68 (210)
Nếu tổng kết kinh nghiệm của những ai dạy dỗ, am hiểu và đã thực hành lòng tôn sùng là có giá trị, thì hiển nhiên Tận hiến đã làm cho đời sống đạo đức thêm chiều sâu, đặc biệt thêm quảng đại và ý ngay lành. Dưới sự dẫn dắt và bảo vệ, mọi người vui vẻ an lòng vì cuộc sống của mình trở nên hữu ích tối đa. Chúng ta có đôi mắt siêu nhiên, lòng can đảm rõ rệt, đức Tin vững vàng hơn, chúng ta có thể đảm đương bất cứ công cuộc nào. Vừa dịu hiền vừa khôn ngoan ta trở nên mạnh mẽ trong địa vị đặc biệt của mình. Lòng sùng kính đích thực làm cho chúng ta nên khiêm nhường dịu dàng, để bảo đảm cho các nhân đức khác. Lắm lúc đời tận hiến thúc đẩy chúng ta ra tay làm nhiều việc trọng đại, dù thật ra vượt quá tài đức và khả năng tự nhiên của chúng ta. Tuy nhiên kèm theo tiếng gọi, lại có nhiều trợ lực để chúng ta đủ sức bắt tay vào việc vinh quang và nặng nề mà không nao núng. Tóm lại, để bù lại sự hy sinh cao cả chúng ta đã tự hiến mình làm nô lệ đặc biệt của lòng sùng kính, chúng ta hưởng lợi gấp trăm như lời Chúa đã hứa cho những ai dứt khoát với tất cả, để lo cho danh Chúa thêm vinh quang. Xin lặp lại lời văn bóng bẩy và linh động của ĐHY Newman : “Khi chúng ta làm nô lệ, là lúc chúng ta cai trị, khi chúng ta cho là lúc chúng ta nhận, khi chúng ta đầu hàng là lúc chúng ta thắng trận”.
69 (211)
Có người sống đạo theo lối ích kỷ, tính lời, tính lỗ. Họ bỡ ngỡ khi nghe bảo nên giao hết tài sản cho bà Mẹ của các tâm hồn. Họ thắc mắc : “Nếu giao tất cả cho Đức Maria, giờ chót, với hai bàn tay trắng tôi phải ra trước tòa Chúa, và biết đâu phải ở mãi trong Luyện hình !”. Một nhà bình luận đã trả lời sâu sắc : “Không, không hề, vì Đức Maria có mặt trong phiên xử”. Câu trả lời có ý nghĩa thật sâu xa.
70 (212)
Thường người ta không Tận hiến là vì ngần ngại hơn là tại ích kỷ. Thật khó hiểu làm sao, khi hiến dâng tất cả cơ nghiệp thiêng liêng, mà còn có thể cầu nguyện cho gia đình, bạn hữu, quê hương, cho Đức Thánh Cha v.vÁ mà mình có nhiệm vụ phải cầu nguyện. Đừng ngại, hãy mạnh dạn Tận hiến. Những gì giao cho Đức Mẹ, rất được bảo đảm. Vì Đức Mẹ quản lý kho tàng của Thiên Chúa. Đức Mẹ bảo vệ quyền lợi của người tin tưởng nơi Đức Mẹ. Hãy đặt vào tình thương vô biên của Mẹ tất cả những gì chúng ta có phận sự phải làm, Mẹ sẽ lo cho chúng ta, như người con duy nhất. Chúng ta lãnh nhận ơn cứu rỗi, nên Thánh, chúng ta cần nhờ những gì, Đức Mẹ đều lo đầy đủ. Khi chúng ta cầu nguyện theo ý Mẹ, thì chính ta là người được Mẹ để ý nhất.
71 (213)
Nhưng Tận hiến là việc hy sinh, mà lại cố minh chứng rằng, hy sinh như thế không mất mát chi, thì thực là không đúng lúc. Làm thế là phá vỡ nền tảng của sự tận hiến, làm cho nó mất tính cách hy sinh, mất cả giá trị. Nhắc lại sự tích này cũng quá đủ, là khi xưa có một lần, đoàn người từ mười đến mười hai ngàn đang ở giữa rừng và họ đói (Ga 6, 1-14). Chỉ có một người mang theo lương thực. Cậu ta chỉ có năm chiếc bánh và hai con cá, và đã hiến tất cả cho mọi người cùng ăn, và em sẵn sàng cho ngay. Bánh và cá được Chúa chúc lành và bẻ chia cho đám đông. Cuối cùng đoàn người đã ăn no, không còn sức ăn thêm nữa dĩ nhiên trong số đó có em đã cho 5 bánh và 2 con cá. Thế mà còn dư mười hai thúng, tràn ra ngoài ! Bây giờ giả sử em đó bảo : “Bánh, cá ít thế này làm sao đủ cho bao nhiêu người ăn? Vả lại, còn nhiều người nhà của tôi đang đói nữa đây. Tôi không thể cho”. Nhưng không ! nhờ vậy mà em và toàn thể mọi người có mặt hưởng một bữa ăn kỳ diệu, vượt xa phần mà em đã đóng góp. Và chắc chắn em có thể xin lại một số trong mười hai thúng thừa.
72 (214)
Chúa Giêsu và Mẹ Maria vẫn đối xử theo lối này với ai rộng rãi Tận hiến tất cả của cải, vô điều kiện, không hạn chế. Của dâng này sẽ cung cấp đủ cho nhu cầu của mọi người. Dù xem như nhu cầu riêng tư cũng như ý định của chúng ta bị thiệt thòi, nhưng thực ra nó rất đầy đủ, dồi dào và Thiên Chúa rộng rãi sẽ bù đắp phần còn thiếu.
Vậy, hãy mau dâng lên bàn tay Đức Mẹ bánh và cá ít ỏi của chúng ta, để Chúa và Mẹ hóa chúng ra nhiều nuôi hàng triệu linh hồn đang đói lả giữa sa mạc trần gian.
Khi đã Tận hiến, chúng ta chẳng cần phải đổi kinh đọc hoặc các việc làm thường ngày. Chúng ta cứ tiếp tục cuộc sống như thường ngày, vẫn cầu nguyện theo ý mình đã quen xin cho tất cả những gì mình cần. Chỉ khác một điều, từ ngày Tận hiến chúng ta sẽ làm tất cả những việc trên hoàn toàn lệ thuộc theo ý của Mẹ.
73 (215)
“Như ngày nào đối với những người giúp tiệc cưới Cana, Đức Maria cũng chỉ Chúa Giêsu và bảo ta : “Người có bảo gì, các con cứ làm” (Ga 2,6). Nếu nghe lời Đức Mẹ, chúng ta đổ vào những bình bác ái và hy sinh những thùng nước lã, là tất cả những thứ việc chúng ta làm hằng ngày, phép lạ Cana sẽ tái diễn. Nước lã hóa rượu ngon, tức hóa thành những ơn quý báu cho ta và cho các linh hồn” (Cousin).