4. HẾT SỨC PHỤC VỤ ĐỨC MARIA
54 (196)
Tinh thần lệ thuộc Đức Maria không miễn trừ cho ta cố gắng và đi đúng phương pháp. Trái lại, đã hoàn toàn làm việc với Mẹ và vì Mẹ, dĩ nhiên phải dâng cho Mẹ điều tốt nhất. Mỗi người phải luôn luôn tận lực, làm giỏi và làm theo lương tâm. Nhiều khi thực đáng trách, vì có Hội đồng và hội viên không cố gắng đủ để làm công tác thường xuyên của Legio: phát triển hoặc tuyển mộ. Đôi khi người ta viện lẽ : “Tôi không tin ở sức mình. Mọi sự tôi để vậy, chờ Đức Maria sắp xếp sao tùy ý Người”. Nói vậy, là vô tình công nhận không hoạt động là tốt, còn cố gắng làm việc có phương pháp lại là kém đức Tin. Lập luận như thế có thể cũng nguy hiểm là đưa ý riêng vào việc siêu nhiên. Họ viện cớ mình là dụng cụ của Đấng quyền năng vô biên, mức độ cố gắng của mình không quan trọng mấy. Thế tại sao lại nói được rằng, người nghèo khi bỏ vốn chung với nhà triệu phú, vẫn phải cố gắng thêm từng đồng cho cái vốn đã quá to ?
55 (197)
Vì thế, cần phải nhấn mạnh nguyên tắc buộc hội viên phải có thái độ khi làm việc. Ta không chỉ là dụng cụ tùy Mẹ sử dụng. Ở đây ta thực sự cộng tác, tức là bên này bù đắp cái thiếu sót của bên kia. Ta hiến tất cả mọi hoạt động và khả năng, tức là cả con người của mình ; còn Đức Mẹ cũng tận hiến bản thân tinh tuyền và quyền năng của mình. Nếu chúng ta có tinh thần hợp tác cao, Mẹ Maria không còn mong muốn gì hơn. Có thể nói việc thành bại là hoàn toàn do chúng ta phải đem hết tài, sức, đã được cải tiến đúng phương pháp và nhờ đã nhẫn nại.
56 (198)
Dù biết rằng, Mẹ đang đem lại kết quả mong muốn ngoài sức cố gắng của chúng ta, nhưng chúng ta vẫn phải cố gắng tận lực như kết quả kia chỉ tùy thuộc ta thôi. Dù đã hết lòng tín thác nơi sự trợ lực của Đức Mẹ, ta vẫn phải cố gắng đến mức tối đa. Lòng quảng đại phải luôn vươn cao như lòng tín thác. Đây là nguyên tắc dung hòa đức Tin vô hạn, với sự tận lực cố gắng theo đường lối của ta trong cùng một công tác. Các Thánh nói : “Ta phải cầu nguyện như tất cả tùy thuộc lời cầu nguyện, không lệ thuộc ở sự cố gắng của ta chút nào; đồng thời lại phải cố gắng tận lực, như tất cả đều tùy thuộc sự cố gắng này của ta mà thôi…”
57 (199)
Ta không nên gắng sức theo mức độ của công việc khó khăn nhiều hay ít ; cũng không như mua bán, cố gắng trả giá càng rẻ càng hay, đồ thực tốt, giá thực rẻ. Ở đời, làm việc theo tính so đo và trả giá thì thất bại là chắc. Trong việc thiêng liêng, nó làm ta mất ơn Chúa và không thành công. Đừng theo lý luận người đời. Việc xem như khó, nhưng bắt đầu làm là cái khó ấy sẽ tiêu tan; một thí dụ khác, quả vừa tầm tay không hái, kẻ khác hái mất. Trong phạm vi tinh thần mà so đo, thì bộ óc mỗi lúc càng hẹp và sau hết không còn làm gì được nữa.
Việc lớn việc bé, Legio vẫn tận lực ; dù chưa cần tận lực, chỉ động đến là xong việc. Còn nói như người đời, làm sơ sài đủ rồi, cần chi vác búa tạ đập con bướm hay con muỗi, như Byron nói : không ai vác búa tạ của thần Hercule để đập con bướm hay giết con muỗi bao giờ.
