PHỤ LỤC 3
TRÍCH GIÁO LUẬT VỀ NGHĨA VỤ
& QUYỀN LỢI CỦA GIÁO DÂN
579 (627)
Điều 224 :
Ngoài những nghĩa vụ và quyền lợi chung cho mọi Kitô hữu và những gì ấn định trong các điều luật khác, giáo dân còn có những nghĩa vụ và quyền lợi sẽ liệt kê trong các điều thuộc tiết này.
Điều 225 :
1. Vì các giáo dân cũng như mọi Kitô hữu, do Bí tích Thanh Tẩy và Thêm Sức, được Thiên Chúa sai đi làm việc tông đồ, hoặc riêng rẽ, hoặc tập họp trong các đoàn thể, có nghĩa vụ chung và quyền lợi nên họ phải ra sức dấn thân để mọi người trên khắp hoàn cầu hiểu biết và đón nhận Tin Mừng cứu độ của Thiên Chúa. Nghĩa vụ này càng cấp bách hơn trong những trường hợp, mà chỉ nhờ họ, người ta mới có thể nghe Tin Mừng và nhận biết Đức Kitô.
2. Mỗi người, tùy địa vị, có nhiệm vụ đặc biệt làm cho trật tự các thực tại trần thế thấm nhuần tinh thần Phúc Âm và trở nên hoàn hảo. Như thế, họ làm chứng cho Đức Kitô cách đặc biệt trong việc điều hành những thực tại trên và trong việc thi hành những nghĩa vụ trần thế.
Điều 226 :
1. Những ai kết hôn, theo ơn gọi riêng, có nghĩa vụ đặc biệt hoạt động để xây dựng dân Chúa bằng đời sống hôn nhân và gia đình.
2. Vì thế, trước hết cha mẹ có trách nhiệm lo cho con cái học hành theo đường lối Hội Thánh.
Điều 227 :
Các giáo dân được tự do trong các vấn đề trần thế như mọi công dân khác. Tuy nhiên, khi sử dụng tự do, họ phải liệu để hành động của họ thấm nhuần tinh thần Phúc Âm và phải lưu ý tới giáo lý do Huấn quyền Hội Thánh trình bày. Hãy cẩn thận đừng trình bày ý kiến riêng mình như là giáo lý của Hội Thánh, trong những vấn đề còn có nhiều ý kiến khác nhau.
Điều 228 :
1. Các vị Chủ Chăn có thể thánh hiến những giáo dân có khả năng thích đáng vào các giáo vụ và các phận sự mà họ có thể chu toàn theo luật định.
2. Các giáo dân ưu tú về kiến thức, về khôn ngoan và hạnh kiểm, có thể làm chuyên viên giúp các vị Chủ Chăn hoặc cố vấn trong các Hội đồng, chiếu luật.
Điều 229 :
1. Các giáo dân có nghĩa vụ và quyền lợi học hỏi giáo lý Kitô giáo theo khả năng và địa vị riêng của mỗi người, để có thể sống theo giáo lý ấy và chính mình rao giảng và biện hộ nếu cần, và để có thể góp phần vào hoạt động tông đồ.
2. Họ cũng có quyền học hỏi đầy đủ hơn về các môn thánh thiêng trong các đại học hay các phân khoa của Hội Thánh hoặc trong các học viện khoa học tôn giáo, ở đó họ theo các lớp và đạt bằng đại học.
3. Cũng vậy, các giáo dân có tư năng được giáo quyền hợp pháp ủy nhiệm dạy các môn thánh thiêng nhưng vẫn giữ nguyên những qui định được đặt ra về khả năng thích hợp phải có.
Điều 230 :
1. Các nam giáo dân hội đủ tuổi và các đức tính được ấn định do sắc lệnh của Hội Đồng Giám Mục có thể lãnh nhận một cách vĩnh viễn những tác vụ Đọc Sách và Giúp Lễ, bằng một nghi thức phụng vụ đã được qui định, nhưng việc trao các tác vụ đó không ban cho họ quyền được Hội Thánh cấp dưỡng hoặc thù lao.
2. Các giáo dân có thể được tạm thời chỉ định chu toàn nhiệm vụ Đọc Sách trong những hoạt động phụng vụ ; cũng vậy, mọi giáo dân có thể chiếu luật thi hành những nhiệm vụ dẫn giải viên, ca viên hoặc các nhiệm vụ khác.
3. Ở đâu Hội Thánh cần, vì thiếu các thừa tác viên, các giáo dân, mặc dầu không có tác vụ Đọc sách hay Giúp lễ, cũng có thể thay thế họ làm một số nhiệm vụ, như thi hành thừa tác vụ Lời Chúa, chủ tọa các buổi kinh phụng vụ, ban Bí tích Thánh Tẩy và cho rước lễ, theo những qui định của luật.
Điều 231 :
1. Giáo dân nào được nhận làm một dịch vụ đặc biệt trong Hội Thánh cách vĩnh viễn hoặc tạm thời, buộc phải có một sự huấn luyện thích hợp cần thiết để chu toàn nhiệm vụ của mình cách chính đáng và buộc phải chu toàn nhiệm vụ ấy cách ý thức, tận tụy và cần mẫn.
2. Vẫn giữ nguyên Điều 230 S.1, các giáo dân ấy có quyền hưởng thù lao xứng đáng hợp với địa vị của mình, để nhờ đó, có thể đáp ứng thích đáng các nhu cầu riêng và của gia đình, theo các qui định của luật dân sự. Cũng vậy, họ có quyền được bảo đảm cách xứng đáng về quỹ dự phòng, an ninh xã hội và trợ cấp y tế.