Tập Chỉ Dẫn Chuẩn Bị Lãnh Nhận Bí Tích Hôn Phối, Vatican 1996

Hội Đồng Giáo Hoàng Về Gia Đình

Nhập Đề

1. Việc chuẩn bị để kết hôn, để sống đời sống lứa đôi và đời sống gia đình có tầm mức rất quan trọng đối với lợi ích của Giáo Hội. Thực thế, bí tích Hôn phối có giá trị rất lớn đối với toàn thể cộng đồng Kitô Giáo, và trước nhất, đối với các người phối ngẫu là những người phải quyết định những điều quan yếu đến độ không thể tùy tiện ứng biến hoặc đưa ra một cách hấp tấp được. Trong quá khứ, việc chuẩn bị này có thể dựa vào sự nâng đỡ của xã hội vốn biết thừa nhận các giá trị và lợi ích của hôn nhân. Giáo Hội không gặp khó khăn hoặc nghi hoặc nào trong việc bảo vệ tính cách thánh thiện của hôn nhân với ý thức rằng bí tích này đưa lại một bảo đảm của Giáo Hội coi nó như một tế bào sống của Dân Chúa. Ít nhất trong các cộng đồng đã thực sự được phúc âm hóa, việc nâng đỡ của Giáo Hội rõ ràng rất vững chãi, thống nhất và gắn bó. Nói chung, các vụ ly thân cũng như thất bại trong hôn nhân rất hiếm, và ly dị được coi như một thứ “dịch hạch” có tính xã hội (xem Gaudium et Spes = GS, số 47).

Ngày nay, trái lại, trong nhiều trường hợp, ta đang mắt thấy tai nghe hiện tượng gia đình ngày một thoái hoá gia trọng và giá trị hôn nhân bị xoáy mòn dần. Tại nhiều quốc gia, đặc biệt các quốc gia đã phát triển về kinh tế, con số các cuộc hôn nhân đang giảm dần. Người ta thường lấy nhau trễ hơn trong khi các vụ ly dị và ly thân ngày càng gia tăng, ngay cả trong những năm đầu tiên mới lấy nhau. Tất cả những điều ấy tất nhiên dẫn ta tới một âu lo không thôi về mục vụ: Liệu những người đang bước vào hôn nhân có thực sự được chuẩn bị cho việc đó hay không? Vấn đề chuẩn bị lãnh nhận bí tích Hôn phối và cuộc sống sau đó hiện đã trở thành nhu cầu mục vụ lớn lao trước hết đối với các người phối ngẫu, và đối với toàn thể cộng đồng Kitô Giáo cũng như xã hội nói chung. Chính vì thế, sự quan tâm cũng như các sáng kiến trong việc cung cấp những câu trả lời đầy đủ và đúng lúc cho việc chuẩn bị lãnh nhận bí tích Hôn phối đang gia tăng khắp nơi.

2. Qua tiếp xúc thường xuyên với các Hội Đồng Giám Mục cũng như nhiều cuộc hội họp khác nhau của các ngài, và nhất là những cuộc “thăm viếng toà Phêrô” (ad limina), Hội Đồng Giáo Hoàng về Gia Đình luôn cẩn trọng theo dõi các công tác mục vụ liên quan đến việc chuẩn bị và cử hành bí tích Hôn phối và cuộc sống sau đó. Hội Đồng đã nhiều lần được yêu cầu cung cấp một tập chỉ dẫn liên quan đến việc chuẩn bị cho các cặp vợ chồng sắp lấy nhau, vốn là nội dung của tập tài liệu này. Hội Đồng cũng đã nhận được nhiều đóng góp từ nhiều Phong Trào, Nhóm và Hiệp Hội Tông Đồ đang làm việc mục vụ gia đình: họ đã cung hiến nhiều nâng đỡ, ý kiến và kinh nghiệm cho việc soạn thảo các chỉ dẫn này.

Dự bị hôn nhân tạo nên một giai đoạn đầy quan phòng và thuận lợi cho những ai đang hướng về bí tích Kitô Giáo này, và một giai đoạn (kayros) trong đó Chúa kêu mời và giúp những người đã đính hôn biết nhận ra ơn gọi kết hôn và sống cuộc sống gia đình. Giai đoạn đính hôn được đặt trong bối cảnh một diễn trình phúc âm hóa phong phú. Thực thế, các vấn đề có ảnh hưởng đến gia đình đều hội tụ trong cuộc sống của những người đính hôn, tức các cặp vợ chồng tương lai. Do đó, họ được mời gọi tìm hiểu ý nghĩa của tình yêu có trách nhiệm và chín chắn trong cộng đồng sự sống và yêu đương sẽ là chính gia đình của họ, một Giáo Hội tại gia thực sự, một Giáo Hội sẽ đóng góp vào việc phong phú hóa Giáo Hội hoàn vũ.

Sự quan trọng của việc chuẩn bị này bao hàm một diễn trình phúc âm hóa vừa để chín mùi hóa vừa để thâm hậu hóa đức tin. Nếu đức tin yếu ớt hoặc hầu như không có (xem Familiaris Consortio = FC, số 68), thì cần phải làm cho nó sống dậy. Không thể nào loại bỏ việc giáo huấn toàn diện và kiên tâm nhằm khêu lên và nuôi dưỡng sự nhiệt tâm của một đức tin sống động. Đặc biệt, nơi nào đã trở nên như ngoại đạo, ta nên cung ứng “một cuộc hành trình tìm kiếm đức tin giống như cuộc hành trình dự tòng” (FC số 66), và trình bày những chân lý Kitô Giáo căn bản có thể giúp thủ đắc hoặc củng cố sự trưởng thành về đức tin của những người sắp kết hôn. Điều đáng ước mong là những giây phút thuận lợi trong việc chuẩn bị hôn nhân, như dấu chỉ hy vọng, sẽ biến thành một cuộc Tân Phúc Âm Hóa cho các gia đình tương lai.

3. Việc chú tâm đặc biệt này đã được các văn kiện sau đây nhấn mạnh: giáo huấn của Công Đồng Vatican 2 (GS số 52), các hướng dẫn của Giáo Huấn Giáo Hoàng (FC 66), các qui thức của Giáo Hội (Bộ Giáo Luật = BGL, số 1063; Bộ Giáo luật Đông Phương = BGLĐP số 783), Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo (số 1632) và những tài liệu khác của Huấn Quyền, trong đó có Hiến Chương Quyền Gia Đình. Hai trong số các văn kiện gần đây nhất do Huấn Quyền Giáo Hoàng ban hành là Thư Gửi Các Gia Đình (Gratissimam Sane) và Thông điệp Phúc Âm Sự Sống (Evangelium Vitae = EV) đã đưa lại nhiều trợ giúp cho tác vụ của chúng tôi.

Như đã thưa, để đáp lại nhiều yêu cầu từng được lập đi lập lại, Hội Đồng Giáo Hoàng về Gia Đình đã khởi sự suy nghĩ về đề tài này bằng cách tập trung nhiều hơn vào các “giảng khóa dự bị” trong chiều hướng Tông Huấn Familiaris Consortio. Trong khi soạn thảo, tài liệu này đã kinh qua một diễn trình biên tập (editorial) sau đây.

Trong năm 1991, Hội Đồng tổ chức một Hội Nghị Khoáng Đại kéo dài từ 30 Tháng 9 đến 5 Tháng 10 nguyên bàn về đề tài chuẩn bị lãnh nhận bí tích Hôn phối. Ủy ban Chú tọa của Hội Đồng và các cặp vợ chồng thành viên của Hội Đồng đã đề nghị nhiều chất liệu cho bản dự thảo thứ nhất. Sau đó, từ 8 đến 13 Tháng 7 Năm 1992, một nhóm làm việc đã được triệu tập gồm các vị chăn chiên, các cố vấn và các chuyên viên với nhiệm vụ soạn bản dự thảo thứ hai để gửi đến các Hội Đồng Giám mục phân phối và xin ý kiến đóng góp. Đa số các câu trả lời với những gợi ý hữu ích đã được gửi về, được nghiên cứu và đưa vào bản dự thảo kế tiếp do một nhóm làm việc soạn thảo trong năm 1995. Nay, Hội Đồng xin trình bày tài liệu hướng dẫn này được đề nghị làm căn bản cho công tác mục vụ liên quan đến việc chuẩn bị lãnh nhận bí tích Hôn phối. Nó đặc biệt hữu ích cho các Hội Đồng Giám mục trong việc soạn các Tập Chỉ Dẫn riêng của mình, và cũng hữu ích cho những cam kết mục vụ lớn hơn trong giáo phận, giáo xứ và các phong trào tông đồ (xem FC số 66).

4. Bản “Đại Hiến Chương” (Magna Carta) về gia đình, tức Tông Huấn Familiaris Consortio, đã trích dẫn trên đây, đã chỉ rõ rằng: “…những thay đổi đã và đang xẩy ra bên trong hầu hết các xã hội hiện đại đòi buộc không phải chỉ gia đình mà cả xã hội và Giáo Hội nữa phải can dự vào cố gắng chuẩn bị thích đáng cho người trẻ lãnh nhận các trách nhiệm tương lai của họ… Do đó, Giáo Hội phải cổ võ các chương trình dự bị hôn nhân tốt hơn và thâm hậu hơn, ngõ hầu có thể loại bỏ được càng nhiều càng tốt các trở ngại khó khăn mà các cặp vợ chồng ngày nay đang phải đương đầu, và còn hơn thế nữa để tích cực ủng hộ việc thiết lập và chín mùi hóa các cuộc hôn nhân thành công” (FC số 66).

Bộ Giáo Luật ấn dịnh rằng nên có “việc chuẩn bị bản thân khi bước vào hôn nhân, ngõ hầu các người phối ngẫu có thiên hướng về sự thánh thiện và các bổn phận của bậc sống mới” (BGL điều 1063; BGLĐP điều 783, tiết 1). Những chỉ dạy này cũng được tìm thấy nơi Sách Nghi Lễ Cử Hành Hôn Phối số 12.

Trong bài diễn văn ngỏ với Hội Nghị Khoáng Đại Lần Thứ 9 của Hội Đồng Giáo Hoàng về Gia Đình (Ngày 4-10-1991), Đức Thánh Cha tuyên bố: ” Các khó khăn do khung cảnh xung quanh của người ta gây ra đối với việc tìm biết chân lý về bí tích Kitô Giáo càng lớn bao nhiêu, thì các cố gắng của ta trong việc chuẩn bị đầy đủ cho các cặp hôn phối lãnh nhận các trách nhiệm của họ càng phải lớn hơn bấy nhiêu”. Rồi, sau khi nhắc đến một vài nhận xét cụ thể hơn về các giảng khóa chuyên biệt, Ngài tiếp tục cho hay: “Anh em có thể đã nhận xét ra rằng một khi đã thấy sự cần thiết phải tổ chức các giảng khóa chuyên biệt, với những kết quả tích cực do những phương pháp khác nhau đưa lại, xem ra thật là thích hợp nếu ta bắt đầu đưa ra được những tiêu chuẩn cần tuân theo, dưới hình thức những tập hướng dẫn hoặc chỉ dẫn, để cung hiến cho các Giáo Hội chuyên biệt làm những trợ huấn cụ có giá”. Điều này càng thích hợp hơn nữa đối với các Giáo Hội chuyên biệt, vì đối với phần đông ” những người của sự sống và phục vụ sự sống, gia đình có một trách nhiệm dứt khóat. Trách nhiệm này phát sinh từ chính bản chất của nó trong tư cách cộng đồng sự sống và yêu thương, thiết lập trên hôn nhân, và từ chính sứ mệnh của nó trong việc bảo vệ, bày tỏ và chuyển thông tình yêu” (EV số 92, cũng xem FC số 17).

5. Vì mục tiêu trên, Hội Đồng Giáo Hoàng về Gia đình đưa ra tài liệu này với chủ đích để chuẩn bị lãnh nhận và cử hành bí tích Hôn phối. Các chỉ dẫn trong tập này làm thành một cuộc hành trình bao gồm việc chuẩn bị xa, chuẩn bị gần, chuẩn bị cận kề để lãnh nhận bí tích Hôn phối (xem FC số 66). Các chất liệu cung cấp ở đây nhằm gửi đến trước nhất các Hội Đồng Giám mục, các cá nhân giám mục và những người cùng làm việc với các ngài trong công tác mục vụ dự bị hôn nhân, và cũng nhằm gửi đến chính các cặp đã đính hôn, những người vốn là đối tượng được Giáo Hội lưu tâm săn sóc mục vụ.

6. Sự quan tâm mục vụ đặc biệt sẽ được cung ứng cho những cặp đính hôn trong các hoàn cảnh đặc biệt của họ đã được dự liệu trong Bộ Giáo Luật các điều 1071, 1072 và 1125 cũng như BGLĐP các điều 789 và 814. Khi những chỉ dẫn trong tập tài liệu này không thể hoàn toàn áp dụng được đối với các hoàn cảnh đặc biệt trên đây, thì chúng vẫn có ích để hướng dẫn và đi theo chúng một cách thích ứng. Trung thành với ý muốn và giáo huấn của Chúa Kitô, qua các luật lệ riêng của mình, Giáo Hội bày tỏ đức ái mục vụ trong việc chăm sóc của mình đối với mọi hoàn cảnh của các tín hữu. Các tiêu chuẩn đề nghị chỉ là những phương tiện để giúp đỡ cách tích cực chứ không được coi như những biện pháp hạn chế.

7. Động cơ tiềm ẩn về học thuyết gợi hứng cho tài liệu này phát sinh từ niềm xác tín rằng hôn nhân là một giá trị có nguồn gốc ngay trong Sáng Thế và nó đâm rễ ngay trong bản nhiên con người. “Các ông lại đã không đọc rằng ngay từ nguyên thủy Ngài đã dựng nên họ có nam có nữ rồi phán: vì lý do này, người đàn ông sẽ từ bỏ cha mẹ mình mà kết hiệp với vợ, và cả hai nên một thể xác đó ư?” (Mt 19: 4-5). Do đó, điều Giáo Hội làm cho gia đình và hôn nhân chắc chắn sẽ góp phần vào thiện ích của xã hội nói chung và thiện ích của mọi người. Mặt khác, như một biểu thức của sự sống mới do Chúa Kitô Phục sinh làm thành khả hữu, hôn nhân Kitô Giáo luôn luôn diễn tả sự thật về tình yêu phu phụ và như một lời tiên tri rõ ràng nói lên các nhu cầu chân thực của con người nhân bản: rằng ngay từ nguyên thủy, người đàn ông và người đàn bà đã được kêu mời sống một hiệp thông sự sống và yêu đương và sự bổ túc lẫn nhau này sẽ dẫn đến việc làm vững mạnh nhân phẩm của hai vợ chồng, thiện ích của con cái và của chính xã hội qua việc “… bảo vệ và cổ võ sự sống… trách nhiệm và bổn phận của mỗi người” (EV số 91).

8. Bởi thế, tập tài liệu này xem xét cả các thực tại trong bản nhiên con người thích hợp với định chế thần linh này, cũng như các thực tại đặc thù của bí tích do Chúa Kitô thiết lập. Nó được chia thành ba phần:

1). Tầm quan trọng của Việc Chuẩn Bị Hôn Nhân Kitô Giáo;

2). Các Giai đoạn hoặc Thời kỳ Chuẩn bị;

3). Việc Cử hành Hôn phối.

Phần I – Tầm quan trọng của việc chuẩn bị hôn nhân Kitô Giáo

9. Điểm khởi hành của hành trình chuẩn bị hôn nhân là ý thức rằng giao ứơc hôn nhân đã được Chúa Kitô, qua quyền lực Chúa Thánh Thần, thăng hoa và nâng lên hàng bí tích của Giao Ước Mới. Bí tích này liên kết hai vợ chồng vào tình yêu hiến mình của Chúa Kitô, là Chàng Rể, cho Giáo Hội, là Cô Dâu của Ngài (xem Eph 5:25-32) qua việc biến họ thành hình ảnh của tình yêu này và chia sẻ tình yêu ấy. Nó làm hai vợ chồng ca tụng Chúa, nó thánh hóa sự kết hiệp phu phụ và cuộc sống của người tín hữu Kitô là người đang cử hành nó, và làm phát sinh ra gia đình Kitô Giáo, Giáo Hội tại gia, “tế bào đầu tiên và sống động của xã hội ” (Apostolicam Actuositatem, số 11), và là “cung thánh sự sống” (EV số 92, và cả các số 6, 88, 94). Cho nên, các cặp vợ chồng và các gia đình Kitô Giáo không bị cô lập cũng như cô đơn.

Đối với các Kitô hữu, hôn nhân, vốn bắt nguồn từ chính Thiên Chúa Hóa Công, cũng bao hàm một ơn gọi đặc biệt vươn tới một bậc và một cuộc sống ơn thánh đặc biệt. Để có thể chín mùi, ơn gọi này đòi phải có một sự chuẩn bị đầy đủ, chuyên biệt và một con đường sống đức tin và yêu thương đặc thù. Điều ấy càng cần hơn vì ơn gọi này đã được ngỏ với các cặp vợ chồng để họ phục vụ lợi ích của Giáo Hội và xã hội. Điều này có đầy đủ ý nghĩa và sức mạnh của một cam kết công khai trước mặt Chúa và xã hội, một cam kết vốn vượt quá các giới hạn cá nhân.

10. Với tư cách một cộng đồng sự sống và yêu thương, vừa như một định chế tự nhiên theo thiên luật vừa như một bí tích, hôn nhân luôn luôn sở đắc một nguồn năng lực lớn lao (xem FC số 43), bất chấp mọi khó khăn có thể có. Qua chứng tá của hai vợ chồng, hôn nhân có thể trở thành Tin Mừng, góp phần lớn lao vào việc tân phúc âm hóa, và bảo đảm tương lai xã hội. Tuy nhiên, những nguồn năng lực này cần được khám phá ra, lượng giá và cải thiện bởi chính hai vợ chồng cũng như cộng đồng Giáo Hội trong giai đoạn liền trước khi cử hành hôn phối. Nhiều giáo phận trên thế giới đang cố gắng tìm tòi các hình thức chuẩn bị hôn nhân ngày một có hiệu quả hơn. Nhiều kinh nghiệm tích cực đã được truyền lại cho Hội Đồng Giáo Hoàng về Gia Đình. Chắc chắn các kinh nghiệm này sẽ càng ngày càng được củng cố hơn và sẽ giúp ích lớn lao nếu được các Hội Đồng Giám mục cũng như từng mỗi cá nhân giám mục đang chăm lo mục vụ ở các Giáo Hội chuyên biệt biết đến và lượng giá.
Trong tài liệu này, điều được gọi là chuẩn bị bao gồm một diễn trình giáo dục rộng lớn và toàn diện về cuộc sống phu phụ là cuộc sống cần được xem sét dưới cái nhìn tổng thể toàn bộ các giá trị của nó. Đó là lý do tại sao việc chuẩn bị hôn nhân lại là một nhu cầu cấp thiết, nếu ta chú ý đến các điều kiện tâm lý và văn hóa hiện nay. Thực thế, chuẩn bị tức là giáo dục để những ai vốn thuộc thành phần những người của sự sống và phò sự sống biết kính trọng và chăm sóc sự sống là điều, trong Cung Thánh các gia đình, phải trở thành việc cấy trồng thực sự và đúng nghĩa sự sống con người trong mọi biểu thức của nó (xem EV 6, 78, 105). Chính thực tại của hôn nhân phong phú đến độ nó đòi hỏi trước nhất một diễn trình nhậy cảm hóa để các cặp đính hôn phải cảm thấy nhu cầu tự chuẩn bị mình để bước vào. Cho nên, mục vụ gia đình cần phải hướng các cố gắng tốt nhất của mình vào việc phẩm chất hóa việc chuẩn bị này, cũng như lợi dụng các phương thế sư phạm cũng như tâm lý học nào xét ra có hướng đi lành mạnh. Trong một tài liệu khác mới ấn hành gần đây (ngày 8/12/1995) cũng do Hội Đồng Giáo Hoàng về Gia Đình tựa là Sự Thật Và Ý Nghĩa Của Giới Tính Con Người: Các Hướng Dẫn Để Giáo Dục Trong Gia Đình, Hội Đồng đã cố gắng giúp các gia đình trong trách vụ giáo dục con cái họ về phương diện tính dục.

11. Sau cùng, vì những hoàn cảnh hiện tại như trên đã nói, mối quan tâm của Giáo Hội ngày càng trở nên cấp thiết hơn đối với việc chuẩn bị hôn nhân. Vì một đàng, ta có thể nhận thấy đang có việc phục hồi các giá trị và một số khía cạnh quan trọng của hôn nhân và gia đình cùng với việc nở rộ các chứng tá đầy hân hoan của rất nhiều các cặp vợ chồng và gia đình Kitô hữu. Nhưng đàng khác, con số những người làm ngơ hoặc bác khước các phong phú của hôn nhân với một hình thức bất tín nhiệm sâu xa đến độ hoài nghi hoặc chối bỏ các thiện ích và giá trị của nó ngày một gia tăng (xem GS, 48). Ngày nay, ta đang chứng kiến một cách đáng ngại sự quảng bá một nền “văn hóa” hoặc một não trạng vô tâm đối với gia đình như một giá trị cần thiết cho vợ chồng, con cái và xã hội. Một số thái độ và biện pháp hiện đang được dự kiến trong luật lệ đã không giúp gì các gia đình được đặt nền tảng trên hôn nhân, thậm chí còn chối bỏ quyền lợi của các gia đình này. Như một chuyện thực tế, bầu khí duy tục đang lan rộng trong nhiều miền trên thế giới; bầu khí ấy đặc biệt tác động trên tuổi trẻ và khuất phục họ dưới áp lực của môi trường duy tục trong đó kết cục con người sẽ đánh mất ý nghĩa về Chúa và do đó ý nghĩa về tình yêu phu phụ cũng như gia đình. Há nó không đang bác khước chân lý về Chúa để khóa lại chính cội nguồn và suối gốc của mầu nhiệm thân tình đó đấy sao? (Xem GS, 22). Việc chối bỏ Thiên Chúa dưới hình thức khác nhau thường bao gồm việc từ khước các định chế và cơ cấu vốn là thành phần trong kế hoạch của Chúa, từng đã được thiết dựng ngay từ lúc Sáng Thế (xem Mt 19: 3 và kế tiếp). Hậu quả là mọi sự đều được giải thích như là thành quả của ý chí con người và hoặc như những thỏa thuận nhất trí có thể thay đổi được.

12. Tại các xứ mà diễn trình phi-Kitô Giáo đang thịnh hành hơn, người ta đang thấy rất rõ cơn khủng hoảng đáng ngại về các giá trị luân lý, đặc biệt, là việc mất căn tính của hôn nhân và gia đình Kitô Giáo, và do đó, ý nghĩa của việc đính hôn. Thêm vào những mất mát này, còn có cơn khủng hoảng về các giá trị ngay bên trong gia đình trong đó có sự góp phần của hiện tượng buông thả khá phổ biến và được luật lệ bảo vệ, Việc này được khích lệ cổ xuý rất lớn từ các phương tiện truyền thông là thứ chuyên trình bày những mẫu mực phản ngược như thể chúng là những chân giá trị thực sự. Cái nền dệt văn hóa giả tạo đã được dựng nên và dâng hiến cho người trẻ như là thứ thay thế cho quan niệm về cuộc sống phu phụ và gia đình, về giá trị bí tích của chúng, và về mối dây liên kết giữa chúng và Giáo Hội.
Các hiện tượng xác nhận các hoàn cảnh trên và củng cố thứ văn hóa ấy được nối kết với những lối sống mới là những lối sống đang hạ giá các chiều kích nhân bản của các bên đính ước với những hậu quả thảm khốc đối với gia đình. Các hiện tượng này bao gồm việc buông thả tính dục, việc giảm con số kết hôn hoặc liên tục đình hoãn, việc gia tăng ly dị, não trạng chống thụ thai, sự lan tràn của việc cố tình phá thai, sự trống rỗng tâm linh và bất mãn tận cùng là những thứ góp phần làm lan tràn ma túy, rượu chè, bạo lực và tự sát nơi thanh thiếu niên. Ở những khu vực khác trên thế giới, trạng huống kém mở mang bao gồm tình trạng nghèo khốn cùng cực, cũng như sự hiện diện cùng lúc các yếu tố văn hóa chống lại hoặc nằm bên ngoài cái nhìn Kitô Giáo làm cho cả sự bền vững của gia đình lẫn việc xây dựng một nền giáo dục có chiều sâu về tình yêu theo quan điểm Kitô Giáo trở nên khó khăn và bấp bênh.

13. Các luật lệ buông thả góp phần làm gia trọng tình trạng trên với tất cả sức mạnh của nó trong việc uốn nắn ra não trạng gây hại cho gia đình (xem EV, 59) về các phương diện ly dị, phá thai và tự do làm tình. Nhiều phương tiện truyền thông đã quảng bá và làm vững mạnh bầu khí buông thả và tạo nên cái nền dệt văn hóa giả tạo làm cản trở người trẻ không phát triển bình thường trong đức tin Kitô Giáo, trong mối liên hệ của họ với Giáo Hội, và trong việc khám phá ra giá trị bí tích của hôn nhân cũng như những đòi hỏi từ việc cử hành của nó phát sinh ra. Quả thật việc giáo dục hôn nhân luôn luôn cần thiết, nhưng chính nền văn hóa Kitô Giáo khiến việc đào luyện và hấp thụ nó trở nên dễ dàng hơn. Ngày nay, đôi khi những việc ấy trở nên khó khăn và khẩn thiết hơn.

14. Vì tất cả những lý do ấy, trong Tông Huấn Familiaris Consortio, là Tông huấn tổng kết các kết quả của Thương Hội Đồng Giám Mục Thề Giới năm 1980 về Gia Đình, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô 2 đã chỉ ra rằng: “Trong thời đại ta, việc chuẩn bị người trẻ về hôn nhân và gia đình là điều cần thiết hơn bao giờ hết” (FC, 66). Ngài thúc giục việc cổ võ “những chương trình dự bị hôn nhân tốt hơn và thâm hậu hơn hầu có thể loại bỏ càng nhiều càng tốt các khó khăn mà nhiều cặp vợ chồng hiện đang gặp phải, và còn cần hơn thế nữa để tích cực dễ dàng hóa việc thiết dựng và làm chín mùi các cuộc hôn nhân thành công” (Ibid.).
Cũng trong chiều hướng này, và để đương đầu với các đe doạ và đòi hỏi hiện nay một cách có hệ thống, dường như đã đến lúc các Hội Đồng Giám mục nên khẩn thiết công bố các “Tập Hướng Dẫn Mục Vụ Gia Đình” (Ibid.). Trong các tập hướng dẫn này, những yếu tố được coi là cần thiết cho một mục vụ sâu sắc hơn phải được tìm ra và trình bày tỉ mỉ nhằm phục hồi căn tính của hôn nhân và gia đình Kitô Giáo ngõ hầu chính gia đình sẽ thành công trong tư cách là một cộng đồng của những người phục vụ sự sống con người và đức tin, tế bào đầu tiên và sống động của xã hội, một cộng đồng tin và rao truyền phúc âm, một “Giáo Hội tại gia, trung tâm của hiệp thông và phục vụ Giáo Hội” thực sự (Ibid.), “được kêu mời để công bố, cử hành và phục vụ Phúc Âm Sự Sống” (EV, 92 và các số 28, 78, 79, 105).

15. Ý thức tầm quan trọng của đề tài và những sáng kiến khác nhau của nhiều Hội Đồng Giám mục cũng như các cá nhân giám mục thực hiện theo chiều hướng trên, Hội Đồng Giáo Hoàng về Gia Đình xin ngỏ lời kêu mời tiếp tục công việc mục vụ trên với một quyết tâm mới. Các Hội Đồng Giám Mục đã soạn thảo nhiều tài liệu hữu ích có thể góp phần vào việc chuẩn bị hôn nhân và theo dõi cuộc sống gia đình. Để giữ liên tục tính với các chỉ thị của Tòa Thánh, Hội Đồng Giáo Hoàng xin đề ra những điểm khởi hành để suy nghĩ này với tham chiếu duy nhất về một phần trong Tập Chỉ Dẫn đã nhắc đến trên đây tức là phần liên quan đến việc chuẩn bị lãnh nhận bí tích Hôn Phối. Do đó, phần này của tập chỉ dẫn có thể hữu ích hơn khi vẽ ra và khai triển những khía cạnh cần thiết cho một cuộc chuẩn bị đúng nghĩa về hôn nhân và cuộc sống gia đình Kitô Giáo.

16. Sống động trong truyền thống Giáo Hội và được Huấn quyền thâm hậu hóa, Lời Thiên Chúa nhấn mạnh rằng hôn nhân đối với các cặp vợ chồng Kitô Giáo bao hàm một đáp trả đối với ơn gọi của Chúa và việc chấp nhận sứ mệnh làm dấu chỉ của tình yêu Chúa đối với toàn thể các thành viên của gia đình nhân loại, qua việc tham dự vào giao ước vĩnh viễn của Chúa Kitô với Giáo Hội Người. Vì vậy, hai vợ chồng trở nên những cộng tác viên của Chúa Hóa Công và Chúa Cứu Thế trong ơn phúc tình yêu và sự sống. Từ đó, việc chuẩn bị hôn nhân Kitô Giáo có thể được miêu tả như là một hành trình đức tin không chấm dứt với việc cử hành hôn phối nhưng tiếp diễn trong suốt cuộc sống gia đình. Bởi thế, viễn tượng của chúng ta không đóng lại ở chỗ coi hôn nhân như một hành vi, chấm dứt ở giây phút cử hành, nhưng là một cái gì cứ tiếp diễn hoài. Đó là lý do tại sao chuẩn bị cũng là “cơ hội đặc biệt cho những người đã đính hôn tái khám phá và đào sâu đức tin đã lãnh nhận lúc Rửa Tội và được nền dưỡng dục Kitô Giáo nuôi sống. Bằng cách này, họ sẽ nhận ra và tự ý chấp nhận ơn gọi bước theo Chúa Kitô và phục vụ Nước Chúa trong bậc sống hôn nhân” (FC, 51).
Các Giám Mục đều ý thức nhu cầu khẩn thiết và không thể miễn chước được phải đưa ra và miêu tả tỉ mỉ những chương trình huấn luyện đặc thù để khai triển một diễn trình đào luyện Kitô Giáo có tính tiệm tiến và liên tục (xem Ordo celebrandi matrimonium, 15). Thực tế, điều hữu ích phải nhớ là việc chuẩn bị đích thực phải hướng đến mục tiêu có được một cử hành bí tích Hôn Phối đầy ý thức và tự do. Tuy nhiên, việc cử hành này là suối nguồn và biểu thức của những hệ luận có tính trói buộc và vĩnh viễn hơn.

17. Do kinh nghiệm của nhiều mục tử và nhà giáo dục, dường như thời kỳ đính hôn là thời gian cùng nhau khám phá nhưng cũng là thời gian đào sâu đức tin. Do đó, nó là thời kỳ của ơn phúc siêu nhiên đặc biệt giúp tu đức bản thân và liên bản ngã. Bất hạnh thay, đối với nhiều người, thời kỳ dành cho trưởng thành hoá về nhân bản và Kitô Giáo này lại bị khuấy động bởi việc sử dụng tính dục cách vô trách nhiệm không giúp gì cho tình yêu phu phụ trưởng thành, mà chỉ là những biện minh cho các liên hệ tính dục tiền hôn nhân.
Việc hai người đính hôn đào sâu đức tin chung cuộc có thành công hay không cũng còn tùy công việc đào luyện họ trước đó. Một mặt, cách sống của giai đoạn này chắc chắn sẽ có ảnh hưởng trên cuộc sống tuơng lai trong tư cách vợ chồng và gia đình của họ. Do đó ta thấy sự giúp đỡ của các gia đình liên hệ cũng như của cộng đoàn Giáo Hội cho những người đính hôn có tầm quan trọng quyết định. Điều này gồm luôn lời cầu nguyện nữa. Về phương diện này, việc chúc lành cho các cặp đính hôn dự liệu trong sách Chúc Lành (De Benedictionibus, các số 195-214, rất có ý nghĩa vì trong đó, ta thấy nhắc đến các dấu chỉ của sự cam kết sơ khởi này: nhẫn, tặng quà nhau và các thói tục khác (các số 209-210). Dù sao, cái sâu sắc nhân bản của việc đính hôn phải được nhìn nhận và được bảo toàn từ bất cứ phương thức thông thường nào. Cho nên, cả các phong phú của hôn nhân và bí tích Hôn phối lẫn tầm quan trọng quyết định của thời kỳ đính hôn mà ngày nay thường kéo dài nhiều năm (với khá nhiều khó khăn trong đó) đều là những lý do đòi phải có sự vững chắc đặc biệt trong việc huấn luyện này.

18. Từ đó, việc thảo chương trình cấp giáo phận và giáo xứ – với các kế hoạch mục vụ đặt ưu tiên vào mục vụ gia đình để phong phú hóa toàn thể sinh hoạt Giáo Hội – cấn phải dự liệu sao cho trách vụ giáo dục tìm được chỗ đứng và sự khai triển đích đáng, và giữa các giáo phận trong khuôn khổ các Hội Đồng Giám Mục, những kinh nghiệm tốt nhất được lượng giá và trao đổi cho nhau. Cũng quan trọng là phải biết các thanh thiếu niên đã được cung ứng hình thức giáo lý và giáo dục nào liên quan đến các ơn gọi khác nhau và tình yêu Kitô Giáo, các chương trình nào đã được soạn thảo cho các cặp đính hôn, cách thế nào đưa các cặp vợ chồng tương đối đã trưởng thành hơn trong đức tin vào việc đào luyện này cũng như những kinh nghiệm tốt nhất nào nhằm tạo ra một môi trường tâm linh và văn hóa thích hợp cho người trẻ đang bước vào hôn nhân.

19. Trong diễn trình đào luyện, như đã được nhắc đến trong Tông Huấn Familiaris Consortio, ba giai đoạn hay ba thời kỳ phải được phân biệt rõ trong việc chuẩn bị hôn nhân: chuẩn bị xa, chuẩn bị gần và chuẩn bị kế cận (immediate). Mục tiêu đặc thù của mỗi giai đoạn sẽ thực hiện được nếu, ngoài những đức tính nhân bản căn bản và những chân lý chủ yếu của đức tin, các cặp đính hôn còn học được những nội dung thần học và phụng vụ chính yếu đánh dấu từng mỗi giai đoạn chuẩn bị. Kết quả là khi cố gắng thích ứng đời họ theo các giá trị này, các cặp đính hôn sẽ thủ đắc được một sự đào luyện đích thực chuẩn bị họ cho cuộc sống lứa đôi.

20. Dự bị hôn nhân phải được đặt bên trong nhu cầu phúc âm hóa văn hoá – qua việc thẩm thấu nó đến tận gốc (xem Tông huấn Evangelì Nuntiandi , 19) – về mọi phương diện liên quan đến định chế hôn nhân: làm cho tinh thần Kitô Giáo vào sâu tận tâm não và tác phong cũng như luật lệ và cấu trúc của cộng đoàn nơi Kitô hữu sinh sống (xem Sácg Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo, số 2105). Việc chuẩn bị này, cả mặc nhiên lẫn minh nhiên, sẽ tạo nên một khía cạnh của phúc âm hóa, đến độ nó có thể thâm hậu hóa sức mạnh trong lời xác quyết của Đức Thánh Cha: “Gia đình là trái tim của Tân Phúc Âm Hóa…” Chính việc chuẩn bị là “trách nhiệm trước nhất của các cặp vợ chồng, vốn được kêu gọi trở nên người cho sự sống, trên căn bản ý thức ngày một hơn ý nghĩa của việc phụ tạo (procreation) như là biến cố duy nhất có thể bày tỏ cách rõ ràng rằng sự sống con người là quà phúc nhận được là để cho đi cũng như một quà phúc” (EV, 92).
Ngoài các giá trị tôn giáo, nhiều lợi ích và giá trị dồi dào để củng cố tình liên đới, lòng kính trọng, đức công bình và lòng tha thứ trong các quan hệ bản thân cũng như tập thể đã phát sinh từ hôn nhân như nền tảng của gia đình. Ngược lại, gia đình, đặt nền tảng trên hôn nhân, chờ mong xã hội ” nhìn nhận căn tính của nó và chấp nhận vị thế của nó như một chủ thể trong xã hội” (Gratissimam Sane, 17), và do đó trở nên “trái tim của văn minh tình yêu” (Ibid., 13). Toàn thể giáo phận nên can dự vào trách vụ này và cung hiến những trợ giúp thích đáng. Lý tưởng là thiết dựng được một Ủy Ban Dự Bị Hôn Nhân Giáo phận, bao gồm một nhóm chuyên lo mục vụ gia đình gồm các cặp vợ chồng có kinh nghiệm giáo xứ, các phong trào và các chuyên gia. Trách vụ của Ủy Ban Giáo phận này sẽ là huấn luyện, theo dõi và phối trí trong liên hệ cộng tác với các trung tâm thuộc các cấp bậc khác nhau có quan hệ tới việc phục vụ này. Về phần mình, Ủy Ban sẽ được thành lập do sự phối hợp của nhiều nhóm giáo dân chọn lọc cùng làm việc với nhau cho việc chuẩn bị hôn nhân theo nghĩa rộng chứ không phải chỉ trong các lớp học mà thôi. Nên có một phối trí viên cho Ủy Ban, vị này thường là một linh mục để đại diện Đức Giám mục giáo phận. Nếu việc phối trí phải do một giáo dân hoặc một cặp vợ chồng đảm nhiệm, thì nên có một linh mục cố vấn. Phải qui định tất cả những điều ấy vào khung cảnh tổ chức của giáo phận với những cơ cấu tương ứng, như có thể có các khu vực do một vị Đại diện Giám mục hoặc các vị đại diện có thẩm quyền khác cầm đầu.