58 (200)
Nhưng Legio không làm để cho xong việc, hay hoạt động để đạt kết quả. Việc lớn hay việc nhỏ, dễ hay khó, Legio làm tận lực chỉ vì Mẹ. Vì thế, Legio đáng được Mẹ cộng tác và nếu cần, Mẹ sẵn sàng làm phép lạ. Tuy làm ít, nhưng ta hết lòng, Đức Mẹ sẽ dùng quyền năng để biến cử động yếu đuối trở thành sức mạnh khổng lồ. Nếu đã hết sức cố gắng, mà ta vẫn xa mức thành công đến ngàn dặm, Mẹ Maria sẽ thu ngắn khoảng cách và liệu cho việc tập thể của đôi bên kết thúc tốt đẹp.
Giả như có hy sinh đến mười lần đi chăng nữa, chúng ta cũng không uổng công. Nào ta đã chẳng làm tất cả vì Mẹ và giúp Mẹ trong kế hoạch lớn lao mà Mẹ dự định sao ? Mẹ Maria rất mừng đem nỗ lực thặng dư của ta, làm phép lạ cho nó hóa ra nhiều thêm, hầu sử dụng vào việc nội trợ nhà Chúa đang cần. Khi đã trao tận tay bà nội trợ giỏi của nhà Nadarét, không có gì thất thoát.
59 (201)
Trái lại, nếu ta góp sức dưới mức cần thiết thì Mẹ coi như bị trói tay không thể ban ơn dồi dào được. Vì ta hững hờ, mà làm hỏng đi phần đóng góp tài sản, sinh nhiều lợi vô song. Các linh hồn bị thiệt thòi thật đáng buồn, và cá nhân ta mất đi nhiều lợi lộc.
Viện lẽ hoàn toàn phó thác cho Mẹ để che đậy sự biếng nhác và thiếu cố gắng, thì thật vô lý. Tin tưởng kiểu chi màlại tránh đóng góp phần cố gắng của mình, thực là hèn nhát đê tiện. Tại sao cố trút lên vai Mẹ cái gánh nặng của mình, đang khi mình có thể gánh vác. Có ai trong hàng hiệp sĩ lại phục vụ Bà Chúa của mình cách kỳ lạ như thế không ?
60 (202)
Khi chưa nói gì, ta hãy lập lại cho rõ nguyên tắc chính của sự hợp tác giữa hội viên Legio và Đức Maria. Hội viên phải cung cấp tất cả năng lực của mình. Phần của Mẹ không phải để làm thay khi ta không chịu làm, Mẹ không thể làm hết để hội viên Legio khỏi phải cố gắng, nhẫn nại, suy nghĩ, những gì mà họ có thể và phải đóng góp vào kho tàng của Chúa.
Mẹ muốn ban ơn dồi dào nhưng không thể ban cho người thiếu quảng đại. Vả lại, Mẹ rất muốn cho các con Legio khai thác triệt để kho tàng vô biên của Mẹ. Mẹ đã dùng chính lời của Chúa Con để kêu ta phục vụ “hết lòng, hết tâm hồn, hết trí khôn với tất cả năng lực” (Mc 12,30).
61 (203)
Chúng ta chỉ nhờ Đức Mẹ trợ lực, thánh hóa, hoàn hảo, siêu nhiên hóa cái tự nhiên, để sức yếu hèn của loài người có thể thực hiện điều gì mà chúng ta không thể làm. Vì đây là những việc lớn lao, khiến núi phải tự bứng gốc mà đâm nhào xuống biển, để mặt nước bằng phẳng, lối đi ngay thẳng mở đường cho Nước Chúa đến.
“Tuy tất cả là đầy tớ vô dụng, nhưng chúng ta đang phục vụ một ông Chủ tiết kiệm tuyệt đối, không để mất vật bé nào từ giọt mồ hôi trên trán ta đến giọt sương trời của Người. Tôi không biết số phận của quyển sách này ra sao : không biết có viết xong hay không, không hiểu có viết xong trang sách mà tôi đang viết dở dang đây không. Tôi chỉ biết điều tôi phải làm, là dốc toàn lực của sự sống còn, dù nhiều hay ít, vào mấy dòng còn lại đây” (Frédéric Ozanam).