Đọc Thủ Bản 08/11 – 14/11/2020: SỰ VỤ CỦA LEGIO – Trang 19 #7-11

SỰ VỤ CỦA LEGIO

1. “Hãy mang chiến phục của Thiên Chúa” (Ep 6,11)

7

Legio ngày nay mượn danh hiệu quân đội Rôma lừng danh trong nhiều thế kỷ, vì những đức tính trung kiên, can đảm, kỷ luật, nhẫn nại, lại thu lượm nhiều thành quả, nhưng quân đội này thường phục vụ những quyền lợi thấp hèn và không bao giờ vượt khỏi phạm vi trần tục. Tất nhiên, Legio Mariae không thể dâng cho Nữ Vương của mình một đoàn thể hữu danh vô thực (vì như thế khác nào dâng một tác phẩm mỹ thuật đã gỡ bỏ hết những trân châu, chỉ còn lại mỗi cái khung). Những đức tính cố hữu của binh sĩ Rôma chỉ là mức độ tối thiểu trong quân vụ của Legio. Thánh Clêmentê, nhờ Thánh Phêrô đưa vào đạo, là người cộng sự của Thánh Phaolô đã nêu gương quân đội Rôma cho Giáo hội bắt chước.

“Ai là kẻ thù? Họ là những kẻ dữ chống lại Thánh Ý Thiên Chúa. Do đó, chúng ta hãy cương quyết lao mình vào cuộc chiến đấu của Chúa Kitô và tự đặt mình dưới quyền chỉ huy cao cả của Người. Chúng ta hãy quan sát kỹ những kẻ phục vụ trong quân đội Rôma, dưới sự điều khiển của những vị chỉ huy quân sự, và lưu ý đến tinh thần kỷ luật, thiện chí và lòng phục tòng của họ khi thi hành lệnh trên. Không phải tất cả đều là cấp chỉ huy (Sư đoàn trưởng, Trung đoàn trưởng, Đại đội trưởng, hay cấp thấp hơn), nhưng mỗi người, trong phạm vi chức vụ đều tuân hành mệnh lệnh của Hoàng Đế và các sĩ quan cấp trên. Không thể có cấp trên mà không có người dưới, cũng như có người dưới mà không có cấp trên. Mọi sự hợp nhất cố hữu liên kết tất cả, hòa hợp lại vớiù nhau để mọi người đều trở nên hữu ích và được toàn thể trợ lực. Chúng ta hãy so sánh tổ chức này với thân thể ta : đầu không thể làm gì nếu thiếu đôi chân, trái lại chân chẳng đi tới đâu nếu không có đầu. Cho dầu những bộ phận bé nhỏ nhất trong con người cũng đều cần thiết và có giá trị đối với toàn thân. Như vậy, mọi phần tử đều hoạt động liên hệ với nhau, và cùng khép mình vào khuôn khổ chung để mưu ích cho toàn thân” (T. Clêmentê, Giáo Hoàng tử đạo : Thư gởi giáo hữu Côrintô năm 97 – Chương 36 và 37).

2. Họ phải là “Một hiến tế sống động, thánh hảo, đẹp lòng Thiên Chúa và không rập theo trần gian” (Rm12, 1-2)

8

Trên nền móng ấy, hội viên Legio phải xây đắp thêm nhiều đức tính khác nữa, và bởi mục đích càng cao trổi, thì đức tính càng phải siêu việt hơn, như đức quảng đại cao thượng, hưởng ứng lời Thánh nữ Têrêsa Avila : “Lãnh nhận rất nhiều mà hoàn trả lại rất ít, đó là một nỗi thống khổ làm cho tôi chết được”. Hội viên Legio khi nhìn cảnh tượng Chúa chịu đóng đinh, thấy Chúa hiến thân cho họ đến hơi thở sau hết và giọt máu cuối cùng, thì trong việc truyền giáo, phải cố gắng diễn lại việc hiến thân trọn vẹn như vậy.
“Hỡi dân ta, hãy nói cho Ta biết Ta còn phải làm gì nữa cho vườn nho Ta, mà Ta đã không làm?” (Is 5,4)