Phần II – Các giai đoạn hoặc thời kỳ chuẩn bị

21. Các giai đoạn hay thời kỳ sẽ được thảo luận sau đây thực ra không có nghĩa cứng ngắc. Thực vậy, không thể định nghĩa chúng cả trong tương quan với tuổi người tham dự lẫn trong tương quan với thời gian ngắn dài của chúng. Tuy nhiên, quen thuộc với chúng như những lộ trình và dụng cụ làm việc, đặc biệt đối với nội dung truyền đạt, quả là điều ích lợi. Chúng được chia thành chuẩn bị xa, chuẩn bị gần và chuẩn bị kế cận.

A. Chuẩn bị xa

22. Chuẩn bị xa bao gồm lúc còn thơ, ấu nhi và thiếu niên và xẩy ra trước nhất trong gia đình, sau đó nơi học đường và các nhóm đào luyện như những trợ thủ có giá trị phụ với gia đình. Đây là thời kỳ trong đó, việc kính trọng mọi giá trị nhân bản chân chính cả trong các liên hệ liên bản ngã lẫn trong các liên hệ xã hội được truyền đạt và ghi khắc, với mọi điều bao hàm nhằm đào tạo tính khí, tự chủ và tự trọng, sử dụng đúng đắn các xu hướng của mình, và kính trọng người khác phái. Ngoài ra, đặc biệt đối với Kitô hữu, việc đào tạo vững chắc về tu đức và giáo lý cũng cần thiết (xem FC, 66).

23. Trong Thư Gửi Các Gia Đình Gratissimam Sane, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 nhắc đến hai chân lý căn bản trong trách vụ giáo dục: ” thứ nhất, con người được mời gọi sống trong chân lý và yêu thương; và thứ hai, mọi người sẽ đạt được trọn hảo qua việc thành thực dâng hiến bản thân mình” (số 16). Như thế, việc giáo dục ấu nhi phải bắt đầu trước lúc sinh ra trong bầu khí chờ đợi và hoan nghênh sự sống mới đang đến, đặc biệt là qua các đối thoại đầy yêu thương của mẹ với đứa bé sắp sinh (xem Ibid. 16). Diễn trình ấy tiếp tục với tuổi ấu nhi vì giáo dục “trước nhất là việc dâng hiến lẫn nhau về phần cả hai cha mẹ: họ cùng nhau thông truyền nhân tính trưởng thành riêng của họ cho đứa bé mới sinh” (Ibid.). “Khi ban suối nguồn cho sự sống mới, cha mẹ nhìn nhận đứa con, vốn là hoa trái của tặng phẩm yêu đương lẫn nhau của họ, ngược lại lại là chính tặng phẩm được tặng lại cho họ, một tặng phẩm đã từ họ mà phát sinh” (EV 92).
Hiểu theo nghĩa toàn bộ, tức nghĩa bao hàm việc chuyển đạt và trưởng thành căn bản các giá trị nhân bản và Kitô Giáo, nền giáo dục Kitô Giáo, như Công đồng Vatican 2 đã quả quyết, “không những phát triển sự trưởng thành của nhân vị…, mà đặc biệt còn hướng về việc đảm bảo rằng những người đã được rửa tội, trong khi dần dà được dẫn khởi vào mầu nhiệm cứu chuộc, mỗi ngày sẽ biết quí trọng hơn quà phúc đức tin mà họ đã lãnh nhận… Cần phải huấn luyện để họ sống cuộc sống họ theo con người mới, con người đã được công chính và thánh hóa qua sự thật” (Gravissimam Sane, 2).

24. Trong thời kỳ này, không thể bỏ qua việc trung thành và can đảm giáo dục về khiết tịnh và tình yêu hiểu như cho mình đi. Khiết tịnh không phải là hành khổ tình yêu nhưng đúng hơn là một điều kiện của yêu thương đúng nghĩa. Thực vậy, nếu ơn gọi của tình yêu phu phụ là một ơn gọi cho mình đi trong hôn nhân, thì người ta phải thành công trong việc làm chủ bản thân mình để có thể thực sự cho mình đi được.Về phương diện này, việc giáo dục sinh lý nhận được từ cha mẹ trong những năm đầu tuổi ấu thơ và thiếu niên rất quan trọng như đã đề cập trong tài liệu của Hội Đồng Giáo Hoàng về Gia Đình đã nhắc ở số 10 trên đây.

25. Trong giai đoạn chuẩn bị xa này, cần đạt được một số mục tiêu chuyên biệt. Mặc dầu không thể đưa ra được một danh sách đầy đủ, nhưng như một cột mốc, ta cần ghi nhận rằng tất cả những việc chuẩn bị trên đây phải đạt được mục tiêu theo đó mỗi một tín hữu được mời gọi bước vào hôn nhân phải hiểu một cách hoàn toàn rằng dưới ánh sáng của tình yêu Thiên Chúa, tình yêu con người phải đóng vai trò chính yếu trong luân lý học Kitô Giáo. Thực thế, như một ơn gọi và một sứ mệnh, sự sống con người được mời gọi bước vào tình yêu vốn bắt nguồn và kết thúc trong Chúa, “mà không loại bỏ khả thể hiến mình cho Chúa trong ơn gọi làm linh mục hay tu dòng” (FC, 66). Theo nghĩa này, cần ghi nhớ rằng ngay cả khi việc chuẩn bị xa bàn nhiều hơn đến nội dung lý thuyết của bản nhiên nhân chủng học, thì cũng cần đặt nó trong viễn tượng hôn nhân trong đó, tình yêu nhân loại được trình bày như một chia sẻ, cũng như một dấu chỉ, tình yêu giữa Chúa Kitô và Giáo Hội. Cho nên, tình yêu phu phụ hiện tại hóa giữa nhân loại cũng một tình yêu của Chúa đã trở nên hữu hình trong mầu nhiệm cứu thế. Hành trình rời bỏ trình độ đức tin hời hợt bên ngoài và đôi chút mơ hồ, rất đặc trưng đối với nhiều người trẻ hôm nay, để hướng tới việc khám phá ra “mầu nhiệm Kitô Giáo” vừa có tính yếu tính vừa có tính quyết định: vì đó là một đức tin bao hàm hiệp thông Ơn Thánh và tình yêu với Chúa Kitô Sống Lại.

26. Việc chuẩn bị xa sẽ đạt được mục tiêu nếu nó khắc ghi được những nét yếu tính để càng ngày càng thu đạt được những thông số của một phán đoán đúng liên quan đến phẩm trật các giá trị cần cho việc chọn lựa điều tốt nhất xã hội có thể cung ứng, như lời khuyên của thánh Phaolô: “…hãy thử nghiệm mọi sự; và nắm chắc điều tốt” (1 Thessalonians 5:19). Không nên quên rằng, qua Ơn Thánh, tình yêu cũng phải được trân quí, củng cố và tăng cường qua các giá trị cần thiết liên hệ với cho đi, hy sinh, từ bỏ và quên mình. Trong giai đoạn đào tạo này, mục vụ phải đã hướng vào việc trợ giúp làm cho tác phong luân lý được nâng đỡ bởi đức tin. Gương sáng của cha mẹ, vốn là chứng tá thực sự cho những người sẽ kết hôn trong tương lai, phải kích thích, nâng đỡ và luôn có đó đối với lối sống Kitô Giáo đặc thù này.

27. Việc chuẩn bị này cũng không được lãng quên tầm quan trọng phải giúp người trẻ thủ đắc được khả năng phê phán liên quan đến các môi trường chung quanh của chúng, và lòng can đảm Kitô Giáo giúp biết hiện diện trong đời nhưng không thuộc về đời. Đây là điều ta đọc được trong Thư Gửi Diognetus, một văn bản đáng kính và chắc chắn là xác thực từ thời Kitô Giáo sơ khai: “Các Kitô hữu không khác biệt gì với những phần tử khác của nhân loại xét cả trên bình diện xứ sở, tiếng nói lẫn phong tục…Toàn bộ nếp sống của họ đã làm nó trở nên đáng ca ngợi và ai cũng phải nhìn nhận là phi thường… Họ cũng cưới vợ cưới chồng và sinh con đẻ cái như những người khác; nhưng họ không bỏ rơi con cái họ. Họ mở rộng bàn ăn cho mọi người, nhưng không mở rộng giường ngủ cho ai. Họ thấy họ trong thân xác, nhưng không sống theo thân xác” (V, 1, 4, 6, 7, 8). Việc đào tạo phải đạt tới một não trạng và một nhân cách có thể cưỡng lại các ý niệm đối nghịch với tính duy nhất và bền vững của hôn nhân, nghĩa là có thể phản ứng lại các cơ cấu của điều được gọi là căn tội xã hội (social sin) theo nghĩa “dù bạo hành nhiều hay ít, dù gây hại lớn hay nhỏ, mỗi tội đều gây vang dội nơi toàn bộ cơ cấu Giáo Hội và nơi toàn thể gia đình nhân loại” (Tông Huấn Reconciliatio et Paenitentia, 16). Đối diện với các ảnh hưởng tội lỗi và rất nhiều những áp lực xã hội như thế, cần phải đào tạo cho bằng được một lương tâm biết phê phán.
28. Một lối sống Kitô Giáo, được các gia đình Kitô hữu làm chứng, tự nó là một hình thức phúc âm hóa và là chính nền tảng của việc chuẩn bị xa. Thực thế, một mục tiêu khác của giai đoạn này là trình bày sứ mệnh giáo dục của các cha mẹ. Chính trong gia đình, Giáo Hội tại gia, các cha mẹ Kitô Giáo trở thành nhân chứng và nhà giáo dục trẻ em cả trong việc trưởng thành “đức tin, đức cậy và đức mến”, và trong việc mỗi đứa trẻ khám phá ra ơn gọi riêng của nó. ” Cha mẹ là các nhà giáo dục đầu hết và quan trọng nhất của chính các con cái mình, và họ cũng sở đắc khả năng thông thạo căn bản trong phạm vi này: họ là nhà giáo dục chỉ bởi vì họ là cha mẹ” (GS, 16). Để thực hiện việc này, các cha mẹ cần được giúp đỡ thích đáng và đầy đủ.

29. Trong số các giúp đỡ nói trên, giáo xứ có thể được liệt kê như nơi đầu tiên phục vụ việc đào tạo Kitô Giáo trong Giáo Hội. Chính tại giáo xứ ta học được lối sống với nhau như cộng đoàn (xem Sacrosanctum Concilium, 42). Ngoài ra, các trường học, các định chế giáo dục khác, các phong trào, các nhóm, các Hiệp hội Công Giáo và, đương nhiên, các hiệp hội gia đình Kitô Giáo cũng không nên bỏ qua.Giữ vai trò quan trọng trong diễn trình giáo dục thanh thiếu niên là các phương tiện truyền thông đại chúng. Các phương tiện này cần phải trợ lực sứ mệnh của các gia đình trong xã hội một cách tích cực chứ không được cản trở sứ mệnh ấy.

30. Diễn trình giáo dục này cũng phải được sự lưu tâm của các giảng viên giáo lý, các người cổ động mục vụ giới trẻ và ơn gọi và, trên hết, các mục tử là những vị sẽ dùng các bài dẫn giải khi cử hành phụng vụ và các hình thức phúc ấm hóa khác, các cuộc gặp gỡ tư riêng, và những phương cách dấn thân khác, để nhấn mạnh và làm nổi bật những điểm góp phần vào việc chuẩn bị hướng tới hôn nhân trong tương lai (xem Ordo celebrandi Matrimonium, 14).
31. Do đó, cần phải “phát minh” ra mọi cách thế và mọi phương tiện để liên tục đào tạo thanh thiếu niên trong thời kỳ trước đính hôn tức thời kỳ liền sau việc khai tâm Kitô Giáo. Việc trao đổi qua lại các tín liệu về các kinh nghiệm thích đáng nhất trong phạm vi này thật vô cùng hữu ích. Các gia đình liên kết với nhau trong các giáo xứ, trong các định chế cũng như trong các hình thức hiệp hội khác nhau sẽ giúp tạo được một bầu khí xã hội trong đó tình yêu trách nhiệm sẽ lành mạnh khỏe khoắn. Nơi nào tình yêu ấy bị băng hoại, thí dụ như do sách báo phim ảnh khiêu dâm chẳng hạn, họ có thể phản ứng dựa trên các quyền gia đình. Tất cả những điều này thuộc trong “sinh thái nhân bản” (xem Centesimus Annus, 38).

B. Chuẩn bị gần

32. Chuẩn bị gần xẩy ra trong thời kỳ đính hôn. Nó gồm những giảng khóa chuyên biệt và phải được phân biệt với việc chuẩn bị kế cận thường được tập trung vào những buổi gặp gỡ cuối cùng giữa các cặp đính hôn với với các nhân viên mục vụ trước khi cử hành bí tích. Trong lúc chuẩn bị gần này, thật là hữu ích nếu có thể kiểm nghiệm được sự chín mùi trong các giá trị nhân bản liên quan đến mối liên hệ bằng hữu và đối thoại vốn phải là đặc điểm của việc đính hôn. Để chuẩn bị cho bậc sống mới trong tư cách lứa đôi, cần cho họ cơ hội đào sâu cuộc sống đức tin, đặc biệt là các kiến thức về tính bí tích của Giáo Hội. Đây là giai đoạn phúc âm hóa quan trọng trong đó đức tin phải bao hàm các chiều kích bản thân và cộng đoàn cả của các cá nhân đính hôn lẫn của gia đình họ. Trong diễn trình này, cũng có thể nhận dạng các khó khăn trong việc sống cuộc sống Kitô hữu chính danh.

33. Thời kỳ huấn luyện gần trùng hợp với tuổi thanh niên. Do đó, nó bao gồm mọi điều liên quan đến mục vụ giới trẻ đúng nghĩa là mục vụ quan tâm đến sự trưởng thành toàn bộ của người tín hữu. Mục vụ giới trẻ không thể tách biệt khỏi khung cảnh gia đình như thể giới trẻ dựng nên một loại “giai cấp xã hội” biệt lập và độc lập. Nó nên củng cố cảm thức xã hội của người trẻ, trước tiên đối với các thành viên của chính gia đình họ, và qui hướng các giá trị của họ về gia đình tương lai mà họ sẽ có. Người trẻ phải đã được giúp nhận ra ơn gọi của mình qua các cố gắng bản thân, với sự trợ giúp của cộng đoàn, và trên hết của các mục tử. Sự nhận ra ơn gọi này phải xẩy ra trước khi bất cứ cam kết nào được thực hiện để đính hôn. Khi ơn gọi bước vào hôn nhân đã rõ ràng, nó phải được chống đỡ trước nhất bởi ơn thánh và sau đó bởi việc chuẩn bị đầy đủ. Mục vụ giới trẻ phải ý thức rằng, vì những khó khăn đủ loại như tình trạng “tuổi thiếu niên kéo dài ” chẳng hạn khiến họ phải ở lại lâu hơn trong gia đình (một hiện tượng tương đối mới và đáng ngại), người trẻ hôm nay có khuynh hướng hoãn lại cam kết kết hôn trong một thời gian quá lâu.

34. Việc chuẩn bị gần nên đặt căn bản trước hết trên một nền giáo lý xây dựng trên việc lắng nghe Lời Chúa, được giải thích với sự hướng dẫn của Huấn quyền Giáo Hội, nhằm hiểu biết đức tin ngày một hơn và làm chứng cho đức tin ấy trong cuộc sống cụ thể. Việc giảng dạy phải được tiến hành trong bối cảnh một cộng đoàn đức tin giữa các gia đình, đặc biệt bên trong một giáo xứ, những người tham gia và làm việc trong việc đào luyện giới trẻ, theo các đặc sủng và vai trò riêng của họ, và mở rộng ảnh hưởng của mình tới các nhóm xã hội khác.

35. Những người đã đính hôn phải được giảng dạy về những đòi hỏi tự nhiên của mối liên hệ liên bản ngã giữa đàn ông và đàn bà trong kế hoạch của Chúa về hôn nhân và gia đình: ý thức về tự do ưng thuận như là nền tảng làm nên sự phối hiệp của họ, tính đơn nhất và bất khả tiêu của hôn nhân, quan niệm đúng về việc sinh sản có trách nhiệm (responsible parenthood), các khía cạnh nhân bản về tính dục phu phụ, hành vi phu phụ với những đòi hỏi và mục đích của nó, và việc giáo dục con cái thích đáng. Tất cả những điều ấy nhằm để hiểu biết sự thật luân lý và huấn luyện lương tâm bản thân. Việc chuẩn bị gần chắc chắn phải xác quyết xem liệu những người đính hôn đã có được những yếu tố căn bản về bản chất tâm lý, sư phạm, luật lệ và y khoa của hôn nhân và đời sống gia đình chưa. Tuy nhiên, liên quan đặc biệt tới việc hiến mình toàn diện và sinh sản có trách nhiệm, việc huấn luyện về thần học và luân lý phải được trình bày một cách đặc biệt. Thực vậy, tình yêu vợ chồng là một tình yêu toàn diện, độc hữu, trung thành và sinh hoa trái (xem Humanae Vitae, 9).
Ngày nay, căn bản khoa học (2) của các phương pháp tự nhiên để điều hoà sinh sãn đã được nhìn nhận. Việc hiểu biết các phương pháp này là điều hữu ích. Khi có lý do chính đáng, việc sử dụng chúng không những chỉ là kỹ thuật thuộc tác phong nhưng còn được đưa vào sư phạm và diễn trình trưởng thành của tình yêu (xem EV, 97). Rồi đức khiết tịnh sẽ dẫn đưa vợ chồng đến việc thực hành tiết dục định kỳ (xem Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo, các số 2366-2371).
Việc chuẩn bị này cũng phải đảm bảo để các Kitô hữu đã đính hôn có được những ý niệm đúng và một thái độ “cảm nhận với Giáo Hội” (sentire cum Ecclesia) một cách thành thực về chính hôn nhân, về những vai trò hỗ tương của đàn ông và đàn bà trong đời sống lứa đôi, về gia đình và xã hội, về tính dục và việc cởi mở đối với người khác.

36. Cũng cần phải giúp người trẻ ý thức được bất cứ thiếu sót nào về tâm lý và hoặc xúc cảm họ có thể có, đặc biệt là việc thiếu khả năng cởi mở đối với người khác, và bất cứ hình thức vị kỷ nào cản trở không cho họ hoàn toàn cam kết hiến thân. Việc trợ giúp này cũng phải nhắm giúp họ khám phá ra tiềm năng và nhu cầu trưởng thành về nhân bản và Kitô Giáo trong đời họ. Để đạt mục tiêu này, những người có trách nhiệm chuẩn bị hôn nhân cũng phải lưu tâm đến việc đào tạo một cách chắc chắn lương tâm luân lý của những người đã đính hôn để họ sẵn sàng chọn lựa hôn nhân một cách tự do và cương quyết thể hiện qua việc ưng thuận trao đổi lẫn cho nhau trước mặt Hội Thánh trong giao ước hôn nhân.

37. Trong giai đoạn chuẩn bị này, các cuộc gặp gỡ thường xuyên cần phải có trong một bầu không khí đối thoại, thân ái và cầu nguyện với sự tham dự của các mục tử và các giảng viên giáo lý. Các cuộc gặp gỡ này phải nhấn mạnh sự kiện này là “gia đình cử hành Phúc âm sự sống qua việc cầu nguyện hàng ngày, cả cầu nguyện cá nhân lẫn cầu nguyện gia đình. Gia đình cầu nguyện để vinh danh và cảm tạ Chúa dã ban quà phúc sự sống và khẩn cầu Ngài ban ánh sáng và sức mạnh để đương đầu với những lúc khó khăn và đau khổ mà không mất hy vọng” (EV, 93). Hơn nữa, những cặp vợ chồng từng cam kết làm tông đồ, trong viễn tượng lạc quan Kitô Giáo lành mạnh, có thể đóng góp vào việc làm sáng tỏ hơn cuộc sống Kitô Giáo trong bối cảnh ơn gọi hôn nhân cũng như trong bổ xung tính của mọi ơn gọi. Do đó, giai đoạn này không nên chỉ dành cho việc học lý thuyết mà thôi, còn cho việc đào luyện trong đó các cặp đã đính hôn, với sự trợ giúp của ơn thánh và xa lánh tội lỗi, sẽ chuẩn bị để hiến mình cho Chúa Kitô trong tư cách vợ chồng để Ngài nâng đỡ, tẩy sạch và thăng hoa cuộc đính hôn cũng như cuộc sống lứa đôi của họ. Bằng cách đó, đức khiết tịnh tiền hôn nhân có được đầy đủ ý nghĩa của nó và loại bỏ hẳn được việc sống chung, những liên hệ tiền hôn nhân và những tập tục khác như tập tục hôn nhân bất thành văn trong diễn trình tăng trưởng tình yêu.

38. Theo các nguyên tắc lành mạnh của sư phạm liên quan đến sự tăng trưởng bản thân một cách tiệm tiến và toàn diện, việc chuẩn bị gần không được sao lãng việc huấn luyện để những người sẽ có gia đình mới do hôn nhân mà ra có thể đảm nhiệm các trách vụ xã hội và Giáo Hội thích hợp với họ. Sự thân mật gia đình không được quan niệm như đóng kín trên chính nó, đúng hơn phải là khả năng nội tâm hóa các phong phú nhân bản và Kitô Giáo vốn có trong chính cuộc sống hôn nhân với viễn tượng để cho đi cho người khác nhiều hơn. Do đó, trong một quan niệm cởi mở hơn về gia đình, cuộc sống hôn nhân và gia đình đòi các cặp vợ chồng phải nhìn nhận họ như những chủ thể có quyền lợi nhưng cũng có trách nhiệm với xã hội và Giáo Hội. Về phương diện này, điều rất hữu ích là khích lệ việc đọc và suy tư các văn kiện sau đây của Giáo Hội vốn là nguồn phong phú và đầy khích lệ cung cấp túi khôn nhân bản và Kitô Giáo: Familiaris Consortio, Thư Gửi Các Gia Đình Gratissimam Sane, Hiến Chương Quyền Gia Đình, Phúc Âm Sự Sống, và các văn kiện khác.

39. Việc chuẩn bị gần cho người trẻ cần làm họ hiểu rằng cam kết mà họ đang lãnh lấy qua việc trao đổi ưng thuận “trước mặt Giáo Hội” khiến họ phải bắt đầu một con đường trung thành hai chiều với nhau ngay trong thời kỳ đính hôn. Nếu cần, bất kỳ thói quen nào đi ngược với với nó cần phải được loại bỏ ngay. Sự cam kết nhân bản này sẽ được tăng cường bởi các đặc sủng mà Chúa Thánh Thần sẽ ban cho các cặp đính hôn nếu họ kêu cầu Ngài.

40. Vì tình yêu của Kitô hữu được tẩy sạch, được hoàn thiện và được nâng cao bởi tình yêu của Chúa Kitô dành cho Giáo Hội (xem GS, 49), nên các cặp đính hôn phải bắt chước mẫu mực này và khai triển ý thức của họ về việc hiến mình là điều luôn được nối kết với lòng kính trọng lẫn nhau cũng như từ bỏ mình đi, những đức tính giúp cho tình yêu kia lớn mạnh. Như thế, việc hiến mình cho nhau càng ngày càng hàm nghĩa phải trao đổi cho nhau những ơn phúc thiêng liêng và sự nâng đỡ tinh thần ngõ hầu làm cho tình yêu và trách nhiệm tăng trưởng lên. “Tính bất khả tiêu của hôn nhân phát sinh trước nhất từ chính yếu tính của sự trao tặng lẫn nhau ấy: sự trao tặng bản thân ngưòi này cho bản thân ngưòi kia. Sự hiến mình lẫn nhau này nói lên bản chất phu phụ của tình yêu” (Gratissimam Sane, 11).

41. Linh đạo phu phụ, khi bao gồm kinh nghiệm nhân bản là điều không bao giờ tách biệt khỏi đời sống tinh thần, có gốc rễ ngay trong Phép Rửa Tội và Phép Thêm Sức. Do đó, việc chuẩn bị cho các cặp đính hôn phải bao gồm việc lấy lại sinh lực từ các bí tích, nhất là vai trò đặc biệt của các bí tích Hoà Giải và Thánh Thể. Bí tích Hoà Giải vinh danh lòng từ bi của Chúa đối với sự đớn hèn của nhân loại và làm cho sức sống của Phép Rửa Tội và sinh lực của Phép Thêm Sức lớn mạnh. Nhờ đó, sư phạm của tình yêu cứu chuộc được củng cố để sự cao cả của lòng từ bi Chúa được khám phá ra trước thảm kịch con người, đã được Chúa dựng nên và cứu chuộc cách kỳ diệu. Khi cử hành việc tưởng niệm Chúa hiến mình cho Giáo Hội, Phép Thánh Thể khai triển tình yêu cảm tính là tình yêu đặc trưng của hôn nhân qua việc hàng ngày trao ban cho người bạn đời và con cái, mà không quên và không bỏ qua việc này là “việc cử hành đem lại ý nghĩa cho mọi hình thức cầu nguyện và phụng thờ khác tìm thấy ngay trong chính cuộc sống chung hàng ngày của gia đình, nếu đó là cuộc sống yêu đương và hiến mình” (EV, 93).

42. Đối với việc chuẩn bị nhiều mặt và hài hòa này, những người phụ trách cần được nhận dạng và huấn luyện đầy đủ. Điều hữu ích là thiết lập một nhóm, theo nhiều trình độ khác nhau, các nhân viên mục vụ có ý thức là mình được Giáo Hội sai đi. Nhóm này nên bao gồm cách riêng các cặp vợ chồng Kitô Giáo, và các chuyên viên có thể có trong các lãnh vực y khoa, luật pháp, tâm lý, với một linh mục đứng ra chuẩn bị họ cho các vai trò họ sẽ nắm giữ.

43. Các nhân viên mục vụ và các người phụ trách phải có được sự chuẩn bị vững chắc về học thuyết và một lòng trung thành tuyệt đối đối với Huấn Quyền của Giáo Hội ngõ hầu họ có thể chuyển giao các chân lý đức tin và các trách nhiệm liên hệ tới hôn nhân với sự hiểu biết sâu sắc đủ và chứng tá cuộc đời. Điều hiển nhiên là các nhân viên mục vụ này, trong tư cách là những nhà giáo dục, cũng phải có khả năng biết chào đón các cặp đính hôn bất kể nguồn gốc xã hội và văn hóa, vốn liếng tri thức và các khả năng cụ thể nào khác của họ. Đàng khác, việc làm chứng trung thành bằng đời sống và việc cho đi trong hân hoan là những điều kiện không thể miễn chước được trong việc chu toàn các trách vụ của họ. Căn cứ vào các kinh nghiệm sống trong đời cũng như các vấn đề nhân bản riêng của mình, họ có thể cung ứng nhiều khởi điểm để soi dẫn các cặp đính hôn tìm ra sự khôn ngoan Kitô Giáo.

44. Điều trên cho thấy nhu cầu phải có một chương trình huấn luyện đầy đủ dành cho các nhân viên mục vụ. Việc chuẩn bị huấn luyện các nhà lãnh đạo này phải giúp họ trình bày được những chỉ dẫn căn bản trong việc chuẩn bị hôn nhân mà chúng tôi đã nói trên đây với lòng gắn bó rõ ràng đối với Huấn Quyền của Giáo Hội, một phương pháp và một sự nhậy cảm mục vụ thích hợp, cũng như phải giúp họ có khả năng cung hiến những đóng góp chuyên biệt, tùy theo tài chuyên môn của họ, vào việc chuẩn bị cận kề (các số 50-59). Các nhân viên mục vụ cần được huấn luyện trong các Viện Mục Vụ đặc biệt và được Đức giám mục tuyển chọn cẩn thận.

45. Kết quả sau cùng của giai đoạn chuẩn bị gần này phải là việc ý thức rõ ràng các đặc điểm yếu tính của hôn nhân Kitô Giáo: tính đơn nhất, tính bất khả tiêu, tính mang hoa kết trái; ý thức đức tin liên quan đến sự ưu tiên của Ơn thánh nhiệm tích vốn liên kết hai vợ chồng, như là những chủ thể và thừa tác viên bí tích, vào tình yêu của Chúa Kitô, Chàng Rể của Giáo Hội; sẵn sàng thi hành sứ mệnh thích hợp của các gia đình trong các phạm vi giáo dục, xã hội và Giáo Hội.

46. Do đó, như Tông huấn Familiaris Consortio đã ghi nhận, hành trình đào luyện những người trẻ đã đính hôn phải bao gồm: việc đào sâu đức tin bản thân và việc khám phá lại giá trị của các bí tích và kinh nghiệm cầu nguyện. Việc chuẩn bị chuyên biệt cho cuộc sống lứa đôi “sẽ trình bày hôn nhân như là mối liên hệ bản thân giữa một người đàn ông và một người đàn bà, một mối liên hệ phải luôn luôn được triển khai, và việc chuẩn bị này sẽ khích lệ những ai liên hệ phải học hỏi về bản chất tính dục phu phụ và việc sinh sản con cái có trách nhiệm, với các kiến thức chủ yếu về y khoa và sinh học liên hệ. Nó cũng phải giúp những người liên hệ quen thuộc với các phương pháp giáo dục con cái đúng đắn, và giúp họ thủ đắc các đòi hỏi cuả một đời sống gia đình có xếp đặt tốt” (FC, 66); “chuẩn bị để làm việc tông đồ gia đình, cho tình liên đới và hợp tác với các gia đình khác, để trở thành đoàn viên tích cực của các nhóm, các hiệp hội, các phong trào và các cam kết khác được thiết lập vì phúc lợi nhân bản và Kitô Giáo của gia đình” (Ibid.). Đàng khác, cần tiên phong giúp các cặp đính hôn học cách gìn giữ và vun sới tình yêu phu phụ sau này, cách đối thoại liên bản ngã và giữa vợ chồng với nhau, các nhân đức và các khó khăn của cuộc sống vợ chồng, và làm cách nào vượt qua những “cơn khủng hoảng” phu phụ không thể nào tránh được.

47. Tuy nhiên, trọng tâm của việc chuẩn bị này phải là suy tư trong đức tin về bí tích Hôn phối xuyên qua Lời Chúa và sự hướng dẫn của Huấn quyền Giáo Hội. Phải làm cho những người đã đính hôn ý thức rằng trở nên “một thân xác” (una caro) (Mt 19:6) trong Chúa Kitô, qua Chúa Thánh Thần trong hôn nhân Kitô Giáo, có nghĩa là đóng ấn hình thức mới của cuộc sống rửa tội trên cuộc hiện sinh của mình. Qua bí tích, tình yêu của họ sẽ trở nên biểu thức cụ thể của tình yêu Chúa Kitô dành cho Giáo Hội của Người (xem LG, 11). Dưới ánh sáng của tính bí tích, chính các hành vi phu phụ, việc sinh sản có trách nhiệm, việc giáo dục, sự hiệp thông sự sống, và tinh thần tông đồ cũng như truyền giáo vốn liên hợp với đời sống của các cặp vợ chồng Kitô hữu phải được coi là những giờ phút trong kinh nghiệm Kitô Giáo. Dù chưa theo cách thế bí tích, Chúa Kitô cũng đã nâng đỡ và đi theo hành trình ơn thánh và trưởng thành của các cặp đính hôn để họ tham dự vào mầu nhiệm kết hiệp giữa Người với Giáo Hội.

48. Về việc soạn thảo Sách Hướng Dẫn trình bày đầy đủ các kinh nghiệm chuẩn bị hôn nhân tốt nhất, điều hữu ích là nhắc lại điều Đức Thánh Cha Gioan Phaolô 2 đã tuyên bố trong bài diễn văn kết thúc Hội Nghị Khóang Đại của Hội Đồng Giáo Hoàng về Gia Đình họp từ 30 Tháng 9 đến 5 Tháng 10 năm 1991 rằng: “Điều chính yếu là phải dành thời gian và sự quan tâm cần thiết cho việc chuẩn bị về học thuyết. Sự an toàn về nội dung phải là trọng tâm và mục tiêu yếu tính của các khóa học trong viễn tượng làm cho các cặp vợ chồng ý thức hơn về việc cử hành bí tích Hôn phối và tất cả những gì từ nó phát sinh liên quan đến trách nhiệm gia đình. Các vấn đề liên quan đến tính đơn nhất và bất khả tiêu của hôn nhân, và tất cả những gì liên hệ đến ý nghĩa của sự kết hợp và sinh sản trong đời sống vợ chồng và chính hành vi chồng vợ, phải được bàn đến một cách trung thành và chính xác, theo giáo huấn rõ ràng của Thông Điệp Sự Sống Con Người (Humanae Vitae, xem các số 11-12). Điều này cũng đúng đối với những gì liên hệ đến quà phúc sự sống là điều bậc cha mẹ phải chấp nhận một cách có trách nhiệm và hân hoan trong tư cách cộng tác viên của Chúa. Các khóa học không nên chỉ nhấn mạnh những gì liên quan đến sự tự do chín chắn và tỉnh táo của những ai muốn kết ước hôn nhân mà thôi, mà còn phải nhấn mạnh đến sứ mệnh riêng của họ trong tư cách là cha mẹ nữa, vì họ là những nhà giáo dục và phúc âm hóa đầu hết của con cái họ”. Hội Đồng Giáo Hoàng này hoàn toàn thỏa mãn khi nhận thấy đang có khuynh hướng ngày một có nhiều cam kết và ý thức hơn về tầm quan trọng và phẩm giá của thời kỳ đính hôn. Thành ra, Hội Đồng khẩn khoản yêu cầu các khóa học chuyên biệt đừng nên quá ngắn đến độ thu gọn chúng thành những công thức cho có lệ. Trái lại, các khóa học ấy nên cung ứng đầy đủ thì giờ để trình bày tốt và rõ ràng những đề tài căn bản đã chỉ ra trên đây (3).

Khóa học có thể được diễn ra trong từng giáo xứ, nếu có đủ con số các cặp đính hôn và những cộng tác viên đã được chuẩn bị kỹ càng, trong các phủ Đại Diện Giám Mục hay các Phủ Đại diện có thẩm quyền, hoặc trong các cơ cấu phối hợp giáo xứ. Đôi khi các khóa học cũng có thể được điều hành bởi các người hữu trách các phong trào gia đình, các hiệp hội hay các nhóm tông đồ dưới sự hướng dẫn của một linh mục có khả năng. Đây là phạm vi nên được phối trí bởi một cơ cấu cấp giáo phận làm việc nhân danh Giám mục. Nội dung nên tập trung vào học thuyết tự nhiên và Kitô Giáo về hôn nhân, trong khi không quên những khía cạnh khác nhau của tâm lý học, của y khoa và của những khoa học nhân bản khác.

49. Đặc biệt ngày nay, trong giai đoạn chuẩn bị gần, các cặp đính hôn phải được huấn luyện và được củng cố các giá trị liên quan đến việc bảo vệ sự sống con người. Một cách đặc biệt, vì sự kiện họ sẽ trở thành Giáo Hội tại gia và “cung thánh sự sống” (EV, 91,92), nên họ sẽ trở nên thành phần theo lối mới thuộc tập thể “những người của sự sống và phò sự sống” (EV, 6, 101). Não trạng chống thụ thai đang rất thịnh hành ngày nay ở quá nhiều nơi, và những luật lệ buông thả được phát triển rộng khắp với tất cả những gì chúng bao hàm trong việc khinh bỉ mạng sống từ lúc thụ thai đến lúc từ trần đã tạo ra hàng loạt những cuộc tấn công vô kể mà các gia đình đang phải chịu đựng và bị thương tích ở những phần trọng yếu nhất trong sứ mệnh của mình, khiến cho việc phát triển theo các đòi hỏi của diễn trình trưởng thành nhân bản chân chính bị cản trở (xem Centesimus Annus, 39). Do đó, ngày nay hơn bao giờ hết, cần có sự huấn luyện về trí và tâm cho những phần tử của các gia đình mới để họ không đi theo cái não trạng đang thịnh hành ấy. Bằng cách đó, qua cuộc sống gia đình mới của mình, một ngày kia họ sẽ có thể góp phần vào việc tạo ra và phát triển được nền văn hóa sự sống qua việc tôn trọng và chào đón những cuộc đời mới trong tình yêu của họ, như chứng tá và biểu thức công bố, cử hành và phục vụ mọi sự sống (xem EV, 83-84, 86, 93).

C. Chuẩn bị kế cận

50. Một khi lộ trình thích hợp và các khóa học chuyên biệt đã được theo đuổi và đã diễn ra tốt đẹp trong giai đoạn chuẩn bị gần (xem số 32 và kế tiếp), thì mục tiêu của việc chuẩn bị kế cận sẽ bao gồm những điều sau đây: a) Tổng hợp giai đoạn chuẩn bị trước đặc biệt là nội dung học thuyết, luân lý và thiêng liêng, nhờ thế có thể hoàn tất những thiếu sót có thể có trong việc huấn luyện căn bản; b) Các kinh nghiệm cầu nguyện (cấm phòng, linh thao cho các cặp đính hôn) trong đó việc gặp gỡ với Chúa sẽ giúp họ khám phá ra chiều sâu và vẻ đẹp của đời sống thiêng liêng; c) chuẩn bị phụng vụ thích đáng nhằm để các cặp đính hôn tham dự tích cực vào đó, đặc biệt nên chú ý đến bí tích Hòa giải; d) Sử dụng tốt các buổi nói chuyện theo giáo luật được dự kiến với cha xứ, để mọi người tìm biết nhau tốt hơn. Những mục tiêu trên sẽ thực hiện được qua các buổi gặp gỡ có tính kỹ luỡng hơn.

