Đọc Thủ Bản 12/01 – 18/01/2020: Các Điều Cốt Yếu (tiếp theo) – Số Lề #465-470

2. PHẢI HẾT SỨC DỊU HIỀN VÀ VÔ CÙNG NHẪN NẠI VÌ LINH HỒN LÀ VÔ GIÁ

465 (528)

Phải loại bỏ mọi thái độ cứng cỏi, khi thi hành nhiệm vụ của Legio. Khi tiếp xúc với người tội lỗi và bị xã hội bỏ rơi, thì những đức tính căn bản để thành công, đặc biệt là tình thân ái và cách ăn ở hết sức dễ thương. Chúng ta thường lầm tưởng rằng, có một số trường hợp cần phải quở la, hoặc nặng lời, nhưng rồi bao giờ chúng ta cũng phải hối hận vì lời mình đã nói. Giận mất khôn. Nóng giận dễ lầm lẫn. Tại sao chúng ta không kịp thời nhớ ra rằng tại ta cư xử gay gắt, mà nhiều người trở nên cứng cỏi và ngoan cố hơn. Đúng tại lỗi chúng ta, có phiền trách hãy trách mình là hơn. Hoa lòng có nở, chỉ khi gặp sự ấm áp dịu dàng của người hiền lành biết thông cảm. Nếu gặp phải gương mặt lạnh như đồng, hoa kia sẽ khép chặt lại ngay. Hội viên Legio, trái lại, luôn luôn có thái độ dễ gây cảm tình, vui lòng nghe, và để hết tâm hồn theo dõi nỗi khổ tâm mà kẻ đối diện đang trình bày. Tâm tình dịu hiền có sức thu hút mãnh liệt, chỉ trong 5 phút, người lòng dạ chai đá đến đâu, cũng phải bỡ ngỡ và đầu hàng, đang khi kẻ khác dùng lối răn bảo và trách mắng cả năm cũng không thành công.

Những kẻ khó tính này dễ làm cho họ nóng giận đến cuồng bạo. Nếu chúng ta làm họ giận là thêm cớ cho họ phạm tội và càng cứng lòng. Muốn giúp đỡ họ phải dịu dàng. Như thế phải thực lòng nhẫn nại và hết sức tôn kính người ấy.

466 (529)

Mỗi người trong chúng ta hãy ghi vào lòng những lời Hội Thánh nói về Đức Mẹ : “Tâm tính tôi dịu ngọt hơn mật ong, tất cả con người của tôi còn ngọt hơn mật và hơn cả một áng mật” (Gv 24,20). Dù ai có làm việc lành theo lối cứng rắn, Legio nhất định theo một con đường dịu dàng dễ yêu để làm việc Chúa. Dù trong tình trạng nào, cũng đừng bắt Legio phải theo lối khác. Cứng rắn, Legio đã không làm nên việc, còn gây tác hại là khác. Có người nói : Chúa Giêsu sử dụng phép công bình và giao cho Mẹ quyền sử dụng tình thương xót. Vậy nếu chúng ta cứng rắn là ra ngoài đường lối của Đức Mẹ. Làm sao chúng ta có thể hy vọng hoàn thành công việc ?
Prỉsidium đầu tiên mang tước hiệu “Đức Bà Từ Bi” chỉ vì công tác đầu tiên của Prỉsidium nầy là đi thăm viện dưỡng lão do các chị Dòng Đức Bà Từ Bi điều khiển. Legio cứ ngỡ rằng chính họ chọn tước hiệu “Đức Bà Từ Bi” cho mình, nhưng có ai ngỡ rằng đó là tước hiệu mà chính Đức Maria dịu hiền tặng ban cho họ ; để qua đó Đức Mẹ chỉ cho họ thấy từ bi, hiền lành, dịu dàng phải là đặc tính nổi bật, là linh hồn của Legio vậy.

467 (530)

Thường Legio không nản chí khi phải theo đuổi một người tội lỗi. Đôi khi phải mất nhiều năm trời cực khổ để theo dõi một tội nhân ; nhưng cũng có đôi người cứng cỏi quá khiến cho sự tin tưởng và tình thương của chúng ta đối với họ dường như không còn. Xem chừng họ vượt bậc về tội lỗi : độc ác vô cùng, ích kỷ quá lẽ, nham hiểm không ai bằng : họ ghét Chúa hết sức và chống đối tôn giáo quyết liệt. Dường như trong họ không còn chỗ nào không chai đá, không còn tia sáng nào của ơn Chúa, không còn dấu vết siêu nhiên nào. Họ đáng ghét quá chừng, đến nỗi ai cũng tưởng rằng Chúa cũng phải ghét họ. Họ đã biến hình thành ác quỷ thật ghê gớm, làm sao Chúa có thể muốn kết hợp với họ qua phép Thánh Thể, làm sao tiếp họ vào Thiên đàng ?

