7. THỰC TẬP LÀM VIỆC TÔNG ĐỒ
135 (41)
Người ta thường nghĩ rằng muốn đào tạo tông đồ phải diễn thuyết cho hấp dẫn, viết sách trình bày kỹ thuật cho khéo léo. Nhưng Legio cho rằng : nếu không tập làm việc tông đồ thì không thể đào luyện chiến sĩ. Thật ra những lần trình bày việc tông đồ mà không kèm theo thực hành, sẽ không đem lại kết quả. Điều này rất rõ rệt. Vì khi thảo luận về cách làm việc như thế nào, tất cả trình bày những nỗi khó khăn, dĩ nhiên phải kêu gọi đến tinh thần cao và một sức hoạt động trổi vượt. Chỉ nói suông cho hội viên mới, mà không cho họ thực hành làm tông đồ, thì những lời nói kia chỉ làm cho họ ngần ngại và nản chí.
Giảng dạy suông tạo ra hạng người lý thuyết, lầm tưởng có thể dùng trí tuệ của họ đủ để chinh phục thế giới. Liệu hạng người này có thật lòng muốn hiến thân cho những công tác âm thầm, những lần vận động rất khó khăn bằng cách giao tiếp cá nhân hết sức cần thiết, mà vui lòng nhận lãnh sao ?
136 (42)
Phương pháp huấn luyện của Legio là thực tập ; Legio cho đó là phương pháp lý tưởng, xem ra nghề nào, chức nghiệp nào cũng áp dụng.
Thầy dạy nghề không ra lý thuyết suông, nhưng chỉ cách làm cho người học nghề, thầy làm trước để hướng dẫn cách làm, rồi lần lượt dẫn giải các điểm khác nhau. Thế là người tập nghề bắt tay vào việc, sai đâu sửa đó – nhờ đó sẽ rành nghề.
Bài giảng phải dựa trên thực tập : ngôn hành phải hợp nhất. Nếu không, kết quả rất mỏng manh. Có thể người nghe không nhớ gì. Ngay trong giới sinh viên, ta còn thấy họ chẳng nhớ bao nhiêu sau một bài giảng.
137 (43)
Một điểm cần lưu ý nữa là nếu tổ chức tông đồ dùng lối diễn thuyết để dạy hội viên, thì không thể tuyển mộ nhiều người tham gia. Đa số người đã quá tuổi đi học và không muốn trở lại trường ốc. Vì thế người ta có khuynh hướng chống đối việc tới lớp học, dù là lớp học thánh thiện. Đó là lý do tại sao việc đào luyện tông đồ dưới hình thức lớp học không được phổ biến rộng rãi. Lề lối của Legio vừa đơn giản vừa hợp lý hơn. Hội viên Legio chỉ cần nói với người khác : “Mời anh chị em đến và cùng làm việc này với chúng tôi”. Những người đó khỏi phải vào lớp học, lại thấy ngay công việc mà những người như họ đã làm. Ngoài ra họ còn thấy rằng công việc đó hợp với khả năng của họ, và họ sẵn sàng nhập hội. Sau khi gia nhập, nhận thấy công việc mình hoạt động đem lại thành quả, nhờ nghe những bản phúc trình và những lời góp ý về cách thực hiện hoàn hảo, họ thấy ngay mình có đầy đủ khả năng và sẽ vui lòng tiếp tục hoạt động.
“Legio Mariae thường gặp phê bình là thiếu chuyên môn, hoặc đã không thể dành một khoảng thời gian dài huấn luyện hội viên. Bởi vậy có người đề nghị :
a) Legio nên hệ thống hóa việc sử dụng phần đóng góp của những hội viên đã huấn luyện kỹ càng.
b) Trong khi tìm cách tránh việc học tập, Legio nên đặt hội viên tùy theo khả năng vào từng địa hạt tông đồ riêng biệt.
c) Đáp ứng yêu cầu nổi bật nhất là cung cấp một cái sườn để cho Legio có thể nói với mọi tín hữu rằng : “Mời anh chị tham dự, chúng tôi sẽ hướng dẫn khả năng sẵn có của anh chị vào việc phụng sự Mẹ Maria để làm sáng danh Chúa”. Chúng ta đừng quên rằng Legio Mariae của mọi giới: từ những người bình thường không quyền hành, đến những nhà trí thức có thế lực” (L.M Thomas P.O’Flynn C.M, Cựu Linh Giám Concilium).