Phải chăng thời gian dạy giáo lí nói chung không kéo dài đủ với số năm học để có thể lãnh hội kiến thức căn bản về đạo và việc dạy giáo lí về Bí Tích Giải Tội nói riêng có thể sơ sài và thiếu phần thích đáng,
mà có những người coi thường việc xưng tội, hoặc xưng tội cách hời hợt, máy móc cho qua lần chiếu lệ. Có những người còn sợ đi xưng tội nữa. Dầu sao đi nữa thì đây cũng là dịp để giáo dân cũng như linh mục cùng ôn lại giáo lí về Bí tích Giải Tội và những áp dụng thích hợp trong việc sửa soạn để lãnh nhận Bí Tích liên hệ.
Cũng nên biết tại Hoa Kì, học sinh Công Giáo phải học hết lớp 8 mới được lãnh Bí Tích Thêm Sức. Nếu học sinh học trường Công Giáo thì dĩ nhiên có giờ học giáo lí hàng tuần. Còn học sinh học trường công lập thì đến nhà thờ học giáo lí vào tối ngày thường hoặc cuối tuần, mỗi tuần hơn một giờ, và cũng phải học tới hết lớp 8 mới được lãnh Phép Thếm Sức. Có những phụ huynh muốn đi đường tắt, không chịu gửi con đến nhà thờ học giáo lí, mà cứ đợi con học đến lớp 8, mới gửi con đến nhà thờ học giáo lí, với hi vọng con mình được lãnh Bí Tích Thêm Sức. Trường hợp này những học sinh đó phải học giáo lí bù lại rồi mới được lãnh nhận Bí Tích Thêm Sức vào những năm sau đó, chứ không dễ dàng vậy đâu. Sau khi học sinh lãnh Bí tích Thêm Sức rồi, giáo xứ còn mở lớp giáo lí cho lớp 9, 10, 11 và 12 nữa. Như vậy cho thấy rằng những năm học giáo lí/Thánh kinh của học sinh Mĩ, nhiều hơn gấp bội những năm học giáo lí của học sinh Việt Nam.
————————-
Bài này tương đối dài. Tuy nhiên thay vì cho đăng làm hai kì, tác giả quyết định đăng một lần cho tiện. Vì bài có nhiều tiểu mục liên hệ, độc giả có thể chọn đọc những tiểu mục thích hợp với sở thích hay nhu cầu muốn biết mà đọc trước. Sau đó, đọc những mục liên hệ. Rồi có thể đọc lại.
———————–
Những cách đặt tên mới cho Bí Tích Giải Tội sau Công Đồng Vaticanô II
Sau Công Đồng Vaticanô II, thấy nhiền nơi trên thế giới sử dụng từ ngữ ‘Bí Tích Hoà Giải’ (Sacrament of Reconciliation; Sacrement de Réconciliation; Sacramento di riconciliazione..) để chỉ việc xưng tội và giải tội. Trong những văn kiện và bài viết về bí tích trên mạng tin của giáo phận nọ kia, cũng thấy khá nhiều giáo phận dùng từ ngữ ‘bí tích hoà giải’. Vậy hoà giải cái gì chứ?. Giả sử có ‘bí tích hoà giải’ thì nói như vậy là nói ngược, mà phải nói là ‘bí tích giải hoà’ thì mới đúng thứ tự, nghĩa là giải trước rồi hoà sau. Còn nói là ‘bí tích hoà giải’ khiến người ta chỉ nghĩ đến làm hoà mà sao lãng việc xưng tội. Cũng như trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ, kinh tế, chính trị giữa những phe nhóm hoặc quốc gia, thì cũng phải có giải quyết xung đột, rồi mới có hoà bình.
Như vậy chỉ có nghi thức giải hoà mà người ta đã lỡ gọi là hoà giải. Nghi thức này có thể được cử hành – nếu muốn cử hành – sau buổi xưng tội có đông người xưng tội và đông linh mục giải tội. Chẳng hạn có nghi thức giải hoà bằng cách cho hối nhân đổ nước rửa tay lẫn cho nhau trên thau, rồi cho lau tay, tượng trưng cho tội đã được rửa sạch. Cũng có nghi thức ‘đốt tội’, bằng cách trước khi xưng tội, hối nhân viết lên mảnh giấy ghi những tội lỗi đã phạm để khi vào xưng tội coi lại cho khỏi quên. Rồi sau khi xưng tội, hối nhân đem miếng giấy đã ghi tội mình, bỏ vào bếp than đặt trong nhà thờ để đốt tội đi. Lại có nghi thức cho hối nhân làm một việc gì đó như đọc kinh Lạy Cha hay hát bài Kinh Hoà Bình, rồi bắt tay nhau. Cũng có thể cử hành nghi thức giải hoà tách biệt ra khỏi lúc giải tội bằng cách tổ chức những buổi cầu nguyện, rồi xen kẽ bằng những bài hát có nội dung giải hoà vào những bài đọc thánh kinh về giải hoà với những màn kịch bỏ túi như về người con hoang đàng trở về. Sau đó là một chuỗi lời nguyện giáo dân tự phát hay do một người đọc để xin ơn tha thứ và giải hoà, rồi kết thúc bằng một bài thánh ca tạ ơn.
