Tìm hiểu Sách GLHTCG – Bài 18: Xác và hồn

PHẦN I: TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN

 Bài 18: XÁC VÀ HỒN

Sự khác biệt giữa các thực tại thể lý và tâm lý là kinh nghiệm quen thuộc đối với mọi người. Chẳng hạn, đau răng là một điều khác biệt đối với dằn vặt tâm lý. Suy tư là điều khác biệt đối với tiêu hoá. Nhưng cả hai loại này gắn liền với một nhân vị. Chúng ta nói rất chính xác: “Tôi” bị nhức đầu, hoặc “tôi” thưởng thức âm nhạc. Như Công đồng Vatican II trình bày: “Con người là một chủ vị duy nhất gồm có thể xác và linh hồn” (Gaudium et Spes, số 14; GLHTCG, số 364).

Con người là một nhân vị gồm thể xác và tinh thần trong đó thế giới vật chất và thế giới tinh thần được liên kết với nhau, đó là một chân lý có thể hiểu được nhờ lý trí của chúng ta. Tuy nhiên, những nhận thức sai lầm về con người dẫn đến những hệ luỵ nguy hiểm vẫn thường xuyên được lặp lại. Thí dụ, chủ nghĩa duy vật chất từ chối sự hiện hữu của linh hồn và chỉ thấy con người là một phần của thế giới vật chất. Ngược lại, Ngộ đạo thuyết và những giáo phái bí truyền đang lan rộng mạnh ngày nay, dạy rằng: con người, trong yếu tính, là một thần linh bị đày đoạ vào trong thế giới vật chất, xa lạ.

Ở đây, đức tin trợ giúp cho lý trí khẳng định trong cách nhìn chính xác: con người gồm tinh thần và vật chất. Trình thuật Thánh Kinh về tạo dựng diễn tả điều này bằng ngôn ngữ hình ảnh: Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người và thổi vào mũi nó sinh khí của sự sống: “Và con người trở nên một sinh vật” (St 2,7). Thân xác và sinh khí của sự sống: cả hai là công trình của Thiên Chúa, nhưng chính “linh hồn” là điều trước hết làm cho con người là người: qua linh hồn, con người tương tự với Thiên Chúa, hiện hữu theo hình ảnh của Thiên Chúa (x. St 1,27).

Đó là lý do tại sao linh hồn có giá trị hơn thân xác (GLHTCG, số 363). Điều này được biết đến nơi các thánh tử đạo xuyên qua các thời đại. Trung thành với Thiên Chúa thì quan trọng hơn duy trì sự sống thân xác với cái giá của sự phản bội. Do đó, ngay từ trong Cựu Ước, cụ già Eleazar đã kháng cự lại những nỗ lực bắt ông bất tuân giới răn của Thiên Chúa, ông nói: “Tôi vẫn cam chịu những lằn roi gây đau đớn dữ dằn trong thân xác, còn trong tâm hồn tôi vui vẻ chịu khổ vì lòng kính sợ Người” (2 Mcb 6,30). Chính Đức Kitô dạy chúng ta: “Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn. Đúng hơn, anh em hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hoả ngục” (Mt 10,28).

“Con người không được khinh miệt sự sống thân xác” (số 364). Không có khẳng định nào mạnh mẽ hơn về giá trị thân xác cho bằng mầu nhiệm Nhập thể của Con Thiên Chúa. Đức Kitô sinh ra trong một thân xác, phục sinh trong thân xác. Ngài ngự bên hữu Chúa Cha với thân xác vinh quang của Ngài. Và chúng ta được gắn bó với Chúa Giêsu trong thân xác qua các bí tích (số 1116), đặc biệt qua Bí tích Thánh Thể. Chúng ta hình thành một thân thể với Đức Kitô, chúng ta được phép trở thành những chi thể trong thân mình Ngài (số 789). “Anh em lại chẳng biết rằng thân xác anh em là đền thờ của Thánh Thần sao?” (1 Cr 6,19)

Cả thân xác và linh hồn được tạo dựng cho Thiên Chúa. “Thân xác con người không phải để gian dâm mà để phụng sự Chúa” (1 Cr 6,13). Do đó, chúng ta buộc phải tôn trọng thân xác: thân xác của chúng ta và thân xác của anh chị em, đặc biệt thân xác của những người đau khổ. “Như thế, anh em tôn vinh Thiên Chúa nơi thân xác anh em” (1 Cr 6, 20).

 

ĐHY Christoph Schönborn

Nguồn: WHĐ

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment