PHẦN I: TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN
Bài 13. THIÊN CHÚA TẠO DỰNG
“Lúc khởi đầu, Thiên Chúa tạo nên trời và đất” (St 1,1). Ai lại không xúc động trước những lời mạnh mẽ mở đầu Sách Thánh như thế? Công việc trước hết của Thiên Chúa là tạo dựng. Cách nào đó, tạo dựng là mô hình và nền tảng cho tất cả những hành động xa hơn nữa của Thiên Chúa. Tách rời khỏi đức tin vào Thiên Chúa tạo dựng, sự cứu rỗi và ơn cứu độ sẽ không có nền tảng (GLHTCG, số 279).
Những bài đọc dài trong Đêm Canh Thức Vượt Qua luôn luôn bắt đầu với trình thuật tạo dựng. Thế giới này do Thiên Chúa tạo nên, Ngài cũng cứu độ nó qua cái chết và phục sinh của Đức Giêsu Kitô. Cũng giống như phụng vụ, trong nhiều thế kỷ, giáo lý và lời rao giảng luôn bắt đầu với niềm tin vào Thiên Chúa – Đấng tạo dựng trời đất. Ngày nay, chúng ta đang khám phá lại tầm quan trọng của niềm tin tạo dựng. Nếu không có niềm tin vào Thiên Chúa tạo dựng, niềm tin vào Đức Giêsu Kitô không có nền tảng. Đó là lý do giáo lý về tạo dựng chiếm tầm quan trọng đặc biệt.
Hỏi: Tại sao Thiên Chúa tạo dựng thế giới?
Trả lời: Thế giới được tạo dựng để làm vinh danh Thiên Chúa. (số 293)
Rất thường xuyên, chúng ta ca ngợi sự vĩ đại của Thiên Chúa qua công trình tạo dựng: “Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa, không trung loan báo việc tay Người làm” (Tv 19,1). Không phải vì Thiên Chúa cần chúng ta ca ngợi để gia tăng vinh quang của Ngài, nhưng hoàn toàn phát xuất từ lòng nhân hậu của Ngài, Thiên Chúa đã tạo dựng mọi vật từ hư không, để thông truyền hạnh phúc vĩnh hằng của Ngài. Thế giới này không phải là loại ‘phụ phẩm’ của một sự ngẫu nhiên, nhưng diễn tả tình yêu và sự khôn ngoan tự trao ban của Thiên Chúa.
“Công trình Ngài, lạy Chúa, quả thiên hình vạn trạng! Chúa hoàn thành tất cả thật khôn ngoan” (Tv 104,24). Điều mà tác giả đã nhận biết qua thánh vịnh này cũng là điều chúng ta thường xuyên giả định. Chúng ta giả định thế giới được đặt trong trật tự theo những định luật chúng ta nỗ lực khám phá. Toàn bộ nhận thức khoa học tự nhiên của chúng ta về vũ trụ được xây dựng trên giả định này. Những gì là ngẫu nhiên không thể nghiên cứu theo phương pháp khoa học, chỉ có trật tự mới có thể nghiên cứu. Và trật tự trong vũ trụ bày tỏ thượng trí đã ấn định trật tự ấy. Tạo dựng chứng tỏ sự khôn ngoan của Đấng Tạo Hoá (GLHTCG, số 295).
Chúng ta có thể tiếp nhận ngôn ngữ của công trình tạo dựng mặc dù phải thanh luyện cách nhìn và con tim. Không phải ngẫu nhiên mà các thánh có mối liên hệ rất đặc biệt với thụ tạo. Thánh Phanxicô là một minh hoạ nổi bật. Khi chúng ta để mình bị chế ngự, bị ám ảnh bởi những khao khát và thèm muốn, khi đó thụ tạo không thể mạc khải cho ta tất cả sự tinh tuyền của nó. Chỉ trong tự do chúng ta mới có thể nhận thức những điều được tạo dựng các thích hợp (GLHTCG, số 299). Thiên Chúa bắt đầu nói với con người trong ngôn ngữ của thụ tạo, và tâm tình ca ngợi Thiên Chúa trào lên trong trái tim con người.
Có lạ lùng không khi một trong những bài ca đẹp nhất ca ngợi thụ tạo lại đến từ một người đang đau khổ và tiến dần đến sự chết? Khi Thánh Phanxicô cầu nguyện “Bài ca tạo vật” (GLHTCG, số 344) tại San Damiano, ngài đang bị hành hạ bởi những đau đớn và hầu như mù loà. Đau khổ và nghịch cảnh đã thanh luyện ngài để trải ra với ngôn ngữ tình yêu của Thiên Chúa trong toàn thể thụ tạo. Đó không phải là sự lãng mạn nhưng là lời ca ngợi Thiên Chúa cho dù đau khổ và vượt lên trên đau khổ. Nhưng tại sao Thiên Chúa tốt lành lại cho phép những huỷ diệt và sự ác hiện diện trong công trình của Ngài?
ĐHY Christoph Schönborn
Nguồn: WHĐ