17. HỘI VIÊN NHÌN THẤY CÙNG PHỤC VỤ CHÚA KITÔ TRONG MỖI NGƯỜI MÀ HỌ GIÚP ĐỠ
497 (489)
Không nơi nào, không khi nào chúng ta đi thăm người cùng khổ, chỉ vì tình đồng loại hay vì xót thương người cách chung. “Mỗi khi chúng con làm gì cho một người bé nhỏ nhất của Thầy, chính là làm cho Thầy vậy” (Mt 25,40). Nếu ghi tâm lời này, hội viên Legio phải nhìn thấy Chúa trong anh em (tất cả mọi người không phân biệt) và tùy đó mà phục vụ. Theo ánh sáng mới này mà đối xử với những người ác, bạc ơn, ngu độn, hoạn nạn, bị khinh miệt, bị bỏ rơi, kẻ mà tự nhiên chúng ta rất ghê sợ. Chắc chắn họ là những người bé mọn nhất của Chúa Kitô (chú ý đến Lời của Người), chúng ta phải hầu hạ, tôn kính họ như ông hoàng.
Hội viên hãy luôn nhớ, chúng ta đi thăm không như người trên viếng kẻ dưới, hoặc đồng bạn thăm nhau, nhưng như người dưới đến với bề trên, như tớ đến với chủ. Thiếu tinh thần này, chúng ta sẽ có cử chỉ của người bảo hộ ; với cử chỉ này người đi thăm không mang lại lợi ích siêu nhiên hay tự nhiên nào cả. Họ có cho chúng ta vào nhà là khi nào có mang quà theo. Trái lại, khách lễ phép, dễ gây cảm tình, khiêm tốn xin phép vào khi gõ cửa nhà nào, người nhà sẽ đón tiếp cách vui vẻ, dù quà của họ không phải của vật chất và chẳng mấy lúc họ đã tạo tình bằng hữu chân thành. Hội viên phải nhớ rằng, nếu thiếu sự đơn sơ trong cách ăn mặc hay giọng nói, lập tức sẽ gặp bức tường ngăn cách giữa khách và chủ, dù tài cao đến đâu cũng khó phá đổ.
18. QUA HỘI VIÊN LEGIO, ĐỨC MARIA YÊU THƯƠNG VÀ CHĂM SÓC CHÚA CON
498 (494)
“Chúng tôi đã làm cho họ thương chúng tôi”, đó là lời một hội viên giải thích tại sao thành công trong công tác khó khăn và buồn tẻ. Lời này thu gọn một cách tuyệt diệuđường lối của Legio. Muốn chủ mến khách, cần thiết nhất khách phải tỏ lòng kính mến chủ. Theo đường lối nào khác, khéo léo đến đâu, cũng không làm cho người khác yêu chúng ta cách thành thực. Thánh Augustinô cũng đồng ý khi Người nói : “Yêu đi rồi muốn làm gì cứ làm”.
499 (495)
Trong hạnh thánh Phanxicô khó khăn, ông Chesterton đã viết một trang tuyệt tác, nhấn mạnh nguyên tắc đặc biệt Công giáo như sau : “Thánh Phanxicô thấy hình ảnh Chúa khắp nơi, dưới nhiều hình thức. Giữa đám đông hay trong sa mạc, người vẫn là người, nên thánh Phanxicô tôn trọng mỗi người, không những thương mà còn kính nể. Bản thân thánh nhân có một năng lực phi thường là vì từ Giáo hoàng đến người ăn xin, từ vua Syria giữa triều đến tên cướp rách rưới giữa rừng, bất cứ ai, bất cứ lúc nào, khi nhìn vào đôi mắt nâu, sáng rực của thánh Phanxicô khó khăn, đều nhận chắc Người chú ý đến họ, suốt đời tư họ từ lúc nằm trong nôi đến khi xuống mồ ; chính Người lưu ý và hiểu rõ chân giá trị của họ”.