51. Sự hữu ích của mục vụ và kinh nghiệm tích cực của các khoá dự bị hôn nhân cho thấy chúng chỉ nên được tổ chức vì những lý do nghiêm túc cân xứng. Cho nên, nếu có những cặp đến xin cử hành hôn phối khẩn cấp mà chưa được chuẩn bị gần, thì cha xứ và các cộng sự viên có trách nhiệm sẽ cung hiến cho họ cơ hội để học bù những kiến thức về các khía cạnh học thuyết, luân lý và bí tích đã dự bị cho giai đoạn chuẩn bị hôn nhân gần để rồi sau dó cho họ được chuẩn bị kế cận. Điều này được yêu cầu vì sự cần thiết phải bản thân hóa các lộ trình huấn luyện một cách thực tiễn, dùng mọi cơ hội để đào sâu ý nghĩa về những điều sẽ xẩy ra trong bí tích, mà không từ khước những người tỏ ra có tư chất về đức tin và bí tích chỉ vì họ vắng mặt trong một giai đoạn chuẩn bị nào đó.

52. Việc chuẩn bị kế cận để lãnh nhận bí tích Hôn phối phải tìm cơ hội thuận tiện để dẫn khởi cặp đính hôn vào chính nghi thức hôn phối. Trong việc chuẩn bị này, trong khi đào sâu học thuyết Kitô Giáo về hôn nhân và gia đình với chú trọng đặc biệt tới các bổn phận luân lý, cặp đính hôn phải được hướng dẫn để nắm phần hiểu biết và tích cực trong việc cử hành hôn phối, và hiểu được ý nghĩa các hành vi và các bản văn phụng vụ.

53. Việc chuẩn bị lãnh nhận bí tích Hôn phối này phải là điểm kết thúc của giáo lý giúp các cặp đính hôn Kitô hữu dò lại được hành trình bí tích của họ một cách hiểu biết. Điều quan trọng là họ phải biết rằng họ đang kết hiệp với nhau nên một trong hôn nhân trong tư cách là những người đã được rửa tội trong Chúa Kitô, nên họ phải cư xử phù hợp với Chúa Thánh Thần trong cuộc sống gia đình của họ. Như thế, quả là đúng nếu các cặp vợ chồng tương lai biết chuẩn bị sẵn sàng cho việc cử hành hôn phối sao cho nó được thành sự, xứng đáng và có kết quả, bằng cách lãnh nhận bí tích Hòa giải (xem Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo, số 1622). Việc chuẩn bị phụng vụ để cử hành bí tích Hôn phối phải bao gồm phần lớn những yếu tố của nghi thức hiện hành. Để chỉ rõ mối liên hệ thân thiết giữa bí tích hôn nhân và mầu nhiệm vượt qua, việc cử hành hôn phối thường diễn ra trong cử hành Thánh Thể.

54. Để Giáo Hội trở nên hữu hình trong giáo phận và chỉ rõ điều đó trong giáo xứ, ta hiểu được việc tất cả các chuẩn bị mục vụ cũng như giáo luật để lãnh bí tích hôn phối phải được kết thúc trong giáo xứ và giáo phận. Như thế, càng phù hợp hơn nữa với ý nghĩa Giáo Hội của bí tích hôn phối khi nó thường được cử hành trong nhà thờ của cộng đoàn giáo xứ nơi cặp hôn phối là thành viên (CIC, điều 1115). Ước mong thay toàn thể cộng đồng giáo xứ tham dự vào việc cử hành này, chung quanh các gia đình và bằng hữu của cặp đính hôn. Nên dự liệu việc đó trong nhiều giáo phận, dù cần phải lưu ý đến các hoàn cảnh địa phương, nhưng phải nhất quyết ưu đãi các hành động mục vụ có tính Giáo Hội thực sự.

55. Những người sẽ tham dự tích cực vào phụng vụ cũng phải được mời chuẩn bị thích đáng lãnh nhận bí tích Hòa giải và Thánh thể. Cần phải giải thích cho các người làm chứng rằng họ không phải chỉ là những người bảo đảm cho một hành vi pháp lý, nhưng còn là đại diện của cộng đoàn Kitô hữu, là cộng đoàn, qua họ, dự phần vào một hành vi bí tích liên hệ đến chính mình, vì một gia đình mới chính là một tế bào của Giáo Hội. Vì đặc điểm có yếu tính xã hội của nó, hôn nhân kêu gọi sự tham dự của xã hội và điều này được diễn tả qua sự hiện diện của các người chứng.

56. Phù hợp với quyết định của Đấng Bản quyền và qua chức linh mục chung, gia đình là nơi thích hợp nhất trong đó cha mẹ có thể tiến hành một vài hành vi thánh và cử hành một vài á bí tích, như trong bối cảnh của Nghi thức Khai Tâm Kitô Giáo, trong những biến cố buồn vui của cuộc sống hàng ngày, trong việc đọc lời nguyện trước các bữa ăn. Phải dành chỗ đặc biệt cho việc gia đình cầu nguyện. Điều ấy sẽ tạo nên một bầu khí đức tin ngay bên trong tổ ấm và sẽ là phương thế sống thực một cách phong phú hơn tư cách làm cha làm mẹ đối với các con, dạy chúng cầu nguyện và dẫn đưa chúng vào việc khám phá ra dần dần mầu nhiệm Thiên Chúa và việc đối thoại bản thân với Ngài. Cha mẹ nên nhớ rằng họ thực thi sứ mệnh công bố Tin Mừng sự sống qua việc giáo dục con cái mình (xem EV, 92).

57. Chuẩn bị cận kề là cơ hội thuận tiện để bắt đầu công việc mục vụ liên tục về hôn nhân và gia đình. Từ quan điểm này, việc chuẩn bị cần được thi hành sao cho các cặp vợ chồng biết được sứ mệnh của họ trong Giáo Hội. Ở đây họ được sự trợ giúp phong phú từ các phong trào chuyên biệt về gia đình, ngõ hầu có thể vun sới được một linh đạo hôn nhân và gia đình và một cách thế chu toàn các trách vụ trong gia đình, trong Giáo Hội và trong xã hội.

58. Việc chuẩn bị các cặp đính hôn phải được kèm theo với lòng sùng kính Đức Mẹ một cách chân thành và sâu sắc, vì Mẹ là Mẹ Giáo Hội, và là Nữ vương Gia đình. Phải dạy cho chính các cặp đính hôn biết nhìn nhận rằng sự hiện diện của Đức Mẹ trong gia đình, tức Giáo Hội tại gia, cũng sinh động như sự hiện diện của Người trong Giáo Hội nói chung. Cũng thế, phải dạy cho họ biết bắt chước các nhân đức của Đức Mẹ. Như thế, Thánh Gia, tức gia đình của Chúa Giêsu, của Đức Mẹ và Thánh Giuse, sẽ làm cho những người đính hôn khám phá ra rằng “việc giáo dục trong gia đình ngọt ngào và không thể thay thế được đến chừng nào” (Paul VI, Diễn Văn Tại Nazareth, 5-1-1964).

59. Việc chia sẻ với người khác bất cứ điều gì đã được đề nghị một cách đầy sáng tạo nơi các cộng đoàn để làm cho việc chuẩn bị gần và kế cận sâu sắc hơn và đầy đủ hơn sẽ là một quà tặng và một việc làm phong phú đối với toàn thể Giáo Hội.
Phần III – Cử hành hôn phối

60. Chuẩn bị hôn nhân dẫn tới cuộc sống lứa đôi xuyên qua việc cử hành bí tích, là chung cuộc của hành trình chuẩn bị mà hai người phối ngẫu đã thực hiện và là ngọn nguồn của đời sống vợ chồng. Do đó, việc cử hành không thể bị thu gọn lại chỉ trong một buổi lễ, vốn chỉ là sản phẩm của văn hóa và điều kiện hóa có tính xã hội học. Dù vậy, những tập tục đáng ca ngợi của những dân tộc hoặc các nhóm sắc tộc khác nhau có thể được đưa vào việc cử hành (xem Sacrosanctum Concilium 77; Familiaris Consortio, 67), miễn là trước hết chúng phát biểu được việc đến với nhau của hợp đoàn Giáo Hội như là dấu chỉ đức tin của Hội Thánh, biết nhìn nhận trong bí tích sự hiện diện của Chúa phục sinh có sức kết hiệp hai người phối ngẫu vào Tình Yêu Ba Ngôi.

61. Qua các ủy ban phụng vụ của giáo phận, các giám mục nên ra những chỉ thị chính xác và giám sát xem các chỉ thị ấy có được áp dụng trên thực tế hay không để, trong việc cử hành hôn phối, có thể đem ra thi hành điều đã được qui định tại khoản 32 Hiến Chế Mục Vụ ngõ hầu ngay từ bên ngoài sự bình đẳng của các tín hữu cũng được nhận ra rõ rệt và, đàng khác, bất cứ vẻ phù phiếm nào cũng phải tránh được. Bằng bất cứ cách nào cũng phải khuyến khích những người hiện diện tham dự một cách tích cực. Phải cung cấp các bản văn thích hợp để giúp họ hiểu và thưởng ngoạn được vẻ phong phú của nghi lễ.

62. Nên nhớ rằng hễ đâu có hai hay ba người tụ họp nhân danh Chúa Kitô (xem Mt 18:20), thì Ngài hiện diện nơi đó, cho nên dù là cử hành có tính hạn chế (điều nên tiếp tục trong những lễ lạc sau đó) cũng không những phải là một biểu thức của đức tin cộng đoàn, mà còn là nguyên động lực để ca tụng Chúa. Cử hành hôn phối trong Chúa và trước mặt Hội thánh có nghĩa là tuyên xưng rằng quà phúc ơn thánh được ban cho hai vợ chồng nhờ việc hiện diện và tình yêu của Chúa Kitô và Chúa Thánh Thần đòi phải có sự đáp ứng thực tiễn, bằng đời sống thờ phượng trong tinh thần và chân lý ngay trong gia đình Kitô hữu, tức “Giáo Hội tại gia”. Chính vì việc cử hành phải được hiểu không chỉ là hành vi pháp lý nhưng còn là một thời điểm trong lịch sử cứu độ của hai người phối ngẫu, và qua chức linh mục chung của họ, vì lợi ích của Giáo Hội và xã hội, cho nên cần phải giúp mọi người hiện diện tham dự tích cực vào chính việc cử hành.

63. Bất cứ ai chủ toạ cũng phải có nhiệm vụ sử dụng mọi khả năng có thể có của sách nghi thức, nhất là ấn bản lần thứ hai do Bộ Phụng tự và Kỷ Luật Bí tích ban hành năm 1991, để làm nổi bật vai trò của những người cử hành bí tích, mà theo các Kitô hữu của Nghi lễ Latinh là chính hai người phối ngẫu, cũng như giá trị bí tích của việc cử hành của cộng đoàn. Với công thức trao đổi lời ưng thuận, hai vợ chồng luôn nhớ đến khía cạnh bản thân, Giáo Hội và xã hội của sự ưng thuận này đối với toàn bộ cuộc sống họ, như một dâng hiến của người này dành cho người kia cho đến ngày nhắm mắt. Nghi lễ Đông phương coi vị linh mục là người giữ vai trò cử hành bí tích. Dù gì đi nữa, theo luật Giáo Hội, sự hiện diện của một linh mục hoặc một thừa tác viên có thẩm quyền khác bao giờ cũng cần thiết để sự kết hợp hôn nhân thành hiệu và rõ ràng chỉ ra ý nghĩa công khai và xã hội của giao ứơc phu phụ, để phục vụ cả Giáo Hội lẫn xã hội phàm trần.

64. Cần nhớ rằng hôn phối thường được cử hành trong Thánh lễ (xem Sacrosanctum Concilium, 78; Familiaris Consortio, 57), nên đối với một hôn nhân giữa người Công Giáo và người đã rửa tội nhưng không phải là Công Giáo, phải cử hành tùy theo những dự liệu đặc biệt về phụng vụ và giáo luật (xem Ordo Celebrandi Matrimonium – OCM, 79-117).

65. Việc cử hành sẽ lôi cuốn người ta tham dự tích cực hơn nếu họ được dẫn nhập thích đáng về ý nghĩa của bản văn phụng vụ và nội dung của các lời nguyện. Tính cách đơn giản của những dẫn nhập này nên có để làm dễ dàng việc nhớ lại và hiểu biết tầm quan trọng của việc cử hành (xem OCM, 52, 59, 87, 93, 99), và tránh không biến việc cử hành thành bài học giáo khoa.

66. Chủ tế, người chủ toạ (5) và trình bày với cộng đoàn ý nghĩa Giáo Hội của cam kết hôn nhân, sẽ cố gắng tạo được sự chú tâm của những người kết hôn cũng như thân nhân và các người chứng ngõ hầu tất cả có thể nắm vững cấu trúc của nghi thức. Điều này đặc biệt phải được áp dụng cho những phần chủ yếu nhất như Lời Chúa, trao đổi và chuẩn nhận ưng thuận, làm phép những dấu chỉ biểu hiệu hôn phối (như nhẫn v.v…), chúc lành cho đôi tân hôn, nhắc đến đôi tân hôn trong Kinh Nguyện Thánh Thể. “Các nền phụng vụ khác nhau đều phong phú về các lời cầu nguyện chúc phúc và kêu cầu ân sủng và phép lành của Thiên Chúa trên cặp vợ chồng mới, nhất là trên người vợ” (Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, số 1624). Cũng cần phải giải nghĩa cử chỉ đặt tay trên “các chủ thể thừa tác viên” của bí tích. Việc đứng, chúc bình an cho nhau hoặc các nghi thức khác cũng cần được mọi người hiện diện chú tâm một cách thích đáng.

67. Để có được một phong thái cử hành vừa có tính hạn chế vừa có tính cách cao đẹp, bất cứ ai chủ lễ cũng phải được sự phụ giúp của các thừa tác viên phụ tá cũng như của các nhân viên làm sinh động và điều khiển cộng đoàn ca hát, dẫn các đáp ca và công bố Lơi Chúa. Bằng cách cụ thể đặc biệt chú ý đến chính những người sắp kết hôn và các hoàn cảnh riêng của họ, nhưng phải tuyệt đối tránh ưu đãi cá nhân, vị chủ tế phải thích ứng mình với các dấu hiệu sử dụng trong hành vi phụng vụ. Như thế, trong khi tiếp đón và chào mừng những người sắp kết hôn, cha mẹ họ nếu hiện diện, các người chứng và những người tham dự, vị này phải là phát ngôn viên sống động của cộng đoàn để chào đón những người sắp kết hôn.

68. Việc công bố Lời Chúa phải do những ngưòi thích hợp và được chuẩn bị kỹ đảm nhiệm. Họ có thể được chọn trong số các người hiện diện, đặc biệt là các người chứng, người trong hai gia đình, bạn bè, nhưng xem ra không thích đáng khi chính cô dâu hoặc chú rể phải làm việc đó.Thực vậy, họ là những người hàng đầu tiếp nhận Lời Chúa đang được công bố. Tuy nhiên, việc lựa chọn các bài đọc có thể được làm với sự thoả thuận của hai vợ chồng trong giai đoạn chuẩn bị kế cận. Nhờ cách đó, họ sẽ dễ dàng ghi nhớ Lời Chúa trong lòng và đem ra thực hành trong đời sống.

69. Bài dẫn giảng, là bài bắt buộc phải có, phải đặt trọng tâm vào việc trình bày “mầu nhiệm cao cả” đang được cử hành trước mặt Chúa, trước mặt Giáo Hội và xã hội. “Thánh Phaolô dùng một thuật ngữ rất chính xác nhắc đến cuộc sống gia đình: nó là mầu nhiệm cao cả (Eph. 5:32) “; (Gratissimam Sane, 19). Bắt đầu với bản văn vừa được công bố về Lời Chúa cũng như các kinh nguyện phụng vụ, nên tập trung dẫn giải về bí tích, và từ đó minh họa các hậu quả đối với cuộc sống của hai vợ chồng và gia đình họ. Nên tránh không trực tiếp nhắc đến bản thân hai vợ chồng.

70. Nếu nghi thức hôn phối diễn ra trong Thánh lễ, của lễ nên được chính cặp tân hôn đem lên bàn thờ. Dù gì đi nữa, lời nguyện giáo dân đã được chuẩn bị kỹ không nên quá dài hoặc thiếu nội dung cụ thể. Khi mục vụ xem ra thích hợp, Việc Hiệp Lễ nên được thực hiện dưới cả hai Hình Mình và Máu Thánh.

71. Cần phải thận trọng để các chi tiết của việc cử hành hôn phối phải có đặc điểm của một phong thái hạn chế, đơn giản và chính xác. Sắc thái lễ lạc không nên có hình thức phô trương thái quá.

72. Việc long trọng chúc lành cho đôi tân hôn nhắc ta nhớ rằng trong bí tích hôn phối, ta khẩn khoản cầu xin Chúa Thánh Thần ban ơn. Nhờ ơn này, hai vợ chồng sẽ kiên trì trong sự hoà thuận hỗ tương và được nâng đỡ về phương diện thiêng liêng trong khi thi hành sứ mệnh của họ, cũng như trong những lúc khó khăn trong đời sống tương lai. Trong khung cảnh của việc cử hành này, điều chắc chắn thích hợp là trình bày Thánh Gia Nazareth như là mẫu gương sống cho các cặp vợ chồng Kitô hữu.

73. Nói về các giai đoạn chuẩn bị xa, chuẩn bị gần và chuẩn bị kế cận, tuy việc tổng hợp các kinh nghiệm thực tại để đem lại thay đổi lớn trong não trạng và các tập tục liên hệ tới việc cử hành là điều tốt, nhưng các nhân viên mục vụ phải cẩn trọng tuân theo và làm cho người ta thấu hiểu những gì hiện đã được ấn định và thiết lập trong nghi thức phụng vụ. Hiển nhiên một điều là việc thấu hiểu ấy tùy thuộc hoàn toàn vào diễn trình chuẩn bị và mức độ trưởng thành về Kitô Giáo của cộng đoàn.

Ai cũng có thể nhận ra rằng trong tài liệu này, một ít yếu tố đã được đề nghị để chuẩn bị có hệ thống cho các tín hữu được mời gọi lãnh nhận bí tích Hôn phối. Đặc biệt trong năm năm đầu cuộc sống vợ chồng, điều đáng ước ao là nên theo dõi cặp mới kết hôn qua các khóa hậu hôn nhân, được tổ chức tại các giáo xứ hoặc giáo hạt, tùy theo qui định của Tập Hướng Dẫn Mục Vụ Gia Đình đã nhắc ở các số 14 và 15 trên đây, liên quan đến Tông Huấn Familiaris Consortio, số 66.
Hội Đồng Giáo Hoàng về Gia Đình xin trao gửi đến các Hội Đồng Giám Mục các chỉ dẫn này để họ soạn thảo các tập chỉ dẫn riêng của mình. Ưu tư mục vụ của các Hội Đồng Giám Mục cũng như của các cá nhân Giám Mục sẽ đảm bảo để các chỉ dẫn này được đem ra thi hành trong các cộng đoàn Giáo Hội. Nhờ thế, mọi tín hữu đều sẽ hiểu rõ hơn rằng bí tích Hôn phối, một mầu nhiệm cao cả (Eph. 5:21 và kế tiếp) là một ơn gọi đối với đại đa số Dân Chúa.

Thành Vatican, 13 Tháng 5 Năm 1996.

Hồng y Alfonso Lopez Trujillo Chủ Tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Gia Đình

Francisco Gil Hellin Thư Ký

Chú thích

(1) Đề tài đã được suy tư trong cuộc họp mặt quốc tế được Hội Đồng Giáo Hoàng về Gia Đình tổ chức từ 2-4 Tháng 6 năm 1993 với sự cộng tác của Hội Đồng Giáo Hoàng về Truyền Thông Xã Hội.

(2) Các phương pháp tự nhiên này đưa ra một giải pháp hợp lệ khi hai vợ chồng gặp khó khăn nghiêm trọng, thí dụ về sức khỏe hay lý do kinh tế, và chúng cũng nên được đề nghị trong các chính sách có trách nhiệm và đáng kính về dân số. Hội Đồng Giáo Hoàng về Gia Đình đã tổ chức một cuộc gặp mặt quốc tế với những cổ động viên của các phương pháp tự nhiên từ 9-11 Tháng 12 Năm 1992. Các phúc trình và đóng góp của các chuyên gia đã được công bố trong một bản văn dưới tiêu đề: Các Phương Pháp Tự Nhiên Để Điều Hòa Sinh Nở: Giải Pháp Chân Chính (Metodi Naturali per la regolazione della fertilità: I’alternativa autentica). Các khoa học nhân bản giúp suy tư thần học nắm được và đào sâu”sự khác biệt, cả về nhân chủng lẫn luân lý học, giữa việc chống ngừa thai và phương pháp dùng nhịp độ chu kỳ” (FC, 32).

(3) Mục vụ sẽ gợi ra những cách thế và phương tiện để đạt mục tiêu này. Thí dụ, cần ít nhất trọn một tuần lễ hoặc 4 ngày cuối tuần, kể cả Thứ bẩy và Chúa nhật, hoặc mỗi tháng một buổi chiều trong trọn một năm.

(4) Thánh Bộ Học Thuyết Đức Tin dạy rằng hôn nhân giữa các Kitô hữu không thể được coi như một cái gì riêng tư và nhắc nhớ đến học thuyết và kỷ luật của Giáo Hội: “trung thành với lời nói của Chúa Giêsu Kitô, Giáo Hội xác quyết rằng một cuộc phối hiệp mới không thể được công nhận là thành hiệu nếu cuộc hôn nhân trước vẫn còn giá trị. Nếu những người ly dị tái kết hôn ngoài dân luật, họ sẽ ở trong tình trạng chống lại luật Chúa một cách khách quan. Hậu quả là, họ không được lãnh nhận Thánh Thể bao lâu tình trạng trên còn kéo dài.” (Thánh Bộ Học Thuyết Đức Tin, Thư Gửi các Giám Mục trong Giáo Hội Công Giáo liên quan đến việc Rước lễ của những Tín hữu Ly dị và Tái kết hôn, số 4, 14 Tháng 9 Năm 1994).

(5) Xem OCM, 24; CIC, điều 1111; OCM, 2s và 118-151; CIC, điều 1112.2; 1108.2).

Chương III

Bạn “Thưa có” cho điều gì?

Những nền tảng của Hôn nhân trong Giáo hội
“Có người đang nỗ lực châm biếm, và thậm chí phủ nhận, ý tưởng một sự kết hợp chung thuỷ kéo dài suốt đời. Các con có thể chắc chắn rằng những người ấy không biết tình yêu là gì”.

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II [1]

Tôi không bao giờ quên được hình ảnh vị hôn thê của tôi tiến lên cung thánh giữa hai hàng ghế. Nàng rạng rỡ và đẹp lộng lẫy trong vẻ thiếu nữ. Tôi đứng đó bên bàn thờ, đợi nàng. Bốn mắt chúng tôi gặp nhau, nhạt nhoà nước mắt. Đây là thời điểm từng mong đợi. Trước sự hiện diện của Thiên Chúa, cha xứ, toàn gia đình và bạn bè thân hữu, chúng tôi dâng hiến trọn đời cho nhau vô điều kiện.

Trong suốt thời gian đính hôn của chúng tôi, điều này có thể dường như lạ lẫm đối với một số người, có thể nói chúng tôi đã chẳng thảo luận gì khác hơn là cái nhìn về hôn nhân của Giáo hội. Chúng tôi biết điều gì Giáo hội đang truyền đạt cho chúng tôi như là bản chất và ý nghĩa của bí tích này, và chúng tôi mong muốn được tiếp nhận điều đó với tất cả tâm hồn.

Hiện nay, trong công việc chuẩn bị hôn nhân cho những đôi đã đính hôn do tôi đảm trách, tôi phải đương đầu với chuyện rất ít người trong số họ thực sự hiểu họ đang muốn “thưa có” cho điều gì. Hôn nhân không phải là bất cứ điều gì hai người muốn là được. Để một mối quan hệ có tính cách hôn nhân thực sự, mối quan hệ đó phải tuân theo kế hoạch về hôn nhân của Thiên Chúa theo ý nghĩa Người đã thiết lập.

Những thắc mắc và những phản đối trong chương này nhắm đến “những nền tảng” của hôn nhân trong Giáo hội, gồm có những vấn đề xoay quanh việc ly dị, huỷ tiêu hôn ước và một vài đoạn Kinh thánh đang còn tranh cãi. Bởi vì có nhiều lẫn lộn và chống nghịch đối với giáo huấn về tính dục của giáo hội phát sinh từ việc hiểu sai lệch ý nghĩa của hôn nhân, chương này sẽ nêu ra những gì cần thiết cho việc thảo luận về đạo đức giới tính trong những chương kế tiếp.

—–

[1] Gioan Phaolô II, “Tình yêu trong Gia đình”, Origins số 16 (ngày 23/4/1987): 799.

1. Hôn nhân chính xác là gì theo cái nhìn của Giáo hội Công giáo?

Chúng ta sẽ bắt đầu với một định nghĩa căn bản có đối chiếu đến giáo huấn của Công Đồng Vatican II và giáo luật, và rồi sẽ giải thích từng điểm một:

Hôn nhân là sự hiệp thông mật thiết, độc quyền, và bất khả phân ly trong đời sống và tình yêu giữa người nam và người nữ tham dự vào do sự thiết kế của Đấng Sáng Tạo vì thiện ích của họ và vì sự sinh sản và giáo dục con cái; giao ước giữa những người đã được rửa tội này đã được Chúa Kitô nâng lên hàng cao trong của bí tích. [2]

Sự hiệp thông mật thiết trong đời sống và tình yêu. Hôn nhân là một tương quan gần gũi và mật thiết nhất trong các tương quan bằng hữu. Nó đòi hỏi sự chia sẻ trọn vẹn đời sống của một cá nhân với người phối ngẫu của mình. Hôn nhân mời gọi sự cùng nhau dâng hiến chính mình cách mật thiết và trọn vẹn đến nỗi cả hai vợ chồng trở thành “một”.

Độc quyền. Như một món quà hai người trao tặng cho nhau, sự kết hiệp mật thiết này loại trừ việc kết hợp tương tự với bất cứ người nào khác nữa. Nó đòi hỏi sự thuỷ chung trọn vẹn của hai vợ chồng. Sự độc quyền này cũng cần thiết cho lợi ích của con cái của hai vợ chồng nữa.

Bất khả phân ly. Người chồng và người vợ kết hiệp với nhau không phải bằng chút cảm xúc chóng qua hay chỉ bằng ý hướng gợi tình vốn dĩ chóng phai tàn nếu đeo đuổi một cách ích kỷ. [3] Họ được Thiên Chúa nối kết trong một giao ước tình yêu vững bền qua hành vi ưng thuận kiên quyết và không thể thay đổi được của chính họ. Đối với những người đã được rửa tội, giao ước này đã được Chúa Thánh Thần đóng ấn và, một khi được thành sự, trở thành tuyệt đối bất khả phân ly.[4] Vì thế, Giáo hội không những dạy rằng ly dị là sai mà còn cho rằng ly dị – với ý nghĩa chấm dứt một cuộc hôn nhân hợp pháp – là không thể được, bất kể tình trạng dân sự của cuộc hôn nhân đó như thế nào.

Giữa người nam và người nữ tham dự vào. Cái đặc tính bổ trợ của giới tính rất cần thiết cho hôn nhân. Hiện nay có sự nhầm lẫn về bản chất của hôn nhân phổ biến đến nỗi một số người muốn nới rộng cái “quyền lợi“ pháp lý cho phép hai người đồng giới tính cưới nhau. Nhưng chính bản chất của hôn nhân làm cho một đề nghị như thế không thể xảy ra được.
Do sự thiết kế của Đấng Sáng Tạo. Thiên Chúa là Tác giả của hôn nhân. Người ghi khắc lời mời gọi vào đời sống hôn nhân trong chính hữu thể của chúng ta bằng cách tạo dựng nên chúng ta có nam có nữ. Hôn nhân được điều hành bởi luật của Thiên Chúa, được truyền đạt một cách trung thành qua Hiền thê của Người là Giáo hội. Ðể hôn nhân trở nên điều đã được định liệu, hôn nhân cần phải tuân theo những luật này. Vì thế, con người không được tự ý thay đổi cái ý nghĩa và mục đích của hôn nhân.

Vì thiện ích của họ. “Người đàn ông ở một mình không tốt” (St 2,18). Ðàng khác, chính vì thiện ích của họ, vì sự phong phú và sau cùng vì sự cứu rỗi của họ mà một người đàn ông và một người đàn bà chung sống với nhau trong giao ước hôn nhân. Hôn nhân là sự biểu hiện căn bản nhất (nhưng không phải duy nhất) của ơn gọi tình yêu mà tất cả mọi người đàn ông và đàn bà là những người được tạo dựng giống hình ảnh của Thiên Chúa đều có.

vì (thiện ích của) sự sinh sản và giáo dục con cái. Các nghị phụ của Công Đồng Vatican II đã tuyên bố: “Do chính bản chất của chúng, sự thành lập hôn nhân và tình yêu vợ chồng được thánh hiến là để sinh sản và giáo dục con cái và tìm thấy nơi chúng cái tuyệt đỉnh của hôn nhân.” [5] Không phải con cái được cộng thêm vào trong hôn nhân và tình yêu vợ chồng, nhưng chúng phát sinh từ thâm tâm của việc đồng hiến dâng cho nhau của đôi vợ chồng, như là kết quả và sự hoàn thành của việc hiến dâng ấy. Vậy, việc chủ tâm loại bỏ con cái là đi ngược lại chính bản chất và mục đích của hôn nhân.

Giao ước. Hôn nhân không chỉ là một sự thoả thuận giữa một người đàn ông và một người đàn bà, nhưng còn là một giao ước thánh. Thiên Chúa đã tạo dựng nên hôn nhân để tượng trưng cho và để tham dự vào chính giao ước của Người với dân Người. Vì thế, giao ước hôn nhân mời gọi các cặp vợ chồng thông dự vào tình yêu tự do, trọn vẹn, thuỷ chung, và sinh hoa kết trái của Thiên Chúa. Ngược lại với một vài trào lưu tư tưởng, sự việc Giáo hội gần đây nhấn mạnh về hôn nhân như là một giao ước không loại bỏ cái tư tưởng hôn nhân cũng là một sự thoả thuận. Thực ra một giao ước còn vượt quá những quyền lợi và những bổn phận được bảo đảm bởi một vài sự thoả thuận, và còn cung cấp một khuôn khổ vững chắc và thánh thiện hơn cho hôn nhân, tuy nhiên giáo luật vẫn cố ý dùng cả hai từ này để diễn tả hôn nhân.[6]

Hàng cao trọng của bí tích. Nhờ bí tích Rửa tội của họ, hôn nhân của những cặp vợ chồng Kitô hữu là một dấu chỉ hiệu nghiệm của sự kết hiệp giữa Đức Kitô và Giáo hội, và như thể đó là một hồng ân (xin xem vấn nạn kế tiếp để có một sự thảo luận kỹ lưỡng hơn). Hôn nhân giữa hai người không được rửa tội, hay giữa một người được rửa tội và một người chưa được rửa tội, được Giáo hội xem như là một cuộc hôn nhân “tốt lành và tự nhiên”. Dù không có tính cách bí tích, những cuộc hôn nhân như vậy là những kết hợp thánh thiện được đồng hưởng những điều tốt lành và mục đích của bí tích hôn nhân.

[2] Xem Hiến chế Mục vụ Vui Mừng và Hy vọng (MV), số 48, và Bộ Giáo Luật (GL), điều 1055.
[3] Xem MV 49
[4] Ngay cả khi một hôn nhân chưa hoàn hợp, quyền bính con người không có quyền tuyên bố huỷ tiêu được. Dù vậy, trong một số rất hiếm các trường hợp, Giáo hội dùng quyền cao hơn quyền bính con người, do Thiên Chúa ban, để huỷ tiêu hôn nhân chưa hoàn hợp.
[5] Xem MV 48.
[6] Xem GL, đ. 1055.

2. Điều gì làm cho hôn nhân trở thành bí tích?

Câu trả lời đơn giản là bí tích Rửa tội. Như ĐTC Gioan Phaolô II nói: “Thật vậy, nhờ bí tích Rửa tội người nam và người nữ được dứt khoát đặt vào trong … giao ước hôn nhân của Chúa Kitô và Giáo hội. Và chính vì sự tháp nhập không thể huỷ bỏ này mà [hôn nhân] được nâng lên và được hoà nhập vào trong tình yêu hôn nhân của Chúa Kitô, được duy trì và được làm cho phong phú thêm nhờ quyền năng cứu độ của Người.” [7]

Thế mà trong cả bảy bí tích (Rửa tội, Thêm sức, Mình Thánh Chúa, Hoà giải, Xức dầu bệnh nhân, Truyền chức thánh, và Hôn nhân), thoáng nhìn thì hôn nhân có vẻ như không phải là một bí tích nhất. Xét cho cùng, hôn nhân không phải duy nhất chỉ có ở những Kitô hữu, nhưng là điều rất bình thường đối với tất cả mọi nền văn hoá và mọi tín ngưỡng. Điều gì làm cho một thực tại như hôn nhân “trần tục” đến thế trở thành một bí tích? Để đưa ra câu trả lời hoàn hảo hơn, trước tiên chúng ta cần phải hiểu rõ hơn bí tích là gì.

Nếu thời thơ ấu bạn có học giáo lý, bạn có thể còn nhớ đã được dạy rằng bí tích là “một dấu chỉ bề ngoài do Đức Kitô lập ra để ban ơn thánh.”[8] Đối với hầu hết mọi người thì cái định nghĩa có tính cách giáo khoa này không gói ghém được hết cái tuyệt hảo và thâm sâu thực sự của các bí tích. Qua những “dấu chỉ hữu hình do Đức Kitô lập ra” này, chúng ta được thực sự gặp gỡ Thiên Chúa vĩnh cửu ở trần gian chóng qua này và trở thành những người được chia sẻ sự sống thần linh của Người.

Có một hố sâu thăm thẳm chia cách Đấng Tạo Hóa và tạo vật. Điều kỳ diệu của các bí tích là đã lấp đầy cái hố sâu thăm thẳm ngăn cách này. Các bí tích là nơi trời và đất “ôm hôn nhau”, là nơi Thiên Chúa và nhân loại trở nên một trong xác thịt.

Thiên Chúa vô hình. Các bí tích giúp chúng ta nhìn thấy Người. Thiên Chúa bất khả tiếp xúc. Các bí tích giúp chúng ta đụng chạm được Người. Thiên Chúa bất khả thông truyền. Các bí tích cho chúng ta hiệp thông với Người.
Sự Hiệp thông này giữa Thiên Chúa và nhân loại là một thực tại sống động trong con người Chúa Giêsu Kitô. Do đó, đời sống bí tích của Giáo hội trực tiếp bắt nguồn từ động lực của Mầu nhiệm Nhập Thể, mầu nhiệm Ngôi Lời đã hoá thành xác thịt, Thiên Chúa đã làm người. Trong Đức Kitô, Thiên Chúa đã muôn đời kết hiệp Người vào xác thịt của chúng ta và đã cưu mang thế giới vật chất bằng quyền năng cứu rỗi của Người. Thật vậy, như Tertullianô, một Giáo phụ tiên khởi, đã tuyên bố: “Xác thân đã trở thành điểm mấu chốt của ơn cứu độ”.[9]

Đi ngược lại với linh đạo bí tích thực sự, hiện đang được phổ biến rộng rãi một quan niệm sai lầm trầm trọng về linh đạo có khuynh hướng hạ thấp giá trị thân thể con người, nhìn thân xác với cặp mắt nghi ngờ, và đôi khi có thái độ khinh miệt thân xác. Đạo Công giáo, không bao giờ khinh màng thân xác, nhưng trái lại là một tôn giáo rất xác thịt. Điều đó muốn nói rằng chính ở trong và qua thể xác mà chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa.

Thiên Chúa không chuyển thông Người vào chúng ta bằng một phương pháp hấp thụ thần thánh nào đó mà bằng cách đến gặp gỡ chúng ta nơi chúng ta, những tạo vật phàm tục có xương có thịt. Đây chính là hồng ân cao cả của các bí tích.

Chúng ta thực sự trở nên những người được chia sẻ sự sống thần linh qua việc thanh tẩy thân thể bằng nước (bí tích Rửa tội); qua việc xức thân thể bằng dầu thánh và đặt tay (bt. Thêm sức, Truyền chức, Xức dầu); qua việc xưng tội bằng miệng lưỡi và nhận lãnh những lời tha tội (bt. hoà giải); qua việc ănuống MìnhMáu Chúa Kitô (bt. Mình Thánh Chúa) ; và kể cả qua việc ăn nằm biến người đàn ông và đàn bà thành “một xác thịt” (bt. Hôn nhân).