Cuốn ‘Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo” là bản dịch Viêt ngữ từ Pháp Ngữ của Dòng Don Bosco Việt Nam, được Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình chúc lành cho bản dịch năm 1994, và được Thời Điểm xuất bản 2015 tại Hoa Kì, dịch “Le sacrement de Pénitence et de Réconciliation” là “Bí tích Sám hối và Hoà giải”.
Còn sách ‘Bản Toát Yếu Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo” là bản dịch Việt Ngữ từ Ý Ngữ, của Hội Đồng Giám mục Việt Nam, Uỷ Ban Giáo Lý Đức Tin, do Nhà Xuất Bản Tôn Giáo thục hiện năm 2011, dịch “Sacramento di penitenza et riconciliazione “là “Bí Tích Thống Hối và Hoà Giải’.
Sám hối hay thống hối là phần một của Bí Tích này chỉ là bước đầu của việc trở về, chưa bao hàm việc xưng tội. Còn phần hai của Bí Tích liên hệ là Hoà Giải. Mà nếu chưa xưng tội thì làm sao hoà giải được? Sám hối là tâm tình ăn năn, hối lỗi mà chưa có hành động là xưng tội, thì làm sao tội được tha thứ?
Dịch thuật theo cách đặt tên của sách ngoại ngữ như thế, khiến có những người chỉ muốn sám hối / thống hối mà không muốn xưng tội. Khi ông Phêrô và mười một tông đồ rao giảng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa đã bị đóng đanh trên thập giá và sống lại để chuộc tội loài người, dân chúng liền hỏi: Vậy chúng tôi phải làm gì (Cv 2:37). Ông Phêrô trả lời: Anh em hãy sám hối, và mỗi người hãy chịu phép rửa nhân danh Đức Giêsu Kitô, để được ơn tha tội, và anh em sẽ nhận được ân huệ là Thánh Thần (Cv 2:38). Như vậy sám hối mà thôi chưa đủ, mà còn phải chịu phép rửa nữa để đượoc tha tội nguyên tổ, và đối với người lớn còn được tha tội riêng nữa. Còn để được tha tội riêng, hối nhân cũng cần xưng thú tội lỗi để được tha tội, chứ không phải chỉ sám hối mà thôi như lời Chúa phán: “Các con tha tội cho ai, thì người ấy được tha” (Ga 20:23).
Trước khi cuốn sách Giáo lí của Giáo Hội Công Giáo ra đời tại Vatican năm 1992, có những nhà quan sát nhận định rằng dùng từ ngữ ‘Bí tích Hoà giải’ nghe có vẻ coi thường tội vì thiếu vắng từ ngữ “tội” trong tên Bí Tích, nên số người đi xưng tội suy giảm nhiều, nhất là ở Âu Mĩ sau Công Đồng Vaticanô II.
Vậy để giữ lại tên gọi quen thuộc của Bí Tích này mà các sách giáo lí Công Giáo của nhiều Giáo Phận Việt Nam đã dùng trong mấy thế kỉ qua, là Bí Tích Giải Tội, thì trong bài này, tác giả chỉ thêm từ “cáo” vào Bí Tích Giải Tội, cho ra Bí Tích Cáo-Giải-Tội, hoặc Bí Tích Cáo Giải (tội được hiểu ngầm) vì lí do nếu không có người cáo hoặc xưng tội, thì linh mục đâu có giải tội cho ai được. Bí tích này bao gồm hai tác động đạo đức: hối nhân cáo tội hay xưng tội mình để được linh mục giải tội hay tha tội. Thoạt nghe từ ‘cáo’, người ta tưởng là đi cáo, đi méc tội người khác, nhưng thực sự là cáo tội mình, như khi đọc Kinh Cáo Mình cũng là cáo tội mình với Đấng toàn năng.