Nếu muốn, chúng ta có thể yêu như thế không ? Có thể lắm, hãy nhìn thấy Chúa trong tất cả người mà chúng ta gặp. Nghĩ đúng vậy sẽ bắt đầu thương. Hơn nữa, Đức Maria muốn chúng ta yêu Nhiệm Thể của Con Mẹ, như xưa Mẹ đã thương và lo cho bản thân Chúa Con. Đức Mẹ sẽ giúp đoàn quân của Người biết yêu. Đức Mẹ vừa thấy một tâm hồn muốn yêu, gặp một tia lửa nhỏ, là Đức Mẹ thổi bùng lên.
19. CÁC CỬA ĐỀU MỞ CHO NGƯỜI LEGIO KHIÊM NHƯỜNG VÀ LỄ ĐỘ
500 (490)
Ai cũng ngại khi “đi thăm lần đầu” vì chưa có kinh nghiệm, nhưng hội viên dù cũ hay mới, nếu thuộc lòng bài học ở đoạn trên đây, sẽ nắm vững bí quyết để vào tư gia.
Xin nhấn mạnh rằng không ai có quyền gì để tự động vào gia cư người khác, chỉ khi người nhà mời vào thôi. Vào nhà phải ngả mũ nón chào, với tất cả những cử chỉ lễ độ như khi chúng ta gặp người trên. Nói rõ ai cử đi, vì lý do gì, và khiêm tốn xin phép vào nhà, thường là chủ nhà mở rộng cửa, kéo ghế mời ngồi. Lúc này hội viên phải nhớ rằng mình đến đây không phải để giảng dạy, hoặc đặt câu hỏi, nhưng để gây tình thân thiện cần thiết giúp họ hiểu biết và đón nhận ảnh hưởng.
Người xưa nói vinh dự đặc biệt của tình thương là thấu hiểu lòng người. Đây là đặc ân lớn nhất rất cần cho thế giới buồn tẻ này. “Phần đông dân chúng buồn vì dường như không ai ngó tới mình. Họ khổ vì không ai nâng đỡ, không có ai để tâm sự” (Nhà văn Georges Duhamel)
501 (491)
Đừng quá quan tâm đến những khó khăn lúc đầu. Dù gặp thái độ bất nhã, nếu chúng ta khiêm nhường chịu đựng sẽ khiến họ xấu hổ và dần dần chúng ta gặt hái kết quả.
Để ý hỏi thăm các trẻ em trong nhà cũng là cách mở đầu câu chuyện. Hỏi thăm việc học giáo lý của các em Xưng tội, Chịu lễ, Thêm sức. Hỏi thăm các em lớn, chúng sẽ tự trả lời. Tuy nói chuyện với các em, nhưng cha mẹ cũng rút tỉa những bài học hữu hiệu.
Lúc ra về, phải chuẩn bị để trở lại lần sau. Hãy thực tình nói mình rất vui nhân dịp vào nhà lần này và mong trở lại thăm gia đình lần sau. Thế là khách và chủ chia tay nhau vui vẻ tự nhiên và dọn đường đáo lại hữu hiệu.
20. THÁI ĐỘ KHI VÀO CƠ QUAN
502 (496)
Khi vào thăm một cơ sở, hội viên phải nhớ như khi vào một tư gia, là chúng ta chỉ vào khi xin phép mà thôi. Nhân viên ở đó sẽ nghĩ sao về hội viên từ thiện vào thăm bệnh nhân, mà bất chấp nhân viên, kỷ luật và giờ giấc. Legio chớ lỗi về điểm này. Đừng vào trong giờ cấm, chớ mang thuốc hay đồ cấm vào cho bệnh nhân ; chớ đứng vào phe nào khi có cuộc rắc rối nội bộ trong sở. Nếu có ai than phiền rằng họ bị nhân viên hay một bệnh nhân khác ức hiếp, cho dù có thực đi nữa, hội viên Legio chớ can thiệp. Chỉ nên cảm thông nghe họ kể nỗi lòng, cố giữ bình tĩnh nhẫn nhục khi nghe, và chỉ được làm thế thôi. Nếu thấy mình bực tức lắm giùm họ, thì trong buổi họp Prỉsidium sẽ kể lại tất cả câu chuyện để xả hơi, đồng thời nhờ Prỉsidium xem xét kỹ mọi khía cạnh của vấn đề, nếu cần sẽ góp ý kiến thích hợp.