Đọc Thủ Bản 19/01 – 25/01/2020: Các Điều Cốt Yếu (tiếp theo) – Số Lề #471-479

3. HỘI VIÊN LEGIO PHẢI DŨNG CẢM

471 (223)

Nghề nào có sự dũng cảm theo nghề ấy, nhân viên nào thiếu dũng cảm sẽ bị coi là bất xứng, Legio buộc phải có tinh thần dũng cảm. Hầu hết công tác Legio là đích thân đến với các tâm hồn, nhằm mục đích đưa họ đến gần Chúa hơn. Nhiều khi chúng ta gặp nhiều thái độ tỏ rõ sự bất mãn và hiểu lầm, tuy nó không giết chết người như súng đạn, nhưng theo kinh nghiệm khó mà đương đầu với nó. Xông pha bom đạn, hàng vạn người sẵn sàng, nhưng khó tìm một người dám xông pha vào nơi mà biết trước mình có thể bị chế diễu, phải nghe những giọng tức giận, những lời công kích, hoặc những cái nhìn chế nhạo, hoặc sợ kẻ khác cho là thầy đời, đạo đức giả.

Họ sẽ nghĩ sao ? Họ sẽ nói gì ? Nghĩ đến phải rùng mình. Thế mà, đúng ra, chúng ta phải như các tông đồ, rất vui mừng khi nghĩ rằng mình đáng chịu sỉ nhục vì danh Chúa Giêsu (Cv 5,41).

472 (224)

Nơi nào ai cũng nhút nhát, quen gọi là sợ dư luận, nơi đó việc chăm sóc các linh hồn sẽ không ra gì. Chúng ta hãy nhìn quanh mà xem thảm kịch này. Đâu đâu người tín hữu cũng sống chung với xã hội rất đông người bên lương, người ngoài Công giáo, và người Công giáo bỏ đạo. Ta có thể thu phục ngay năm phần trăm, do lần tiếp xúc đầu tiên với từng người, để nói cho họ rõ về chân lý Công giáo. Chính năm phần trăm này ví như mũi giùi nhọn sẽõ chọc thủng vỏ cứng đang bọc xã hội, để tiêm vào đó mầm trở lại. Tuy nhiên không ai ra tay cả ; đáng lý ra chúng ta phải quyết định làm. Không ai dám, là vì nọc độc của thói sợ dư luận đã làm tê liệt tất cả. Mỗi người cố dùng các lý lẽ sau đây để chữa mình, nào là “phải dè dặt” phải “tôn trọng tự do”, việc làm nầy “không có hy vọng” để “chờ ai đi trước tôi sẽ theo” và nhiều lẽ khác nghe hay lắm. Cuối cùng, không ai làm gì cả.

473 (225)

Trong hạnh thánh Grêgôriô hay làm phép lạ, có câu chuyện này : Lúc gần chết, Thánh nhân hỏi những người xung quanh, trong thị xã còn mấy người chưa có đức Tin. Họ trả lời ngay : “Dạ chỉ còn mười bảy người”. Đức Giám mục đang hấp hối, suy nghĩ một giây về con số mười bảy, và nói : “Đúng là con số tín hữu mà ta đếm được khi nhậm chức Giám mục nơi này”. Bắt đầu với 17 tín hữu, người đã đưa tất cả vào đạo chỉ còn 17 người chưa tin. Đẹp thực ! Qua bao thế kỷ, ơn Chúa vẫn dồi dào ; vẫn nuôi đức Tin và lòng dũng cảm đầy đủ. Thường thì không thiếu đức Tin, chỉ thiếu can đảm.

474 (226)

Biết vậy, nên Legio đứng lên mở chiến dịch quyết liệt : tiêu diệt ảnh hưởng của tính sợ dư luận trong nội bộ mình. Thứ nhất, đem lực lượng của một kỷ luật nghiêm minh để chận đứng sức công phá của tính sợ dư luận. Thứ hai, quân nhân nghĩ sao về tính khiếp nhược, người Legio cũng nghĩ thế đối với tính nể dư luận, phải khinh rẻ những lý lẽ của nó đưa ra, và biết rằng, nếu không có hy sinh và can đảm, thì tình yêu, trung thành và kỷ luật, tất cả chỉ là câu trống rỗng.

Người Legio mà thiếu can đảm. Không còn lời nào để nói với họ, chỉ còn câu nói của thánh Bênađô : “Thủ lãnh đầu đội mão gai, còn đệ tử lại sống ủy mị, còn gì xấu hổ bằng”.

475 (227)

“Khi tự cảm thấy đủ sức chiến đấu, chị mới chịu chiến đấu, thì không có công gì, chị có can đảm hay không, điều ấy không cần, chỉ cần chị hành động như một người can đảm. Nếu chị tự thấy mình lười biếng đến nỗi không dám cúi mình để lượm khúc chỉ rơi, nhưng vì mến Chúa Giêsu, chị đã làm, tức là chị làm việc cao đẹp hơn vì sốt sắng mà chị làm. Khi tự cảm thấy mình yếu đuối, chị phải mừng hơn là buồn, chính Chúa tạo cho chị cơ hội để cứu nhiều linh hồn hơn về cho Chúa” (T. Têrêsa Hài đồng).

