Đọc Thủ Bản 15/11 – 21/11/2020: SỰ VỤ CỦA LEGIO – Trang 22 #12-16

SỰ VỤ CỦA LEGIO

5. Phải “Chạy hết quãng đường của mình” (2Tm 4,7)

12

Vậy, Legio đòi hỏi phải phục vụ triệt để, nghĩa là không giới hạn nào cả. Điều này không phải chỉ là một lời khuyên để nên hoàn hảo, mà chính là một điều khẩn khiết, vì nếu không nhắm đến chỗ hoàn hảo, thì không thể gia nhập Legio lâu dài được. Kiên trì làm việc tông đồ suốt đời thật là anh hùng và phải tiếp tục luôn mãi, làm những việc anh hùng thì mới kiên trì đến cùng. Nội điểm này cũng là một phần thưởng rực rỡ lắm rồi.

Đức tính kiên trì nầy mỗi hội viên không những phải có để gia nhập Legio, mà trong nhiệm vụ của Legio, mỗi công cuộc cũng phải thực hiện với sự cố gắng bền bỉ.

Đã đành phải có sự thay đổi : thăm nơi này hoặc nơi khác, và người này đến người khác, hoàn thành việc này lại khởi sự việc khác nữa. Tuy nhiên tất cả những cái đó chỉ làm thay đổi đúng với quy tắc, chớ không vì tính thất thường thiếu kiên nhẫn, hay ham mới lạ. Những khuyết điểm này làm cho kỷ luật, dầu hoàn hảo đến đâu cũng phải đổ vỡ, Legio rất úy kỵ tính hay thay đổi nên hằng đòi buộc hội viên ngày càng cương nghị hơn. Sau mỗi buổi họp, khi tiễn đưa họ lên đường làm nhiệm vụ, Legio dường như nhắn nhủ họ lời này : “Hãy kiên gan bền chí !”

13

Muốn hoàn tất mọi công việc phải luôn luôn cố gắng với ý chí nhất quyết thành công. Muốn cho ý chí đó bền bỉ, thì điều cần thiết là không bao giờ buông lỏng. Do đó, Legio buộc các cấp và tất cả hội viên không bao giờ chịu để mình thất bại, hay dọn đường cho cuộc thất bại, bởi các khuynh hướng tai hại này là xếp đặt công tác thành từng loại: loại này “có hy vọng”, loại kia ” ít hy vọng”, và loại khác kể là “vô hy vọng”.
Trước một nhiệm vụ được ủy thác, nếu hội viên vội vàng coi đó là việc “vô hy vọng” thì dường như họ nghĩ rằng, dầu đã được cứu chuộc bằng giá đắt vô cùng, từ nay linh hồn nọ tha hồ lao mình vào vực thẳm muôn đời, không có chi ngăn lại. Lại nữa, ý nghĩ đó chứng tỏ hội viên này có cái hoài vọng nông nổi là mong được những đổi thay và những tiến triển thấy trước mắt, không còn giữ những quan niệm cao cả làm động cơ cho việc tông đồ. Như vậy, chẳng khác chi người gieo mạ, nếu lúa không chín ngay theo gót chân, thì họ nản chí, và không chóng thì chầy họ sẽ bỏ cuộc.

14

Hơn thế nữa, Legio hằng nhắc đi nhắc lại rằng nếu chúng ta kể một công việc là “vô hy vọng”, thì thái độ của ta đối với việc đó tức khắc sẽ suy nhược. Vô tình hay hữu ý, khi bắt tay vào việc, ta sẽ tự hỏi công việc này có đáng cho ta cố gắng nhiều không : cái nghi ngờ cỏn con cũng đủ làm tê liệt ý chí hoạt động.
Hậu quả còn tai hại hơn nữa, là đức Tin sẽ không chu toàn nhiệm vụ của nó trong mọi công cuộc của Legio, vì người ta để cho nó dự một phần rất ít, và chỉ khi nào lý luận kể là hợp thời, mới nhờ đến nó. Đức Tin bị kiềm hãm và ý chí quyết định đã bị khuynh đảo như vậy, tất nhiên sẽ phát sinh tính nhút nhát tự nhiên, những ý nghĩ hẹp hòi và sự dè dặt theo lối phàm tục, những điều mà xưa nay vẫn bị khai trừ và Legio chỉ đưa ra một quân vụ gián đoạn, không linh động, bất xứng với Thiên quốc.

15

Thế đủ rõ, tại sao trong việc Tông đồ, Legio ít lưu tâm đến chương trình, mà lại hết sức chú trọng đến lòng nhiệt thành. Để thực hiện chương trình, Legio không cần hội viên phải có tiền tài hay thế lực, nhưng đòi hỏi một đức Tin không lay chuyển ; không đòi hỏi những việc làm vẻ vang, nhưng xin cố gắng không ngừng ; không đòi tài ba lỗi lạc, nhưng cần một tình yêu không phai lợt; không đòi buộc một sức mạnh khổng lồ, nhưng xin hãy bền đỗ tuân theo kỷ luật. Thi hành sự vụ, hội viên Legio hằng phải “cố thủ”, lúc nào cũng cương quyết không nản lòng. Gặp khủng hoảng họ phải vững tựa núi đá ; trong mọi cảnh ngộ, họ phải kiên gan. Chắc chắn ai cũng muốn thành công, và nếu đạt thành, hãy vui vừa phải ; nhưng phải làm “nhiệm vụ” mà đừng nghĩ đến thành công. Họ phải chiến đấu chống thất bại, nhưng nếu thất bại, chớ nản chí, phải chuyển bại thành thắng mới an lòng. Những khó khăn và buồn tẻ của một mặt trận kéo dài sẽ làm cho công việc mau tiến, vì lẽ nó tạo cho đức Tin và sức cố gắng một khu vực rộng để dụng võ.

16

Nhất quyết và sẵn sàng hưởng ứng mọi tiếng gọi ; lúc nào cũng ứng trực, dầu không ai kêu đến ; nếu như không có cuộc giao tranh nào, hoặc không thấy quân địch thì ta vì danh Chúa, mãi đứng canh phòng không nệ mỏi nhọc ; tâm hồn đầy cao vọng, nhưng cũng đành vui nhận những nhiệm vụ tầm thường nhất. Nhiệm vụ dầu lớn hay nhỏ ta cứ cẩn thận chú trọng, cứ kiên nhẫn vô tận, vẫn can đảm bất khuất, tất cả mọi công việc của ta đều có ghi dấu kiên trung. Luôn luôn phục vụ các linh hồn, hằng giúp đỡ những người yếu đuối vượt qua những giờ khó khăn chán nản ; chúng ta theo dõi những người cứng cỏi để may ra bắt gặp và lợi dụng đôi phút họ mềm lòng, và không bao giờ nản chí khi đi tìm những người xa lạ. Chúng ta quên hẳn mình, luôn luôn đứng dưới cây thánh giá của anh em cho đến khi mọi sự đã hoàn tất mới rời khỏi nhiệm sở.

Phải khai trừ mọi suy nhược khỏi hội đoàn đã dâng hiến cho “Đức Trinh Nữ Trung Tín” vì hội mang danh Người, hoặc đem lại vinh danh hoặc đưa đến ô nhục .

“Những gì thuộc về Đức Trinh Nữ dịu hiền, những gì được Người bảo vệ phải giữ nguyên vẹn: đức hạnh và nghị lực của những ai hiến thân tôn sùng Người, cũng như thân xác Đức Mẹ đã cho Con Người mà lời Kinh Thánh có câu: “Không một xương nào của Người bị “đập gãy”: cũng như áo vải gai “không hề bị xé rách”.
(Bolo : “Thảm kịch núi Calvê”)

Chia sẻ Bài này:

Related posts