6. LEGIO LÀ CÁNH TAY MẶT CỦA NHÀ TRUYỀN GIÁO
554 (576)
Tình hình Truyền giáo.
Hoạt động Truyền giáo nói đây là hoạt động nhắm vào các dân tộc và các nhóm người chưa biết Đức Kitô hoặc chưa tin vào Người. Ở đó, Hội thánh chưa bám rễ sâu và văn hóa của họ chưa được ánh sáng Kitô giáo soi chiếu.
Các dân tộc cần được truyền giáo thông thường rất khác nhau về trình độ văn hóa, giáo dục và hoàn cảnh xã hội. Ngay cả trong phạm vi một quốc gia, chúng ta cũng thấy ở các đô thị cư dân đông nghẹt, ngược lại các làng mạc thì thưa thớt. Rồi còn hố cách biệt giữa giàu, nghèo, giữa có học với mù chữ, lại đa dạng về chủng tộc và ngôn ngữ nữa.
Đoàn người không biết Chúa mỗi ngày một đông hơn các tín hữu chân thành. Bước vào cánh đồng bao la này là nhà truyền giáo : linh mục, tu sĩ hoặc giáo dân. Là người ngoại nhập, nên họ gặp trở ngại vì khác chủng tộc, ngôn ngữ và văn hóa. Kinh nghiệm và được huấn luyện trước sẽ giảm bớt trở ngại, nhưng khó hội nhập hoàn toàn.
Khi mới vào một lãnh thổ thì nhà truyền giáo phải lập các cộng đoàn tín hữu ở đó. Rồi sau này các cộng đoàn này lớn mạnh thành Giáo Hội địa phương tự túc. Đến lượt họ làm nhiệm vụ truyền giáo ấy.
Ban đầu, họ cố gắng để mau chóng mở rộng tiếp xúc và kết thân bạn hữu. Nếu thuận tiện, họ sẽ lập các cơ sở cần thiết như trường học, bệnh xá, nhà thương để làm nhân chứng cho Đức Kitô và dễ gặp gỡ mọi người. Tân tòng sẽ được tuyển làm giáo lý viên và cộng tác viên của Giáo hội.
Nhà truyền giáo hoặc giáo lý viên địa phương chỉ có thể đào tạo cho ai muốn học. Tạo nên lòng ham muốn đó, nói đúng ra, là biến đổi họ rồi. Nhờ Chúa quan phòng, ơn hoán cải thường do sự gặp gỡ giáo dân trước và chỉ sau đó mới tiếp xúc với linh mục. Sự việc diễn tiến tuần tự trước là bạn sau mới thân tình. “Tôi đến vì tôi quen một giáo dân tốt”, các nhà điều tra thường nói với Linh mục như thế.
Đối với nhà Truyền giáo quá bận rộn với công việc thì Legio tự nguyện trở thành dụng cụ trắc nghiệm nhằm chinh phục người muốn hoán cải và bảo đảm lòng trung thành của họ. Nhờ có Cha sở tham gia làm Linh giám, Legio địa phương sẽ đào tạo, hình thành và đưa người anh em tân tòng đi truyền giáo liên tục và có hệ thống. Khác hẳn với vị truyền giáo, hội viên Legio không phải từ ngoài xâm nhập vào xã hội. Xưa nay họ vẫn có mặt tại chỗ, nếu được đào tạo đúng mức, họ có đủ khả năng trở thành ánh sáng, muối men cho cộng đồng như các Kitô hữu tiên khởi.
555 (579)
Phát triển Legio.
Một khi số hội viên gia tăng cả phẩm và lượng, cần phải huấn luyện thích đáng cho việc triển nở các Prỉsidia sau này. Thiển nghĩ mỗi Linh giám có thể đảm trách hơn một Prỉsidium. Cũng có thể dùng các giáo lý viên, và người có kinh nghiệm và khả năng làm Trưởng để huấn luyện và truyền hứng khởi cho các Prỉsidia. Lập một Prỉsidium mới có nghĩa là có từ 10 đến 15 chiến sĩ đức Tin lên đường. Thành công trong phát triển bao nhiêu Prỉsidia có nghĩa là các Linh mục thành công gia tăng bấy nhiêu người làm việc tông đồ. Kết quả, linh mục đóng vai trọng yếu tương tự sứ vụ Giám Mục trong địa phận. Về phần Giám Mục, Người sẽ thấy mình đang có trong tay một hệ thống những chiến sĩ đức Tin kiên cường và đông đảo. Nhờ họ, Người truyền đạt Phúc Âm đến từng người trong giáo phận.
