PHẦN I: TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN
Bài 23: CON THIÊN CHÚA
Tước hiệu “Con Thiên Chúa” hàm nghĩa “mối tương quan duy nhất và vĩnh cửu của Chúa Giêsu Kitô với Thiên Chúa, Cha của Người. Người là Con Một của Chúa Cha và là chính Thiên Chúa. Ai muốn trở thành Kitô hữu, người ấy nhất thiết phải tin rằng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa” (GLHTCG, số 454).
“Giêsu không phải là Con Thiên Chúa”. Nhiều người có niềm tin tôn giáo nhưng khẳng định như thế. Đối với họ, Thiên Chúa là duy nhất, và vì thế, Giêsu không thể là Thiên Chúa được. Thế nhưng chúng ta nhờ ân sủng và qua đức tin mà nhận biết và yêu mến Chúa Giêsu như là Con Thiên Chúa. Thánh Phaolô đã tóm tắt toàn bộ Tin Mừng trong những lời này: “Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới” (Gl 4,4). Và khi Phaolô nói với dân Galata về sự trở lại của ngài, thì điều ngài nhấn mạnh không phải là những biến cố bên ngoài đã xảy ra trên đường đi Damas, nhưng là sự phát triển ở bên trong: “Thiên Chúa đã tách riêng tôi ra từ khi tôi còn trong lòng mẹ, và đã gọi tôi nhờ ân sủng của Ngài. Ngài đã đoái thương mặc khải Con của Ngài cho tôi, để tôi loan báo Tin Mừng về Con của Ngài cho các dân ngoại” (Gl 1,15-16).
Điều gì đã xảy ra trong tâm hồn vị Tông đồ dân ngoại? Chắc chắn ngài đã nghe nói về nhân vật Giêsu Nazareth và xác tín rằng con người này là tiên tri giả, là kẻ nói phạm thượng. Chính vì thế, Saulê mới hăng say bắt bớ những người theo ông Giêsu đến thế. Nhưng rồi điều xảy ra là chính Thiên Chúa đã mặc khải cho Saulê biết nhân vật Giêsu ấy chính là Con của Ngài. Thánh Luca, đệ tử của Thánh Phaolô, cũng kể lại: “Và ngay lập tức trong các hội đường, ông loan báo Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa” (Cv 9,20).
Chính Chúa Giêsu đã bày tỏ bí mật thâm sâu này khi ngài kể dụ ngôn “Những tá điền bất lương”. Ông chủ vườn nho sai các tôi tớ đến gặp những tá điền để lấy phần hoa lợi. Sau khi bọn tá điền đã đánh đuổi, kể cả giết chết, tôi tớ của chủ, dụ ngôn nói về ông chủ rằng: “Ông chỉ còn một người nữa là người con yêu dấu, người này là người cuối cùng ông sai đến gặp họ; ông nói: Chúng sẽ nể con của ta” (Mc12,1-11). Qua nhiều thế kỷ, sau nhiều lần sai các tiên tri (những tôi tớ), Thiên Chúa đã sai chính Con của Ngài đến như vị sứ giả cuối cùng! Tình yêu Thiên Chúa không còn cách biểu lộ nào lớn lao hơn thế, cho nên thánh Phaolô kêu lên: “Đến như chính Con Một mà Thiên Chúa cũng chẳng tha, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta. Một khi đã ban Người Con đó, lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng rộng ban tất cả cho chúng ta?” (Rm 8,32).
Thế nhưng “tất cả mọi sự” mà Thiên Chúa muốn ban cho chúng ta là gì? Thánh Phaolô nói: Thiên Chúa đã sai Con của Ngài tới để chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử, và Ngài cũng sai “Thần Khí của Con Ngài” đến ngự trong chúng ta (Gl 4,4-6). Là Kitô hữu có nghĩa là tin vào Đức Kitô, yêu mến Người, bước theo Người. Và hơn nữa, “Anh em không còn là nô lệ nhưng là con” (Gl 4,7). Nhờ Chúa Giêsu, với Người và trong Người, chúng ta trở nên những “con cái của Thiên Chúa” (Cr 6,18).
ĐHY Christoph Schönborn
Nguồn: WHĐ