DẪN NHẬP:
Thư Chung 2013 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã đề ra định hướng căn bản “Tân Phúc-Âm-hoá để thông truyền đức tin Ki-tô giáo”. Định hướng này được thực hiện bằng kế hoạch mục vụ kéo dài 3 năm (2014-2016):
– Năm 2014: Phúc-Âm-hoá đời sống gia đình.
– Năm 2015: Phúc-Âm-hoá đời sống giáo xứ và các cộng đoàn.
– Năm 2016: Phúc-Âm-hoá đời sống xã hội. (Thư Chung 2013, số 4)
Như vậy, năm 2014 tập trung vào kế hoạch “Phúc-Âm-hóa đời sống gia đình”. Để Phúc-Âm-hóa đời sống gia đình, “hãy xây dựng gia đình mình thành một cộng đoàn cầu nguyện, sống tình yêu hợp nhất thủy chung, phục vụ sự sống và hăng say loan báo Tin Mừng.” (Thư Chung 2013, số 6). Điều đó cho thấy cần phải đặt lại vấn đề Giáo dục Ki-tô giáo trong gia đình, nhất là vấn đề Dạy Giáo Lý cho con trẻ, vì đó là những nhân tố căn bản cho việc xây dựng gia đình, đồng thời khi trưởng thành sẽ là “đạo binh các giảng viên Giáo lý nam cũng như nữ; là những người đã thấm nhuần tinh thần Tông đồ, họ vất vả rất nhiều để mang lại sự trợ giúp đặc biệt và hoàn toàn cần thiết cho việc bành trướng đức tin và Giáo Hội.” (SL “Truyền Giáo – Ad Gentes”, số 17).
Tuy nhiên, các bậc làm cha mẹ nhiều khi vì bận lo sinh kế cho gia đình, đã phó mặc việc giáo dục cho nhà trường (giáo dục văn hóa) và khoán trắng cho các lớp Giáo Lý trong Giáo xứ (giáo dục đức tin). Riêng vấn đề dạy Giáo Lý, nhiều khi có điều kiện, có thời gian để có thể thực hiện được công việc ấy, thì nhiều phụ huynh lại thầm nhủ: “mình thì biết gì về Giáo Lý mà dạy với dỗ!” Đó phải chăng là một mặc cảm tự ti không nên có? Thực ra, việc dạy Giáo Lý là việc của tất cả mọi Ki-tô hữu, như Tông huấn “Ki-tô hữu Giáo dân – Christifideles Laici” (số 7) đã khẳng định: “Theo nghĩa đó, mọi Ki-tô hữu chúng ta đều là Giáo Lý viên, bởi vì qua bí tích Rửa Tội, chúng ta được mời gọi tham gia vào một công trình giáo dục, mà trong đó “mỗi chúng ta vừa là đích điểm, vừa là khởi điểm của việc huấn luyện: chúng ta càng tự rèn luyện mình, càng có khả năng huấn luyện người khác”. Thư Chung 2007 của Hội Đồng Giám Mục VN (số 21) cũng nhấn mạnh : “Học và dạy cũng là củng cố đức tin cho mình và cho anh chị em mình” (x. Lc 22, 31-33); Bao lâu còn là phần tử của Giáo Hội lữ hành, chúng ta còn là học trò và còn là thầy dậy đức tin bằng chứng từ cuộc sống của chúng ta.”
Trong phạm vi một bài viết giới hạn, chỉ xin được đặt lại vấn đề này một cách đơn giản và ngắn gọn, với mục đích trước hết là để “tự huấn luyện” bản thân như lời dạy của Chân phước Gio-an Phao-lô II (nêu trên), và sau là xin được cùng chia sẻ với tất cả những Ki-tô-hữu-giáo-lý-viên đồng hành.
I. KHÁI NIỆM:
Ngay từ Cựu Ước, vấn đề dạy Giáo lý đã được Thiên Chúa ban cho các ngôn sứ (“Người còn ban tài dạy bảo cho ông ấy, cũng như cho ông O-ho-li-áp, con của ông A-khi-xa-mác, thuộc chi tộc Đan.” – Xh 35, 34). Không chỉ dạy những người chưa hiểu biết về Thiên Chúa, mà còn dạy cả cho những người được coi là khôn ngoan, công chính (“Hãy giáo huấn người khôn, họ sẽ khôn hơn nữa. Hãy dạy bảo người công chính, họ sẽ hiểu biết thêm.” – Cn 9, 9). Cũng vì thế nên cụm từ “Dạy Giáo Lý“ được dùng rất sớm trong Giáo Hội để chỉ toàn thể những hoạt động cố gắng làm cho người ta trở thành môn đệ, giúp người ta tin rằng Chúa Giê-su là Con Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ đem lại sự sống cho loài người; đồng thời giáo huấn họ sống đạo ở đời này nhằm xây dựng Giáo Hội nên một Nhiệm Thể Đức Ki-tô. Vì thế, Hội Thánh đã không ngừng dốc hết tâm lực để thi hành công tác này.
Trong Tông Huấn “Hướng dẫn việc dạy Giáo Lý trong Giáo Hội – Catechesi Tradendae” (số 1), ĐGH Gio-an Phao-lô II đã nêu rõ: “Hội Thánh luôn luôn coi việc dạy Giáo Lý là một trong những công tác chính của mình, bởi vì trước khi lên cùng Chúa Cha sau khi phục sinh, Đức Ki-tô đã ban cho các tông đồ một mệnh lệnh cuối cùng, là hãy làm cho muôn dân trở thành môn đệ, và dạy họ tuân giữ tất cả những gì Người đã truyền” (“Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” – Mt 28, 19-20). Như vậy, công việc dạy Giáo Lý cũng là một hoạt động trong Mục vụ rao giảng Lời Chúa của Giáo Hội, đó không những chỉ là nhiệm vụ mà còn là bổn phận của toàn thể Giáo Hội, của tất cả mọi Ki-tô hữu nói chung, và cách riêng mang tính chuyên biệt, của các Giáo lý viên.
Gần đây nhất, trong Tông huấn “Evangelii Gaudium – Niềm Vui của Tin Mừng”, ĐTC Phan-xi-cô cũng khẳng định: “Giáo dục và dạy Giáo lý là để phục vụ việc tăng trưởng đức tin. Chúng ta đã có sẵn một số văn kiện Huấn Quyền và tài liệu về việc dạy Giáo lý được cung cấp bởi Tòa Thánh và các Hội Đồng Giám Mục khác nhau (số 163). Chúng ta cũng tái khám phá ra rằng trong việc dạy Giáo lý có một vai trò cơ bản của lời công bố ban đầu hay “kerygma” (“Đức Chúa Giê-su Ki-tô yêu thương chúng ta, Người đã ban mạng sống của Người để cứu chúng ta, và giờ đây Người đang ở bên chúng ta mỗi ngày, để soi sáng, củng cố và giải thoát chúng ta.”), là điều phải ở trung tâm của việc Phúc Âm hóa và mọi ý định canh tân Hội Thánh (số 164). Một đặc tính khác của việc dạy Giáo lý, được phát triển trong vài thập niên vừa qua là khai tâm hiệp nhiệm (l’initiation mystagogique), mà ý nghĩa chủ yếu là hai điều: sự tiến triển cần thiết của kinh nghiệm đào luyện, trong đó liên quan đến toàn thể cộng đồng (hiệp nhiệm: hiệp thông trong nhiệm vụ) và tái đề cao những dấu chỉ phụng vụ của việc khai tâm Ki-tô giáo.” (số 166).
Rõ ràng Dạy Giáo Lý trước hết là nhằm đáp ứng cơn đói khát Lời Chúa của tất cả mọi thành phần Dân Chúa, để từ đó giúp cộng đồng Ki-tô hữu ngày một trưởng thành hơn trong Đức Tin. Một cách cụ thể, việc “Dạy Giáo Lý” là trách nhiệm chung của toàn Giáo Hội nhằm giáo dục và củng cố đức tin cho mọi Ki-tô hữu. Công việc dạy Giáo lý chính là hoạt động nằm trong sứ vụ duy nhất của Giáo Hội, đó là sứ vụ loan báo Tin Mừng – là Truyền Giáo vậy.
II. NGUYÊN TẮC:
Dạy Giáo lý là một khâu rất quan trọng trong Giáo dục Ki-tô Giáo, nhất là trong thế giới mà đức tín đang bị khủng hoảng trầm trọng như hiện nay. Vâng, “Việc dạy giáo lý cho người tín hữu ngày nay càng lúc càng trở nên khẩn thiết, không phải chỉ do những năng động tự nhiên thôi thúc việc đào sâu Đức Tin, nhưng còn do việc cần thiết phải “chứng thực niềm tin” mà họ ấp ủ trong mình khi đôi diện thế giới với các vấn đề nghiêm trọng và phức tạp của nó. Do vậy, một lôí dạy giáo lý có hệ thống, thích ứng riêng cho từng lứa tuổi và hoàn cảnh sống khác nhau, và một cuộc cổ động văn hoá Công Giáo sâu rộng được xem là tuyệt đôí cần thiết, để đáp ứng những thắc mắc muôn thuở và những vấn đề mới mẻ đang làm cho con người và xã hội ngày nay giao động.” (T/H “Ki-tô hữu Giáo dân – Christifideles Laici”, số 60). Vì thế, việc dạy Giáo lý tùy thuộc vào ba nguyên tắc làm việc sau:
II.1. Nguyên tắc toàn vẹn : Nguyên tắc này đòi hỏi xem xét vai trò của những phương pháp văn chương và lịch sử trong việc giải thích Thánh Kinh. Thánh Kinh là Lời của Thiên Chúa được diễn tả bằng ngôn ngữ của loài người. Công Đồng Va-ti-ca-nô II đưa ra tính cách nhập thể này của Thánh Kinh: “Quả thật những Lời của Thiên Chúa được diễn tả bằng những ngôn từ của loài người, trong mọi cách giống như ngôn ngữ loài người, cũng như Lời của Chúa Cha Hằng Hữu, khi tự mình mặc lấy sự yếu đuối của bản tính loài người, đã trở nên giống người ta.” (Hiến chế “Tín Lý về Mạc Khải – Dei Verbum”, số 13). Bởi vì Thánh Kinh là Lời Thiên Chúa được nhập thể trong ngôn ngữ loài người, mang tính văn chương và lỊch sử của loài người, nên khi dạy Giáo lý, rất cần thiết phải xét đến phương diện này. Tuy nhiên, phải tuyệt đối tôn trọng sự toàn vẹn của Thánh Kinh: một mặt phải giữ sự toàn vẹn về nội dung Thánh Kinh, không được cắt xén, thêm bớt, thay đổi; mặt khác, phải làm sao cho ảnh hưởng Thánh Kinh đồng thời tác động đến toàn bộ cuộc sống con người (cả tinh thần và thể xác) về tất cả mọi mặt (giáo dục toàn diện).
II.2. Nguyên tắc thích nghi : Thích nghi là làm cho vừa vặn, phù hợp với đối tượng. Nguyên tắc này giúp cho từ mỗi Ki-tô hữu đến các gia đình – cộng đồng tín hữu – biết quý trọng vai trò của Thánh Kinh trong Hội Thánh, đặc biệt là trong Phụng Vụ. Thánh Kinh là cuốn sách của Hội Thánh, là tập “ảnh gia đình” của cộng đồng đức tin, nên khung cảnh tốt nhất để cảm nghiệm Thánh Kinh là trong các buổi tụ họp Phụng Vụ, là nơi mà cộng đồng đức tin tụ họp lại như một gia đình để được Lời Chúa và Bí Tích nuôi dưỡng. Việc dạy Giáo lý phải được cân nhắc kỹ từ việc soạn thảo chương trình và bài dạy, đến những phương thức truyền đạt và phương pháp triển khai, sao cho thích ứng và phù hợp với từng độ tuổi, trong từng hoàn cảnh và môi trường sống của học viên. Về độ tuổi, xin đưa ra đề nghị – dựa trên các tài liệu sư phạm đạo cũng như đời – chia độ tuổi như sau: * ẤU NHI: 01 – 03 tuổi; * NHI ĐỒNG: 04 – 07 tuổi; * THIẾU NHI: 08 – 11 tuổi; * THIẾU NIÊN: 12 – 17 tuổi; * THANH NIÊN: 18 – 30 tuổi; * TRÁNG NIÊN: 30 – 45 tuổi; * TRUNG NIÊN: 46 – 59 tuổi; * LÃO NIÊN (TUỔI GIÀ): Từ 60 tuổi trở lên.
II.3. Nguyên tắc sinh động : Dạy Giáo lý không phải là công việc ngồi nghiền ngẫm những hàng chữ chết trong những tài liệu chết như lịch sử. Ngược lại, dạy Giáo lý là làm cho cuộc sống đức tin của tín hữu trở nên khởi sắc và sống động, vì thế nhất thiết phải cậy dựa vào hoạt động của Chúa Thánh Thần. Một đàng, Chúa Thánh Thần là Thần Khí, Đấng “thấu suốt mọi sự, ngay cả những gì sâu thẳm nơi Thiên Chúa” (1Cr 2, 10) soi sáng và hướng dẫn những nghiên cứu về Thánh Kinh. Đằng khác, cũng một Chúa Thánh Thần đem “hoa quả của Thần Khí là: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín” (Gl 5, 22) đến giúp đỡ những người đói khát Lời Chúa. Và chính khi Chúa Thánh Thần tác động, thì Thánh Kinh sẽ không phải là một pho lịch sử với những hàng chữ chết, những lời giảng dạy cũng không phải là những ngôn từ sáo rỗng của thứ văn chương phù phiếm, mà tất cả (cả giáo lý viên và học viên) sẽ trở nên như những con người thực sự đói khát chân lý, đói khát Tin Mừng, khao khát được ăn Thịt và tắm mình trong Máu của Đức Giê-su Ki-tô, Đấng là nguồn sống và ơn cứu độ của trần gian; để rồi từ đó, tất cả sẽ trở nên nhân chứng sống động cho Tin Mừng Cứu Độ (“Thần khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì. Lời Thầy nói với anh em là thần khí và là sự sống” – Ga 6, 63).
III. PHƯƠNG PHÁP :
Chương III của Tông Huấn “Catechesi Tradendae” (số 21) đã lưu ý: “Trong diễn từ bế mạc Đại Hội lần IV của THĐ Giám Mục, ĐTC Phao-lô VI đã hân hoan “được thấy mọi người chú tâm đến nhu cầu tuyệt đối là cần có một việc dạy Giáo lý có hệ thống, bởi vì chính sự học hỏi về mầu nhiệm Ki-tô trong suy niệm này phân biệt môn Giáo lý với tất cả những phương pháp trình bày Lời Chúa khác”. Bởi vì những khó khăn trong việc thực hành, nên phải chú ý đến một vài đặc điểm của sự giảng dạy này:
* Nó phải là một sự giảng dạy có hệ thống, không tùy hứng, nhưng phải có chương trình để đạt đến một mục đích rõ ràng;
* Nó phải đề cập đến những gì thiết yếu, mà không có ý giải quyết mọi vấn đề đang trong vòng bàn cãi, hoặc biến thành một nghiên cứu thần học hay chú giải khoa học;
* Nhưng nó phải khá đầy đủ, không ngừng lại ở việc loan báo mầu nhiệm Ki-tô lần đầu như chúng ta làm ở kerygma (kerygma: Lời công bố ban đầu về ơn Cứu Độ của Đức Ki-tô – xc T/H “Evangelii Gaudium – Niềm Vui của Tin Mừng”, số 164 -nt-);
* Nó phải là một khai tâm Ki-tô giáo toàn diện, mở ra cho tất cả các nhân tố của đời Ki-tô hữu.”
Điều đó chứng tỏ, để việc dạy Giáo lý đạt kết quả, không những phải đảm bảo giữ trọn vẹn 3 nguyên tắc (toàn vẹn + thích nghi + sinh động), mà còn cần phải có phương pháp (sư phạm gọi đó là những biện pháp nghệ thuật giảng dạy). Thực ra thì những biện pháp nghệ thuật, những phương pháp sư phạm có được là do sự rút tỉa kinh nghiệm của những bậc thầy lỗi lạc, rồi đúc kết và truyền thụ lại để như một cẩm nang giúp những người có trách nhiệm giáo dục (cả đạo và đời). Đức Giê-su – Người Thầy Muôn Đời – đã dùng những phương pháp sư phạm tối ưu để dạy dỗ môn đệ, muôn dân (kể chuyện ẩn dụ bằng dụ ngôn, đàm thoại, chất vấn…). Người không truyền thụ sư phạm, nhưng qua giảng dạy Tin Mừng, Người đã dùng những cách thức có tác dụng sư phạm tối ưu, khiến cho môn đệ, muôn dân hiểu được những điều Người giảng dạy. Cũng chính từ nhu cầu học vấn này mà ngành sư phạm tìm ra đuợc những phương pháp giảng dạy đạt hiệu quả tốt. Có rất nhiều những biện pháp nghệ thuật trong việc giảng dạy, ở đây chỉ xin trình bày những phương pháp chủ yếu:
III.1. Phương pháp suy diễn (diễn dịch, diễn giải): Từ một điểm, một ý tưởng suy rộng ra các chi tiết (hoặc nêu một chứng liệu, để từ đó quảng diễn lập luận). Rồi từ những chi tiết lại quy về một kết luận.
–Vd 1: Ơn gọi là lời của Thiên Chúa kêu mời con người đến lãnh nhận những hồng ân, đặc sủng Người ban tặng một cách nhưng không. Có nhiều ơn gọi : Ơn gọi làm người, Ơn gọi làm Ki-tô hữu, Ơn gọi Tu trì, Ơn gọi sống bậc hôn nhân… Kết luận: Ơn gọi là một hồng ân – một đặc sủng Thiên Chúa ban cho nhân loại.
–Vd 2 : Đức Ki-tô khẳng định: “Thầy là Cây Nho và anh em là cành” (Ga 15, 5). Hình ảnh cây nho cho thấy “thân cây” là chính. Từ thân cây trổ sinh các “cành”, từ cành lại trổ sinh rất nhiều “lá” và “hoa”; rồi hoa lại kết thành “quả”. Để có thật nhiều hoa quả, cành nho phải hút nhựa từ thân cây nho. Tất cả lại quy về một mối căn bản: Cây Nho Giê-su Ki-tô.
III.2. Phương pháp quy nạp : Từ nhiều điểm, nhiều lãnh vực, hoặc nhiều chứng liệu, dùng lý luận gom lại thành kết luận.
–Vd 1: Thí nghiệm riêng từng vật thể, thấy đồng là một chất dẫn điện, sắt cũng dẫn điện, chì cũng dẫn điện; mà đồng + chì + sắt là kim loại, vậy có thể kết luận: các chất kim loại đều dẫn điện.
–Vd 2: “Công Đồng viết: ‘Chúa Thánh Thần ngự trị trong Giáo Hội và trong tâm hồn các tín hữu như ngự giữa đền thờ’ (1Cr 3, 16 ; 6, 19); Trong họ, Người cầu nguyện và chứng nhận họ là dưỡng tử của Thiên Chúa (Gl 4, 6 ; Rm 8, 15-16); Người dẫn đưa Giáo Hội vào trong chân lý toàn vẹn (Ga 16, 13) và bảo đảm cho Giáo Hội được hiệp nhất trong sự hiệp thông và phục vụ …’. Như vậy, sự hiệp thông trong Giáo Hội là một ân huệ, một ân huệ lớn lao do Thánh Thần ban tặng.” (T/H “Ki-tô Hữu Giáo Dân – Christifideles”, số 20).
III.3. Phương pháp nghe nhìn (THÍNH THỊ): Có một công thức cho phương pháp này: Thính (nghe) + Thị (nhìn) => Cảm nghiệm trực quan (nhờ nghe nhìn trực tiếp mà phát sinh cảm xúc, rồi nghiệm ra kiến thức). Phương pháp thính thị (nghe nhìn) là một phương pháp giáo dục rất hiệu quả. Người giảng dạy cần hiểu rõ và nắm vững phương pháp này đã đành, nhưng người học cũng rất cần phải hiểu cho thấu đáo để áp dụng cho bản thân mình khi học tập. Nhiều người cứ cho phương pháp nghe nhìn là một phương pháp tân tiến được khai sinh ở thế kỷ XX, thực ra phương pháp này đã có từ lâu mà nó chỉ được cải tiến và áp dụng bằng những phương tiện và những dụng cụ trợ huấn mới mẻ khác xưa mà thôi.
Từ thời Cựu Ước đã có: “Sấm ngôn của người nghe các lời Thiên Chúa, người ngắm nhìn thị kiến Đấng Toàn Năng, của người ngủ mà mắt vẫn mở trong lúc xuất thần” (Ds 24, 4); “vâng phục thì tốt hơn là dâng hy lễ, lắng nghe thì tốt hơn là dâng mỡ cừu” (1Sm 15, 2); “Sấm ngôn của người nghe các lời Thiên Chúa, và biết những tư tưởng của Đấng Tối Cao, được Đấng Toàn Năng cho nhìn linh thị, của người ngủ mà mắt vẫn mở trong lúc xuất thần” (Ds 24, 16). Đến thời Tân Ước thì chính Người Thầy Chí Thánh truyền dạy bằng những dụ ngôn (“Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá” – Mt 7, 24 ; “Đúng hơn phải nói rằng: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa.” – Lc 11, 28; “Ai có tai, thì hãy nghe điều Thần Khí nói với các Hội Thánh” – Kh 2, 11).
Khi người dạy dùng dụ ngôn thì người học phải biết lắng nghe (thính), rồi nhìn (thị) vào những hiện tượng do dụ ngôn đó nêu ra như một cách tỉ dụ (so sánh), ẩn dụ (ví ngầm), ám tỉ (so sánh ngầm), để rồi từ đó suy ra bài học mà người dạy muốn truyền thụ. Chính các Tông đồ thủa xưa khi nghe các dụ ngôn Đức Giê-su Ki-tô giảng dạy (vd : Dụ ngôn “Người gieo giống”, dụ ngôn “Men Pha-ri-siêu và Xa-đốc”…) mà vẫn không hiểu, khiến Người phải quở trách: “Anh em không hiểu dụ ngôn này, thì làm sao hiểu được tất cả các dụ ngôn?” (Mc 4, 13). Điều đó chứng tỏ phương pháp giáo huấn thính thị là phương pháp thông qua sự nghe nhìn thể lý để đi đến nghe nhìn bằng tâm linh vậy.
Rõ ràng phương pháp nghe nhìn giúp người ta có được những cảm nghiệm trực quan để từ đó có được những cảm nghiệm siêu linh. Và chỉ có như thế mới củng cố, duy trì và phát huy niềm tin (đức tin) về Thiên Chúa và Tình Yêu của Người. Phương pháp sư phạm thính thị ngày nay tiến bộ vượt bậc nhờ vào những phương tiện truyền thông tối ưu của thời đại (internet, truyền thanh, truyền hình…). Giáo Hội đã chấp nhận và khuyến khích sử dụng những phương tiện tối tân ấy, nhưng vẫn luôn nhắc nhở cảnh giác, bởi nó luôn luôn là con dao hai lưỡi. Hãy biết nhìn và biết lắng nghe – “nhìn”, “nghe” nhiều hơn “nói” – đó là lời khuyên chí tình, bởi vì Thiên Chúa ban cho con người tới hai cái tai, hai con mắt, nhưng chỉ một cái miệng. Với Giáo lý viên thì châm ngôn phải theo là: “Nghe Nhìn chọn lọc + Nói năng cẩn trọng”.