Toà cáo-giải-tội:
Tại những quốc gia đã được phát triển về kĩ thuật, thì ngay cả những toà cáo-giải-tội cũng được kiến trúc sư hoặc nhà thầu vẽ mẫu trước theo những nghiên cứu của họ. Còn ở những nơi khác, nhiều toà cáo-giải-tội thường do giáo dân thợ mộc tự làm nên thấy không thực tế. Chẳng hạn khung cửa sổ của toà cáo-giải thì nhỏ xíu ở giữa. Có những người vào xưng tội không những quì gối, lại còn cúi mặt xuống, miệng không hướng tới khung cửa sổ, lại còn nói nhú nhí, nên linh mục giải tội phải ghé tai sát vào khung cửa sổ mà cũng không nghe hết được. Để có thể thích hợp cho mọi người, khung cửa sổ phải khoét cho rộng lớn với nhiều lỗ hổng, để hối nhân hoặc linh mục bất kể cao thấp đều có thể hướng miệng hoặc ghé tai vào khung cửa sổ để nói và nghe được. Thường mỗi nhà thờ có toà cáo-giải-tội cố định. Tuy nhiên vào Mùa Vọng và Mùa Chay có nhiều người xưng tội và nhiều linh mục giải tội, nên giáo xứ phải cho thiết kế những toà cáo-giải-tội đơn giản và di động. Những toả cáo-giải này được đặt xung quanh tường nhà thờ và hội trường với khoảng cách nhau đủ để bảo đảm tính cách riêng tư của việc cáo giải.
Tuy nhiên có một điều cần lưu ý là phải cho hối nhân có hai lựa chọn khác nhau: hoặc là ngồi đối diện với linh mục hoặc quì sau bức màn. Đây là quyền của hối nhân để bảo đảm tính cách ẩn danh của họ. Ý muốn được ẩn danh là tuỳ thuộc vào tâm tính của mỗi người. Do đó ngay cả khi còn nhỏ tuổi, cũng có những em muốn được ẩn danh nghĩa là xưng tội sau bức màn che, thay vì đối diện với linh mục giải tội.
Khử mùi khó chịu khi vào toà cáo-giải-tội:
Những mùi khó chịu không phải chỉ xông ra từ hối nhân, nhưng còn phát ra từ linh mục giải tội. Đó thường là mùi hút thuốc lá – xì gà, mùi rượu bia, mùi hành tỏi sống, mùi nước mắm, mùi mắm tôm – dình vào môi mép và ngón tay -, mùi mì xào ảm vào quần áo và đầu tóc. Đương sự có thể quen với những mùi này rồi, nên khó đánh hơi được. Tuy nhiên người đối diện cảm thấy rất dễ đánh hơi. Ví thế trước khi đi xưng tội hay giải tội, không nên uống rượu bia nhiều, không nên hút thuốc, cũng không nên ăn hành tỏi sống với nước mắm. Nếu nghĩ rằng quần áo đã bị ảm mùi thức ăn từ lâu ngày như mì xào, thì nên thay quần áo khác. Nếu ngửi thấy mình có mùi, thì không nên sức nước hoa vì mùi nước hoa thường kị những mùi xú khí. Tại Việt Nam cũng như ở hải ngoại trong Mùa Vọng cũng như Mùa Chay, Cha xứ thường mời một số linh mục đến giúp giải tội và dùng cơm. Nếu dùng bữa trước khi giải tội, thì nên kiềm chế những thứ phát ra mùi khó chịu. Nên đợi sau khi giải tội, rồi mới ngồi vào bàn ăn, lúc đó sẽ được tự do ăn uống thoải mái hơn. Ngửi những mùi khó chịu này có thể làm hối nhân chia trí khi xưng tội và làm cản trở tâm tình sám hối của hối nhân.
Nhân tiện bàn về mùi khó chịu xông ra, thì có hai anh em ruột kia đến phiên giúp lễ trong vòng một tuần tại một giáo xứ VN ở ngoại quốc. Khi đang sửa soạn bận lễ phục, linh mục chủ tế đánh hơi được mùi nước mắm xông ra từ một trong 2 em. Ngày đầu Cha xứ bỏ qua. Đến hôm sau, Cha xứ định hướng được đến 90% là mùi đó phát ra từ em nhỏ tuổi hơn. Tuy nhiên Cha xứ cũng chỉ nhắc chung vậy thôi, đại khái là ngài ngửi thấy mùi gì khó chịu, không biết có phải từ hai em không? Rồi ngài nói tiếp là mấy em phải làm sao chứ. Nếu không thì khi cho rước lễ, người ta tưởng mùi đó phát ra từ ngài đấy. Đến đây, em nhỏ chừng 8 tuổi lên tiếng nói nguyên văn như sau: “Cha đừng có lo. Ai cũng biết là Cha sạch mà”. Ông Cha nghĩ bụng: “Mình đâu có nói với ai là mình sạch đâu, mà em này dám đặt ý tưởng của em vào đầu óc giáo dân mà cho rằng mình sạch”.
