Đã sống trên cõi đời thì ai cũng có bổn phận của mình. Khi đang còn tuổi thiếu niên thì phải lo học lo hành. Khi bước vào tuổi trưởng thành thì có biết bao bổn phận phải lo. Bổn phận của đạo làm con đối với cha mẹ, của chồng đối với vợ, của vợ đối với chồng của công dân đối với đất nước v.v…Ngoài những bổn phận mang tính chất đối nhân xử thế như vậy, con người còn có một bổn phận vô cùng quan trọng đó là lo lắng cho phần rỗi linh hồn mình. Lý do cần phải lo cho phần hồn là bởi con người ta không chỉ có cái phần xác mà còn có phần linh hồn.
Lo cho xác thân dù có đầy đủ đến mấy thì rồi ra nó cũng phải chết. Không một ai có thể tránh khỏi cái chết nhưng chết rồi đi đâu đó mới là tất cả vấn đề. Thật vậy dù đi trên đường đời hay đường tâm linh thì điều cốt yếu cũng phải biết mình đi đâu, không biết mình đi đâu thì làm sao có thể đến được nơi mình muốn đến ? Đi trên đường đời dẫu sao cũng dễ bởi vì nó thuộc bình diện hữu hình có thể hỏi người này người kia hoặc theo sự hướng dẫn của những bảng chỉ đường v.v… Trái lại đường tâm linh là đường vô hình, không thể hỏi ai cũng như không có bảng chỉ đường. Lo cho cái sống thì cũng phải biết lo đến cái chết đó mới thật là người khôn ngoan. Người có đạo mà cũng chỉ biết lo cho đời sống thế gian, lo cho cái xác thân này thì như Đức Ki Tô nói đó là người khờ dại “ Vậy thì chớ lo lắng rằng chúng ta ăn gì uống gì mặc gì ? Vì mọi điều đó dân ngoại vẫn lo. Song Cha các ngươi biết các ngươi cần dùng những điều đó rồi. Nhưng trước hết hãy lo tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài còn mọi điều ấy sẽ được thêm cho các ngươi. Bởi vậy chớ có lo lắng chi cho ngày mai vì ngày mai sẽ tự lo lắng cho ngày mai. Sự khó ngày nào đủ cho ngày ấy” ( Mt 6, 31 -34).
Con người một khi mang lấy xác thân thì không có cách chi thoát khỏi sự khó sự khổ. Lão Tử nói “ Ta sở dĩ có hoạn nạn lớn là vì có thân ( Xác). Ví thử như không có thân thì làm gì có khổ ?” ( Ngô sở dĩ hữu đại hoạn giả vị ngô hữu thân. Cập ngô vô thân, ngô hữu hà hoạn ? – ĐĐK chương 13). Thật sự thì không ai lại không có thân. Không có thân ( xác ) thì sao có thể sống tức ăn uống hít thở làm lụng v.v..Tuy nhiên điều Lão Tử muốn nói có thân ở đây là chấp cho cái xác thân này là mình. Chấp xác thân là mình là một thứ căn bản vô minh con người không ai tránh khỏi. Thế nhưng cũng chính vì cái chấp ấy mà đã khiến cho con người chìm đắm trong vòng trói buộc của Tham Sân Si không bao giờ ra khỏi.
Đức Ki Tô xuất sinh nơi đời cũng chỉ với mục đích là để giải thoát con người ra khỏi nỗi mê chấp ấy bằng cách truyền dạy chúng ta cần phải lo lắng tìm kiếm Nước Trời như một điều ưu tiên trước hết. Mặc dầu vậy trong việc tìm kiếm này con người không ai có thể tự mình làm được nếu không ở trong Thân Mầu Nhiệm Chúa Ki Tô cũng là Giáo Hội Công Giáo Tông Truyền “ Hãy cứ ở trong Ta. Ta cũng ở trong các ngươi. Như nhánh nếu không cứ ở trong cây nho thì không tự sinh hoa kết quả được. Nếu các ngươi chẳng cứ ở trong Ta và Ta ở trong các ngươi thì cũng vậy. Ta là cây nho các ngươi là nhánh. Ai cứ ở trong Ta và Ta ở trong họ thì nấy kết quả nhiều vì ngoài Ta các ngươi không thể làm chi được. ( Ga 15, 4 -5).