Có phải tôi vừa ám chỉ là việc ôm ấp vợ chồng là một cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa và một thông dự vào sự sống thần linh? Đúng vậy. Qua việc ăn nằm, vợ chồng thể diễn cái bí tích của họ. Đó là nơi những lời hôn ước trở thành xác thịt và, do đó, là dấu chỉ nhìn thấy được của bí tích Hôn nhân. Như Đức Gioan Phaolô II nói: “Bí tích Hôn nhân, là dấu chỉ nhìn thấy được, được thiết lập với con người, là thân thể, nhờ giới tính nam và giới tính nữ hữu hình của họ. Thực ra, thân thể và chỉ có thân thể mới có khả năng biến thành hữu hình những gì vô hình, tâm linh và thần linh. Bí tích Hôn nhân được thiết lập để đưa vào thực tại hữu hình của trần thế mầu nhiệm đã được ẩn giấu từ trước muôn đời nơi Thiên Chúa, và như thế nó trở thành dấu chỉ [của mầu nhiệm ấy].[10]

Nói một cách dễ hiểu hơn, ở đây ĐTC nói rằng Thiên Chúa tạo dựng hôn nhân để trở nên một dấu chỉ trong trần gian biểu lộ mầu nhiệm muôn đời của Người, và nó biểu lộ qua hai thân thể của người chồng và người vợ được kết hợp thành một. Vậy mầu nhiệm được giấu kín từ ngàn xưa trong Thiên Chúa này là gì? Nói cách ngắn gọn, đó chính là sự sống Ba Ngôi của Thiên Chúa và là kế hoạch kỳ diệu của Người cho chúng ta, là những thành viên của Giáo hội, được dự phần vào đời sống này nhờ Đức Kitô. Đây là điều mà hôn nhân biểu trưng và tỏ lộ.

Các bí tích là những dấu chỉ hiệu nghiệm, có nghĩa là chúng thực sự chuyển thông được điều mà chúng tượng trưng cho. Do đó, tình yêu giữa người chồng và người vợ không chỉ đơn thuần là một biểu tượng cho tình yêu giữa Chúa Kitô và Giáo hội. Đối với những người đã được rửa tội, đó là một sự tham dự thực thụ vào tình yêu này. Đây là một “mầu nhiệm thâm sâu”, như Thánh Phaolô nói (hay theo như một vài bản dịch, đây là một “mầu nhiệm cao cả” – xem Ep 5,32).
Vì tất cả các bí tích nhằm đưa chúng ta tiến vào sâu hơn trong cuộc hôn nhân giữa Chúa Kitô và Giáo hội, ĐTC Gioan Phaolô II gọi hôn nhân là “nguyên mẫu” của tất cả các bí tích.[11] Ngài còn đi xa hơn khi nói rằng: vì dấu chỉ hữu hình của hôn nhân (sự ôm ấp vợ chồng) được liên kết vào dấu chỉ hữu hình của Chúa Kitô và Giáo hội (Mình Thánh Chúa), dấu chỉ ấy đưa kế hoạch tình yêu muôn đời của Thiên Chúa vào lịch sử, làm cho nó trở thành “nền tảng của toàn bộ các bí tích.”[12]

Có nghĩa là: sự kết hợp “nên một xác thịt” giữa người chồng và người vợ là mặc khải căn bản về mầu nhiệm muôn đời của Thiên Chúa cho trần gian thụ tạo, vì nó hướng chúng ta tới bí tích cao cả nhất của các bí tích, sự kết hợp “nên một xác thịt” của Chúa Kitô và Giáo hội trong bí tích Thánh Thể. Tuyệt vời làm sao! Hôn nhân là nền tảng của tất cả các dấu chỉ bề ngoài do Chúa Kitô lập ra để ban ơn thánh. Đây chính là điều làm cho hôn nhân trở thành bí tích.

—–

[7] THGĐ (Tông Huấn Gia đình) 13.

[8] Baltimore Catechism, 304.

[9] x. Tertullianô, Bàn về xác sống lại, chương 8.

[10] Thtx., 20/02/1980.

[11] Thtx., 20/10/1982.

[12] Thtx., 29/09/1982

3. Giáo huấn ngăn cản việc ly dị của Giáo hội làm cho một số phụ nữ phải sống trong tương quan bạo hành mà không có lối thoát.

Trong trường hợp một quan hệ có nhiều bạo hành, Giáo hội sẵn sàng chấp nhận sự cần thiết của người vợ hay chồng được ly thân và, nếu cần, được xin ly dị ngoài đời. Tuy nhiên, án quyết ly dị không chấm dứt một hôn nhân. Chỉ có cái chết mới chấm dứt hôn nhân.

4. Giáo hội tin rằng hôn nhân “bền chặt cho tới chết”, thì tại sao lại có nhiều vụ tiêu hôn như vậy?

Ngày nay đang có nhiều lẫn lộn về việc tiêu hôn. Tiêu hôn (đúng hơn là việc “tuyên bố [hôn nhân] vô hiệu”) không phải là một “kiểu nói Công giáo về ly dị”. Án quyết ly dị [đời] tuyên bố là bạn đã từng kết hôn mà nay đã chấm dứt [hôn ước đó]. Còn bản tuyên bố [hôn nhân] vô hiệu là một tuyên bố chính thức của Giáo hội rằng một hôn nhân chưa bao giờ thành sự ngay từ đầu (hôn nhân chưa hề tồn tại).

Giáo hội luôn kiên định với giáo huấn của mình về tính chất thường tồn của hôn nhân và trong việc ban phép tiêu hôn. Những hôn nhân có thành sự, hoàn hợp, và có tính bí tích không bao giờ bị huỷ tiêu dưới bất cứ điều kiện nào. Tuy nhiên, nếu một cặp vợ chồng chưa bao giờ kết hôn thành sự, bất kể bề ngoài hôn nhân của họ ra sao, thì mối tương quan giữa họ vẫn không có sức ràng buộc.

Vậy tại sao Giáo hội lại tuyên bố tiêu hôn nhiều như thế? Có thể là nhiều khi hệ thống này bị lạm dụng. Hơn nữa, con số tiêu hôn được tuyên bố ngày nay có thể là sự phản ảnh trung thực về con số những cặp vợ chồng không thông dự hôn nhân cách thành sự. Trước tiên, toà án hôn phối ở Hoa kỳ báo cáo rằng một phần tư (1/4) cho đến một phần ba (1/3) trong các vụ tiêu hôn được chuẩn nhận là vì lý do “thiếu thể thức [Công giáo]”. Có nghĩa là một số đông người Công giáo đã được rửa tội đang kết hôn ngoài Giáo hội Công giáo. Nếu họ kết hôn như thế mà không có phép chuẩn [của Giáo hội], thì hôn nhân của họ đã không thành sự ngay từ đầu.

Hơn nữa, nhiều người được sinh ra trong nửa cuối thế kỷ 20 đã được lớn lên trong một nền văn hoá không chỉ đã mất đi cái cấu trúc nâng đỡ hôn nhân mà trái lại còn huênh hoang và không ngừng lôi cuốn rêu rao những giá trị đối nghịch với hôn nhân. Những ảnh hưởng của nền văn hóa này trên khả năng của con người để đi vào hôn nhân cách thành sự không thể coi thường được.

5. Điều gì làm hôn nhân thành sự?

Hôn nhân được tạo nên do sự ưng thuận (lời hôn ước) được phát biểu cách hợp luật của cô dâu và chú rể hội đủ điều kiện thích hợp. Khác với những việc [bí tích] khác, điều này có nghĩa là cô dâu và chú rể là thừa tác viên của bí tích Hôn nhân. Mặc dù người ta hay nói là Cha này Cha nọ làm phép cưới chúng tôi, thật không đúng. Cha này cha nọ không làm phép cưới ai cả – ngài là người độc thân. Linh mục (hay thầy Phó tế) chỉ phục vụ như một người chứng chính thức cho Giáo hội thôi.[13]
Đây là một điểm quan trọng. Hôn nhân không phải là điều gì đó đơn giản “xảy đến” cho đôi bạn nhờ chiếc váy cưới trắng và bộ trang phục đúng kiểu cùng với những động tác trong suốt buổi lễ cưới. Hôn nhân chỉ “xảy đến” nếu cô dâu và chú rể cùng làm thừa tác viên cho nhau.

Nếu họ không làm tác vụ đó, họ chưa thành vợ chồng, cho dù họ đã thực hiện hết các nghi thức. Lẽ dĩ nhiên, nếu một đôi bạn Công giáo đã làm lễ cưới theo giáo huấn của Giáo hội thì chúng ta luôn thừa nhận là họ đã thi hành thừa tác vụ bí tích (hôn nhân) cho nhau rồi. Giáo hội luôn thừa nhận tính thành sự của hôn nhân trừ khi đưa ra bằng chứng khác.
Nhưng trở lại với câu hỏi: Điều gì làm hôn nhân thành sự? Để trả lời thật đầy đủ cần phải viết cả một cuốn sách, và hiện nay nhiều cuốn sách như thế đã được phổ biến.[14] Ở đây chỉ có thể đưa ra một cái nhìn tổng quát mà thôi. Để hôn nhân của người Công giáo được thành sự, những người phối ngẫu phải: (1) không vướng mắc bất cứ ngăn trở hôn nhân nào; (2) theo đúng thể thức bí tích [hôn nhân của Giáo hội]; (3) có thể trao đổi lời ưng thuận cách tự do và vô điều kiện; và (4) chấp thuận những điều Giáo hội dạy về hôn nhân, đó là: chung thuỷ, bất khả phân ly, và đón nhận con cái. Chúng ta hãy xem xét từng khía cạnh một:

(1) Những người phối ngẫu phải không vướng bất cứ ngăn trở hôn nhân nào. Những ngăn trở là những cấm đoán không cho kết hôn do luật Thiên Chúa hoặc luật tự nhiên và Giáo luật. Có 12 ngăn trở:[15]

Tuổi tác. Nam dưới tuổi 16 và nữ dưới tuổi 14 không thể kết hôn cách thành sự. (Nên nhớ rằng chúng ta đang nói về Giáo hội phổ quát. Trong khi kết hôn ở lứa tuổi này không được tán thành ở những quốc gia tân tiến, nhưng rất thông thường ở vài nền văn hoá khác).

Bất lực. Khả năng giao hợp bị mất hoàn toàn và mãi mãi.

Ràng buộc hôn nhân trước. Có hôn nhân thành sự trước với người nào rồi.

Khác biệt tôn giáo. Khi một người Công giáo đã được rửa tội muốn cưới một người chưa được rửa tội (tuy nhiên phép chuẩn cho ngăn trở này vẫn được ban phát tuỳ trường hợp).

Chức thánh. Những người bị ràng buộc bởi chức thánh – đó là, phó tế,[16] linh mục, và giám mục – không thể kết hôn.

Lời khấn khiết tịnh trọn đời. Lời khấn khiết tịnh công khai trong một hội dòng (nam hoặc nữ).

Bắt cóc. Khi một người bị bắt cóc với mục đích để kết hôn.

Tội ác. Khi một người phối ngẫu bị giết để người kia được tự do kết hôn.

Cùng huyết tộc. Liên hệ huyết tộc dưới ba đời.

Họ kết bạn.Quan hệ bố-mẹ chồng/vợ và dâu-rể trực hệ. (Ví dụ, người cha ghẻ không thể cưới con gái (riêng) của vợ ông, nhưng một người đàn ông có thể cưới em gái của người vợ đã chết.)

Công hạnh. Khi một người chưa kết hôn đang chung chạ với một người mà lại muốn kết hôn với một người có trực hệ gần với người đó. (Ví dụ, một cô gái đang chung chạ với một người đàn ông thì không thể kết hôn với cha hoặc con của người đàn ông đó.)

Con nuôi. Quan hệ gia đình được thiết lập bởi việc nhận con nuôi.

(2) Đôi phối ngẫu phải theo đúng thể thức của bí tích.[17] Việc này đòi hỏi sự hiện diện của một nhân chứng chính thức (thường là một linh mục hay phó tế) để nhận sự ưng thuận của họ nhân danh Giáo hội cùng với hai người chứng khác (thường là phụ rể chính và phụ dâu chính), cũng hiện diện lúc trao lời hôn ước. Do đó, những người Công giáo đã rửa tội kết hôn ngoài Giáo hội (ví dụ, bằng nghi thức đời hay tôn giáo khác) mà không có giấy chuẩn chính thức về hình thức của Giáo hội, thì việc kết hôn đó không thành sự. Nếu một người Công giáo muốn kết hôn với một người không Công giáo và hội đủ lý do để cử hành nghi thức trong một nơi không Công giáo, thì một phép chuẩn về thể thức có thể được ban phát.

(3) Đôi phối ngẫu phải có thể trao đổi lời ưng thuận cách tự do và vô điều kiện.[18] Mỗi cá nhân phải có khả năng ý thức được những điều hôn nhân đòi hỏi và phải có khả năng đảm nhận nó. Do đó, những chứng bệnh tâm lý/thần trầm trọng có thể vô hiệu hóa sự ưng thuận của đương sự. Hơn nữa, nếu lời ưng thuận được nói ra là vì sợ hãi hay ép buộc thì [hôn nhân] cũng không thành sự. Do đó, không có chuyện “đám cưới súng ngắn [kề cổ]”. Đôi phối ngẫu cũng không thể đặt bất cứ điều kiện nào cho sự ưng thuận của họ – nghĩa là, họ không thể nghĩ; “Tôi chỉ chấp nhận sống vợ chồng nếu…” Sự bằng lòng phải có nghĩa là “dù bất cứ chuyện gì xảy ra, chúng ta vẫn mãi mãi là vợ chồng”.

(4) Đôi phối ngẫu phải chấp thuận những điều Giáo hội dạy về hôn nhân, đó là: chung thuỷ, bất khả phân ly, và đón nhận con cái. Chính vì ba lời hứa này mà cô dâu và chú rể nói “Thưa có”. Ba lời hứa này là phần rất quan trọng của hôn nhân đến nỗi mà nếu cô dâu hoặc chú rể chối bỏ bất cứ một trong những điều này thì họ cũng chưa thực sự thành vợ chồng.

—-

[13] Trong các Giáo hội Công giáo theo nghi thức Đông phương, linh mục được hiểu như là thừa tác viên của bí tích hôn phối (xem GLHTCG, số 1623)

[14] Tôi xin giới thiệu cuốn Annulment, the Wedding That Was (Tiêu hôn, Đám cưới trước đây) của Linh mục Michael Smith Foster (New York: Paulist, 1999). Viết theo dạng hỏi đáp, làm cho các vấn đề phức tạp của Giáo luật trở nên dễ hiểu. Có thể đặt mua tại các nhà sách Nữ Tỳ thánh Phaolô (xem phần Nguồn tài liệu).

[15] GL, đđ. 1083-1090.

[16] Những người đàn ông đã cưới vợ có thể được lãnh chức phó tế. Nếu người vợ của phó tế qua đời, dù thế nào đi nữa thì vị ấy không còn thong dong để lấy vợ khác.

[17] GL, đ. 1108.

[18] GL, đđ. 1095, 1102, 1103.

6. Không đồng thuận với những lời hứa này nghĩa là sao?

Không đồng thuận bao hàm một hành vi cụ thể của ý định trái ngược với bất cứ một trong ba lời hứa. Có nghĩa là lúc họ tuyên hứa, khi môi miệng họ nói “tôi hứa”, thì ý định của họ nói “tôi không hứa”. Điều này cần phải được phân biệt với sự nhẹ dạ, những thắc mắc, và ngay cả những nghi vấn nho nhỏ. Những điều này rất là bình thường và không cần phải phải nêu ra trong việc tra vấn sự thành thật ưng thuận của một người. Xem xét từng lời hứa một sẽ giúp chúng ta hiểu những điều mà những đôi tân hôn phải ưng thuận.

Chung thuỷ. Ngay tự bản chất, hôn nhân đòi hỏi sự trung tín của trái tim, tâm trí, và hành động với một và chỉ một người phối ngẫu của mình. Nếu cô dâu và chú rể không cam kết với nhau chung thuỷ như thế, họ vẫn chưa dấn thân vào hôn nhân. Chẳng hạn, không có chuyện một “hôn nhân mở rộng”. Nguyên cái cụm từ thôi đã tự mâu thuẫn rồi. Tuy nhiên, điều quan trọng cần phải làm cho sáng tỏ là những sai lỗi về sau trong phạm vi này, tự chúng, không vô hiệu hoá hôn nhân nếu cả hai vợ chồng đều thành tâm cam kết chung thuỷ lúc nói lời ưng thuận.

Bất khả phân ly. Hôn nhân thiết lập một dây liên kết suốt đời và bền vững giữa người vợ và người chồng. Nếu đây không phải là điều cô dâu và chú rể định tâm thiết lập, thì họ không có ý định thiết lập một hôn nhân. Hôn nhân một là trọn vẹn hay không là gì cả. Có nghĩa là không có chuyện “hôn nhân thử nghiệm”, hôn nhân mà người đàn ông và người đàn bà “chỉ xem thử” coi nó có hợp hay không. Cũng giống như “hôn nhân mở rộng”, cái cụm từ “hôn nhân thử nghiệm” cũng tự mâu thuẫn. Khi một hôn nhân thành sự đã hoàn hợp, thì chỉ có cái chết mới cắt đứt được mối dây liên kết mà Thiên Chúa thiết lập giữa người vợ và người chồng.

Đón nhận con cái. Con cái trực tiếp phát sinh từ bản chất của tình yêu vợ chồng tới mức nếu một đôi nam nữ tuyệt đối không có ý định muốn có con cái và nhất quyết loại chúng ra khỏi mối tương quan của họ, thì mối tương quan giữa họ không phải là hôn nhân. “Hôn nhân tự nguyện không con cái”, càng ngày càng thịnh hành hiện nay, cũng là tự mâu thuẫn.

7. Nếu một đôi nam nữ nghĩ là họ sẽ không thể làm cha mẹ tốt thì Giáo hội không cho phép họ cưới nhau sao?

Không phải là Giáo hội không “cho phép” họ cưới nhau. Đúng hơn là đôi đó thực ra không muốn thành vợ chồng với nhau. Họ muốn quan hệ tính dục với nhau mà cố ý loại trừ con cái, và điều này được thừa nhận là họ sẽ làm điều đó bằng cách cố tình tránh thụ thai trong những hành vi giao hợp của họ. Mối quan hệ này có là gì đi nữa, vẫn không phải là hôn nhân.

Hôn nhân, theo như một phần định nghĩa của nó, là một tương quan tính dục trong đó đôi vợ chồng sẵn sàng đón nhận con cái mà Thiên Chúa sẽ ban cho họ. Đôi vợ chồng cam kết với nhau là sẽ không bao giờ cố tình dùng các phương pháp ngừa thai nhân tạo khi giao hợp. Nếu họ mãi từ chối giao hợp không ngừa thai (nghĩa là, giao hợp sẵn sàng đón nhận con cái), thì họ không muốn dấn thân vào hôn nhân. Điều này giải thích phải hiểu thế nào về việc cố ý chống lại thiện ích con cái.

Nếu chúng ta thực sự hiểu cam kết hôn nhân gì, thì những người nghĩ rằng họ không thể làm cha mẹ tốt cũng phải thú nhận là họ sẽ không trở thành vợ chồng tốt được. Cái tình yêu quên mình cần phải có để trở thành người mẹ hoặc người cha tốt cũng tương tự như tình yêu cần phải có để trở thành người chồng hoặc người vợ tốt. Điều này đôi khi khó hiểu đối với những người được sinh trưởng ở những nước tân tiến. Cái “não trạng ngừa thai” đang phổ biến rộng rãi đã làm cho những người sống trong nền văn hoá này có ảo giác rằng con cái là thứ dư thừa, “thêm thắt” tuỳ ý vào mối tương quan tính dục hiện tại. Nhưng một não trạng như thế thì thật là trái ngược với cái nhìn đức tin Công giáo.