Sửa soạn cá nhân trước khi vào toà cáo-giải-tội
Để được hưởng những lợi ích thiêng liêng, hối nhân cần sửa soạn tâm hồn trước khi vào toà cáo-giải-tội. Nói một cách cụ thể là xét mình, nghĩa là xét xem mình đã lỗi phạm những tội nào. Để giúp cho việc xét mình được dễ dàng, hối nhân có thể xét theo Mười Giới Răn Chúa xem mình đã lỗi phạm những gì. Hối nhân cũng có thể xét theo mối liên hệ của mình đối với Thiên Chúa và với tha nhân, xem mình đã súc phạm đến Thiên Chúa và tha nhân bằng cách nào. Không những xét xem mình đã lỗi phạm bằng cách nào, nhưng còn xét xem những gì mình đã không làm cho người khác như không giúp đỡ khi họ cần giúp đỡ. Rồi khơi dậy lòng sám hối và làm quyết định xa tránh tội.
Sửa soạn theo tập thể nếu có thể và nếu muốn trước khi vào toà cáo-giải-tội
Vào Mùa Vọng và Mùa Chay, thấy linh mục chánh xứ thường mời một số linh mục gần kề trong giáo hạt đến giúp giải tội, không những vì có số đông người xưng tội mà còn có những người muốn xưng tội với linh mục không quen biết, hầu nhắm đạt lợi ích thiêng liêng cho hối nhân cũng như linh mục. Vì có nhiều linh mục giải tội nên mỗi linh mục có thể thư thả khuyên răn hối nhân bằng những lời khuyên thích hợp. Dịp này thường gọi là xét mình – sám hối tập thể – cũng gọi là Penance Service – được sửa soạn bằng bài thánh ca, việc cầu nguyện, đọc bài phúc âm, có thể thêm bài đọc Cựu ước hoặc Tân ước, với nhạc đạo giúp nâng tâm hồn để khơi dậy tâm tình sám hối. Rồi linh mục giúp tập thể hối nhân xét mình hoặc trao bản xét mình, liệt kê những tội hối nhân có thể phạm cho một giáo dân đọc từng câu, rồi dừng lại chốc lát, cho hối nhân nghĩ xem có phạm tội đó không. Sau đó hối nhân đến xưng tội riêng với từng linh mục. Có những linh mục chánh xứ khi thấy có đông hối nhân xưng tội, mà không đủ linh mục giải tội, thì cho hối nhân đọc kinh ăn năn tội chung trước, để khi vào tòa giải tội thì khỏi đọc kinh này. Tuy nhiên nếu hối nhân nào vì lòng đạo đức cá nhân muốn đọc lại kinh ăn năn tội trong toà cáo-giải-tội, linh mục cũng cần cho họ cơ hội. Rồi linh mục ra việc đền tội riêng cho từng hối nhân.
Tạo bối cảnh thích hợp, bầu khí mời gọi và linh thiêng xung quanh toà cáo-giải-tội:
Trước giờ cáo-giải-tội vào Mùa Vọng và Mùa Chay khi có nhiều người xưng tội và linh mục giải tội, linh mục chánh xứ nên cho nhân viên ban phụng vụ hoặc tiếp tân phủi bụi, lau khung cửa sổ toà cáo-giải-tội, xếp đặt toà cáo-giải-tội di dộng và niêm yết hay thông báo tên – nếu cần – của linh mục giải tội ở mỗi toà để hối nhân biết mà lựa chọn. Nếu khung cửa sổ toà cáo-giải-tội có màn che, thì nên giặt ủi hoặc cho thay màn. Cũng trước giờ cáo-giải, nên treo trong nhà thờ những ‘băng rôn’ với những câu thánh kinh kêu gọi ‘hãy sám hối’ hoặc ‘hãy trở về’ có trích dẫn thánh kinh và vẽ những hình ảnh nghệ thuật. Khi hối nhân bắt đầu vào toà cáo-giải-tội, chỉ nên cho mở đèn đủ sáng – không sáng quá – để giúp cho việc đi lại và ra vào. Có thể đặt ở mỗi toà cáo-giải một cây nến mầu tím – theo phụng vụ Công Giáo là mầu sám hối – được thắp sáng. Thêm vào đó cũng nên cho mở nhạc thánh ca hợp xướng tâm niệm, nhỏ tiếng, hoặc băng tụng ca thánh vịnh bằng tiếng La Tinh của dòng tu nam hay nữ. Những yếu tố này có thể được coi là phụ thuộc, nhưng cũng giúp tạo bầu khí mời gọi và linh thiêng.
Có những hối nhân không những không muốn xưng tội đối diện với linh mục, mà còn không muốn người khác biết họ đến nhà thờ xưng tội. Trong trường hợp này, linh mục chánh xứ có thể cho xếp đặt toà cáo-giải-tội di động thế nào để không ai, hay không mấy ai biết, họ đến xưng tội. Việc làm như vậy nói lên hình ảnh của người mục tử đi tìm chiên lạc. Nếu không, thì hối nhân có thể không muốn đến xưng tội. Và khi chiên lạc hay người tội lỗi trở về, thì cả tầng trời đều vui mừng như lời Chúa phán (Lc 15:10).
