558 (582)
Legio có nghĩa là Đức Maria đang hoạt động.
Việc đưa Legio vào hoạt động có nghĩa là đưa vào công cuộc truyền giáo hai sức mạnh vĩ đại :
1) Sức mạnh thứ nhất là một nguyên tắc tổ chức có hệ thống lại luôn nhằm tăng trưởng cả phẩm lẫn lượng.
2) Tiềm lực thứ hai chính là yếu tố mạnh nhất : tình Từ Mẫu của Đức Maria, một tình mẫu tử tràn đầy Mẹ dành cho Legio, và Người luôn rộng tay ban phát cho các linh hồn qua trung gian các hoạt động tông đồ tích cực của Legio. Quả vậy, nếu không liên kết với Mẹ Maria, chúng ta không thể lan tỏa ánh sáng đức Tin được. Dù cho cố gắng đến đâu mà không có Mẹ điều hành, thì chẳng khác nào có dầu mà không có đèn. Có thể vì ngày nay, người ta không đánh giá đúng mức vai trò của Đức Mẹ trong công cuộc truyền giáo, nên chúng ta không còn thấy những cuộc trở lại đạo diệu kỳ ồ ạt như thuở Giáo hội còn sơ khai nữa. Thuở ấy nhiều dân tộc đã trở lại tập thể cách nhanh chóng, đến nổi thánh Cyrillô không ngần ngại tuyên bố giữa Công đồng Êphêsô năm 431 rằng chính nhờ Mẹ Maria mà các dân tộc nầy được trở về với Chúa. Ấn tượng hơn, thánh Phanxicô Xaviê, vị quan thầy số một của các xứ truyền giáo, từng cho biết kinh nghiệm cá nhân của người : Nơi nào người quên đặt ảnh Đức Mẹ dưới chân Thánh Giá, dân chúng nơi đó đứng lên chống đối Phúc Âm người truyền giảng.
Nếu Legio làm công tác tông đồ cùng với Đức Mẹ, tức Đức Mẹ nhập cuộc với họ, thì hà cớ gì những kết quả tuyệt vời mà thánh Cyrillô từng ca tụng trên đây, lại không tái diễn, nghĩa là tại sao không thể có toàn bộ những vùng mênh mông, những quốc gia rộng lớn từ bỏ những lầm lạc để hân hoan đón nhận đức Tin Công giáo ? Tại sao không ?
559 (583)
– “Hoặc do tính tự phụ ngông cuồng, hoặc do ơn Trời huyền diệu linh hứng, điều nào trên đây đã xui khiến, đã thúc đẩy những kẻ làm nghề đánh cá bỏ thuyền, bỏ lưới ra đi tìm đường truyền đạo ? Tưởng cũng nên suy nghĩ thêm một chút về công việc của nhóm 12 ông nầy. Xưa nay chưa có một ông hoàng, bà chúa nào, chưa có một quốc gia nào, chưa một đế quốc hùng mạnh nào dám ấp ủ một kế hoạch vĩ đại như thế bao giờ. Không được ai trên đời giúp đỡ thế mà 12 ngư phủ xứ Galilê chia thế giới ra từng vùng để ra đi chinh phục. Họ có chương trình cụ thể, nghĩa là phải thay thế bằng được những tôn giáo sai lầm hoặc chỉ đúng một phần, bất luận Do thái giáo hay Ngoại giáo bằng một tôn giáo mới, một hy lễ mới, một giáo lý mới, chỉ bởi vì – theo họ nói – “Đấng” đã bị đóng đinh trên Thập giá tại Giêrusalem đã truyền lệnh cho họ phải làm như thế.” (ĐGM Bossuet).
MỘT VÀI MÔ HÌNH CÔNG TÁC KHÁC
Ngoài các công tác đã nêu, còn có ba hình thức hoạt động truyền giáo xa xôi khác mà chúng ta có thể nghiên cứu và tùy nghi áp dụng.
