VÀI CÂU HỎI ĐÁP ĐƠN SƠ VỀ BÍ TÍCH THÁNH THỂ

Hỏi: Bí tích Thánh Thể là gì?

Thưa: Là thực sự Mình và Máu Thánh Chúa Giêsu hiện diện trong hình bánh và rượu (bánh và rượu đã được truyền phép thành sự). Thiên Chúa đã ban cho các bà mẹ có khả năng chuyển hoá thịt máu mình qua hình thái “dòng sữa”. Phạm trù chuyển đổi “bản thể” thì hãy để các thần học gia kinh viện bàn luận. Tin vào quyền năng vô biên của Thiên Chúa, tin Chúa Giêsu là Đức Chúa Trời Ngôi thứ Hai, là Thiên Chúa thật, thì chúng ta tin nhận Người hiện diện thực sự trong bí tích Thánh Thể mà Người thiết lập.

Hỏi: Chúa Giêsu lập bí tích Thánh Thể để làm gì?

Thưa: Chúa Giêsu lập bí tích Thánh Thể không phải để chúng ta “chầu – chầu lượt”. Chầu là diện kiến, chiêm ngắm, hầu chuyện, chẳng hạn các quan vào chầu đức vua. Chầu Thánh Thể là một cử hành Phụng vụ do Giáo Hội thiết lập chứ không phải do Chúa Giêsu. “Hãy cầm lấy mà ăn… Hãy cầm lấy mà uống…” Chúa Giêsu thiết lập bí tích Thánh Thể là để mời chúng ta ăn uống Máu Thịt của Người và qua đó tiếp nhận tình yêu liên đới và hiệp thông của Người dành cho chúng ta. Tình yêu liên đới: Này là Mình Thầy sẽ bị nộp vì các con. Tình yêu hiệp thông: Này là Máu Thầy, Máu giao ước mới sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội. Ơn tha thứ là hệ quả của ơn hiệp thông với sự sống thần linh Thiên Chúa. Ánh sáng tới thì bóng tối bị đẩy lui.

Hỏi: Chúa Giêsu lập bí tích Thánh Thể là dành cho những ai?

Thưa: Căn cứ vào lời của Chúa Giêsu trong thời gian rao giảng Tin Mừng và nhất là đêm Tiệc ly, khi Người lập bí tích Thánh Thể thì chúng ta có thể khẳng định rằng: Chúa Giêsu lập bí tích Thánh Thể là tự nguyện trao ban chính sự sống của Người để thể hiện tình yêu liên đới, hiệp thông với chúng ta là kẻ có tội. “Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mt 9,13); “Con Người đến để tìm kiếm và cứu chửa những gì đã hư mất” (Lc 19,10); “Tất cả anh em hãy uống chén này, vì đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội” (Mt 26,27).

Hỏi: Chúa Giêsu Kitô trong thời gian tại thế và trong bí tích Thánh Thể có giống nhau không?

Thưa: Chúa Giêsu Kitô chỉ có một mà thôi. Trong thời gian tại thế thì Người hiện diện cách cụ thể, thực sự mang tính hiện sinh. Trong bí tích Thánh Thể thì Người cũng hiện diện cách thực sự nhưng theo chiều kích bí tích nghĩa là trong các dấu chỉ “lương thực” (bánh và rượu).

Hỏi: Có phải trong thời gian tại thế rất nhiều người có thể đến với Chúa Giêsu Kitô và chính Người cũng tìm cách tiếp xúc với nhiều người, đặc biệt là những người nghèo hèn và cả những người tội lỗi?

Thưa: Thật chính xác. Chúa Giêsu không chỉ sống mà còn nhiều lần khẳng định sự thật này.

Hỏi: Vì sao có đó rất nhiều người “không được quyền” tiếp cận Chúa Giêsu khi Người hiện diện trong bí tích Thánh Thể? (Những người chưa gia nhập Công giáo hay đã gia nhập mà chưa đủ tuổi khôn hoặc đủ tuổi khôn mà bị xem là “mắc tội trọng” hoặc có gương xấu nặng nề, công khai…)

Thưa: Vấn đề này quá rộng, tuy nhiên có thể dùng chìa khoá “đức tin” để giải quyết vấn đề. Dĩ nhiên trong đức tin có bao hàm đức cậy và đức mến. Trong Thánh Lễ, sau khi truyền phép, chủ tế xướng: “Đây là mầu nhiệm đức tin”. Trong thời gian rao giảng Tin Mừng, để cho sự tiếp xúc giữa Chúa Giêsu và những ai đó phát sinh hiệu quả thì cần có lòng tin của họ cách nào đó. Chẳng hạn như trường hợp người phụ nữ bị băng huyết đã mười hai năm được chửa lành, viên sĩ quan bách quản người Rôma có người đầy tớ được chữa lành hoặc như trường hợp người phụ nữ tội lỗi công khai ở nhà ông Simon tật phong được thứ tha tội lỗi…(x.Mt 8,5-13;9,18-26; Lc 7,36-50). Những người này có lòng tin vào Chúa Giêsu, tin Người có quyền năng và đầy lòng thương xót. Trái lại nếu thiếu lòng tin thì hiệu quả rất khó phát sinh và nếu cứng lòng tin thì có khi phát sinh “hậu quả” như trường hợp nhiều lãnh đạo Do Thái giáo thời bấy giờ.

Bí tích Thánh tẩy là cánh cửa bước vào đời sống đức tin. Những ai chưa nhận bí tích Thánh Tẩy thì Giáo hội từ chối trao bí tích Thánh Thể. Đức tin có sự tham gia của trí khôn. Giáo hội không cấm nhưng hoản một thời gian đối với các bé thiếu nhi dù các em đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy. Đến khi các em biết sử dụng trí khôn thì sẵn sàng cho các em rước Thánh Thể Chúa. Với các tín hữu đang trong hoàn cảnh “tội nặng” thì cần có dấu chỉ của sự sám hối để bày tỏ lòng tin.

Một vấn nạn cần lưu ý đó là các Đức Giáo Hoàng gần đây, cách riêng Đức đương kim Phanxicô đã từng nói đến hiện tượng biến bí tích Thánh Thể vốn là “hồng ân cứu độ” trở thành phần thưởng cho người “công chính, thánh thiện”, người “có công”… thậm chí một đôi khi, một đôi nơi bí tích Thánh Thể lại được “sử dụng”như “khí cụ chế tài”. Đáng tiếc thay!

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Chia sẻ Bài này:

Related posts