Đọc Thủ Bản 02/02 – 08/02/2020: Các Điều Cốt Yếu (tiếp theo) – Số Lề #483-490

8. TÍNH CÁCH ÂM THẦM CỦA CÔNG TÁC LEGIO PHẢI ĐƯỢC BẢO VỆ

483 (497)

Legio phải đề phòng sự lạm dụng của những người cải cách xã hội quá khích. Việc của Legio làm đặc biệt âm thầm, vì nó bắt đầu trong tâm hồn hội viên, phát triển trong họ tinh thần sốt sắng và yêu thương. Bằng cách đích thân tiếp cận với người khác thường xuyên, Legio cố sức nâng cao mức sống tinh thần của toàn thể cộng đoàn. Việc làm âm thầm và tế nhị không quấy rầy ai. Legio không chủ trương trực tiếp tiêu diệt những bất công to tát, nhưng làm cho cộng đoàn thấm nhuần những nguyên tắc và quan niệm Công giáo. Tội ác tự nó phải chết vì không còn đất dung dưỡng. Đối với Legio, thắng lợi thiết thực là giúp cho dân chúng đời sống và quan điểm Công giáo mãnh liệt, tuy đôi khi chậm chạp.

484 (498)

Cần triệt để giữ tính cách âm thầm khi đi thăm viếng. Sẽ không giữ được, nếu hội viên Legio bị mang tiếng là tìm tòi những việc sai trái để tố giác trước dư luận. Người ta sẽ nghi ngờ các lần thăm viếng tại nhà, và các hoạt động khác của Legio. Thay vì xem chúng ta như bạn thân để thố lộ nỗi lòng, họ sẽ nghi chúng ta hoạt động cho tổ chức nào đó. Do đó, sự có mặt của chúng ta làm cho họ khó chịu, và như thế là chấm dứt ảnh hưởng thực sự của Legio.

Người lãnh đạo Legio phải thận trọng khi nhân danh Legio làm những công tác chung với các đoàn thể khác. Tuy là việc tốt, nhưng phải thấy trước rằng đường lối hành động của họ không đi đôi với đường lối của Legio. Đã có nhiều tổ chức chuyên môn để chống lại những tệ đoan rùng rợn của thời đại. Khi cần, Legio sẽ nhờ đến họ, hoặc với tư cách cá nhân hội viên cộng tác với họ, nhưng chính Legio tiếp tục chân thành theo truyền thống và đường lối riêng của mình.

9. TỐT NHẤT LÀ THĂM TỪNG NHÀ

485 (481)

Legio thăm từng nhà càng nhiều càng hay, không phân biệt họ là ai trong xóm đó. Dù có người khó chịu vì lầm tưởng chúng ta để ý đến họ về điểm chi đó.

Không nên đi qua mà không ghé thăm nhà người ngoài Công giáo, trừ khi có lý do quan trọng. Vào thăm không nhằm đề cập đến tôn giáo mà chỉ để thiết lập mối tình thân hữu. Nhiều nhà không Công giáo sẽ vui mừng tiếp đón, khi họ biết chúng ta đi viếng tất cả, để hỏi thăm người trong nhà. Chúa Quan Phòng sẽ dùng dịp này để đưa “những chiên kia” mà Người muốn đem về một ràn. Khi đã kết thân với người Công giáo chuyên làm tông đồ, họ sẽ hết thành kiến, quí mến người có đạo, chắc chắn họ sẽ quí mến đạo. Họ sẽ hỏi thăm xin sách, từ đó những sự trọng đại hơn sẽ đến.

10. CẤM VIỆN TRỢ VẬT CHẤT

486 (475)

Legio không cho tặng phẩm, dù là của nhỏ mọn. Theo kinh nghiệm chúng ta thấy cần nhắc rằng, áo quần cũ cũng thuộc về loại này.

Ra luật này, Legio không coi thường chính việc bố thí. Chỉ nói rõ không cho phép Legio làm việc này. Giúp đỡ người nghèo là việc phúc đức. Giúp các linh hồn là điều cao cả. Đấy chính là lý do để thành lập nhiều hội đoàn lớn, nổi bật là hội Vinh Sơn. Legio hoan hỉ nhận mình mang ơn về gương mẫu và tinh thần của hội Vinh Sơn. Và có thể nói hội Vinh Sơn là gốc phát sinh Legio. Nhưng Legio được chỉ định làm việc khác hơn. Thiết lập Legio để đem của thiêng liêng đến cho từng người trong dân chúng. Việc cho của thiêng liêng và của vật chất, trên thực tế không thể đi đôi vì nhiều lý do :

487 (476)

1) Người chẳng cần cứu trợ không muốn tiếp những phái đoàn cứu trợ, vì sợ láng giềng hiểu lầm rằng họ đã nhận tặng phẩm do lần thăm viếng đó. Vì vậy Prỉsidium nào có tiếng hay cho tặng phẩm sẽ mau chóng thu hẹp phạm vi hoạt động của mình. Tặng phẩm là chìa khóa mở cửa đối với các đoàn thể khác. Nó là chìa khóa đóng cửa lại đối với Legio.

2) Trong lúc những người mong ước cứu trợ lại không có tặng phẩm để nhận, thế là họ bất bình, và từ đó Legio không còn gây ảnh hưởng gì đối với họ nữa.

3) Đối với những người thực sự cần giúp đỡ vật chất, tặng phẩm của Legio sẽ không đem lại ơn ích thiêng liêng cho họ. Legio phải nhường việc bố thí cho các hội từ thiện vì họ có ơn riêng của Chúa trong việc này. Nhất định hội viên Legio không có ơn này, vì nếu thế họ sẽ vi phạm kỷ luật Legio. Prỉsidium nào vi phạm kỷ luật này, sẽ thấy họ chỉ gây phiền phức cho Legio.

488 (477)

Cá nhân hội viên Legio có thể lý luận rằng, mỗi người có bổn phận giúp đỡ tùy sức mình, và còn nhấn mạnh rằng, họ không xưng danh Legio khi giúp đỡ, chỉ với tư cách cá nhân thôi. Phân tách kiểu lý luận này, chúng ta sẽ thấy lắm thứ rắc rối không thể tránh khỏi. Chẳng hạn một trường hợp, việc này thường xảy ra, ai đó, trước khi vào Legio chưa bao giờ đích thân đi phát tặng phẩm. Bắt đầu đi công tác Legio, họ mới thấy và cho rằng kẻ thiếu thứ này, người thiếu món nọ. Ngày thăm chính thức với tư cách Legio, họ kiêng cữ không cho gì, nhưng hôm khác họ trở lại mang tặng phẩm với tư cách cá nhân. Người này phạm kỷ luật Legio rõ ràng, vì trở lại lần này đúng là trá hình. Lần trước họ đã đến thăm với tư cách Legio và cũng với tư cách Legio, họ mới biết người kia thiếu thốn những gì. Những người nhận của bố thí lần này, chỉ biết đây là hội viên Legio. Chắc chắn họ không thể nào phân tích đâu là danh nghĩa Legio, đâu là tư cách cá nhân. Họ chỉ biết một điều đây là tặng phẩm của Legio. Legio nhìn nhận người kia nhận xét như thế là đúng.

489 (478)

Phải nhớ một hội viên bất tuân hay lầm lẫn về tặng quà sẽ gây liên lụy cả Prỉsidium. Biếu tặng phẩm sẽ dễ nổi danh. Không cần đến cả trăm lần, một hai lần đã quá đủ.

Nếu hội viên có lý do riêng thấy cần phải giúp đỡ ai thì tại sao không ẩn danh và nhờ một người bạn hoặc nhờ hội từ thiện trao giùm, để tránh rắc rối cho Legio ? Nếu không, hội viên kia cho chúng ta thấy rõ, họ làm phúc vì hư danh hơn là vì phần thưởng trên Trời.

490 (479)

Dĩ nhiên, hội viên Legio không thể làm ngơ trước cảnh nghèo khổ lúc đi thăm viếng, mà phải chịu khó báo cho các hội từ thiện biết rõ những người đó đang cần gì. Nếu đã làm hết cách cũng không thấy ai trợ giúp, thì Legio cũng không có phận sự phải thay thế. Không thể có xã hội tân tiến mà không có ai hoặc đoàn thể nào chịu cứu trợ người đáng phải giúp đỡ.

“Không cần nói, ai cũng biết Chúa rất khen ngợi khi chúng ta thương giúp người nghèo lúc túng khổ. Nhưng tất cả đều phải nhận rằng, khi chúng ta tích cực dạy dỗ, an ủi là việc cao cả hơn nhiều, vì khi đó chúng ta trao tặng các tâm hồn kia không phải của cải chóng qua ở trần gian mà chúng ta cho họ của cải vĩnh viễn đời đời” (Thánh Giáo Hoàng Piô X : Thông điệp ngày 15/4/1905 về việc Dạy Giáo lý – AN).

Trong nhiều trường hợp sẽ phải hiểu lề luật này theo nghĩa rất hẹp, như công việc giúp đỡ bằng chân tay không phải là viện trợ vật chất. Trái lại rất nên làm. Đối với những ai tố cáo Legio chỉ biết giảng đạo mà thờ ơ với sự túng nghèo của dân chúng, hội viên Legio minh chứng sự chân thành của lời mình nói, bằng cách thi thố tình thương và tinh thần phục vụ dưới mọi hình thức mà ta được phép làm.

Chia sẻ Bài này:

Related posts