III.4. Phương pháp thảo luận : Những phương pháp kể chuyện, đàm thoại, chất vấn (hay vấn đáp) đều có thể gom chung lại trong phương pháp thảo luận. Với nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ diễn giảng (bao gồm “ngôn ngữ hình tượng + ngôn ngữ diễn cảm + ngôn ngữ cử điệu”), người dạy Giáo lý dùng những ngôn ngữ bình dân sinh động để kể chuyện, dùng những ngôn ngữ thân tình mà bàn bạc, trao đổi, hoặc dùng những câu hỏi mang tính gợi ý dễ hiểu (hơn là đánh đố) mà vấn đáp với học viên; đó là một phương pháp rất hiệu nghiệm giúp cho người học tiếp thu được bài học một cách chắc chắn, thậm chí còn giúp củng cố thêm kiến thức, khai mở thêm hướng đi, và nhất là giúp vận dụng hữu hiệu những kiến thức học hỏi được vào cuộc sống thường nhật. Cứ xem như các Tông đồ thủa xưa mỗi khi nghe Thầy Giê-su Ki-tô giảng dạy, nếu chưa hiểu thì hỏi lại Thầy ngay, hoặc nếu còn băn khoăn thì đem ra bàn thảo với nhau, đủ biết phương pháp này có tác dụng tốt như thế nào. Nên khuyến khích học viên mạnh dạn đem những điều chưa hiểu, chưa thấu đáo ra hỏi lại giảng viên, hoặc bàn thảo, đàm đạo với anh em để tìm ra chân lý.
Cần lưu ý là với phương pháp thảo luận, người giảng viên chỉ đóng vai trò hướng dẫn, gợi ý; phải làm sao cho học viên luôn giữ được sự chủ động trong thảo luận, sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm sống đức tin, sống đạo của bản thân, của gia đình mình. Phương pháp này chỉ thực sự đem lại kết quả tốt đẹp khi được cả thầy lẫn trò cùng thấu triệt và hợp tác thực hành triệt để.
III.5. Phương pháp tiệm tiến : Con đường học vấn thì xưa hay nay cũng vậy, phải đi từng bước một, không thể đốt giai đoạn. Phải đi từ Mẫu giáo đến Tiểu hoc -> Trung học -> Đại học, về Giáo lý thì phải đi từ Khai Tâm -> Bao đồng -> Trưởng thành. Chiều kích quan trọng của việc học là chiều kích tiệm tiến. Khi học theo chiều kích tiệm tiến thì dạy cũng phải như vậy. Giảng viên không thể nhồi nhét kiến thức cho học viên theo ý muốn của mình. Cũng giống như việc cho một người đói ăn, thì phải cho ăn từ từ đến khi vừa no là phải tạm ngưng chờ bữa sau; không thể ép người đói ăn dồn dập quá nhiều và quá no, sẽ sinh bội thực, nôn mửa ra ngay. Lại cũng giống như việc trồng cây (trồng người như trồng cây), không thể một sớm một chiều mà đòi cây tăng trưởng theo ý mình. Mới gieo hạt đã đòi thành cây, cây mới nhú mầm đã đòi có ngay hoa trái, tất nhiên là điều không thể.
Có câu “tuần tự nhi tiến” (theo thứ tự từ từ mà tới), lại cũng có câu “dục tốc bất đạt” (muốn nhanh không thành). Làm việc gì cũng vậy, huống chi là công việc hệ trọng như dạy Giáo lý, xin hãy luôn tự nhắc nhở mình “Kiến tha lâu cũng đầy tổ”, “ăn chậm mà no lâu”. Vâng, “Đi đâu mà vội mà vàng, Mà vấp phải đá mà quàng phải dây” (tục ngữ, ca dao VN). Thánh Phao-lô đúng là một Giáo lý viên gương mẫu và nhiệt tình, xin hãy học theo ngài: “Vậy A-pô-lô là gì? Phao-lô là gì? Đó là những tôi tớ đã giúp cho anh em có đức tin, mỗi người đã làm theo khả năng Chúa ban. Tôi trồng, anh A-pô-lô tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên” (1Cr 3, 5-6).
III.6. Phương pháp thực hành: Ngoài ra, xin thêm một phương pháp thực hành đặc biệt: “Lectio Divina”. Từ La-tinh “Lectio Divina” có thể được dịch là “đọc điều thuộc về Thiên Chúa”. Lectio Divina là cách cầu nguyện bằng Thánh Kinh cổ điển và chỉ các Giáo phụ, Giáo sĩ mới dùng được cách này. Mãi đến sau Công Đồng Va-ti-ca-nô II vấn đề này mới được đặt lại. Hiến chế “Tín Lý về Mạc Khải của Thiên Chúa” (“Dei Verbum”) – một văn kiện quan trọng hàng đầu của Công Đồng – được ban hành “Trong niềm thầm kính lắng nghe và tin tưởng công bố Lời Thiên Chúa” (Hc “Dei Verbum”, số 1). Từ đó, việc đọc Lời Chúa được phổ biến, tuy nhiên mãi tới 30/9/2010, ĐTC Biển Đức XVI ban hành Tông huấn “Lời Chúa” (“Verbum Divina”), và trong đó ngài nhấn mạnh đến việc đọc và suy niệm Lời Chúa theo phương pháp “Lectio Divina”. (T/H “Lời Chúa”, số 57). Từ đó, phương pháp này mới thật sự phổ biến rộng khắp trong Giáo Hội.
Lectio Divina là một phương pháp cầu nguyện bằng Thánh Kinh. Khi một người đọc Lời Chúa và cầu nguyện, người ấy có thể chú tâm đến những biến cố của đời sống hằng ngày, có thể sống cách sâu xa hơn và dễ dàng tìm thấy sự hiện diện của Thiên Chúa hơn trong những biến cố thường nhật. Khi các Giáo Lý viên (người đảm nhận thừa tác vụ dạy Lời Chúa) thực hành thường xuyên việc cầu nguyện bằng Thánh Kinh (qua Lectio Divina), họ đã đặt nền móng cho việc chia sẻ Đức Tin chân chính, như một tài nguyên giúp cộng đồng chú tâm đến giáo huấn của Chúa Giê-su (qua các sách Tin Mừng). Lectio Divina liên hệ với sứ vụ Phúc-Âm-hóa của các Giáo Lý viên, cũng là sứ vụ truyền giáo của Tin Mừng, sứ vụ của Chúa Giê-su, và tất nhiên, sứ vụ của Giáo Hội, của mỗi Ki-tô hữu.
Phương pháp Lectio Divina được thực hành theo 4 bước:
* Bước 1 – LECTIO: Bước đầu tiên trong tiến trình cầu nguyện là “đọc” (LECTIO). Thường khi đọc một bài văn, một bài thơ, chúng ta quen đặt câu hỏi: “Tác giả bài văn (bài thơ) này muốn nói lên điều gì?” Cũng vậy, khi đọc Lời Chúa (đọc cho bản thân mình nghe, cho cả cộng đoàn cùng nghe) thì cũng là lúc xướng lên Lời Thiên Chúa (tác giả chính của bài Sách Thánh) nói với chúng ta. Như vậy thì việc đọc (công bố) Lời Chúa cũng chính là lúc người tín hữu lắng nghe (tiếp cận) Lời Chúa, vì thế nên cần chú ý là đừng vội vàng đọc cho hết vài chương Thánh Kinh, mà chỉ nên đọc một đoạn ngắn, ngừng lại ở từng chữ hay cụm từ làm cho tâm trí rung động, để từ đó mở lòng ra đón nhận Lời Hằng Sống. Các Giáo phụ thời sơ khai hiểu rằng thành quả của các ngài tùy thuộc vào sự đơn giản, kính cẩn, và mở lòng của mình ra với Chúa Thánh Thần là Đấng đưa người đọc đến gần Lời Thiên Chúa.
* Bước 2 – MEDITATIO: Việc “đọc” đưa đến bước thứ nhì là “suy niệm” (MEDITATIO), là bước mời gọi người ta suy niệm về điều vừa đọc. Ở đây, mỗi người, trong tư cách cá nhân cũng như trong tư cách thành viên của một cộng đoàn, phải để cho mình được đánh động và thách thức. Tiến trình này (suy niệm: vừa suy tư vừa chiêm niệm) là một sự suy nghĩ sâu xa và chậm rãi về Lời Chúa, một sự suy đi nghĩ lại (gần giống như cách con bò nhai lại khi ăn cỏ) cho thật thấu đáo Lời mà mình vừa đọc bằng môi miệng, vừa lắng nghe bằng tâm thức. Khi mà Lời Chúa được đọc trong bước này, sẽ kéo sự chú tâm của người suy niệm từ những quan tâm của trí khôn (suy nghĩ, tìm hiểu Lời Chúa) đến những quan tâm của tâm hồn (yêu mến Lời).
* Bước 3 – ORATIO: Bước tiếp theo là “cầu nguyện” (ORATIO), mời người ta đáp lại Lời Thiên Chúa. Sự đáp trả này có tính cách đối thoại và có thể được hiểu như là “một cuộc đàm đạo giữa bằng hữu” (“Thiên Chúa đã nói với con người như bằng hữu, và sống giữa họ, để mời gọi họ và tiếp nhận họ vào hàng ngũ của Người” – Hc “Dei Verbum”, số 2; “Nhưng mọi người cũng nên nhớ rằng kinh nguyện phải đi đôi với việc đọc Thánh Kinh, để có sự đối thoại giữa Thiên Chúa và con người, vì “chúng ta ngỏ lời với Ngài khi cầu nguyện, và chúng ta nghe Ngài nói lúc chúng ta đọc các sấm ngôn thần linh” – Hc “Dei Verbum”, số 25). Lúc đọc Lời Chúa là lúc Thiên Chúa nói với chúng ta thì lúc cầu nguyện là lúc chúng ta nói với Thiên Chúa. Cầu nguyện (hoặc “Chúc tụng và thờ lạy + Khấn xin + Chuyển cầu + Tạ ơn + Ngợi khen” – Giáo lý HTCG, điều 2626-2643) chính là phương cách hàng đầu nhờ đó Lời Chúa biến đổi cuộc đời người tín hữu. Một cách cụ thể, “cầu nguyện là nâng tâm hồn và trí khôn lên với Chúa”. Đây là dịp người tín hữu đặt câu hỏi cho chính mình: “Ta phải nói gì với Chúa để đáp lại Lời Người?” Và tự trả lời: “Hãy thưa với Chúa về điều vừa đọc, vừa nghe, hay vừa cảm nghiệm, hoặc về những thắc mắc nảy sinh trong sâu thẳm của tâm hồn.” Câu trả lời này có thể có khả năng đổi đời khi một người đón nhận những sự thúc đẩy của Lời Chúa đi đến chấp nhận tất cả những gì mà cuộc đời hiện thời đang có.
* Bước 4 – CONTEMPLATIO: Cuối cùng, lối đọc “Lectio Divina” kết thúc bằng sự “chiêm niệm” (CONTEMPLATIO). Lời Chúa đánh động lòng người cách sâu xa hơn với bước này – một giai đoạn trong đó, ta tiếp nhận như một hồng ân lối nhìn và phán đoán thực tại của Người, và tự vấn xem Chúa đang yêu cầu ta phải hồi tâm, hồi trí, thay đổi đời sống ra sao? Chiêm niệm là vừa nhìn ngắm (chiêm ngưỡng) vừa suy niệm (tìm hiểu xem Lời Chúa xuất phát từ bản văn Sách Thánh, nói với chúng ta những gì và có gì liên hệ với đời sống thường nhật của chúng ta không?). Đặc tính của chiêm niệm là mở tâm hồn ra, nhờ đó người đọc cảm nghiệm được Thiên Chúa, Đấng cho phép người đang chiêm niệm nhận biết Lời Chúa mà không cần lời nói hay hình ảnh. Nhờ ơn Chúa, contemplatio cho người ta một khả năng đặc biệt để liên kết những hiểu biết mới được khám phá ra những kinh nghiệm hằng ngày trong đời sống, bằng một sự hứng khởi đến từ Lời Chúa.
Trong khi đọc Lời Chúa, người Ki-tô hữu nói chung, đặc biệt là các Giáo Lý viên nói riêng, sẽ hiểu rõ hơn khi tái khám phá ra những sự khôn ngoan của các Giáo Phụ, cũng như chứng từ của Thân Mẫu của Chúa. Vì trong việc chú giải Thánh Kinh, cũng như trong toàn thể đời sống Ki-tô hữu, Đức Mẹ Maria là mẫu gương và là Đấng chỉ dạy chúng ta. Câu chuyện “Truyền Tin” trong Tin Mừng đưa chúng ta đến trọng tâm của việc đọc Thánh Kinh. Lời mà Mẹ đón nhận vào cuộc đời Mẹ qua tiếng “xin vâng” không những chỉ thành nhục thể trong lòng Mẹ, mà còn hình thành trong đời sống Mẹ. Và vì thế Mẹ trở thành một Kitô-hữu-môn-đệ đầu tiên. Nhưng còn hơn thế nữa, trong câu chuyện “Thăm Viếng”, Người Kitô-hữu-môn-đệ đầu tiên này đã trở thành người Kitô-hữu-truyền-giáo đầu tiên, đã vội vã ra đi chia sẻ – không phải tin mừng của Mẹ mà là Tin Mừng của Thiên Chúa – với người chị em họ mình là bà Ê-li-da-bet. Còn bà Ê-li-da-bet thì đã công bố rằng Đức Maria đã được chúc phúc bội phần vì đặc ân riêng của Mẹ là được làm Mẹ Thiên Chúa (Lc 1, 42-43), nhưng hơn nữa vì đức tin của Mẹ vào Lời mà Chúa của Mẹ đã phán hứa (Lc 1, 45). Khi Đức Mẹ Maria đáp lại lời chào mừng của bà Ê-li-da-bet bằng bài Thánh Thi “Magnificat”, Mẹ đã chứng tỏ rằng Mẹ không những chỉ là người Ki-tô hữu môn đệ và nhà truyền giáo đầu tiên, mà cũng là người Kitô-hữu-Giáo-Lý-viên đầu tiên.
Kinh Magnificat là một bài Giáo Lý gương mẫu. Trước hết, Kinh này vọng lại Thánh thi của bà Hannah (1Sm 2, 1-10), và cũng gợi lên câu chuyện Xuất Hành trong việc công bố “những kỳ công mới” mà Đấng Toàn Năng đã làm, trong Mẹ và qua Con của Mẹ, để cứu độ Dân Thiên Chúa. Kinh Magnificat là một bài ca chúc tụng, một kinh nguyện và một lời rao giảng. Kinh ấy cũng là một lời kêu cứu đầy tin tưởng cho công lý dành cho những người yếu thế, những người nghèo khó, chúc tụng Thiên Chúa vì đã nâng người hèn mọn lên và cho những người đói khó được dư đầy phúc lộc (Lc 1, 52-53). Sau cùng, toàn thể Bài Ca Ngợi Khen Magnificat chứa đầy niềm hy vọng vui mừng khi nhìn đến tương lai cánh chung. Cũng chính vì thế nên Đức Maria đã được coi như ngôi trường giúp các tín hữu cảm nghiệm được mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể cứu độ nhân loại ( “Với Kinh Mân Côi, Dân Ki-tô giáo theo học tại ngôi trường của Đức Maria và được dẫn đến chiêm ngưỡng vẻ đẹp trên dung nhan của Đức Ki-tô và kinh nghiệm chiều sâu thẳm tình yêu của Người. Qua Kinh Mân Côi, các tín hữu lãnh nhận vô vàn ơn thiêng, hầu như qua chính đôi tay của Mẹ Đấng Cứu Thế.” – “Kinh Mân Côi Đức Trinh Nữ Maria – Rosarium Virginis Mariæ”, số 1).
IV. TÍNH CÁCH QUY KI-TÔ :
Có thể thâu tóm công việc dạy Giào Lý (từ nội dung tới nghệ thuật giảng dạy) trong một tính cách bất biến: “Quy Ki-tô”. Tính cách đặc biệt này giúp trả lời thẳng vào 3 câu hỏi trong lãnh vực sư phạm huấn giáo: 1- Ai dạy? ; 2- Dạy về ai? ; 3- Dạy cách nào?
IV.1. Ai dạy ? : Tất cả Giáo Lý viên (nói chung là tất cả mọi Ki-tô hữu) phải hiểu rằng người Thầy đích thực, người Thầy chân chính, người Thầy duy nhất truyền đạt Tin Mừng Cứu Độ chỉ có thể là Đức Giê-su Ki-tô Thiên Chúa, bởi vì “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” (Mt 28, 18-20). Giáo lý viên chỉ là phát ngôn viên thông truyền lại những gì mà người Thầy Chí Thánh Giê-su Ki-tô trao phó. Chính vì thế, người nhận trọng trách dạy Giáo lý phải bộc bạch được tâm sự mình hệt như Giáo-lý-viên-Phao-lô đã bộc bạch: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi. Hiện nay tôi sống kiếp phàm nhân trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi” (Gl 2, 20).