Về phía hối nhân xưng tội
Trước khi vào toà cáo-giải-tội, hối nhân cần sửa soạn nhất là bề trong, chứ không phải làm việc đạo đức một cách thụ động, máy móc cho qua lần chiếu lệ. Vì thế, hối nhân cần xét mình xem đã phạm những tội gì, ôn lại cách xưng tội và kinh ăn năn tội.
Có những hối nhân, hoặc vì bối rối hoặc hay quên nên khi vào toà cáo-giải-tội không biết nói gì, hoặc nói nhú nhí hoặc nói lung tung trong khi ở ngoài có nhiều người đang đợi đến lượt mình vào xưng tội. Trường hợp đó hối nhân có thể viết tóm tắt những tội đã phạm trên miếng giấy để nhắc nhở cho mình. Sau đó xé mảnh giấy ra thành những mẩu nhỏ, rồi giục đi để không ai xem thấy. Có những người lại không biết đọc kinh ăn năn tội hoặc quên không thuộc. Trường hợp này hối nhân có thể dùng những từ ngữ riêng bày tỏ với Chúa lòng ăn năn sám hối, xin Chúa tha thứ và hứa sẽ xa tránh tội lỗi. Lại có những người khi đọc Kinh Ăn Năn Tội thì đọc rên rỉ ngâm nga như: La-ị-i-Chua-ơ-con..! Chua-ơ-la-à-Đâng-ư-tron-òn-tô-ột-tro-òn-lanh-ành-vô-ồ- cung-ùng. Chua-ơ đã-à-dưng–ừng-nên-ư-co-òn… Nếu đọc với giọng điệu đó mà thật lòng thì cũng được đi. Linh mục cũng có thể đợi mà lắng nghe, vì có vẻ lạ tai. Còn không thì đó lại là chuyện khác.
Xưng tội với lòng chân thành và khiêm hạ thì tội được tha qua Bí tích Cáo-Giải-Tội, không cần phải hồ nghi rằng tội có được tha hay không? Tuy nhiên hối nhân cần duy trì tâm tình sám hối. Tâm tình sám hối khác với mặc cảm tội lỗi. Mặc cảm tội lỗi khiến người ta cảm thấy sợ tội khi làm việc nọ chuyện kia, lại còn hồ nghi, không biết tội có được tha không? Còn tâm tình sám hối sẽ giúp người ta sống gần gũi với Chúa và giúp người ta sống trong tâm tình biết ơn.
Nói tóm lại, sau khi xét mình xem đã phạm những tội gì, hối nhân vào toà cáo-giải-tội, làm dấu thánh giá, nói với linh mục giải tội đã xưng tội cách đó bao lâu, rồi kể tội. Linh mục khuyên vài lời, rồi nhắc đọc Kinh Ăn Năn Tội. Linh mục đọc lời tha tội, rồi ra việc đền tội. Hối nhân rời toà giải tội, đi ra làm việc đền tội tại nhà thờ hay tại nhà, nhưng đừng quên. Sở dĩ có linh mục đợi ra việc đền tội ngay trước khi hối nhân ra khỏi toà cáo giải để họ dễ nhớ. Còn nếu ra việc đền tội trước, thì khi rời toà cáo-giải-tội, có những hối nhân quên, nên hỏi lại việc đền tội là gì ạ?
Thường đời nay linh mục ra việc đền tội chỉ có tính cách tượng trưng, không còn đòi dùng roi hay cầm đá đánh đập vào thân xác để đền tội như xưa. Tuy nhiên dù việc đền tội có tính cách tượng trưng thì hối nhân cũng phải coi đó là việc đền tội để làm một cách nghiêm túc và ý thức. Trong xã hội pháp quyền có những trường hợp thay vì nhốt tội nhân trong tù, nhà chức trách đòi tội nhân làm những công tác xã hội như phục vụ cộng đồng. Trong đời sống thiêng liêng, hối nhân cũng nên tự nguyện làm những việc phục vụ cộng đồng như thăm người đau yếu, bệnh tật, mồ côi. Cũng có thể làm những việc quét dọn, lau rửa phòng ăn, phòng vệ sinh ở trường học, nhà thương, nhà dưỡng lão, viện mồ côi, coi những việc đó là việc phục vụ như Chúa đã phục vụ khi rửa chân cho các môn đệ. Khi làm những việc phục vụ giúp đỡ tha nhân vì yêu mến Chúa thì người ta mới cảm thấy đời có ý nghĩa và vui sống đức tin được.
