đến vấn đề buộc phải giữ mật về vấn đề tuyển bầu Giáo hoàng. Tuy nhiên, tôi xin lặp lại rằng đây chỉ là một phần của lời tuyên thệ mà thôi. Trước hết, có lời tuyên thệ về việc tuân giữ các quy định của Tông hiến Mục tử toàn thể đoàn chiên Chúa ‘Universi Dominici gregis’; rồi còn có cả lời tuyên thệ khác nữa, tôi xin trích, đó là ‘bất cứ ai trong chúng tôi, theo quan phòng thần linh, được tuyển chọn làm Giáo hoàng sẽ dấn thân trung thành thi hành vai trò là người kế vị Thánh Phêrô làm mục tử của Giáo Hội hoàn vũ’.

“Sau khi đã tuyên thệ xong, vị trưởng ban lễ nghi giáo hoàng sẽ tuyên bố ‘extra omnes’, thì tất cả những ai không tham dự mật nghị này sẽ rời Nguyện đường Sistine. Chỉ có vị trưởng ban lễ nghi giáo hoàng và ĐHY Tomas Spidlik còn ở lại tham dự việc suy niệm, sau đó, hai vị cũng phải ra khỏi Nguyện đường Sistine nữa.

“Trong cuộc mật nghị này, các vị hồng y sẽ theo lịch trình sau đây:

“Vào lúc 7 giờ 30 sáng, cử hành hay đồng tế Thánh lễ ở Trú viện Domus Sanctae Marthae. Vào lúc 9 giờ sáng các vị sẽ ở tại Nguyện Đường Sistine. Ở đây, các vị sẽ nguyện Kinh Phụng Vụ Ban Mai, và liền sau đó, việc bỏ phiếu sẽ diễn tiến theo nghi thức được quy định (2 lần vào buổi sáng và 2 lần vào buổi chiều). Vào buổi chiều, việc bỏ phiếu sẽ được bắt đầu vào lúc 4 giờ. Sau lần bỏ phiếu lần hai là Nguyện Giờ Kinh Phụng Vụ Tối.

“Sau 2 lần bỏ phiếu sáng và 2 lần bỏ phiếu chiều riêng biệt, các lá phiếu và bất cứ ghi chú nào của các vị hồng y đều được đốt đi ở một cái lò đặt trong Nguyện đường Sistine. Những dấu khói có thể xuất hiện vào khoảng 12 giờ trưa và 7 giờ tối để báo hiệu cho biết (trừ phi vị tân Giáo hoàng được tuyển chọn hoặc vào lần bỏ phiếu đầu tiên ban sáng hay lần bỏ phiếu đầu tiên ban chiều thì dấu khói sẽ được thông báo sớm hơn giờ ấn định). Dầu sao thì vấn đề được ấn định là, cùng với khói trắng bốc lên, chuông Đền thờ Thánh Phêrô cũng sẽ vang lên báo hiệu việc tuyển chọn đã hoàn tất.

 


Ống khói trên Nguyện đường họp Mật tuyển viện

Những quy định của Tông hiến Mục tử toàn thể đoàn chiên Chúa ‘Universi Dominici gregis’ liên quan tới diễn tiến của việc bỏ phiếu:

Đầu tiên số phiếu hiệu thành được qui định để vị Giáo hoàng được tuyển chọn là 2/3. Sau 3 ngày bỏ phiếu không xong, sẽ có một ngày hoàn toàn dành cho việc suy tư và cầu nguyện, không bỏ phiếu gì.

Sau đó, cuộc bỏ phiếu lại tái diễn với 7 lần bỏ phiếu nữa, rồi ngừng lại để suy nghĩ, đoạn tới 7 lần bỏ phiếu khác, rồi lại suy nghĩ và bỏ phiếu thêm 7 lần nữa. Sau đó, đa số tuyệt đối sẽ quyết định phải tiến hành ra sao, tức là, hoặc bỏ phiếu theo tuyệt đối đa số hay bỏ phiếu chọn 2 ứng viên. Điều này chỉ xảy ra sau khi các vị hồng y đã bỏ phiếu đến lần thứ 33 hay 34 mà không có kết quả gì.

“Liên quan tới lần bỏ phiếu đầu tiên vào Thứ Hai, các vị hồng y sẽ quyết định các vị có bỏ phiếu hay chăng sau khi các vị vào mật nghị buổi chiều Thứ Hai hôm đó, 18-4.

Địa điểm cho cuộc mật nghị này là Trú viện Domus Sanctae Marthae và Nguyện đường Sistine.

Các vị hồng y có thể đi bộ theo lối dọc con đường ở đằng sau Đền thờ Vatican, hay nếu muốn các vị có thể đi xe buýt. Bình thường thì lối đi này không có dân chúng. Lối vào vườn San Damaso sẽ bị niêm phong không cho ai ra vào.

Khách hành hương thăm viếng trong những ngày này sẽ không được tới tháp Đền thờ Thánh Phêrô hay các Khu Vườn Vatican.

Tuy nhiên, khách hành hương vẫn có thể đến viếng mộ của Đức Gioan Phaolô II vào những giờ Hầm Mộ Vatican mở cửa.

Các cuộc Tổng nghị Hồng y đã được kết thúc hôm nay. Ở vào cuối những cuộc họp này, tôi xin tường trình thêm 2 điều sau đây. Bầu khí của các cuộc tổng nghị này diễn ra rất thân tình. Điều này có thể cho thấy tất cả mọi vị hồng y đều cảm thấy trách nhiệm lớn lao vào lúc này. Sự kiện này đã giúp cho các vị có thể có được những đồng lòng thật sự về những đề tài tổng quát khi bàn luận với nhau.

Tôi cũng xin xác nhận là không có một tên tuổi nào đã được đề cập tới trong các lần gặp gỡ này”.

Hình trên đây là bộ phận nhỏ bằng cái hộp quẹt
được những tay thám tử sử dụng để theo dõi đối phương.

Người ta đang nghĩ rằng cuộc Mật nghị Hồng y bầu tân Giáo hoàng có thể bị đám truyền thông theo dõi bằng bộ phận thám thính này.

Ngoài ra, cuộc mật nghị này cũng có thể bị theo dõi bởi hệ thông vệ tinh nữa, như hình chụp ở đây cho thấy. Theo tin tức cho biết hiện nay đã có khoảng 6.000 thành phần phóng viên ký giả chực sẵn cho cuộc Mật nghị Hồng y bầu Giáo hoàng này.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh (dịch theo điện thư của VIS)
Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment