PHẦN I: TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN
Bài 4. THIÊN CHÚA MẠC KHẢI
Mỗi người có khả năng tìm kiếm và gặp được Thiên Chúa, Ngài không xa lạ với mỗi người chúng ta” vì “trong Ngài, chúng ta sống, cử động và hiện hữu” như Thánh Phaolô nói với người dân thành Athêna – Hy Lạp (Cv 17,28). Tuy nhiên, như đã trình bày ở bài “Tìm và gặp Thiên Chúa”, vì chúng ta sử dụng lý trí cách lệch lạc và vì sự yếu đuối của ý chí nơi mỗi chúng ta, nên việc tìm kiếm này vẫn còn là dò dẫm, thường xuyên đi lạc và dẫn đến những thần tượng giả. Do đó Thiên Chúa đã chọn một cách khác. Chính Thiên Chúa đi tìm con người, tìm kiếm con người như người mục tử trong dụ ngôn con chiên lạc. Thiên Chúa đến với con người, làm cho Ngài được biết đến. Thiên Chúa mạc khải chính Ngài cho chúng ta (GLHTCG, số 50).
Đức tin Kitô giáo dựa vào mạc khải: “Điều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ tới, đó lại là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai mến yêu Người” (1 Cr 2,9). Mạc khải trước hết có nghĩa là Thiên Chúa làm cho Ngài được nhận biết, kế đó thông ban chính Ngài cho chúng ta. Hai khía cạnh này gắn bó chặt chẽ với nhau. Do lòng nhân lành và khôn ngoan, Thiên Chúa đã muốn mạc khải chính mình và tỏ cho biết mầu nhiệm thánh ý của Ngài; nhờ mầu nhiệm đó, loài người có thể đến cùng Chúa Cha, nhờ Chúa Kitô – Ngôi Lời nhập thể, trong Chúa Thánh Thần, và được thông phần vào bản tính Thiên Chúa (số 51).
Thiên Chúa mạc khải chính Ngài một cách tiệm tiến, qua từng giai đoạn (số 53). Mặc dù Thiên Chúa đã thông ban cho con người tất cả những bằng chứng về sự hiện diện của Ngài qua tạo dựng (số 54), nhưng lịch sử mạc khải của Thiên Chúa bắt đầu với ơn gọi của Abraham. Thiên Chúa đã thực hiện một giao ước với ông, người sẽ trở thành cha của những người tin. Abraham sẽ là tổ phụ của dân Israel, Thiên Chúa đã trao cho ông một lời hứa (số 59). Thiên Chúa đã chọn một người từ nhiều người, chọn một dân tộc giữa nhiều dân tộc để mạc khải mầu nhiệm ý muốn của Ngài. Giữa lòng nhân loại, dân được tuyển chọn này có nhiệm vụ đón nhận mạc khải của Thiên Chúa. Qua họ, mọi dân tộc được chúc lành và nhận biết Thiên Chúa (số 62).
Qua dòng lịch sử dân Chúa, Thiên Chúa thực hiện cuộc chọn lựa đặc biệt khác. Trong số dân Israel, Thiên Chúa chọn một người để qua người đó mạc khải quyết định vĩnh cửu của Ngài, “mầu nhiệm ý muốn của Thiên Chúa”, người đó là Đức Trinh Nữ Maria (số 488). Qua người trinh nữ này cùng với lời xin vâng, Thiên Chúa sẽ hoàn tất mạc khải – qua Đức Giêsu.
Mạc khải đến với chúng ta trọn vẹn chỉ qua Đức Giêsu. Ngài là Con Thiên Chúa, Lời vĩnh cửu của Thiên Chúa. Nơi LỜI này, Thiên Chúa nói với chúng ta tất cả những gì Ngài muốn nói. Đức Giêsu Kitô là sự viên mãn của tất cả mạc khải (số 65). Mạc khải bao gồm không chỉ là lời và hành động, nhưng là một Ngôi vị – Đức Giêsu Kitô. Trong Đức Kitô, Thiên Chúa không chỉ thông truyền điều gì đó về chính Ngài và mầu nhiệm của Ngài nhưng thông ban chính Ngài cho chúng ta.
Đó là lý do tại sao Công đồng Vatican II nói: Mạc khải đã được hoàn tất với Đức Kitô, và không còn cần chờ đợi một mạc khải công nào mới trước khi Đức Giêsu Kitô – Chúa chúng ta – tỏ lộ trong vinh quang (số 66). Chúng ta sẽ không bao giờ múc cạn sự phong phú nơi Đức Kitô, Ngài sẽ không bao giờ bị vượt qua. Những điều được gọi là “mạc khải tư” giả định rằng không bao giờ nó đem đến điều gì mới mà lại không có sẵn trong mạc khải của Đức Kitô (số 67). Tuy nhiên, mạc khải tư có thể đóng góp là khơi gợi đức tin của chúng ta vào Đức Kitô, nhóm lên tình yêu của chúng ta đối với Đức Kitô như trong trường hợp Thánh Tâm Chúa Giêsu mạc khải cho Thánh nữ Magarita Maria Alacoque.
WHĐ