Đọc Thủ Bản 05/04 – 11/04/2020: Hãy đi giảng Phúc âm – Số lề #528-533

2. LEGIO PHẢI TRỰC TIẾP VỚI TỪNG LINH HỒN

528 (523)

“Trong nhà thờ người ta chen nhau lên bàn Rước Lễ. Việc này không thể bịt mắt chúng ta vì có những cảnh trái ngược kinh hoàng trong các gia đình:

Thứ nhất, nhiều nhà hư hỏng hết, có khi cả xóm trụy lạc đáng sợ; tội lỗi đang ngự trị như nhà vua giữa triều đình.

Thứ hai, tội lỗi được che đậy dưới lớp áo đạo đức còn tồi tệ hơn là những tội lỗi công khai.

Thứ ba, ngoài những trái thối, như quanh Biển Chết mà mắt chúng ta nhìn thấy, đừng quên rễ của nó đang ăn vào mọi góc của khu vực nói trên. Xóm nào bắt đầu biếng nhác, các thứ tội nhẹ sẽ xuất hiện công khai. Đó là dấu đã sa đọa. Quét nhà ra rác, càng làm việc càng thấy bao nhiêu việc phải làm: như an ủi cụ già bệnh hoạn nghèo nàn ở bệnh xá; dạy con trẻ làm dấu Thánh giá và thưa câu giáo lý: “Hỏi ai dựng nên trời đất muôn vật ?”. Những việc làm ấy tuy đơn sơ nhưng chính là đòn chí tử giáng xuống guồng máy của tội lỗi.

Thứ bốn, người tông đồ đang nản lòng trước cảnh tội lỗi đáng sợ, chớ nản chí dù cả vùng là ổ tội ác, vẫn còn có thể cứu vãn. Đây là phương thuốc, liều thuốc duy nhất: là hãy nhẫn nại áp dụng hệ thống giáo lý của Hội Thánh.

529 (524)

“Dưới cái vỏ sa đọa, mới nhìn vào làm cho ta phát rợn người, thế mà còn tiềm tàng một đức Tin. Khi gặp dịp may nó sẽ sống lại ; nếu có ai làm cho họ xiêu lòng, khích lệ và nói điều phải cho họ nghe, cho họ biết rằng dù sao vẫn còn có thể sửa chữa. Nhờ đó, người sa đọa đến đâu ta vẫn có thể đưa họ tới Linh mục để nhận các phép Bí tích. Xưng tội, Rước Lễ xong là đời họ đổi mới và sẽ không bao giờ sa đọa lại hoàn toàn như cũ. Thường thì Chúa Kitô đã thực hiện quyền năng của Chúa qua Bí tích, khiến ta phải sững sờ vì có những sự thay đổi nếp sống gần như phép lạ, tuy không rõ ràng như Augustinô và Mađalêna.

530 (525)

“Có người không trở lại hẳn, vì tật cũ quá mạnh, và họ không chống lại nổi với áp lực ngày trước. Có khi họ ngã, rồi lại chỗi dậy, tuy họ không sống như một công dân đứng đắn, nhưng ơn thiêng bề trong cũng tạm đủ để dẫn họ về đến bến. Như thế, kể là kết quả tốt.

531 (526)

“Nếu ta có đức Tin dũng cảm và chân thành, dù làm việc ở những nơi tội lỗi tối tăm, ít khi gặp thất bại. Việc phải làm đơn giản như sau : liệu sao cho họ xưng tội, rước Lễ, và mang áo Đức Mẹ, ảnh Thánh giá. Chúng ta sẽ thấy tội lỗi tan dần trước mắt ta. Làm việc lành ở đâu, là nâng cao mức sống đạo ở đó ; chỉ cần chọc thủng phòng tuyến địch bất cứ ở tại điểm nào. Tùy cơ ứng biến. Đây sáu gia đình ở một gian nhà, không ai chịu xưng tội, rước lễ và nói sao cũng không nghe. Chúng ta chỉ cần làm sao cho một gia đình, một gia đình thôi, nhận làm một việc lành đừng khó khăn quá, như Tôn Vương Thánh Tâm. Vậy là nắm thế công rồi, vì gia đình này sẽ nhận làm nhiều việc lành khác một cách can đảm hơn, các gia đình khác sẽ bắt chước. Nếu xưa họ làm gương xấu lôi nhau xuống, nay họ sẽ làm gương lành nâng cao đời sống của nhau” (Lm. Michel Creedon, Linh giám đầu tiên của Concilium)

532 (527)

“Tướng cướp đã chiếm nước Thiên đàng. Trước đó chưa hề ai được nghe Chúa hứa như đã hứa với ông, dù Abraham, Isaac, Giacóp, Môsê, các Tiên tri, các tông đồ. Tướng cướp đã qua mặt các vị tất cả, vì đức Tin của ông mạnh hơn đức Tin của tất cả. Thấy Chúa Giêsu chịu nhục hình mà ông thờ lạy như Chúa trong vinh quang. Thấy Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên khổ giá mà ông cầu xin như Vua ngự trên ngai vàng. Hỡi người trộm cướp đáng thán phục ! Thấy Người chịu đóng đinh, mà ông tuyên xưng là Đức Chúa Trời !” (Thánh Gioan Kim Khẩu).