4. HÀNH ĐỘNG TƯỢNG TRƯNG

476 (545)

Nguyên tắc căn bản của Legio là phải tận lực hy sinh trong mỗi việc mình làm. Dù việc dễ hay khó, chúng ta phải làm với tinh thần của Đức Maria.
Còn một lẽ cũng rất quan trọng, là trong công cuộc thiêng liêng, không nên đo lường sức phải cố gắng. Khi đối diện với một linh hồn, ai dám cho đến đâu là đủ rồi. Dĩ nhiên việc càng khó, sự cố gắng càng phải vượt bực. Vừa gặp sự khó, chưa chi chúng ta đã cho sự khó này to quá, rồi đầu óc cứ tưởng là làm không nổi. Nhiều việc chúng ta tưởng là không thể làm, vẫn làm được như thường. Một triết gia nói : “Người giỏi và siêng, không mấy việc mà họ không làm được”. Chỉ tại chúng ta cho nó khó quá sức, để rồi nó biến thành quá sức chúng ta.

477 (546)

Tuy vậy, đôi khi cũng gặp việc khó quá sức chúng ta, chúng ta sẽ bỏ qua vì cho rằng, có làm cũng vô ích, mất công. Cứ vậy, chúng ta có thể bỏ qua đến ba phần tư công cuộc quan trọng và khẩn cấp, khiến cho mặt trận lớn lao của người Công giáo trở thành trận giặc trò chơi trẻ con. Vậy phương pháp của Legio là triệt để hy sinh bất cứ giá nào, khi làm bất cứ việc gì, đó là nguyên tắc số một. Việc đạo cũng như việc đời, khi chúng ta không cho việc nào khó cả, tức là chúng ta đã nắm vững bí quyết để làm được tất cả các vấn đề. Hơn nữa, chúng ta cần nhấn mạnh dựa theo lời Phúc Âm quả quyết: không có việc gì mà quá sức của Đức Chúa Trời. Đó là chúng ta tin tưởng hưởng ứng lời kêu gọi của chính Chúa Kitô muốn chúng ta có đức Tin mạnh mẽ để có thể dời núi lùi xuống biển.

Nghĩ đến kế hoạch chinh phục các linh hồn, mà không hun đúc tinh thần cho có một thái độ bất khuất, thực là nghĩ điều viển vông. Biết vậy, nên Legio trước nhất lo củng cố tinh thần của đoàn viên mình.

478 (547)

Legio đưa ra khẩu hiệu, mới nghe tưởng là mâu thuẫn : “Trong cái khó không vượt nổi cũng có 39 bậc khó, vượt dần từng bậc ai cũng qua khỏi”. Câu này vô cùng hợp lý, nó dọn đường cho sự thành công. Chạm trán với việc quá khó, tinh thần chúng ta bủn rủn, thân xác rã rời. Nếu cứ như thế, hễ khó quá sức là không tài nào vượt qua nổi.

Vậy khi gặp khó khăn, chúng ta hãy nhớ khẩu hiệu của Legio vừa kể trên, để chia cái khó khăn ra làm 39 bậc ; chia rẽ địch là thắng địch. Nhảy một cái không thể lên tới tầng trên, hãy cứ thang lầu mà leo lên từ nấc. Nếu kẹt vào thế bí, cứ tiếp tới một bước đã, không cần nghĩ đến bậc thứ hai, cứ dồn hết sức lực để đi bước đầu. Vừa xong bước đầu thì bậc thứ hai sớm muộn cũng phải đến. Rồi bước luôn bậc thứ ba, và các bậc khác tuần tự qua, chưa cần bước tới 39 bậc như nói trong khẩu hiệu. Bước này vừa qua bậc khác tiếp tới liền, đưa chúng ta qua khỏi ngưỡng cửa của cái gọi là khó khăn không thể vượt qua, để tiến vào phần đất đầy hứa hẹn.

479 (548)

Lưu ý : điểm nổi bật là phải hành động. Dù việc khó đến đâu cũng phải bắt đầu một bậc. Dĩ nhiên phải bắt đầu cách nào cho có hiệu lực. Nếu không có cách nào thực kiến hiệu, chúng ta sẽ bắt đầu làm việc ít hiệu lực hơn. Dù mà việc ít hiệu lực này không có, cũng phải làm một việc gì, tuy nó không giá trị chi cho lắm, nhưng ít ra nó cũng hướng về mục tiêu mà chúng ta đang quyết đi tới, nguyên chỉ cầu nguyện, chưa đủ. Hành động như thách đố cuối cùng vừa nói trên đây, Legio gọi đó là Hành động tượng trưng mà chúng ta làm với đức Tin sẽ mở màn cho một trận chiến quyết liệt và sẽ kết thúc với sự sụp đổ tan tành của thành lũy Giêricô.

“Đến vòng thứ bảy, các thầy cả túc kèn, tướng Giôsuê ra lệnh cho toàn dân Israel : Hò nào, kìa Thiên Chúa đã trao thành cho anh em. Toàn dân như một, tiếng hò reo, kèn thổi lên, tiếng hò của dân vang như tiếng sấm, lập tức thành lũy ngã đổ, mọi người tiến thẳng vào và chiếm đoạt thành” (Gs 6,16-20)

Chia sẻ Bài này:

Related posts