Ơ trong Chúa có nghĩa là nên một với Chúa và để thực hiện sự nên một ấy thì không có cách nào khác là phải nhận biết Đức Maria người Mẹ thật của linh hồn mình. Đức Mẹ đã cưu mang sinh hạ Chúa Giê Su Đấng Cứu Thế và đồng thời cũng sinh ra các tín hữu là những chi thể của Ngài. Đức Maria sinh Đấng Cứu Thế chỉ với mục đích là để sinh ra tín hữu trong Ơn Thánh. Sự thật cao cả này cần phải được nhận biết và đây chính là bổn phận trước hết của mỗi một hội viên Legio chúng ta “ Legio long trọng trao cho mỗi hội viên như một di sản phải giữ bằng cách suy niệm nghiêm chỉnh và nhiệt thành thực hiện lòng tôn sùng của Legio đối với Đức Maria. Hội viên phải coi đây là bổn phận chính trước tất cả mọi bổn phận khác” ( TB Sl 32 chương 6 ).
Đã gọi là bổn phận thì phải thi hành không ai được thoái thác. Thế nhưng để có thể thi hành bổn phận hết sức quan trọng này thì cần phải biết mục đích của việc tôn sùng ấy để làm gì “ Legio nhắm đưa Đức Maria đến với thế giới làm diệu kế để chinh phục nhân loại cho Chúa Giê Su. Người Legio không có Đức Maria trong tâm hồn sẽ không thể dự phần vào công cuộc trên. Họ ly khai với Legio. Họ là người lính bị tước khí giới, vòng xích đã đứt, như cánh tay tê liệt tuy còn dính vào thân nhưng vô dụng” ( TB Sl 32 chg 6 ).
Có biết đến mục đích của Legio là đưa Đức Maria đến với thế giới để chinh phục các linh hồn về cho Chúa Giê Su thì chúng ta mới có thể có được lòng tôn sùng đích thực. Ngược lại không có lòng tôn sùng này thì như Thủ Bản nói họ giống như người lính bị tước khí giới. Hội viên Legio quả thực là những người lính nhưng lính mà bị tước mất khí giới thì chiến đấu sao được ? Tất cả chúng ta những hội viên hoạt động một khi đã tuyên hứa trước Chúa Thánh Thần thì đều đã được kêu gọi tham dự vào một trận chiến dưới quyền lãnh đạo tối cao của Đức Maria để chiến đấu với Sa Tan cũng là con rắn xưa nơi Vườn Địa đàng “ Đức Chúa Giê Hova phán với con rắn = Ta sẽ làm cho mày cùng Người Nữ, dòng dõi mày cùng dòng dõi Người Nữ nghịch thù nhau. Người sẽ giày đạp đầu mày. Còn mày thì sẽ rình cắn gót chân Người” ( St 3, 15 ).
Để chiến đấu và chiến thắng Sa Tan “ Đứa lừa dối cả và thiên hạ” ( Kh 12, 9). Thì chẳng có cách nào khác là phải kết hợp chặt chẽ với Đức Nữ Trinh Maria “ Đối với lính ở đời họ bất lực vì thiếu can đảm thiếu thông minh cơ thể thiếu năng lực. Còn người Legio bất lực chỉ tại thiếu đức khiêm nhường. Kế hoạch của Legio là Thánh hóa hội viên và dùng ánh sáng thánh thiện này mà chiếu rọi vào thế giới linh hồn. Nhưng ai thiếu khiêm nhường không thể Thánh thiện. Hơn nữa Legio hoạt động Tông Đồ qua Mẹ Maria nhưng không giống Đức Mẹ làm sao liên kết với Mẹ ? Ai thiếu đức khiêm nhường người đó không giống Đức Mẹ chút nào. Hợp nhất với Đức Mẹ là điều kiện tối cần thiết, có thể nói là nguồn gốc của tất cả hoạt động Legio. Đất cho cây sống là đức khiêm nhường. Thiếu đức khiêm nhường cây Legio sẽ khô cằn” ( TB SL 42 Chg 6 ).