IV.2. Dạy về ai ? : Trong sư phạm thì đây là câu hòi “Dạy những gì?”. Dạy Giáo Lý nhằm mục đích giúp các tín hữu sống và trưởng thành trong Đức Tin, mà Đức Tin là hành trình con người đến với Thiên Chúa hầu đáp trả lời mời gọi của Người, nên có thể nói: Dạy Giáo Lý là thông truyền tiếng nói của Thiên Chúa đến cho mọi người (“Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” – Mt 28, 19). Đức Giê-su Ki-tô là hiện thân của Thiên Chúa Ba Ngôi (“Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy… Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy. Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi. Đó là Thần Khí sự thật” (Ga 14, 11…15-17). Như vậy, dạy Giáo Lý là truyền đạt Tin Mừng Cứu Độ của Thiên Chúa, được thực hiện bởi chính Đức Giê-su Ki-tô, hiện thân của Thiên Chúa Ba Ngôi. Nói Dạy Giáo Lý mang tính cách “Quy Ki-tô” cũng là vì thế.
IV.3. Dạy cách nào? : Tất cả những phương pháp, kỹ năng giáo huấn được trình bày ở trên đều có thể tìm thấy một cách rõ ràng, hữu hiệu nơi một người Thầy đích thực là Đức Giê-su Thiên Chúa, bởi “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14, 6). Hơn ai hết, Giáo Lý viên phải tận dụng mọi khả năng để có thể học hỏi, tiếp thu được không những chân lý Tin Mừng, mà còn cả những phương pháp sư phạm tối ưu của Người Thầy Muôn Thủa Giê-su Ki-tô nữa. Tắt một lời, 3 câu hỏi sư phạm được nêu ra trong khoa Giáo lý, chỉ có một câu trả lời duy nhất là tất cả đều quy về một ngôi vị là Đức Giê-su Ki-tô.
KẾT LUẬN:
Tóm lại, “Việc học hỏi Thánh Kinh phải là một cánh cửa mở ra cho tất cả các tín hữu. Điều thiết yếu là Lời được mạc khải phải phong phú hóa cách triệt để việc dạy giáo lý của chúng ta và tất cả những nỗ lực để truyền thụ đức tin. Việc Phúc Âm hóa đòi hỏi chúng ta phải làm quen với Lời Chúa, và điều này đòi buộc các giáo phận, các giáo xứ và các nhóm Công giáo đề ra một chương trình học hỏi Thánh Kinh nghiêm túc và kiên trì, cũng như thúc đẩy việc đọc Thánh Kinh trong cầu nguyện của cá nhân và cộng đồng. Chúng ta không còn phải tìm kiếm bằng cách mò mẫm trong bóng tối, chúng ta cũng không còn phải chờ đợi Thiên Chúa nói với mình trước, bởi vì thực sự “Thiên Chúa đã nói, và không còn gì chúng ta cần phải biết mà chưa được mạc khải cho chúng ta”. Chúng ta hãy đón nhận kho báu cao siêu của Lời được mạc khải.” (T/H Evangelii Gaudium – Niềm Vui của Tin Mừng”, số 175).
Rõ ràng “Việc dạy Giáo Lý không những cần thiết cho sự trưởng thành Đức Tin của các Ki-tô hữu, mà còn cho việc làm cho họ trở thành nhân chứng trên thế gian: mục đích của việc dạy Giáo Lý là đem các Ki-tô hữu đến để “đạt được hiệp nhất Đức Tin và sự hiểu biết về Con Thiên Chúa, để có nhân cách trưởng thành, để lớn lên theo kích thước và tầm vóc của sự sung mãn của Đức Ki-tô”; việc dạy Giáo Lý cũng nhằm giúp họ sửa soạn để có thể trả lời cho những ai thắc mắc về niềm hy vọng của họ” (Tông Huấn “Catechesi Tradendae”, số 24). Nói về công việc dạy Giáo lý cũng tức là nói đến sứ vụ duy nhất của Giáo Hội: Truyền giáo. Đó là trách vụ của những Giáo Lý viên mang tính chuyên biệt, việc tổ chức và huấn luyện đội ngũ Giáo Lý viên này cũng phải được chuyên môn hoá, hầu kiện toàn và thích nghi với tiến trình canh tân của Giáo Hội và thời đại. Còn những Kitô-hữu-Giáo-lý-viên cộng đồng nói chung, cũng không vì thế mà lơi lỏng việc huấn luyện (tự huấn luyện là chính) để công việc dạy Giáo Lý (cho chính bản thân, cho gia đình, cho anh em bè bạn, cho tha nhân…) luôn luôn được đổi mới theo hướng đi lên thích nghi với hoàn cảnh và môi trường sống.
Để kết thúc, xin được trích một đoạn văn của một Giáo-Lý-viên-kiệt-xuất là Thánh Phao-lô Tông đồ: “Thế nhưng làm sao họ kêu cầu Đấng họ không tin? Làm sao họ tin Đấng họ không được nghe? Làm sao mà nghe, nếu không có ai rao giảng? Làm sao mà rao giảng, nếu không được sai đi? Như có lời chép: Đẹp thay bước chân những sứ giả loan báo Tin Mừng! Nhưng không phải mọi người đều đã vâng theo Tin Mừng; chính ngôn sứ I-sai-a đã nói: Lạy Đức Chúa, ai đã tin khi nghe chúng con giảng? Ấy vậy, có đức tin là nhờ nghe giảng, mà nghe giảng là nghe công bố Lời Đức Kitô” (Rm 10, 14-17). Đoạn văn này không những nội dung nói về truyền giáo (dạy Giáo lý), mà – về hình thức nghệ thuật giảng dạy – còn trình bày theo biện pháp nghệ thuật “đặt câu hỏi tiệm tiến”, rất đáng được các Giáo lý viên lưu tâm hoc hỏi.
JM. Lam Thy ĐVD.