PRAESIDIUM
#166 (8-12)
8. Các ủy viên sẽ tường trình cho Praesidium của mình về mỗi cuộc họp ở Curia, để hội viên theo dõi những diễn tiến trong buổi họp Curia.
9. Linh giám do Cha Sở hay Đức Giám mục chỉ định, thời gian thi hành nhiệm vụ sẽ tùy các Đấng quyết định.
Một Linh giám có thể điều khiển nhiều Praesidia. Khi Linh giám không tới dự buổi họp, thì Ngài có thể nhờ một Linh mục hay Tu sĩ hoặc trong trường hợp đặc biệt một hội viên đủ tư cách (gọi là Tribunus) thay thế.
Tuy phải báo trước cho Linh giám biết buổi họp, nhưng nếu vắng Ngài buổi họp vẫn thành.
Linh giám thuộc hàng Ủy viên của Praesidium, Ngài sẽ nâng đỡ mọi quyền bính chính thức của Legio.
10. Linh giám có quyền quyết định về các vấn đề thuộc phạm vi tôn giáo hay luân lý nêu ra trong buổi họp của Praesidium ; Ngài có quyền phủ quyết và đình chỉ mọi hoạt động của Praesidium, để chờ đợi quyết định của Cha Sở hay Đức Cha địa phận.
“Quyền này là thứ vũ khí cần thiết ; nhưng như các thứ vũ khí, khi dùng nên cẩn thận và khôn ngoan, vì nó là loại khí cụ phá đổ hơn là bảo vệ. Trong hội đoàn đã được xây dựng và điều khiển hẳn hoi, thì không bao giờ cần phải dùng tới quyền này” (Civardi, Thủ bản Công giáo Tiến Hành).
11. Các ủy viên của Praesidium, trừ Cha Linh giám, đều do Curia chỉ định. Nếu không có Curia, thì Hội đồng liền cấp trên sẽ bổ nhiệm họ.
Tốt hơn đừng công khai bàn thảo về tài đức của các Ủy viên sắp chọn, vì có vài người biết đâu đang có mặt ở đó. Nếu thiếu một ủy viên, thời theo thủ tục này : Trưởng Curia, sau khi điều tra hẳn hoi (nhất là hỏi ý kiến Cha Linh giám của Praesidium đó) để cử một người có tư cách hơn, đề nghị họ lên Curia, Curia sẽ chỉ định người ấy, nếu xét là xứng đáng.
12. Ngoại trừ Linh giám, mỗi ủy viên được bổ nhiệm trong ba năm, có thể tái hạn trong ba năm nữa, nhưng tất cả không nên quá sáu năm trong một chức vụ. Khi hết nhiệm kỳ, Ủy viên không được tiếp tục thi hành phận vụ.
Bổ nhiệm một Ủy viên vào một chức vụ khác, hay cùng một chức vụ mà ở trong Praesidium khác sẽ kể như mới bổ nhiệm.
Sau khi thôi nhiệm vụ ba năm, ủy viên có thể nhận lãnh lại nhiệm vụ cũ trong Praesidium.
Bất cứ vì lý do nào một Ủy viên không phục vụ đủ ba năm, cũng sẽ coi như đã hết nhiệm kỳ kể từ ngày mà Ủy viên ấy thôi việc. Khi đó quy tắc thường lệ về việc tái bổ nhiệm vẫn áp dụng, nghĩa là :
a) Nếu ủy viên này thôi việc ở nhiệm kỳ một, tuy chưa mãn hạn, đương sự có thể được đề cử vào nhiệm kỳ hai.
b) Nếu thôi việc ở nhiệm kỳ hai, thì phải đợi hết hạn ba năm sau kể từ ngày thôi việc, đương sự mới có thể được chỉ định lại nhiệm vụ cũ.
“Phải quy định vấn đề nhiệm kỳ của các chức vụ theo những nguyên tắc chung. Trong các tổ chức – đặc biệt tổ chức tình nguyện của tôn giáo – phải mãi mãi canh chừng cái nguy hại hóa thành chai lỳ của toàn đội hay của một thành phần nào đó. Nguy hiểm này thực lớn lao. Thói thường của con người là lòng hăng hái nguội dần, nhiễm tánh làm chiếu lệ không canh tân phương pháp, đang khi những tệ đoan cần đả phá lại biến chuyển không ngừng.
Đà xuống dốc này làm cho công việc mất hiệu lực và lỏng lẻo, khiến cho tổ chức không còn hấp dẫn, không thể giữ lại những phần tử ưu tú nhất của mình xưa. Tổ chức ở trong tình trạng sống dở chết dở. Bất cứ với giá nào cũng phải giữ Legio cho khỏi cái nguy hại đó. Phải luôn luôn phát động tinh thần phấn khởi trong mỗi Hội đồng và các Prỉsidia.
Dĩ nhiên phải lo trước hết là các Ủy viên, vì họ là chính gốc sinh sự nhiệt thành, phải giữ luôn cho họ ngọn lửa hăng hái buổi đầu ; và cách tốt nhất là đổi việc để họ hăng hái mãi.
Ủy viên suy nhược, tất cả suy nhược. Họ mất ngọn lửa phấn khởi, cơ cấu họ chỉ huy cũng theo đà đó mà nguội dần. Nguy nhất là hội viên lại hài lòng tình trạng tồi tệ mà họ đã quen, cho nên nếu không có phương thuốc từ bên ngoài đưa vào, sẽ không thể cứu vãn.
Trên lý thuyết, quy luật ấn định việc bổ nhiệm lại khi hết nhiệm kỳ là phương thuốc rất hay. Nhưng trên thực tế, phương thuốc lắm lúc hóa vô hiệu, vì chính những hội đồng quản trị cũng không nhận ra tình trạng suy đồi đang hoành hành, nên khi hành sự, họ cứ để kéo dài nhiệm kỳ này sang nhiệm kỳ khác một cách máy móc.
Bởi thế, xem như chỉ có một liều thuốc chắc chắn hiệu nghiệm là phải đổi các Ủy viên, dù họ có công lao hay vì trường hợp nào khác. Lối hành động trong các Dòng tu là một gương mẫu rất tốt cho Legio, nên biết là hạn chế nhiệm kỳ trong thời hạn sáu năm liên tục là tối đa, với điều khoản là sau ba năm đầu cần phải bổ nhiệm lại” (Quyết định của Legio về nhiệm kỳ của Ủy viên).