Đức khiêm nhường nói thì dễ nhưng thực hành thì không hề dễ chút nào. Tuy nhiên nếu không quyết tâm thực hành đức khiêm nhường thì hoạt động Legio chỉ là vô ích. Mặt khác sự quyết tâm ấy đối với hội viên chúng ta nhất thiết cần thể hiện qua đời sống tích cực hoạt động Tông đồ “ Ai thực sự kính mến Đức Mẹ người đó biết lo giúp các linh hồn. Đức Maria không lo bổn phận làm Mẹ hay Ki Tô Hữu không làm việc Tông Đồ đúng là hai ý nghĩa kỳ quái thất thiệt, vô căn cứ không đúng với ý định của Chúa. Vì vậy không thể nói Legio đặt trên hai nguyên lý = Đức Maria và hoạt động Tông Đồ. Chỉ có một nguyên lý đó là Đức Maria còn hoạt động Tông Đồ là hiệu qủa tự nhiên hoặc hiểu cho đúng hơn, đây là tất cả lẽ sống của Ki Tô Hữu” ( TB Sl 50 chg 6 ).
Bởi vì Đức Maria là chính việc Tông Đồ thế nên tất cả những ai có ơn gọi làm Tông đồ cho Chúa thì phải có lòng thành thật tôn sùng và với Thánh Mong Pho thì thành thật tôn sùng có nghĩa phải trở nên như nô lệ “ Nhưng nô lệ ở đời tự do hơn nô lệ của Đức Maria. Vì họ còn làm chủ tư tưởng tâm tư và những gì mật thiết của đời tư. Nô lệ của Mẹ lệ thuộc tất cả từ tư tưởng tâm tư tài sản ẩn giấu và cả bản thân. Tất cả cho đến hơi thở cuối cùng để Mẹ sử dụng cho Chúa. Đây là lối tử đạo sự hiến mình cho Chúa cùng với Đức Mẹ trên bàn thờ hiến tế. Của hiến tế này giống Chúa Giê Su tự hiến mình. Chúng ta cũng bắt đầu từ dạ Đức Mẹ hiến dâng trong ngày lễ Đức Mẹ Dâng Mình, tay Đức Mẹ chăm sóc suốt đời và kết liễu trên Núi Sọ mà Thánh Giá chính là Trái Tim của Mẹ” ( TB Sl 63 chg 6).
Nói đến làm nô lệ thì ai cũng…ngán thế nhưng nô lệ ở đây là tận hiến cho Đức Mẹ để Ngài toàn quyền sử dụng cuộc đời ta cho công cuộc Cứu Độ của Đức Ki Tô. Trao phó cuộc đời cho Đức Mẹ đó vừa là một vinh dự cao quý của người Legio vừa là một bảo đảm chắc chắn cho phần rỗi mỗi người “ Có người sống đạo theo lối ích kỷ tính lời tính lỗ. Họ bỡ ngỡ khi nghe bảo nên giao hết tài sản cho Bà Mẹ của các tâm hồn. Họ thắc mắc = Nếu giao tất cả cho Đức Maria giờ chót với hai bàn tay trắng tôi phải ra trước Tòa Chúa và biết đâu phải ở mãi trong luyện hình ? một nhà bình luận đã trả lời sâu sắc = Không, không hề vì Đức Maria có mặt trong phiên xử. Câu trả lời có ý nghĩa thật sâu xa” ( TB Sl 68 chg 6 )./.
Phùng Văn Hóa
( Bài tập huấn tại Curia Trà Cổ ngày Sinh Nhật Đức Mẹ 8/9/2015)