Đọc Thủ Bản 12/11 – 18/11/23: Chăm Sóc Người Cùng Khổ và Người Bị Bỏ Rơi (tiếp theo) – trang 310 #404-407

404 (408)

Giúp đỡ người sa đọa bị xã hội chê bỏ là việc khó khăn và lâu dài. Điểm chính là phải nhẫn nại hết sức. Đây ta nâng dậy hạng người đã quá nhiều lần sa ngã. Áp dụng kỷ luật với họ ngay từ đầu sẽ không gây tác dụng gì. Dùng lối nghiêm khắc, không bao lâu, ta mất hết các người cần phải điều trị, chỉ còn lại vài bệnh nhân ít cần chăm sóc. Ở đây, ta phải làm việc theo nguyên tắc đảo ngược giá trị, nghĩa là ta hết sức quí trọng hạng tệ nhất, dù người lạc quan cũng mất hy vọng, và ngay lúc đầu, hạng tệ nhất này với cái óc suy đồi, tấm lòng chai đá, đúng là hạng người đáng bỏ rơi. Nhưng, dù gặp thái độ cứng đầu, vong ân, việc chúng ta làm như thất bại, chúng ta phải quyết liệt bền chí xây dựng, cho dù họ có đê tiện, độc ác, dễ ghét, bị xã hội cho vô sổ đen và ruồng bỏ, đày họ biệt xứ. Lắm khi chúng ta phải hy sinh suốt đời để xây dựng họ.

405 (409)

Làm việc này với ý tưởng trên, đòi ta phải có những đức tính anh hùng với cái nhìn thuần túy siêu nhiên. Phần thưởng cho bao công lớn lao khó nhọc này là thấy kẻ mình chăm sóc được chết lành trong ơn nghĩa Chúa. Ta rất vui vì được cộng tác với Chúa là “Đấng, sau nhiều ngày nhẫn nại, đã gầy dựng nên từ bùn nhơ một dân tộc để ca ngợi Chúa” (Đức Hồng Y Newman : Giấc mộng Gerontius).

Chúng ta đã bàn về công tác này quá dài, vì đây là tất cả tinh thần Legio. Hơn nữa đây là chính việc ta làm để giúp Hội thánh. Đây là bằng chứng cụ thể cho nguyên tắc Công giáo : khi ta đến với người bé nhất trong xã hội, chúng ta không nghĩ đến giá trị xã hội của họ, hoặc chúng ta có thích họ hay không ; chúng ta chỉ cần nhìn thấy, và kính mến Chúa Kitô trong người ấy mà thôi.

406 (410)

Trong cơn thử thách, mới biết đâu là tình yêu đích thực. Bằng cớ rõ ràng nhất, là ta yêu con người mà tính tự nhiên bảo ta đừng yêu. Đây là đá thử vàng, để biết yêu người thực sự hay yêu người cách giả tạo. Đây là cột trụ của đức Tin, là dấu riêng của người Công giáo : Nếu không có lý tưởng Công giáo thì không có động lực nào yêu như thế. Nếu muốn tách tình yêu ấy ra khỏi nguồn gốc làm cho nó có ý nghĩa và sức sống thì thật là phi lý. Nếu chọn con người là cứu cánh của tình yêu thì chúng ta phải xét xem dưới góc độ những việc chúng ta làm có ích lợi thiết thực gì cho con người không. Bất cứ công việc gì bất lợi cho con người thì cần phải loại trừ ngay không đắn đo giống như người Công giáo loại trừ tội lỗi vậy.
Những ai hy sinh để chứng tỏ tình yêu chân thực cao vời như tình Chúa thì giúp ích cho Hội thánh nhiều nhất.

407 (412)

“Bạn nói, người đó dữ lắm, khó mà chịu nổi”. Họ càng xấu, ta càng phải kết thân, để đưa họ ra khỏi vòng tội lỗi, trở về đời sống đạo đức. Bạn nói : họ không để ý đến điều tôi nói, không muốn theo điều tôi khuyên. Sao bạn dám quả quyết thế ? Bạn đã nói lời nào để giúp họ hồi tâm suy nghĩ chưa ? Có, tôi nói nhiều lần. Nhưng được mấy lần ? Một, hai lần. Một, hai lần mà bạn cho là nhiều lắm sao ? Dù phải làm việc này suốt đời cũng không nên nản chí, sờn lòng. Xem Chúa đã nhẫn nại kêu gọi ta qua các Tiên tri, các tông đồ và các thánh sử ra sao ? Mà ta ăn ở thế nào ? Có vâng phục Chúa trong hết mọi sự không ? Không ! Nhưng có phải vì thế mà Chúa ngưng khuyến cáo chúng ta nữa. Tại sao ? Vì linh hồn chúng ta rất quý, không gì sánh bằng. “Vậy được cả thế gian này mà mất linh hồn nào có ích lợi chi ! (Mt 16,26)” (Bài nói của T. Gioan Kim khẩu).

 

Chia sẻ Bài này:

Related posts