Đọc Thủ Bản 19/04 – 25/04/2020: Hãy đi giảng Phúc âm – Số lề #540-547

540 (541)

5) Rất nhiều nơi đã tổ chức ngày tĩnh tâm cho người ngoài Công giáo. Chương trình chung gồm có : Thánh Lễ, ba bài giảng, hội thảo, cơm trưa, uống trà buổi xế, chầu Mình Thánh, đôi khi chiếu phim có giải thích. Nếu thu xếp vào một tu viện sẽ có khung cảnh tuyệt diệu, mọi hiểu lầm và thành kiến sẽ tiêu tan. Về cách tổ chức, khi đã định ngày, sẽ in thiệp mời, in cả chương trình mặt sau. Chính ta mang đi và có thể bằng mọi cách đưa thiệp mời đến tận nhà người ngoài Công giáo thuộc vùng ta ở, và giải thích cho họ ý nghĩa ngày tĩnh tâm. Đây là điểm tâm lý cần phải giữ để dùng thiệp mời cho đúng cách, là không bao giờ phát bừa bãi theo cách phát giấy quảng cáo. Gửi cho ai phải nhớ ghi tên để sau kiểm soát lại xem thiếp mời đem lại kết quả nào. Chỉ nên gửi thiếp mời những người mà ta có thể hy vọng phần nào họ sẽ đến dự ngày tĩnh tâm.

Người trong hay ngoài Legio, khi nhận phân phối thiệp mời tức là lãnh nhiệm vụ đi tìm những ai vui lòng đến dự ngày tĩnh tâm. Nếu tĩnh tâm xong, mà tấm thiệp mời còn trong túi của chúng ta, tấm thiệp kia sẽ là bằng chứng cụ thể, tố giác chúng ta đã bỏ qua không thi hành sứ mạng đã nhận lãnh.

541 (542)

Chúng ta sẽ bỡ ngỡ, vì rất dễ mời người ngoài Công giáo dự ngày tĩnh tâm, và sau đó họ đều tỏ ra rất hài lòng. Khi trải qua một lần tĩnh tâm, chắc chắn họ thay đổi quan niệm cách sâu xa. Sau nhiều lần tĩnh tâm ở tại một địa điểm, mỗi lần độ 60 người Tin lành đến dự, kết quả khoảng 10 phần trăm về với Hội Thánh Công giáo. Dĩ nhiên còn biết bao nhiêu kết quả bề trong mà chúng ta không thể biết. Tại một đô thị, ngày tĩnh tâm đầu tiên thu hút 103 người đến dự, trong số đó 52 người sau này dần dần trở về với Hội Thánh.

542 (543)

Thường người Công giáo phải đi kèm với người ngoài Công giáo mà chính mình đã mời đến tĩnh tâm, để người khách mời cảm thấy tự nhiên trước khung cảnh mới lạ, và nếu họ thắc mắc thì có người giải thích. Họ sẽ bạo dạn hơn để đến với Linh mục trong ngày tĩnh tâm. Không buộc sự thinh lặng. Tổ chức tĩnh tâm cho cả hai phái nam, nữ. Nhưng chớ đi sai mục đích, do đó, đừng cho tân tòng hay người Công giáo trễ nải đến Tĩnh tâm với họ.
Càng đến mời nhiều nhà, càng đông người tĩnh tâm ; càng đông người tĩnh tâm, dĩ nhiên con số trở về Công giáo càng nhiều. Kinh nghiệm xưa nay cho thấy tỷ số vừa kể trên rất đúng. Vậy, nếu ta tăng sự thăm viếng gấp đôi, người trở lại cũng lên bằng hai, và việc này rất vừa sức của ta.

543 (544)

“Xin cho họ nên Một. Thưa Cha, như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, xin cho họ cũng được ở trong chúng ta” (Ga 17,21).

“Nếu trong việc truyền bá Phúc Âm mà không có Đức Mẹ tham dự, nếu từ chối vai trò chứng nhân của Đức Mẹ cho đạo Công giáo, thì chúng ta sẽ chặt đứt không chỉ một mắc xích đâu, nhưng là bẻ gãy toàn bộ sợi dây xích, hậu quả không chỉ làm sứt mẻ, mà còn gây sụp đổ cho cả cơ đồ. Niềm Tin vào những sự kỳ diệu của giờ Truyền Tin, trải qua các đời, trên khắp thế giới, chỉ tựa trên một chứng nhân duy nhất, với tiếng nói duy nhất của Đức Trinh Nữ Maria” (Đức Hồng Y Wiseman : Những tác động Tân Ước).

4. THÁNH THỂ LÀ LỢI KHÍ ĐƯA NGƯỜI TRỞ LẠI

544 (549)

Chúng ta thường tốn nhiều giờ để tranh luận, dù có lý, cũng chẳng đưa ai trở về Hội Thánh. Khi thảo luận là cố hé cửa cho người ngoài thấy kho báu thiêng liêng của Hội Thánh. Không có cách nào hiệu quả hơn là chúng ta hãy trình bày tín lý về Thánh Thể.

Người mới biết cách mơ hồ và sơ sài mà đã hết lòng thán phục Chúa Giêsu. Căn cứ vào sử sách, họ hiểu Chúa Giêsu tác động lên vạn vật bằng uy lực vô song của Người. Vì vậy mọi tạo vật đều tuân lệnh của Người : kẻ chết sống lại, mọi tật nguyền đều tan biến. Chúa Giêsu dùng quyền năng riêng của mình thực hiện các phép lạ trên. Mặc dù là người, nhưng Đức Kitô chính là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Lời Người toàn năng, Người tạo nên vạn vật.

Kinh Thánh thuật lại, một hôm “Người Chúa” này, ngoài bao nhiêu dấu lạ, đã thực hiện Bí tích Thánh Thể : “Người cầm bánh, làm phép, bẻ ra, đưa cho môn đệ và phán : “Hãy cầm lấy mà ăn : Đây là Mình Ta” (Mt 26,26). Đây là những lời đầy quyền năng đã được ghi lại, nhưng có nhiều người chưa hiểu. “Lời này chướng tai quá ! Ai mà nghe nổi” (Ga 6,60). Ngay cả nhiều môn đệ Chúa Kitô cũng phản đối Chúa, khiến cho qua bao nhiêu thế kỷ nhiều linh hồn phải hư mất. “Sao người này lại có thể lấy Thịt mình cho chúng ta ăn?” (Ga 6,52). Đối với những môn đệ nầy vì họ chưa biết Đức Giêsu là Thiên Chúa Làm Người đang mặc xác thể sống giữa họ, họ còn đáng tha thứ. Còn những ai đã tin Chúa Giêsu là Thiên Chúa, là Đức Kitô toàn năng, thì đám mây mờ nào che khuất trí khôn, khiến họ không công nhận Bí tích Thánh Thể. Thiên Chúa đã long trọng tuyên bố trước đám đông : “Đây là Mình Ta”, nhưng sao lại hiểu : “Đây không phải là Mình Thầy”. Hãy để cho họ thấu hiểu lý luận đanh thép của văn hào Pascal : “Tôi ghét cho sự thiếu khôn ngoan của những ai không tin phép Thánh Thể biết chừng nào ! Nếu Phúc Âm là chân thực, nếu Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa thật, thì có gì khó hiểu đâu ?”
Ý niệm về phép Thánh Thể là một thách đố thật vô biên, ai nghe cũng phải chú ý. Nếu chúng ta bền chí, chỉ cho anh em Ly khai niềm vinh dự có Chúa ở mãi với Hội thánh qua phép Thánh Thể, nhất định các người nhiều thiện chí sẽ tin, và họ sẽ thầm nghĩ : “Phép Thánh Thể mà có thực, thế là xưa nay tôi bị thiệt thòi quá nhiều”. Nghĩ mà tiếc như thế sẽ là lý do mạnh thúc đẩy anh em trở về ngôi nhà đích thực của mình.

546 (551)

Nhiều anh em thiện chí không Công giáo, khi đọc Thánh Kinh, khi suy gẫm và khi cầu nguyện chân thành, họ không coi Chúa Giêsu như một nhân vật xa xưa của lịch sử, trái lại họ vui thích tạo lại hình ảnh sống động của Chúa đang hoạt động và đang tiếp tục làm những việc yêu thương với họ. Ước gì, ai nói cho những người chân thành này biết, là trong Hội thánh Công giáo, có phép Thánh Thể đem lại cho đời sống hằng ngày của họ một Đức Giêsu Kitô có trọn vẹn Thiên tính và Nhân tính như lúc Chúa sống hữu hình ở trần thế. Họ có thể chạm đến Chúa, trò chuyện với Chúa, chiêm ngưỡng Chúa, có thể ân cần và thân mật chăm sóc cho Chúa không thua gì các bạn thân của Chúa xưa ở nhà Bêtania ! Hơn nữa, qua việc Hiệp Lễ, họ kết hiệp cùng Đức Maria âu yếm chăm sóc cho Thân của Chúa Con như một Bà Mẹ, để trả ơn phần nào, vì bao nhiêu ơn lành Chúa đã ban cho tất cả chúng ta. Chắc chắn, chúng ta chỉ cần cho các anh em không Công giáo hiểu rõ những ơn tuyệt diệu của phép Thánh Thể, nhất định nhiều anh em sẽ tìm về Ánh Sáng. Khi họ tìm về phép Thánh Thể, Chúa Giêsu sẽ làm cho họ hiểu biết Chúa nhiều hơn. Như hai môn đệ trên đường đi đến làng Emau, lòng hai ông phấn khởi khi nghe Chúa nói chuyện với họ, và mở mắt để họ hiểu rõ về lời khó nghe : “Hãy cầm lấy mà ăn, này là mình Thầy”. Mắt hai ông đã mở và nhận ra Chúa lúc người bẻ Bánh Thánh (Lc 24,13-35)

Khi công nhận phép Thánh Thể, mọi hiểu lầm và thành kiến đã làm cho anh em lạnh lùng và mờ ảo về Thiên đàng, sẽ phải tan đi, như tuyết đông khi gặp ánh mặt trời. Lòng họ sẽ tràn ngập vui mừng mà la lên rằng : “Tôi biết có một điều này thôi, là xưa tôi mù, bây giờ, tôi thấy !” (Ga 9,25)

547 (552)

“Đức Bà Thánh Thể có nghĩa là Đức Maria với tư cách là người đã nhận lãnh toàn quyền thông ban Thánh Thể và ân sủng hệ thuộc với bí tích nầy. Vì Thánh Thể là phương thế linh diệu nhất để cứu rỗi, là kết quả tuyệt hảo của công cuộc Cứu Chuộc. Vì vậy bổn phận của Đức Mẹ là :

– làm cho người ta biết và yêu Chúa Giêsu Thánh Thể,
– lo cho có nhiều nhà thờ nhất là xây dựng giữa xóm ngoại,
– bảo vệ Thánh Thể không để cho những người lạc đạo và những người tội lỗi xúc phạm.

Bổn phận của Đức Mẹ cũng còn là :

– chuẩn bị linh hồn cho những ai sắp chịu lễ,
– khích lệ mọi người siêng năng viếng Thánh Thể và dâng lễ hằng ngày.

Đức Mẹ giữ kho báu tích chứa các ơn đi kèm theo phép Thánh Thể, những ơn giúp chúng ta đến với Thánh Thể và những ơn chúng ta sẽ nhận lãnh tràn trề từ phép Thánh Thể” (Tesnière : Tháng Kính Đức Bà Thánh Thể).

Chia sẻ Bài này:

Related posts