3. Không được trốn tránh những cực nhọc và lao phiền (2Cr 11,27)

9

Mãi mãi có những nơi mà lòng nhiệt thành của giáo hữu phải sẵn sàng đương đầu với khổ hình và cả cái chết nữa. Nhiều hội viên Legio đã đi con đường đó mà đạt vinh hiển khải hoàn. Tuy nhiên thông thường các hoạt động của họ bình thản hơn, yên tĩnh hơn, dầu vậy cũng là dịp để họ hy sinh đến mức anh hùng thực thụ. Khi hoạt động tông đồ, hội viên Legio khó tránh khỏi trường hợp nhiều người muốn tránh xa những gì gây ảnh hưởng tốt, họ tỏ ý khó chịu đối với những cuộc thăm viếng, dầu chỉ vì ý ngay lành. Nhưng không hề gì ! Có thể chinh phục tất cả những người đó, miễn là chúng ta có lòng kiên nhẫn và dũng cảm hy sinh.

Chúng ta có thể gặp những cái nhìn hiểm độc, mắng nhiếc, xua đuổi, nhạo cười và chỉ trích thù nghịch ; phải nhọc nhằn thể xác cũng như tinh thần, chua xót vì thất bại, vì vô ân bạc nghĩa, chịu rét buốt, mưa to gió lớn, cảnh chí rận, ngửi mùi hôi thúi ; vào những ngõ hẻm tối tăm, và những nơi dơ bẩn, gạt qua các cuộc vui chính đáng, tự chuốc lấy lo lắng và áy náy trong công tác ; lại bởi tâm hồn tế nhị, cho nên không khỏi buồn khi thấy cảnh nghịch đạo và trụy lạc ; chịu nỗi phiền muộn của tấm lòng tốt biết thành thật chia sẻ những đau khổ của anh em. Phải, những điều kể trên không có chi gọi là hấp dẫn đối với tự nhiên. Ta hãy ôn tồn lãnh nhận tất cả. Hơn nữa, hãy xem đó là nguồn vui, và hãy bền đỗ cho tới cùng. Cử chỉ anh hùng kiên nhẫn và vui tươi này, nếu đem ra cân, thiết tưởng không kém bằng chứng của tình yêu siêu việt, là dám chết cho kẻ mình yêu.

“Tôi biết lấy chi đền đáp cho Chúa vì những ơn Chúa đã ban cho tôi” (Tv 115,12)

4. Phải “đi con đường bác ái theo gương Chúa Kitô đã thương chúng ta và đã phó mình chịu chết cho chúng ta” (Ep 5,2)

10

Bí quyết thành công đối với đồng loại ở tại sự giao tiếp cá nhân với cá nhân, tiếp xúc với nhau bằng tình thương và thiện cảm.

Tình thương ấy không chỉ ở bề ngoài. Nó có thể chịu đựng những thử thách thường có trong tình bằng hữu chân thành ; tất nhiên nó đòi hỏi nhiều hy sinh. Một người mình vừa vừa thăm ở trong tù, bây giờ phải chào hỏi họ ở một nơi thanh lịch, giữa chốn đô hội ; cùng đi với những người ăn mặc tồi tàn, thân thiện bắt tay một dân phu, đành ngồi chung với họ quanh một chiếc bàn mộc mạc hay bẩn thỉu, những việc đó một số người sẽ cho là khó thực hiện. Tuy nhiên nếu trốn tránh những trường hợp đó, thì rõ ràng những cử chỉ trước kia để tỏ tình bằng hữu không thành thật, cuộc tiếp xúc sẽ đến giai đoạn tuyệt giao, và linh hồn kia trước đã được phấn khởi nhất thời, bây giờ họ rã rời chán nản và nghĩ rằng lúc trước mình đã lầm người.

11

Công việc đạt kết quả dồi dào thì tựu trung cũng do ý chí hiến thân hoàn toàn. Không có tâm trạng đó, việc tông đồ thiếu nền tảng. Nếu một hội viên Legio đặt giới hạn cho lòng nhiệt thành của mình, họ tự bảo : “Tôi hy sinh đến mức nầy thôi, không xa hơn được nữa”, thì hội viên ấy, dầu vận dụng đến nhiều nghị lực, chỉ thu lượm những kết quả không ra gì. Trái lại, nếu có thiện chí hiến thân, mặc dầu ít khi cần đến, hay chỉ cần để làm những việc thường đi nữa, thì cũng tạo được những công trình cao cả.

Chúa Giêsu hỏi thánh Phêrô : “Anh sẵn sàng thí mạng cho Thầy ư ?” (Ga 13,38)

Chia sẻ Bài này:

Related posts