461 (566)
Hiệp với Đức Maria để ngợi khen Chúa. Lúc nào cũng phải nhớ đến Đức Maria không nhiều thì ít ; làm sao để mỗi việc làm, kinh nguyện đều chung tình, chung ý với Đức Mẹ suốt ngày. Làm việc gì cũng có Đức Mẹ, dù là cầu với Thiên Chúa Ba Ngôi, hay với vị thánh nào. Đức Mẹ vẫn chung lời hiệp ý với ta ; chúng ta sống, tức là cả hai, Đức Mẹ và chúng ta, đồng dâng lên Chúa tất những gì cả hai đều có.
462 (567)
Đây là một lối tôn sùng Đức Maria. Làm việc gì chúng ta cũng xác nhận và tri ân, vì đây là một việc của Đức Mẹ làm hằng ngày để cứu rỗi ta. Cách này cũng giải quyết cả hai thắc mắc, một bên : không biết tôn sùng Đức Mẹ có đủ chưa ; một bên lại sợ không biết dâng cho Đức Mẹ thế này có mất bớt phần phải dâng cho Chúa không ? Có người cho rằng : tôn sùng Đức Mẹ cách này là làm quá ! Tại sao quá ? Có gì là vô lý đâu ? Có tổn hại chi đến việc tôn thờ Chúa đâu ? Có hại, là hại cho những ai ngoài miệng hô hào bảo vệ quyền lợi của Chúa, mà không thi hành theo đường lối của Chúa đề ra. Họ bảo chỉ tin Kinh Thánh vì đó mới thực là Lời Chúa, nhưng họ không muốn nghe các câu Thánh Kinh ca tụng : “Thiên Chúa đã thực hiện nơi Đức Maria những sự trọng đại, và muôn đời sẽ khen ngợi Đức Mẹ là Bà có phước” (Lc 1,48).
463 (568)
Đối với những ai còn ngần ngại, ta hãy trình bày cho họ biết rõ về lối tôn sùng này, vừa đầy đủ vừa phong phú. Vì thực ra, chúng ta không thể nói cách khác ! Vị thế của Đức Mẹ sẽ càng thêm khó hiểu, nếu ta muốn bớt, muốn hạ Đức Mẹ xuống thấp hơn. Nếu Đức Mẹ chỉ là một ý niệm tình cảm, khi đó không phải chúng ta sẽ có lý, mà hạng người coi thường Đức Maria có lý ! Vậy chúng ta hãy giữ đủ không bớt danh hiệu nào mà Đức Maria đã có với địa vị quan trọng của Đức Mẹ trong đời sống của người Kitô hữu. Thực là một lời thách thức, nhưng sẽ nâng cao những tâm hồn mà ảnh hưởng của ơn Chúa còn tiềm tàng trong họ. Khi bình tĩnh tìm hiểu vị thế của Đức Maria, họ sẽ đến quỳ dưới chân Đức Mẹ.
Mục đích của Legio là phải phản ánh Đức Maria. Nếu đây thực là lý tưởng của chúng ta, thì Legio có vinh dự cùng Mẹ đem ánh sáng Phúc Âm cho những người còn ngồi trong bóng tối thiếu đức Tin.
464 (569)
“Thầy của thánh Tôma Tiến sĩ là thánh Albertô Cả, khi giải thích về đoạn Phúc Âm kể lại sự Truyền Tin, có nói một câu rất lý thú rằng : Chúa Con đã đưa Mẹ lên bực cao cả vô cùng, bởi Chúa Con là trái tốt vô cùng, tự nhiên đã phải được trổ sinh do một cây cũng tốt vô cùng, xứng câu cây lành sinh trái tốt. Thực ra, Hội Thánh đã công nhận Mẹ Chúa Trời có quyền vô hạn trong phạm vi ơn Thánh ; nhận Đức Maria là Mẹ của những người được cứu rỗi, vì Mẹ có đủ mọi ơn. Đã là Mẹ Chúa Trời, thì ngoài Chúa Ba Ngôi ra, Đức Maria có quyền cao cả, thiết thực và bao gồm tất cả vạn vật trên trời dưới đất” (Vonier : Đức Mẹ Chúa Trời).