Nhiệm Vụ Căn Bản – Cầu Nguyện
Việc cầu nguyện cần phải vừa riêng tư vừa cộng đồng, vì bản chất chúng ta có hai mặt, cá nhân và xã hội. Nhiệm vụ thờ phượng đòi chúng ta trước tiên như những cá nhân, nhưng cũng được gắn bó lại, cả cộng đoàn liên kết với nhau bởi những ràng buộc xã hội.
Phụng vụ, như Thánh lễ và thần vụ, là việc thờ phượng cộng đoàn của Hội Thánh. Tuy nhiên, Công đồng Vaticanô II chú thích : “Kitô hữu thực sự được mời gọi cầu nguyện chung với anh em, nhưng họ cũng phải vào trong phòng riêng của mình để cầu nguyện với Chúa Cha trong âm thầm. Hơn nữa, theo giáo huấn của Thánh tông đồ, chúng ta phải cầu nguyện không ngừng” (SC 12). Các hình thức cầu nguyện riêng bao gồm : “suy niệm hoặc tâm nguyện, xét mình, tĩnh tâm, viếng Thánh Thể và những việc tôn kính đặc biệt Đức Trinh Nữ Maria Rất Thánh. Dĩ nhiên, trên hết là việc lần chuỗi Môi Khôi” (MD 186). “Nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng của Kitô hữu như họ đã làm, các hình thức ấy khiến cho họ tham gia một cách thật hữu ích vào các phận vụ cộng đoàn, hầu tránh cho kinh nguyện phụng vụ khỏi thoái hóa thành nghi lễ trống rỗng” (SĐD).
Việc đọc sách thiêng liêng riêng, cũng như việc phát triển niềm Tin Kitô hữu, trợ giúp một cách đắc lực cho đời sống cầu nguyện. Cần ưu tiên cho việc đọc Tân ước, với một chú thích Công giáo thích hợp (DV 12) và những tác phẩm kinh điển thiêng liêng được chọn lựa theo nhu cầu và khả năng của mỗi người. Chính nơi đây là vị linh hướng “khôn ngoan” đặc biệt quan trọng. Tiểu sử các Thánh viết đúng đắn, khai tâm tốt đẹp cho đời sống thiêng liêng. Đó là đường hướng chỉ đạo, dẫn đưa chúng ta tiến lên con đường thiện hảo và anh hùng. Các Thánh là bài học và là thực tập sống thánh thiện cụ thể. Nếu chúng ta năng lui tới với các Đấng ấy thì chẳng bao lâu chúng ta sẽ bắt chước phẩm chất của các Ngài.
Nếu tiện, mỗi hội viên nên cấm phòng kín mỗi năm một lần. Hoa trái của các cuộc Tĩnh Tâm và kiểm điểm sẽ giúp ta nhìn rõ hơn ơn gọi trong cuộc sống và cho ta thiện chí linh hoạt hơn để trung thành theo sứ mạng.