Đọc Thủ Bản 02/10 – 08/10/2022: Lòng Trung Thành – Trang 222 #285-286

LÒNG TRUNG THÀNH

285 (141)

Trọng tâm của tổ chức Legio là hiệp nhất mọi người. Từ hội viên thường đến các cấp hữu quyền trong Legio đều phải có nguyên tắc liên kết. Thiếu nó là chết.

Trong tổ chức tình nguyện, trung thành là xi măng gắn chặt: Hội viên trung thành với Praesidium, Praesidium với Curia, Curia với Comitium, Comitium với Senatus và Senatus với Concilium, rồi với Giáo quyền khắp nơi. Hội viên Legio, Praesidium và Hội đồng thực sự trung thành sẽ ghê sợ lối làm việc riêng rẽ. Khi gặp các điểm nghi ngờ, trong các hoàn cảnh khó khăn, khi dự định làm công tác mới hoặc có đường lối mới, họ liền chạy đến thượng cấp để xin chỉ dẫn và phê chuẩn.

Kết quả của lòng trung thành là sự vâng lời : viên đá thử đức vâng lời là mau mắn nhận lãnh những địa vị hay những quyết định làm mình khó chịu. Lưu ý : ta phải nhận lãnh tất cả một cách vui vẻ. Vâng lời mau mắn và vui lòng như thế bao giờ cũng khó. Đôi khi, nó cưỡng bách tính tự nhiên của ta đến đỗi phải có chí anh dũng mới chịu nổi. Vâng lời như thế khác chi là tử đạo. Ta hãy nghe Thánh Inhaxiô Loyola nói : “Những ai đem lòng quảng đại để cương quyết vâng lời, sẽ lập nên công nghiệp lớn : vì phải hy sinh, đức vâng lời giống như tử đạo”. Legio mong các con cái mình ở khắp nơi đạt tinh thần vâng phục cách anh dũng và ôn hòa đối với mọi quyền bính chính thức, dù ở cấp bậc nào.

Legio là một đạo quân, quân đội của Đức Trinh Nữ rất khiêm nhường. Legio thường ngày phải cố gắng giữ những đặc điểm của một quân đội trần gian là lòng anh dũng, hy sinh, nếu cần sẽ hy sinh cả mạng sống. Đối với hội viên, lúc nào cũng phải đòi hỏi những công tác hết sức gian lao. Đã hẳn, không đòi hỏi các hội viên phải luôn đem thân đỡ đạn hay lãnh cái chết như thường xảy ra cho binh sĩ ở chốn chiến trường, nhưng chỉ đòi hỏi phải có một lòng ham muốn cao thượng, tiến lên mãi trong phạm vi thiêng liêng. Phải sẵn sàng hy sinh cảm tình, lý luận, tự do, tự ái, ý chí, để lãnh những tên đạn là lời công kích, hay lãnh cái chết là tùng phục một cách quảng đại khi cấp trên đòi hỏi.

Ông Tennyson nói : “Vâng lời là dây ràng giữ quyền bính, bất tuân là một tai hại trầm trọng”. Để chặt đứt dây tiếp cứu này của Legio, thì không cần phải là một sự bất tuân cố chấp, một sự trễ bỏ thường cũng đủ chặt đứt, nhất là khi các ủy viên xao lãng dự họp hoặc liên lạc bằng thư từ. Sự xao lãng này đưa tới hậu quả là khiến các Prỉsidia hay Hội đồng của họ bị cô lập và tách khỏi nguồn phong phú của Legio. Những ủy viên hoặc hội viên thường, dù trung thành đi dự họp, cũng sẽ gây tai hại giống như thế, nếu thái độ của họ có thể gây mối chia rẽ cách này hay cách khác.

286 (142)

“Chúa Giêsu vâng lời Mẹ Người : Các bạn đã đọc các Thánh sử viết về đời sống ẩn dật của Chúa Kitô ở Nadaret, với Mẹ Maria và Thánh Giuse “càng lớn lên càng thêm tuổi càng thêm khôn ngoan”, và Chúa “vâng phục Đức Maria và Thánh Giuse” (Lc 2,51-52). Nói như vậy không nghịch với bản tính Thiên Chúa sao ? Chắc chắn không. Ngôi Lời đã mang xác thể. Người đã hạ mình mang nhân tính như bản tính của chúng ta, trừ tội lỗi ; như lời Người nói, Người đến “để phục vụ chớ không phải để được cung phụng” (Mt 20,28). Người đã “vâng lời cho đến chết” (Pl 2,8) ; bởi thế Người muốn vâng lời Đức Mẹ. Ở Nazarét, Người đã vâng lời Đức Maria và Thánh Giuse, hai thọ tạo đã được Chúa ban đặc ân sống gần Chúa. Đức Maria như được chia sẻ quyền hành của Chúa Cha Hằng Hữu đối với bản tính loài người của Chúa Con. Chúa Giêsu có thể nói về Mẹ Người trên Trời :”Ta lúc nào cũng làm đẹp lòng Người” (Ga 8,29) (Dom Marmion : Chúa Kitô, Mạch sống của linh hồn).

Chia sẻ Bài này:

Related posts