Tìm hiểu Sách GLHTCG – Bài 37: Hội Thánh thánh thiện

PHẦN I: TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN

Bài 37: HỘI THÁNH THÁNH THIỆN

Đặc tính thứ hai của Hội Thánh là: thánh thiện. Nhưng phải hiểu Hội Thánh thánh thiện như thế nào? Phải chăng mọi thành viên trong Hội Thánh đều thánh thiện cả? Phải chăng Hội Thánh chẳng bao giờ lầm lỗi? Điều hiển nhiên là chỉ một mình Thiên Chúa là Đấng Thánh (GLHTCG, số 208). Chúng ta chỉ có thể tiếp cận sự thánh thiện nơi Hội Thánh khi chúng ta cảm nhận sự thánh thiện của Thiên Chúa. Đối diện với Thiên Chúa, con người vừa ý thức về sự nhỏ bé và tội lỗi của mình, vừa cảm nhận sự thánh thiện và gần gũi của Thiên Chúa. Đấng vô cùng vĩ đại cũng là Đấng gần gũi với loài thụ tạo (số 1502).

Bất cứ cái gì được Thiên Chúa chạm đến đều trở nên “thánh” và được chữa lành. Chúng ta tuyên xưng Hội Thánh là thánh thiện vì “Đức Kitô đã yêu thương và hiến mình cho Hội Thánh, để thánh hóa và thanh tẩy Hội Thánh” (Ep 5,25-26). Cũng như mọi ánh sáng trong Hội Thánh đều phát xuất từ Đức Kitô (số 748) thì sự thánh thiện nơi Hội Thánh cũng vậy. Vì thế, trong Kinh Tiền Tụng I, chúng ta cầu nguyện: “Chúa được tôn vinh nơi cộng đoàn các thánh, vì khi tuyên dương công trạng của các ngài, Chúa tuyên dương chính hồng ân của Chúa”.

Vì thế, tuyên xưng Hội Thánh thánh thiện là nhìn nhận rằng Hội Thánh “được phong phú bởi những của cải thiên quốc” (số 771). Bằng cặp mắt của Đức Kitô, chúng ta nhìn Hội Thánh như Hiền thê của Người (số 796). Hội Thánh đẹp đẽ vô cùng. Thánh Gioan mô tả Hội Thánh như Giêrusalem thiên quốc, được chuẩn bị như tân nương trang sức đón chàng rể (số 756). Trong đức tin, nếu chúng ta thấy được sự huy hoàng của Đức Kitô phản ánh trên Hội Thánh thế nào, thì chúng ta sẽ hiểu được sâu xa hơn tại sao Hội Thánh được gọi là thánh.

Vì Đức Kitô thánh hoá Hội Thánh nên Hội Thánh cũng có khả năng thánh hoá (số 824). Đây chính là mục đích của mọi hoạt động nơi Hội Thánh: gia tăng sự thánh thiện (số 2013). Mọi phương thế chữa lành được trao cho Hội Thánh cũng nhằm mục đích này: Lời Chúa, các bí tích, các đặc sủng, các chức vụ và nhiệm vụ. Công đồng Vatican II xem đây là trung tâm đời sống Hội Thánh: mọi người đều được kêu gọi nên thánh (số 2013). Tuy nhiên, nên nhớ rằng thước đo duy nhất của sự thánh thiện là tình yêu (số 826). Tình yêu là trái tim của Hội Thánh, ở đâu có tình yêu thì ở đó Hội Thánh nên hữu hình và hiệu quả.

Điều này cũng giúp chúng ta có cách nhìn đúng đắn khi nói đến những tội lỗi trong Hội Thánh. Không thể nói Hội Thánh là tội lỗi, nhưng nên nói Hội Thánh “ôm trong lòng mình những tội nhân”. Hội Thánh vừa thánh thiện vừa không ngừng cần được thanh tẩy, do đó mọi tín hữu đều được mời gọi “thường xuyên sám hối và đổi mới” (số 827). Ở bất cứ thời đại nào cũng thế, Hội Thánh được đổi mới là nhờ những con người sống trọn vẹn đức tin và lòng mến. Hơn bất cứ điều gì khác, Hội Thánh ngày nay cần đến những tín hữu sống thánh thiện.

ĐHY Christoph Schönborn

Nguồn: WHĐ

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment