338 (232)
7. Quan hệ giữa hội viên.
Nói chung, hội viên nào cũng luôn luôn tôn trọng luật yêu thương nhau, nhưng đôi khi quên rằng chúng ta cũng phải khoan dung khi thấy đồng bạn khuyết điểm. Nếu sơ suất Prỉsidium sẽ làm mất ơn Chúa và có thể gây ảnh hưởng tai hại làm nhiều người bỏ Legio.
Mặt khác, mọi người phải sáng suốt nhận thấy rằng việc gia nhập Legio hoàn toàn không liên quan gì tới Trưởng hay đồng bạn để rồi hài lòng thì ở, bất mãn thì bỏ đi như bị coi khinh, nhận xét không đúng, mâu thuẫn thực sự hoặc tưởng tượng, hoặc bị khiển trách và vì các duyên cớ ngẫu nhiên khác.
339 (233)
Làm việc chung phải biết quên mình. Nếu không, dù cộng tác viên giỏi nhất cũng làm lung lay cả đoàn thể. Ai phục vụ Legio tuyệt hảo là người biết tiết chế cá tính để sống hòa mình triệt để theo hệ thống Legio. Ngược lại, ai nói hoặc làm gì trái với đặc tính của Legio là dịu dàng, thì họ như cắt đứt động mạch. Hậu quả chí nguy. Vậy, tất cả hội viên hãy cảnh giác tạo đoàn kết, chớ chia rẽ.
Khi bàn về thái độ hội viên với nhau, cần đặc biệt lưu ý đến tính ganh tị, quen gọi đùa là “ghen nhau tí chút”. Nhưng ít khi nào tật ghen là nhỏ. Nó là chất độc trong tim cá nhân, nó xâm nhập mọi người khắp nơi, làm nhiễm độc các cuộc giao tế. Nơi người ác độc, tính ghen tị là sức mạnh điên khùng, dữ tợn dám phạm các tội ác kinh hoàng. Ganh tị cũng dễ xâm nhập người quảng đại, thanh khiết vì tính đa cảm dễ thương của họ. Thật là xót xa khi thấy mình bị thay thế hoặc phải nhường chỗ cho người khác tài đức hơn mình, thi thố năng lực hơn mình, được quý trọng hơn mình, dành cho lớp trẻ ! Đau đớn thay, khi nhìn thấy mình bị lu mờ, người thánh cũng cảm thấy khổ thầm, chua xót vì tự nhận thấy sự yếu kém của mình. Nỗi chua cay thầm kín là sự căm hờn đang âm ỉ, không biết lúc nào sẽ cháy bùng lên và thiêu hủy tất cả.
341 (235)
Cố mà quên cho lòng bớt khổ. Tuy nhiên, hội viên Legio lại quyết đi xa hơn điều gì chỉ làm cho mình an tâm. Không ngụy hòa, chỉ ưa chiến thắng thôi, phải thực hành ra tay chinh phục cho kỳ được cái tính tự nhiên đang hung hăng và đang sẵn sàng nghinh chiến, phải biến đổi hoàn toàn cái ghen ghét phân bì, thành tình thương của người Kitô hữu. Đúng là cao đẹp lắm, nhưng làm sao đây ? Phải triệt để làm tròn phận sự của người Legio đối với đồng bạn, với láng giềng : phải tập nhìn thấy và kính trọng Chúa trong mỗi người. Khi thấy trong mình nổi tính ganh tị, lập tức phải suy nghĩ rằng : “Con người đang lên hương khiến tôi tủi thầm, người này chính là Chúa Kitô chớ không phải ai xa lạ. Tôi phải nhận định như Gioan Tẩy Giả, là hết sức vui mừng khi để tôi khuất đi, để Chúa thêm cao sang. Tôi phải hạ xuống, để nâng Người lên cao”.
342 (236)
Đây đúng là thái độ của người anh hùng. Ta làm vật hy sinh theo sứ mạng ; lòng ta không còn chút tham vọng, vì đã giao phó cho Mẹ tự do gột rửa, để ánh sáng dễ dàng xuyên qua ta đến với mọi người (Ga 1,7), để Mẹ tạo ta nên sứ giả mới, biết quên mình, đi trước dọn đàng cho Chúa (Mc 1,2).
Tiền hô bao giờ cũng muốn cho dân chúng chỉ để ý người mình loan báo. Tông đồ luôn luôn vui mừng khi thấy người quanh mình trưởng thành, mà không bao giờ so đo, coi họ đã lớn hơn mình chưa. Muốn cho người khác lớn lên, nhưng lại muốn phải thấp hơn mình, thì không đáng là tông đồ ! Người có tính ganh tị bao giờ cũng nghĩ tới bản thân đi trước, người tông đồ luôn luôn để bản thân đi sau chót. Hơn thế nữa, óc ganh tị không thể đồng hành trong đời tông đồ.
343 (237)
“Vừa lên tiếng chào mừng cách thành kính và khả ái, Đức Maria gây dựng tâm tình cảm kích thánh hảo để thanh tẩy tâm hồn họ, tái sinh Gioan Tẩy Giả vàø đồng thời làm cho Isave thêm cao quí. Nếu mới vài lời chào mừng ấy đã tạo nên bao điều kỳ diệu thì phương chi với bao ngày, với nhiều tuần, với nhiều tháng nữa thì sao ? Luôn luôn Đức Maria tặng ban, cho đi. Còn Isave chỉ việc tiếp nhận – Thật sự phải nói rõ ra – Bà lãnh nhận mà không ganh tị. Cũng như Đức Maria được mang thai kỳ diệu, Bà Isave hằng khiêm tốn trước cô em họ, mà không một chút âm ỉ đắng cay vì không được Thiên Chúa đặc tuyển như em. Isave nào có ganh tị Đức Maria ; và sau này, Đức Maria cũng không thể nào ganh tị Tình Thương của Đức Kitô dành cho các tông đồ. Rồi Gioan Tẩy Giả cũng chẳng ganh với Đức Giêsu Kitô, khi đồ đệ riêng của mình bỏ đi theo Người. Không một chút tủi lòng, nhưng Gioan chỉ nhận xét : “Người từ Trời xuống, cao trọng hơn cả, cần phải thăng tiến, còn tôi phải hạ thấp đi” (Ga 3, 30-31) (Perroy : “Đức Trinh Nữ Maria khiêm nhu”).