8. Nếu một cặp vợ chồng không thể có con cái thì sao?

Hôn nhân vẫn duy trì những thiện ích cố hữu của nó ngay cả khi không có con cái với điều kiện là con cái không bị chủ ý loại bỏ. Do đó, tự nhiên không có con không phải là một ngăn trở cho hôn nhân.
Tình trạng này thường bị lẫn lộn với ngăn trở vì bất lực. Không thể có con cái không phải là ngăn trở bất lực. Bất lực là ngăn trở là khi họ không thể giao hợp được. Con cái hay không có từ sự giao hợp là do Thiên Chúa. Nếu Người không ban con cái cho sự kết hợp của đôi vợ chồng này, thì hôn nhân của họ cũng không vì thế mà không thành sự.

9. Những người bất lực bị ngăn trở đến Bí Tích Hôn nhân. Tôi không thể tưởng được sao Giáo Hội lại nhẫn tâm vậy. Tính dục đâu phải là tất cả trong hôn nhân.

Trong các ngăn trở hôn nhân, có lẽ đây là ngăn trở xem ra làm người ta khó chịu nhất. Do đó cũng đáng dành ra chút thời gian để giải thích điều này.

Vâng, tính dục không phải là tất cả trong hôn nhân. Nhưng tính dục lại thật thiết yếu cho bản chất hôn nhân đến nỗi nếu động tác giao hợp hoàn toàn vĩnh viễn không thể thực hiện được thì không bao giờ có được hôn nhân. Nói cho rõ, phải là bất lực hoàn toànvĩnh viễn. Chúng ta phải nhận rằng điều này thật là hoạ hiếm.
Phải cẩn thận đừng để cho tình thương cảm che mờ lý trí. Ví dụ, khi nghe nói về ngăn trở này, người ta thường liên tưởng đến những đau khổ mà các thương binh do chiến tranh không còn thực hiện tính dục được. Đúng thật, đây là hoàn cảnh thật đau buồn đáng chúng ta cảm thương.

Nhưng điều đó không thể thay đổi được sự thật khách quan của vấn đề. Chẳng hạn, cảm thương cho những người mù không thể dẫn đến việc cấp bằng lái xe cho họ. Đúng là một hoàn cảnh thật xót xa, nhưng người mù không thể nào thực hiện được những đòi hỏi của việc lái xe. Cũng vậy người hoàn toàn bất lực không thể nào đáp ứng được những đòi hỏi của hôn nhân. Chính Chúa Giêsu cũng xác nhận điều này khi nói về cái bất khả kết hôn của các “hoạn nhân” (những người không thể có hành vi tính dục được) (xem Mt 19,12).

Ngăn trở này không vô lý nhưng trái lại thực sự rất tinh tế. Các bạn hãy nghĩ xem. Thực chất là gì khi một người nam và một người nữ cam kết chia sẻ cuộc sống cho nhau đến nỗi biến quan hệ giữa họ trở nên quan hệ hôn nhân chứ không còn chỉ thuần là quan hệ bạn bè thân thiết? Có ý nghĩa gì khi người chồng và người vợ chia sẻ cuộc sống cho nhau thật đơn nhất (độc đáo) và sâu xa tự bên trong mối quan hệ của họ đến nỗi sẽ là một sự xúc phạm đến ý nghĩa đích thực của hôn nhân này nếu họ chia sẻ cho người nào khác?

Vậy thì điều gì thực sự làm cho hôn nhân trở thành sự liên kết “mật thiết, đơn nhất, và không thể thay thế trong đời sống của người chồng và người vợ vì thiện ích của chính họ và vì sự sinh sản và giáo dục con cái”? – Thưa, chính là việc giao hợp tính dục. Giao hợp tính dục là yếu tố quyết định của tình yêu vợ chồng. Điều này không có nghĩa là hôn nhân bị giản lược chỉ còn là việc giao hợp tính dục (cũng không khác gì việc lái xe lại bị giản lược hoàn toàn vào thị giác). Nhưng nếu không có khả năng này thì bạn không thể có hôn nhân được.

Chúng ta phải nhận ra được ảnh hưởng của trào lưu văn hoá hiện hành trên những khó khăn mà người ta gặp phải liên quan đến ngăn trở này. Cuộc cách mạng tính dục đã tháo cởi tính dục ra khỏi những ràng buộc tâm lý và xã hội. Vì thế đối với não trạng đặc trưng thời nay, tính dục không còn biểu hiện sự hiến thân của hôn nhân, mà chỉ biểu hiện một thứ thèm khát khoái lạc và thân mật mơ hồ nào đó, hoặc tệ hơn, biểu hiện sự đòi hỏi thoả mãn ích kỷ.

Những giả định sau đây thật sai lạc: Dĩ nhiên, những người đã kết hôn có quan hệ tính dục, nhưng nhiều người khác cũng làm như vậy mà chẳng có gì là sai quấy, đúng không? Như vậy, nếu một đôi bạn vì lý do nào đó không thể có hành vi tính dục với nhau thì có gì liên quan tới chuyện họ muốn kết hôn với nhau? Xin thưa, trên quan điểm của não trạng ngày nay thì không có dính dáng gì. Nhưng trên quan điểm ý nghĩa đích thực của tính dục, thì chúng phải có liên quan trực tiếp mật thiết với nhau đến nỗi điều đó khiến cho hôn nhân không thể nào có được.

Một chút ẩn dụ ở đây có thể giúp làm sáng rõ vấn đề. Bạn không thể giản lược bánh độn sô cô la thành các miếng kẹo sô cô la, nhưng không có các miếng sô cô la thì bạn chẳng có được những cái bánh độn sô cô la. Các miếng sô cô la trong bánh xác định loại bánh. Có các loại bánh khác, nhưng nếu không có những mẩu sô cô la bên trong, thì thành thật mà nói không thể gọi là bánh độn sô cô la được.

Cũng vậy, nếu không có khả năng giao hợp tính dục, thành thật mà nói bạn không thể gọi tình yêu nam nữ chia sẻ cho nhau là “hôn nhân” được. Đó không có nghĩa là họ không có khả năng yêu thương mà chỉ có nghĩa là họ không có khả năng thực hiện được thứ tình yêu đặc loại gọi là tình yêu vợ chồng.

Có nhiều thứ tình yêu, cũng giống như có nhiều thứ bánh. Hai người có thể rất muốn làm cái bánh độn sô cô la, nhưng nếu vì một chút kém may mắn họ không thể có được những miếng sô cô la, thì trên thực tế họ không thể làm được những chiếc bánh độn sô cô la. Họ sẽ phải làm ra những thứ bánh khác thôi.

Đi xa thêm chút nữa từ lối loại suy bình dân này : nếu vì bất hạnh nào đó mà một đôi bạn dứt khoát và vĩnh viễn không thể bày tỏ yếu tố quyết định của hôn nhân, thì thực tế tình yêu của họ (dù có thể là một tình yêu tuyệt đẹp, dài lâu và thâm sâu) không thể trở thành tình yêu duy nhất và biệt loại để làm nên hôn nhân. Dù có bao nhiêu tình cảm và cảm thông riêng tư cho những tình huống riêng tư – những tình cảm như thế là điều có thể hiểu được – cũng không có thể thay đổi được thực tại này.

10.  Hôn nhân chỉ như là một sự kết hợp tinh thần hơn là thể lý. Vậy khi các đôi bạn không thể giao hợp tính dục thì có sao đâu nào?

Điều này chắc chắn là đúng, nhưng hai thực tại (thể lý và tinh thần) không thể tách rời được. Làm thế là thực sự rơi vào một lạc giáo lâu đời trong Giáo Hội thường được gọi là nhị nguyên thuyết. Thuyết nhị nguyên thực hiện một cuộc li dị nơi bản tính con người: thể xác và tinh thần. Nhưng hữu thể con người là một hôn nhân bất khả phân ly giữa xác thịt và tinh thần, thân xác và linh hồn. Chúng ta không phải là con người “ở trong” một thân xác để có thể bị pha chế. chúng ta là con người có thân xác. Có nghĩa là thực tại tinh thần xét như là hữu thể con người được bày tỏ qua thân xác chúng ta như là nam hoặc nữ.

Hai nguyên lý tinh thần và thể xác trong chúng ta đã kết hợp chặt chẽ đến nỗi chỉ có cái chết mới có thể tách lìa được. Và ngay cả sau khi chết, linh hồn ở trong một tình trạng không tự nhiên cho đến khi nào được tái kết hợp với thân xác sống lại khi Chúa Kitô đến lần thứ hai. Chỉ lúc ấy linh hồn trên trời mới trở thành, một lần nữa, con người toàn vẹn như là con người có thân xác (giống như Chúa Kitô và Mẹ Rất Thánh của Người hiện nay đang ở trên trời cả hồn lẫn xác).

Vì sự hợp nhất giữa tinh thần và thể lý của ngôi vị con người rất sâu xa, thẳng thắn mà nói thì thật là sai lầm khi phân biệt rạch ròi giữa tình yêu “thể lý” và tình yêu “tinh thần” nơi con người. Những gì thân xác chúng ta làm, là chúng ta đã làm cùng với linh hồn, và những gì linh hồn chúng ta làm, thì chỉ có thể làm được qua sự hiện hữu của chúng ta như là những con người có thể xác. Tình yêu con người được biểu lộ thông qua thân xác con người.

Chính những cảm xúc (không phải vì thế chúng ta có thể hạ giảm tình yêu thành một thứ cảm xúc) được thông đạt cho chúng ta qua thân xác. Thậm chí chúng ta không thể cầu nguyện, nếu không có thân xác. Như Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói, mọi nỗ lực phá vỡ sự hợp nhất hồn-xác của con người chính là “tấn công vào chính công trình sáng tạo của Thiên Chúa ở mức độ tương tác sâu xa nhất giữa bản tính và nhân vị.” [19]

Sự hợp nhất sâu xa giữa tinh thần và thể lý của bản tính nhân loại cũng là nguyên tắc cơ bản của đời sống bí tích trong Giáo Hội – kể cả bí tích hôn nhân. Vì ngay cả Thiên Chúa, Ngài là Tinh Thần Thuần Tuý, để biểu lộ tình yêu của Ngài cho con người cũng phải nhờ qua một thân xác: “Và Ngôi Lời đã trở thành Xác Phàm” (Ga 1,14). Tất cả các bí tích đều là thực tại mang thân xác, có tính chất thể lý.

Chính qua thân xác và trong thân xác mà đôi vợ chồng biểu lộ được tình yêu hợp nhất với bí tích hôn nhân. Sự kết hợp “một xương một thịt” của họ (hay ít ra là khả năng làm việc đó) không thể thiếu được trong bí tích hôn nhân cũng như bánh-rượu đối với bí tích Thánh Thể hay nước đối với bí tích Rửa Tội. Chính trong và qua những thực tại thể lý này mà những thực tại siêu nhiên trong từng bí tích được thông truyền. Nếu không có những thực tại thể lý của bí tích, thì thực là chẳng có bí tích nào hết.

11. Cha mẹ tôi kết hôn hơn 25 năm rồi, đã có 5 người con, thế mà hai ông bà lại được Giáo Hội ban phép tiêu hôn. Sau một thời gian rất dài như thế, làm sao Giáo Hội có thể đột nhiên phán quyết rằng hôn nhân của cha mẹ tôi đã không bao giờ tồn tại? Phán quyết như thế đã chẳng biến tôi thành đứa “con bất hợp pháp” hay sao?

Trước tiên, cần làm rõ ý nghĩa “tính hợp pháp”. Đây là một từ ngữ được các hệ thống luật pháp khác nhau sử dụng để xác định người cha của đứa bé (thường thì vấn đề ai là mẹ của đứa trẻ thì quá rõ). Tuy nhiên, dưới cái nhìn đức tin, Thiên Chúa là Cha của tất cả chúng ta, vì thế việc thụ thai trong bất cứ trường hợp nào, trước mắt Thiên Chúa và Giáo Hội, không có chuyện người con “bất hợp pháp”.

Vậy thì việc tiêu hôn không làm cho con cái từ mối quan hệ ấy trở nên bất hợp pháp. Đây là một ngộ nhận cần được minh giải dứt khoát. Hơn nữa, việc Giáo hội tuyên bố tiêu hôn không ảnh hưởng đến tình trạng nhìn nhận hợp pháp về quyền làm cha của đứa trẻ. Nói theo ngôn ngữ pháp luật, những người con ấy vẫn là con cái “hợp pháp”.
Tuyên bố tiêu hôn không hề và không thể xoá bỏ mối quan hệ của cha mẹ bạn với bạn. Rõ ràng là cha mẹ bạn đã sống với nhau nhiều năm. Đã có những lúc vui, những lúc buồn, đã phải mang nặng đẻ đau, cưu mang dưỡng dục con cái. Không có việc nào trong những việc này bị “xoá bỏ”. Chắc chắn khó mà giải đáp rốt ráo, chỉ chắc một điều là vào lúc lễ cưới, đã có một điều gì đó cản trở cha mẹ bạn bước vào hôn nhân một cách thành sự. Nhưng ở đây, một lần nữa, đừng để tình cảm che mờ lý trí lành mạnh.

Lý trí lành mạnh nhận thức rằng, hôn nhân không phải chỉ là một cái gì đó xảy ra cho các cặp vợ chồng bằng cách làm theo các cử chỉ hành động trong lễ cưới. Có một số điều gì đó – nhiều điều – có thể cản trở các cặp vợ chồng bước vào hôn nhân thành sự.

Dù rằng đa số hôn nhân bất thành sự được xác định là bất thành sự ngay trong những năm đầu chung sống, nhưng không phải không thể có việc một cặp vợ chồng đã sống với nhau nhiều năm và gầy dựng được một gia đình, rồi sau này nhờ toà án điều tra kỹ lưỡng, khám phá ra rằng hôn nhân của họ đã không thành sự.
Con cái của những cuộc hôn nhân đã được Giáo Hội tuyên bố tiêu hôn không bao giờ được thất vọng. Chính bản tính trọn hảo của Thiên Chúa sẽ đem lại sự thiện hảo ra từ mọi hoàn cảnh. Thực vậy, những người con trong hoàn cảnh như thế có lẽ lại là sự thiện hảo cao cả nhất Thiên Chúa đã mang lại từ những cuộc hôn nhân mà sau này được chứng minh là không thành sự.

12. Chị tôi muốn kết hôn với một người Tin lành đã ly hôn, nhưng linh mục của giáo xứ chị tôi bảo rằng anh ấy cần xin tiêu hôn, và nếu anh ấy không xin được tiêu hôn, hai người không thể kết hôn. Tại sao Giáo Hội lại bắt cả những người Tin Lành phải qua toà án tiêu hôn?

– Vì chỉ có người Công giáo mới bị buộc tuân giữ nghi thức hôn nhân Công giáo. Giáo Hội thừa nhận những hôn nhân của tất cả những người không công giáo và khẳng định rằng đó là những hôn nhân thành sự trừ phi đuợc chứng minh ngược lại. Thậm chí Giáo Hội còn thừa nhận hôn nhân của hai người Tin lành là một nhiệm tích mặc dù chính họ không tin hôn nhân của họ là một nhiệm tích, và mặc dù hôn lễ được cử hành trước sự hiện diện của một thẩm phán Toà Hoà Giải. Vì vậy chị của bạn không thể cưới một người đàn ông đã kết hôn thành sự.

Theo như chính Đức Kitô đã nói, làm thế là phạm tội ngoại tình (x. Lc 16,18). Ly hôn dân sự cũng không bao giờ thay đổi tình trạng hôn nhân của một người, dù là người công giáo hay là không.

Tuy nhiên, nếu chị của bạn và anh ấy tiếp tục theo đuổi vấn đề, thì anh ấy có quyền tự do nạp đơn xin tiêu hôn để xem hôn nhân thứ nhất của anh ấy có thành sự hay không. Nếu được xác minh hôn nhân đó đã không thành sự, chị của bạn lúc đó có quyền cưới anh ấy. (Nên biết, ở Mỹ, gần 20 % án lệ tiêu hôn hiện nay có liên hệ với những người không công giáo).
Nhưng hãy nhớ rằng tiêu hôn không bao giờ là điều chắc chắn. Người ta phải chứng minh với mức độ chắc chắn về luân lý rằng vào ngày cưới có một khiếm khuyết hay thiếu sót nào đó ngăn cản đôi bạn bước vào hôn nhân một cách thành sự. Thật là sai lầm khi chị của bạn cứ quyết định kết hôn với người ấy mà không cần và không chờ cho tới khi người ấy được được tuyên bố tiêu hôn.

13. Tại sao Giáo Hội không thức thời mà cứ chấp nhận những hôn nhân không còn gắn kết?

Why doesn’t the Church get with the times and admit that some marriages just don’t work out?

It’s obvious to everyone, including the Church, that some marriages “don’t work out.” As mentioned earlier, in serious circumstances the Church even encourages separation of “bed and board.” But this is very different from accepting divorce.
It’s hard to overestimate the importance that the Church places on defending the permanence of marriage. History tells the tale of entire nations separating from the Catholic Church because of disputes over this point.

Why is the Church so obstinate? Because marriage is where human and divine love “kiss.” To diminish in any way the permanence of married love is to diminish the permanence of God’s love. As a sacrament, marriage is a true participation in the love of Christ for his Bride, the Church.

If we truly understand this, to admit divorce is to say in the same breath that Christ has left the Church. Impossible! Christ will never, ever abandon his Bride. This is what’s at stake.

But we’re not God, people say. How can we love as Christ loves?

On our own we cannot. But “with God all things are possible” (Mt 19:26). It’s no coincidence that these words of Christ from the Gospel of Matthew appear shortly after Christ’s teaching on the permanence of marriage (see Mt 19:1-11). When Christ’s disciples learned what the permanence of marriage demanded of them, they thought it would be better not to marry at all (see Mt 19:10). Jesus responded, “Not all men can receive this precept, but only those to whom it is given” (Mt 19:11).

To whom is this teaching on the permanence of marriage given? To men and women who remain slaves to their weaknesses? No! To men and women who have been given the power to love as Christ loves through the Holy Spirit!

This is the good news of the gospel. Christ’s love has been poured into Our hearts through the Holy Spirit (see Rom 5:5). This means husbands And wives can love one another as Christ loves.

What’s at stake in the permanence of marriage is really a question of faith. Do we believe in the good news of the gospel, or don’t we? Do we believe it’s possible to love one another as Christ loves, or don’t we?

To admit the possibility of divorce is to say that Christ cannot save us from our sin. Woe to the Church if she were ever to say such a thing. The permanence of marriage is an objective reality to which the Church must bear witness if she is to tell the truth.

Chia sẻ Bài này:

Related posts