Xu hướng tự nhiên là vậy, nên ai nấy đều bỏ mặc họ. Tuy nhiên Legio không có quyền làm thế. Thật ra lý luận của con người đều dễ sai lầm. Hẳn rằng Thiên Chúa vẫn cứ yêu thương linh hồn xấu xa, chai đá ấy, yêu thương cách mãnh liệt đến nổi Người đã phái Con Một mình là Chúa Giêsu đến với linh hồn ấy, và ngay trong giờ phút nầy đây, Người cũng đang ở trong linh hồn xấu xa ấy.

468 (531)

Còn một lý do nữa khiến chúng ta với giá nào cũng phải đeo đuổi người tội lỗi, như trình bày rất linh động của Đức Giám mục Benson : “Nếu tội nhân, lúc phạm tội họ chỉ đuổi xua Chúa mà thôi, chúng ta còn có thể để mặc họ làm chi thì làm ; nhưng theo lời kinh khủng của Thánh Phaolô cho biết, bọn họ còn bắt Chúa, đóng đinh Chúa lại và thi đua lăng mạ Chúa (Dt 6,6). Do đó, chúng ta không thể để mặc họ được”.
Nghĩ đến mà hãi hùng ! Như thế, là Chúa Giêsu của chúng ta đang ở trong tay họ. Nhất định rồi, suốt đời chúng ta phải luôn luôn mở trận đánh khốc liệt, phải bám sát tội nhân, phải đưa họ trở lại, phải cứu Đức Giêsu sắp chết ! Những gì là nhân phàm hãy ném hết vào lò đức Tin ; nhờ đức Tin chúng ta đang chứng kiến cảnh Chúa đang bị họ đóng đinh mà đau lòng. Thép cứng mấy cũng phải chảy trong lò cao độ, tâm hồn chai đá đến đâu cũng phải mềm khi gặp ngọn lửa của Tình Thương.

469 (532)

Có người hỏi một hội viên Legio nhiều kinh nghiệm trong việc theo đuổi những người tội lỗi sa đọa ở thủ đô rất lớn kia, xem có người nào vô vọng khó đưa họ trở lại không. Là hội viên Legio, anh không thể chấp nhận có hạng người vô vọng, anh đáp, nhiều người thực gớm ghiếc nhưng không mấy kẻ là vô vọng. Hỏi mãi, anh mới nhận thấy có một người hiện đang trong tình trạng gần như tuyệt vọng. Liền chiều hôm đó, anh phải đính chính ngay, vì bất chợt anh lại gặp người mà anh vừa kể. Sau ba phút nói chuyện, người kia trở lại như một phép lạ, và người này đã bền đỗ mãi.

470 (533)

Trong hạnh thánh Mađalêna Sôphia, có đoạn rất cảm động, diễn tả chí kiên nhẫn của Người trong việc đeo đuổi linh hồn tội lỗi. Suốt 23 năm, Người nhẫn nại dịu dàng bám sát một linh hồn mà Chúa đã cho Người gặp bất ngờ. Không nhờ Người, con chiên lạc này không bao giờ trở về ràn. Cô Julia này không biết quê ở đâu ; vì cô khai không lần nào giống lần nào. Nghèo, cô đơn, khó tính và hay đổi ý, chưa thấy ai như thế ; xảo quyệt, phản bội, đê tiện, nóng nảy gần như điên khùng. Tuy nhiên Sophia chỉ xem đây là linh hồn Chúa Giêsu đã tìm thấy giữa nơi nguy hiểm, mang về cho Người chăm sóc ; xem cô ta như con ruột, viết cho cô ta hơn 200 bức thư, khổ nhiều vì cô. Đáp lại, cô ta chỉ biết vong ân, nói xấu bà ; kiên tâm, bà luôn luôn tha thứ cho cô và không nản lòng. Julia đã chết trong Chúa 7 năm sau khi Thánh Sôphia qua đời. (Monohan : Thánh Madalêna Sôphia).

Chia sẻ Bài này:

Related posts