7. CUỘC HÀNH HƯƠNG VÌ CHÚA KITÔ
(PEREGRINATIO PRO CHRISTO)
560 (483)
Khát vọng muốn tiếp xúc với tất cả mọi linh hồn thì trước hết phải tiếp xúc với từng linh hồn trong tầm tay, quanh chúng ta. Không nên ngừng lại tại đó, mà phải tiến thêm bằng những bước ấn tượng hơn, vượt xa hơn, lướt ra khỏi cái vòng lẩn quẩn của đời sống bình thường. Mục tiêu ấy tưởng khó, nhưng trở thành dễ nhờ Legio có một mô hình hoạt động gọi là “Cuộc hành hương vì Chúa Kitô”. Sở dĩ gọi như thế vì mô hình nầy phỏng theo thiên anh hùng ca bất hủ của các Tu sĩ truyền giáo Miền Tây trong tuyệt tác của Montalembert. Đám đông bất khả chiến bại ấy “đã rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha” họ (St 12,1), băng qua châu Âu vào thế kỷ thứ 6 và thứ 7, để gây dựng lại đức Tin đã bị suy yếu lúc Đế quốc Rôma sụp đổ.
Thấm nhuần lý tưởng ấy, phong trào “Cuộc hành hương vì Chúa Kitô” gởi những toán Legio, gồm những người có thời giờ và phương tiện đến hoạt động trong khoảng thời gian nhất định, tại những vùng xa, nơi mà tình hình tôn giáo đã xấu đi, với “một sứ mạng tế nhị, khó khăn, bị khinh ghét là rao giảng Chúa Kitô, Đấng Cứu Chuộc nhân loại. Công việc ấy chỉ có thể do giáo dân đảm nhiệm” (ĐGH Phaolô VI). Những nơi gần không phải là đối tượng của cuộc hành hương này. Nếu có thể thì nên đến một nước khác, một vùng khác.
Hành động dấn thân vào một cuộc hành trình mạo hiểm vì đức Tin như thế, dù chỉ ngắn ngủi trong một hai tuần, có thể biến đổi lối suy nghĩ của hội viên Legio và làm tác động trí tưởng tượng sáng tạo của mọi người.
8. CƯ DÂN CỦA MẸ MARIA (INCOLAE MARIAE)
561 (483)
Đối với người quảng đại muốn dành nhiều thời gian làm việc truyền giáo xa nhà thì cống hiến một hay hai tuần có thể coi là quá ít. Những hội viên Legio không bị ràng buộc gia đình hoặc trở ngại khác, mà có khả năng lẫn phương tiện sống xa nhà trong 6 tháng, 1 năm hay hơn nữa, thì có thể xin Concilium, Senatus hoặc Regia chấp thuận công tác này trong thời gian thích hợp. Tất nhiên cũng cần được giáo quyền địa phương chấp nhận. Những hội viên tình nguyện như thế được gọi là “Incolỉ Mariae”, danh hiệu này nói lên cuộc sống tình nguyện hoạt động xa nhà trong tinh thần tận hiến nhờ Mẹ Maria.
9. EXPLORATIO DOMINICALIS
(CUỘC HÀNH TRÌNH NGÀY CHÚA NHẬT)
562 (483)
Cuộc hành trình ngày Chúa nhật (nguyên văn có nghĩa là Cuộc thám hiểm ngày Chúa nhật) còn gọi là cuộc hành hương ngắn hạn, hay là ngày Chúa nhật dành tìm kiếm các linh hồn.
Mỗi Praesidium trên thế giới ; cũng có thể một nhóm người được yêu cầu dành ra ít nhất một ngày Chúa nhật mỗi năm, để đến một nơi không quá xa, tránh khỏi mất thời giờ di chuyển. Cuộc hành trình này không hạn định 1, 2 hoặc 3 ngày. Đó là cơ hội để một số đông hoặc tất cả hội viên của Praesidium tham gia công cuộc thám hiểm tìm kiếm các linh hồn. Bởi vì ai cũng thấy rằng, ngay cả những hội viên có thiện chí nhất, không phải người nào cũng có điều kiện tham gia “Cuộc hành hương vì Chúa Kitô” nói ở phần trên.
Concilium thấy cần nhấn mạnh rằng : “Cuộc hành trình ngày Chúa nhật” là một mô hình hoạt động cốt dành cho Praesidium. Hội đồng các cấp và các Praesidia cần lưu ý điểm này khi muốn tổ chức “Cuộc hành trình ngày Chúa nhật”.