105 (291)
Ðức Maria đã lo nuôi dưỡng, yêu mến thân Chúa Con xưa thế nào, thì nay Ðức Mẹ cũng chăm sóc các chi thể từ vị cao cấp đến giáo hữu thường của Nhiệm Thể như vậy. Khi “các chi thể tương trợ nhau” (1Cr 12,25), dù ta không chú ý hoặc không ngờ ta vẫn hoạt động với Ðức Mẹ, dưới mắt Ðức Mẹ. Ta tận tình với Ðức Mẹ đang nỗ lực từ ngày Truyền tin đến giờ, Ðức Mẹ luôn luôn bận rộn. Vậy, đâu phải người Legio xin Ðức Mẹ giúp mình, nhưng chính Ðức Maria đã mời ta đến giúp Người trong việc chăm sóc các chi thể. Ðây là phận sự riêng của Ðức Mẹ, nếu Ðức Mẹ không vui lòng cho phép, ta không thể làm. Những ai muốn lo giúp anh em mình mà lại thu hẹp địa vị và đặc quyền của Ðức Mẹ, thì ta phải chứng minh cho họ thấy hiệu quả hữu lý của giáo thuyết Nhiệm thể này. Hơn thế nữa, giáo thuyết này còn dạy cho những ai vừa chấp nhận Kinh thánh, nhưng họ lại phủ nhận thiên chức Ðức Mẹ Chúa Trời. Họ phải nhớ là Chúa Kitô đã quý mến và tuân phục Mẹ (Lc 2,51), là Ðầu, Chúa làm gương cho các chi thể. “Phải thảo kính…. Mẹ của con” (Xh 20,12). Luật Chúa dạy phải hiếu thảo với Ðức Mẹ. muôn đời sẽ khen Ðức Mẹ là ngườiø có phước (Lc 1,48).
Ai đi với Ðức Mẹ mới có thể phục vụ anh em, ai có tinh thần của Ðức Mẹ mới có thể làm việc này một cách tốt đẹp. Liên kết với Mẹ Maria càng chặt chẽ, ta càng thi hành đúng đắn luật Chúa dạy : Mến Chúa Yêu Người (1Ga 4,19).
Phận sự đặc biệt của hội viên Legio trong Nhiệm Thể là chỉ dẫn, an ủi và soi sáng anh em. Phải hiểu rõ địa vị của Hội Thánh trong Nhiệm Thể, ta mới biết cách thi hành phận vụ nói trên. Phải hiểu Chúa Kitô đang sống trong Hội Thánh, và đang nhờ Hội Thánh để tiếp tục sứ mạng của Chúa. Biết thế, ta mới hiểu rõ địa vị và đặc ân của Hội Thánh, nào là ơn thống nhất, quyền bính, sức phát triển, những phép lạ, những vinh quang, ơn tha tội…v.v…Hội Thánh đang diễn lại cuộc đời Chúa Cứu Thế qua các giai đoạn của đời Người.
107 (293)
Mỗi tín hữu trong Giáo Hội đều được Ðức Kitô, Thủ lãnh Giáo Hội, mời gọi đóng vai trò trong công việc của Nhiệm Thể. Chúng ta đọc trong Hiến Chế Ánh sáng muôn dân: “Ðức Yêsu Kitô trong khi thông đạt tinh thần của Người cho anh chị em mình đã kêu gọi tất cả các dân tộc trở nên Nhiệm Thể. Nơi đó cuộc sống của Ðức Kitô được thông chia cho các tín hữu. Các chi thể trong thân thể dù nhiều chỉ là một thân thể, các tín hữu trong Ðức Kitô cũng thế (1Cor 12.12). Trong việc xây dựng Nhiệm Thể, các chi thể và phận sự cũng đa dạng như thế. Thần Trí Chúa ban rộng rãi đặc sủng mời gọi mỗi người đảm nhận các tác vụ và hình thức khác nhau khi phục vụ (CL 20).
Ðể đánh giá cung cách phục vụ thiết yếu của hội viên trong Nhiệm Thể, chúng ta ngắm lên gương Ðức Mẹ, Người được mô tả là quả tim của Nhiệm Thể. Chức năng của Ðức Mẹ y hệt quả tim trong một thân thể là chuyển máu lưu thông khắp các động mạch và tĩnh mạch trong Nhiệm Thể để Giáo Hội sống và lớn mạnh. Trên hết đó là công việc của tình thương.
Vậy hội viên hợp tác với Ðức Mẹ trong khi làm việc tông đồ, cần liên kết với Ðức Mẹ trong vai trò thiết yếu làm Trái tim của Nhiệm Thể.
108 (294)
Mắt không thể nói với tay : “Tôi không cần bạn” ; đầu cũng không thể nói với chân : “Tao không cần chúng mày !” (1Cr 12,21). Nghe lời trên, ta mới hiểu rõ việc ta tham gia hoạt động tông đồ, thực là quan trọng. Không những ta là Thân phải lệ thuộc Ðầu, nhưng đầu cũng tùy ở thân, nên Chúa Kitô sẽ nói với ta : “Cha cần con giúp Cha trong việc cứu rỗi và thánh hóa các linh hồn”. Thánh Phaolô có ý nói đến sự lệ thuộc giữa Ðầu với Thân, khi người viết : “Tôi chịu cho đủ trên thân tôi những gì còn thiếu trong sự đau khổ của Chúa Kitô” (Cl 1,24). Lời lẽ thực xúc động, Thánh Phaolô không cho rằng công cứu chuộc của Chúa Kitô chưa hoàn toàn, song có ý nhấn mạnh là mỗi phần trong thân phải đóng góp điều mình phải góp vào công cuộc cứu chuộc của anh em và của chính mình (Pl 2,12).
109 (295)
Hãy nói cho hội viên biết sứ mạng cao cả của họ ở trong Nhiệm Thể, là bù đắp phần còn thiếu trong sứ mạng của Chúa Kitô. Nghe vâïy người Legio phải hiểu là : Chúa Giêsu đang chờ, cần có chúng ta để chiếu dọi ánh sáng và tin tưởng đến cho đời đen tối, đem an ủi đến kẻ sầu khổ, chuyển sự sống cho người đã chết trong tội lỗi. Không cần nhắc, chúng ta cũng phải nhớ rằng : trong cương vị này, ta có bổn phận phải noi gương yêu thương và vâng lời tuyệt hảo của Chúa Kitô với Mẹ Chúa, vì là Thân, ta phải bắt chước Ðầu.
110 (296)
“Thánh Phaolô quả quyết với chúng ta là người bù đắp phần còn thiếu sót trong cuộc tử nạn của Chúa Kitô. Là Tín hữu chân chính, ta được nói sự thực này : là phần tử nhờ ơn Chúa đã được kết hợp với Chúa Kitô, tôi phải tiếp tục để hoàn thành bằng mọi hoạt động theo tinh thần của Chúa Kitô, những công tác Chúa đã làm trong những năm Chúa sống dưới trần gian. Tôi cầu nguyện tức là tôi tiếp theo lời nguyện cầu của Chúa ngày xưa khi ở thế gian. Tôi hoạt động, tức là thi hành những gì khi sống Chúa chưa nói, chưa làm xong. Nhiều Kitô hữu tức là nhiều Giêsu đang tiếp tục sống và hành động qua không gian và thời gian, tất cả đều làm việc và chịu khó trong tinh thần của Chúa Kitô, một cách sẵn sàng thánh hảo như Chúa vậy” (Thánh Gioan Eudes : “Vương quốc Chúa Kitô”).