Có những người quá chú trọng đến lòng thương xót của Chúa. Cả những vị tai to mặt lớn trong Giáo Hội cũng chỉ nhấn mạnh đến lòng Chúa xót thương. Trong năm kính lòng Chúa Thương Xót, họ đọc chuỗi kinh lòng Chúa thưong xót thường xuyên và sau năm đó họ vẫn tiếp tục đọc chuỗi kinh lòng thương xót. Điều đó không có gì sái. Tuy nhiên người ta cũng cần phải sám hối và đền tội của chính mình nữa dể được Chúa xót thương. Đem ý tưởng đền tội vào công việc làm và chịu đựng những trái ý, sẽ giúp người ta cảm thấy công việc làm nhẹ nhàng, có ý nghĩa và công phúc trước toà Chúa, lại còn cảm thấy vui khi làm việc và chịu đựng.
Về phía linh mục giải tội
Nếu hối nhân xưng thú tội lỗi cần sửa soạn nhất là bề trong, mới thực sự được ơn ích, thì linh mục giải tội cũng cần sửa soạn. Cùng một việc làm được thực hiện (Ex Opere operato), nhưng cách thế làm việc (Ex Opere Operantis) thì khác nhau. Cách thế làm việc có thể bao gồm việc sửa soạn bề ngoài và bên trong, việc để trí cũng như để tâm vào công việc làm và làm việc với ý hướng phụng sự và phục vụ vì yêu mến. Có như vậy thì người làm việc mới cảm thấy hứng khởi và vui sống đức tin. Người khác trông vào mới cảm thấy họ làm việc “có hồn” cũng như người ta nói tiếng hát của ca sĩ nọ ca sĩ kia “có hồn”. Còn việc làm có tính cách thụ động, máy móc, miễn cưỡng cho qua lần chiếu lệ, thì khiến cho ơn Chúa khó tác động tâm hồn và biến đổi đời sống. Đức Giêsu đã trích lời ngôn sứ Isaia để chỉ về cách thờ phượng giả hình của nhóm người Pha-ri-sêu và kinh sư như sau: “Dân này chỉ tôn thờ Ta bằng môi miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta”(Mt 15:8; Is 29:13).
Để làm hữu hiệu hoá mục vụ chữa lành bệnh tật thiêng liêng theo ý hướng trên thì linh mục – nếu không có khiếu tự nhiên về tâm lí – thì nên đọc sách hay học mấy khoá tâm lí về liên hệ giữa người với người và liên hệ giữa người với Thiên Chúa và thần thánh, hầu có thể trao ban những lời khuyên cụ thể, áp dụng vào chính vấn đề hối nhân xưng thú tội lỗi. Khi mới ra “lò linh mục” với kiến thức và kinh nghiệm hữu hạn, có những linh mục dùng những lời khuyên tủ, nghĩa là những lời khuyên chung cho mọi trường hợp. Tuy nhiên với thời gian thu thập kiến thức và kinh nghiệm, linh mục không còn dùng lời khuyên tủ nữa, nhưng chọn những lời khuyên khác nhau cho những trường hợp khác nhau. Linh mục cũng không còn khuyên dài dòng văn tự, nhất là khi giải tội cho một linh mục khác vì nhận thức rằng đã là linh mục thì phải biết thế nào là tội và làm sao xa tránh tội. Thêm vào đó, linh mục cũng không hỏi chi tiết về những tội hối nhân phạm, liên quan đến Giới Răn Thứ Sáu.
Linh mục sẽ cố gắng giúp hối nhân tìm ra căn nguyên cội rễ của tội. Có những tội người ta phạm là tại lí do thể li hoặc tâm lí. Ví dụ có những hối nhân vào Thứ Tư Lễ Tro hoặc Thứ Sáu Tuần Thánh, không giữ chay được mà cứ hay ăn vặt vì họ có sán lãi trong người. Bệnh sán lãi làm cho người ta hay cảm thấy đói nên họ phải tìm cách ăn vụng và ăn vặt. Để khỏi phạm tội lỗi luật giữ chay, người ta cần chữa bệnh sán lãi. Khi cảm thấy đói mà uống nước ấm vào, cũng thấy đỡ đói mà không lỗi luật giữ chay. Rồi có những tội người ta phạm vì lí do cô đơn, hoặc đánh giá thấp về mình hoặc người khác đánh giá thấp về họ, hoặc họ không cảm thấy hài lòng, thoải mái về mình. Để đối phó tâm trạng cô đơn, linh mục sẽ cố gắng giúp hối nhân làm sao tìm đến Chúa là bạn đồng hành. Để đối phó với tâm trạng bất mãn về mình hoặc những khả năng thấp kém của mình, linh mục có thể giúp hối nhân biết chấp nhận những nén bạc, của cải, tài năng Chúa ban và tìm cách phát triển. Theo dụ ngôn những nén bạc (Mt 25: 14-30; Lc 19: 11-27), thì người nhận được hai nén bạc biết đầu tư phát triển thêm được 2 nén nữa. Người nhận được năm nén cũng đầu tư phát triển thêm được 5 nén nữa. Theo tỉ lệ phần trăm thì người làm lợi thêm 2 nén bạc, cũng thành công như người làm lợi thêm 5 nén, nghĩa là mỗi người đều làm lời gấp đôi cho chủ. Còn người nhận được một nén thì bất mãn, đem chôn cất nén bạc đi thì bị chủ trách phạt.