3. QUAN HỆ ĐẶC BIỆT VỚI CÁC HỘI THÁNH ANH EM CHÍNH THỐNG

533

Việc đem Tin Mừng Đức Giêsu Kitô tới mọi người, theo lời Đức Phaolô VI, là phần vụ thiết yếu của Hội Thánh (EN : 14), việc này liên hệ chặt chẽ với lời cam kết long trọng của Hội thánh. Cam kết đẩy mạnh hòa giải và hiệp nhất các Tín hữu. Đến đây chúng ta nhớ lại lời Đức Giêsu Kitô cầu nguyện tại bữa Tiệc ly : “Xin cho họ nên Một. Lạy Cha, xin cho họ nên Một trong Cha Con Ta, như Cha trong Con và Con trong Cha, để thế giới tin rằng Cha đã cử Con đến” (Ga 17,21).

Tiếp nối Công Đồng Vaticanô II (1962-1965), sự hiệp nhất các tín hữu là một trong các ưu tiên hàng đầu của Giáo Hội Công Giáo thời nay, vì Công đồng nêu rõ : “Sự chia rẽ giữa các Kitô hữu công khai phản lại ý muốn của Đức Kitô, làm gương xấu cho thế giới, và gây tổn hại cho chính nghĩa chí thánh là rao giảng Phúc Âm cho mọi tạo vật”.

Do văn mạch trên, phần trích dẫn Tông thư của Đức Gioan Phaolô II “Ánh sáng Phương Đông” viết để hỗ trợ việc phục hồi hiệp nhất với tín hữu Đông Phương, thật rất quan trọng.

“Vì thực ra, chúng ta tin truyền thống cổ xưa đáng kính của Hội Thánh Đông phương là di sản bất khả khuyết của Hội Thánh Chúa Kitô. Nhu cầu đầu tiên của người Công Giáo là phải thông thạo truyền thống Đông phương để được nuôi dưỡng và để khích lệ tiến trình hiệp nhất cách hết sức hoàn hảo cho mỗi bên. Các anh chị em tín hữu Đông phương biết rất rõ về các truyền thống này cùng với anh chị em Chính thống. Hội thánh Công Giáo theo truyền thống Latinh cũng phải hoàn toàn hòa nhập với kho báu Đông Phương, và như thế sẽ cùng với Đức Giáo Hoàng cảm thấy khao khát mãnh liệt, cho Hội Thánh Công Giáo được phục hồi cả Hội Thánh và cả thế giới, không phải chỉ biểu lộ bằng một truyền thống duy nhất, càng không phải chỉ là cộng đồng này mâu thuẫn với cộng đồng kia, nhưng là mong cho tất cả chúng ta có quyền thừa hưởng đầy đủ gia nghiệp do Chúa mạc khải nguyên vẹn cho Hội Thánh toàn cầu, được bảo tồn và phát triển trong Hội Thánh, Đông Phương cũng như Tây Phương”.

Hơn nữa, Đức Thánh Cha nói về các Giáo hội chính thống như sau : “Luôn luôn có mối dây liên kết chặt chẽ gắn liền chúng ta với họ. Hầu như mọi sự chúng ta có như nhau ; và nhất là chúng ta đều mong ước Hiệp nhất”.

Các Giáo Hội Chính thống này quả thực là Giáo Hội anh em, chúng ta phải ra sức tìm cách hòa giải và hợp nhất giữa hai bên theo ý của Đức Kitô và theo đúng chỉ dẫn của tài liệu “Hiệp nhất nên một” của Công Đồng Vaticanô II.

Trong các phần sau của chương 40 này, chúng ta nói về việc hoán cải các anh chị em ngoài Công giáo, chứ không nói về anh chị em Chính thống.

3 Bis. TÌM ĐƯA NGƯỜI VỀ VỚI HỘI THÁNH

533 bis (534)

Đức Piô XI long trọng tuyên bố : “Lý do sống còn của Hội Thánh là mở rộng Vương quốc Chúa Kitô trên thế giới, để mọi người cùng hưởng ơn cứu chuộc”. Do đó, thật đáng buồn, chúng ta là người Công giáo sống giữa bao nhiêu người ngoại đạo, mà sao ít lo hoặc không cố gắng tí nào để đưa họ về với Hội Thánh. Đôi khi, viện cớ phải chăm sóc đoàn chiên quá nặng nề, để bỏ qua việc đem những con chiên ngoài vào ràn. Kết cuộc, chiên trong ràn tìm lối chạy ra, chiên ngoài ràn đã chạy xa mất dạng thì có lạ gì.

Chia sẻ Bài này:

Related posts