Điều chúng tôi trình bày trên đây không phải là một kế hoạch không tưởng, nhưng là kết quả của nhiều năm kinh nghiệm trên các cánh đồng Truyền giáo qua những điều kiện xã hội khác nhau.
556 (580)
Trao trách nhiệm cụ thể cho từng hội viên.
Cần chỉ định cho mỗi người một khu vực hoạt động rõ ràng. Một nơi rộng lớn nhiều việc, cần nghiên cứu nên cắt ra nhiều vùng giao cho từng hội viên Legio ; mỗi người phải nghiêm chỉnh chịu trách nhiệm hoàn thành công tác giao phó cho mình. Mỗi người phải ý thức rằng, khi thi hành nhiệm vụ, họ phải tự đặt mình dưới sử dụng của linh mục. Qua Người họ thông dự vào sứ mệnh chung của Giáo Hội. Một trong những mục tiêu cơ bản của Legio là huấn luyện sao cho mỗi hội viên nhập tâm tinh thần trách nhiệm nói trên và mỗi người phải thích ứng với tinh thần đó.
Phận vụ Legio trong các xứ truyền giáo gồm có :
1) Chuẩn bị các cuộc thăm viếng định kỳ có tính cách truyền giáo ở những vùng xa xôi hẻo lánh.
2) Dạy giáo lý, tìm thêm dự tòng và khuyến khích họ đi học đều.
3) Động viên những người Công giáo trễ nải nguội lạnh sống đạo sốt sắng.
4) Điều khiển những sinh hoạt tập thể mang tính phụng vụ.
5) Hoạt động như các thừa tác viên ngoại lệ.
6) Quan tâm đến các nhu cầu thiêng liêng của những người hấp hối, và chôn cất họ theo nghi thức Công giáo. Mỗi địa phương có những nhu cầu gợi ra những cơ hội làm công tác bác ái, phần hồn phần xác khác.
557 (581)
Hội viên Legio có bắt buộc phải hiểu biết sâu sắc về giáo lý không ?
Mỗi loại công tác đòi hỏi chúng ta phải có một trình độ hiểu biết khác nhau. Tất nhiên, để thu phục nhiều người hoán cải và khích lệ họ bền đỗ thì chỉ cần có những hiểu biết cơ bản về giáo lý cũng đủ rồi. Sự kiện Giáo hội thời sơ khai vẫn lan rộng mau lẹ đã hùng hồn minh chứng lập luận nầy. Rất nhiều trường hợp người hoán cải thuộc thành phần thiểu số, yếu đuối hoặc bị áp bức trong một xã hội cường quyền, giàu có và văn minh.
Ở đây, Thủ Bản không nói tới nền học vấn thông thường ; luôn rất cần thiết ; nhưng muốn nói tới nỗ lực của tâm hồn nầy truyền thông cho tâm hồn kia thứ tài sản thiêng liêng nhất mà mình có, đó là đức tin. Tất nhiên khi trình độ kẻ cho và người nhận ngang nhau thì việc truyền giáo sẽ đạt hiệu lực tối đa, nhưng kinh nghiệm cũng cho thấy có thể vượt qua các rào cản về xã hội không mấy khó khăn. Một người Công giáo xác tín, dù kiến thức giáo lý chưa hoàn hảo, nhưng có một đức Tin kiên vững, cũng có khả năng tạo nên ấn tượng cho tâm hồn người mình muốn chinh phục. Tuy nhiên họ sẽ không thi thố hết khả năng, nếu họ không có một tổ chức vững mạnh hậu thuẫn, hoặc không có một nguồn lực mạnh mẽ nào khác thúc đẩy. Chính hệ thống Legio là lực đẩy đó với những phân công, phân nhiệm trong công tác tông đồ. Dựa theo việc đào tạo chính quy, hội viên Legio với những sáng kiến cá nhân có thể nhận thấy những cơ hội thuận tiện khác để truyền đạt đức Tin.