Lại có những hối nhân hay bối rối. Vừa ra khỏi toà giải tội, họ lại trở vào hỏi không biết đã xưng tội này nọ chưa hoặc không biết tội có được tha không. Trường hợp này linh mục khuyên hối nhân vì Chúa đã tha tội nên họ cũng cần phải biết tha thứ cho mình. Có những trường hợp, linh mục phải tỏ ra nhất quyết với hối nhân, bảo họ không cần trở lại xưng lại tội vừa xưng. Nếu cần thì linh mục còn ra lệnh cho họ không được trở lại ngay sau đó. Như vậy mới có thể giúp chữa trị được bệnh bối rối của họ.
Linh mục sẽ nhận ra khi giải tội cho người VN rành tiếng Việt, thì đọc lời tha tội bằng tiếng Việt lớn tiếng đủ để hối nhân có thể nghe, thì họ mới cảm nghiệm được ý nghĩa của Bí tích Cáo-Giải-Tội . Nếu trong số hối nhân có những người không rành xưng tội, linh mục sẽ đem bản mẫu xét mình xưng tội theo, trao cho họ đọc để họ biết cách xét mình xưng tội. Rồi cũng làm bản sao kinh ăn năn tội vào những miếng giấy nhỏ cho hối nhân mượn hoặc phát không cho họ đọc.
Tại những giáo xứ và cộng đồng Công Giáo Việt Nam ở Mĩ Quốc, có những học sinh thuộc thế hệ thứ hai không biết xưng tội bằng tiếng Việt, nhưng khi Ông Cha khuyên bằng tiếng Việt thì các em hiểu. Các em cũng thuộc kinh Ăn Năn Tội bằng tiếng Việt. Có nhiều em biết đọc Kinh Kính Mừng bằng tiếng Việt hơn là những em biết đọc Kinh Lạy Cha bằng Việt Ngữ. Điều đó cho thấy người Việt Nam có lòng kính mến Đức Mẹ. Tuy nhiên phụ huynh Việt Nam cần nhận thức rằng Kinh Lạy Cha là kinh quan trọng nhất trong các kinh vì do chính Đức Kitô đã dạy.
Khi giải tội cho người ngoại quốc, linh mục sẽ khuyến khích họ đọc kinh ăn năn tội bằng tiếng mẹ cho có tâm tình nếu họ biết và thuộc vì họ đã nghe và quen tiếng mẹ ngay từ trong lòng mẹ. Có những hối nhân đã xin với linh mục giải tội: “Thưa Cha, con có thể đọc kinh ăn tội bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Nhật, tiếng Đại Hàn… không?. Dĩ nhiên Ông Cha trả lời là được lắm chứ. Có luật nào cấm đâu? Vậy thì đọc đi.
Trường hợp hối nhân vào toà giải tội nói họ không có tội gì để xưng, thì linh mục ban phép lành cho họ. Nếu họ vẫn muốn được linh mục làm phép giải tội, linh mục có thể nói họ lập lại một vài tội cũ, hoặc bảo họ xưng những tội mà họ không nhớ được, để linh mục có gì mà tha thứ.
Mục vụ giải hoà bệnh nhân trên giường bệnh
Về những cách thức sửa soạn để xưng tội như trên, không thể được áp dụng cho bệnh nhân, nhất là những bệnh nhân nằm nhà thương, mà phải làm cách rất đơn giản, tuỳ thuộc vào hoàn cảnh đặc thù và cá biệt của mỗi bệnh nhân và bối cảnh nơi chốn cho bệnh nhân lãnh nhận Bí Tích Cáo-Giải-Tội.
Trước khi đi thăm người bệnh, linh mục nên sửa soạn xem cần đọc bài thánh kinh nào cho thích hợp với hoàn cảnh gia đình và cá nhân người bệnh và cầu nguyện thế nào để có thể giúp cho ơn Chúa đánh động tâm hồn họ. Cũng nên đem bản xét mình mẫu giúp cho bệnh nhân xét mình xưng tội. Đối với bệnh nhân không nói được, thì trao cho họ bản xét mình, bảo họ chỉ vào tội mà họ đã phạm. Khuyên họ vài lời, rồi trao cho họ kinh ăn năn tội để họ đọc. Khi giải tội cho bệnh nhân thì người nhà tạm ra ngoài đợi. Còn những lúc khác như khi linh mục sức dầu thánh, cho bệnh nhân rước Mình Thánh Chúa, cầu nguyện cho bệnh nhân, con cháu và người thân phải trở lại để hiệp thông với lời nguyện cầu cho người bệnh và cũng để ủng hộ tinh thần bệnh nhân nữa.
Có những người rất sợ chết, không hẳn vì họ phạm nhiều tội, nhưng họ sợ cho tương lai mà họ chưa có ý niệm gì về đó cả. Họ muốn biết sau khi chết rồi, sẽ ra sao, sẽ ở đâu, có được gặp người thân không? Họ là những người muốn cậy dựa vào những người thân trong gia đình về tinh thần, không muốn rời xa gia đình. Họ cũng có thể thuộc loại ngườì có óc tổ chức, biết phòng xa cho đời mình. Người ta thấy trong nhà họ được bày biện, xếp đặt thứ tự ngăn nắp. Họ là loại người sống và làm việc có chương trình. Trong đời sống, họ không muốn đổi việc hoặc đổi chỗ ở. Họ thuộc loại người thích đời sống ổn định, không thích phiêu lưu, mạo hiểm, cũng không thích du lịch nhiều. Do đó mà họ sợ cảnh ngộ mà họ không có ý niệm sau khi chết.
Có những người nhà bệnh nhân thường theo thói quen được thực hành trong quá khứ xa xưa, cứ đợi đến giờ phút cuối cùng của người bệnh, mới nhờ linh mục đến cử hành các bí tích cần thiết cho bệnh nhân. Lúc đó có thể đã quá trễ cho bệnh nhân để lãnh nhận bí tích một cách hiểu biết và ý thức và khơi dạy tâm tình sám hối. Vậy người nhà nên tham khảo với bác sĩ xem vào thời điểm nào bệnh nhân có thể ra đi vĩnh biệt để báo cho bệnh nhân biết mà sửa soạn tâm hồn. Đây không phải chuyện dấu diếm bệnh nhân. Đây cũng là lúc cho người sắp ra đi nói những lời trối trăng với người ở lại. Lời trối trăng khác với di chúc. Bệnh nhân có thể không cần làm di chúc. Còn nếu cần làm di chúc thì di chúc đã phải làm trước đó, khi người bệnh còn tỉnh trí với chữ kí của hai nhân chứng và một công chứng vì có liên quan đến pháp lí. Còn lời trối trăng nhắm đến phương diện tinh thần và đời sống thiêng liêng trong phạm vi gia đình. Đây còn là dịp để vợ chồng nói những lời xin lỗi người phối ngẫu nếu người nọ đã súc phạm đến người kia; con cái xin bố mẹ tha thứ, nếu đã gây đau khổ cho bố mẹ. Quan trọng hơn nữa còn là dịp để bệnh nhân nguyện cầu và kêu xin cùng Đấng mà họ tôn thờ theo ước nguyện của họ.
Theo những nhà dẫn đàng thiêng liêng thì vào cuối đời, ma qủi thường hay cám dỗ người bệnh ngã lòng tin cậy Chúa. Vì thế linh mục có thể đề nghị gia đình đeo tràng hạt vào cổ người bệnh để giúp trấn an tâm hồn. Cũng đề nghị gia đình trưng bày ảnh tượng cho họ thấy có Chúa hiện diện bên giường bệnh qua những tượng ảnh. Người nhà còn có thể mở nhạc đạo hoặc những băng dẫn đàng thiêng liêng cho họ nghe. Những hội đoàn còn có thể thay phiên đọc kinh xung quanh giường bệnh. Những bài thánh ca hoặc những lời kinh nguyện vẫn có thể đi vào tiềm thức của bệnh nhân ngay cả khi họ bất tỉnh.
Nếu bệnh nhân hấp hối mà sợ chết, thì người nhà và người thân nên đặt tay lên vai họ, nắm tay chân họ để giúp trấn an họ. Còn linh mục giúp họ tìm sự bình an trong tâm hồn thay vì để họ phàn nàn kêu trách. Có những bệnh nhân mắc bệnh nan trị, có thể tự hỏi tại sao họ phải mang bệnh tật này, tại sao Chúa lại gửi thánh giá đến cho họ, tại sao Chúa gọi họ ra khỏi đời này. Lúc này linh mục chăm sóc bệnh nhân không thể trả lời cho họ những câu hỏi tại sao – mà cũng không ai trả lời được – nhưng chỉ có thể ủy lạo tinh thần, giúp bệnh nhân chấp nhận thánh giá bệnh tật với đức tin, tìm ra ý nghĩa của việc mang vác thánh giá của bệnh tật và sự chết trong bình an để được tham dự vào cuộc khổ nạn của Chúa hầu có thể chia sẻ cuộc phục sinh với Chúa.
Lm Trần Bình Trọng
Mục Vụ Văn Bút