Đọc Thủ Bản 24/07 – 30/07/2022: Việc Quản Trị Của Legio Mariae – Trang 205 #280 21-22

 

21. Mỗi nhóm thuộc Legio phải cung cấp tiền quỹ cho Hội đồng ở liền cấp trên mình. Về việc này, xem chương nói về “Tài chánh” (và chương 34, 35).

22. Tự do và thành thực thảo luận về mọi công việc và những khó khăn phải là bản chất của các Hội đồng Legio. Hội đồng đâu phải là một cơ quan phụ trách công việc kiểm soát hay chỉ biết ra lệnh. Hội đồng là trường huấn luyện ủy viên. Tuy nhiên làm sao huấn luyện ủy viên, nếu không có một cuộc thảo luận nào, nếu các nguyên tắc và lý tưởng của Legio không bao giờ được đưa ra bàn thảo chính xác ?

Hơn nữa, cuộc thảo luận phải là công việc của tất cả. Không nên vì lý do gì để cho một Curia hay một Hội đồng nào trở thành một nhà hát, nơi một nhóm nhỏ phụ trách diễn trò cho một cử tọa im lặng. Curia chỉ hoạt động đầy đủ khi tất cả mọi thành viên đều đóng góp. Mỗi thành viên giống như một tế bào trong óc. Nếu một số lớn tế bào không làm việc, bộ óc sẽ chóng biến thành mối đe dọa cho ai mang bộ óc đó. Một thành viên nếu không đóng góp tích cực, thì họ không giúp cho hoạt động của Curia. Nếu họ chỉ nghe, có lẽ họ sẽ hấp thụ đôi điều của Curia, nhưng họ sẽ không đóng góp gì cả. Xét theo hiện tượng tâm lý, sự thụ động làm tê liệt trí nhớ nên có thể thành viên kia ra khỏi buổi họp Curia với một bộ óc trống rỗng. Một thành viên Curia có thói quen thinh lặng khi họp, sẽ giống như một tế bào ngưng làm việc, không giúp gì cho thân xác hay bộ óc mà nó có phận sự phải làm. Tế bào này trốn lánh nhiệm vụ và biến thành một mối nguy cho cơ thể. Tiếc thay, nếu một thành viên lại trở thành một sự thiệt hại cho cơ cấu Legio mà họ đã tha thiết muốn phục vụ. Nếu như hoạt động là vấn đề sinh tử, thì thụ động là sâu mọt, và sâu mọt thì lan tràn ra mãi.

Do đó theo nguyên tắc, không một thành viên nào có quyền thụ động. Mỗi thành viên có nhiệm vụ phải góp phần đầy đủ cho sức sống của hội đoàn, không những bằng sự hiện diện và lưu tâm để ý, mà còn phải tham gia ý kiến. Nói ra thì nghe như lẩn thẩn, nhưng nói ở đây lại thật là nghiêm chỉnh, khi người ta bảo rằng “mỗi thành viên phải tham gia ý kiến ít nhất một năm một lần”.

Đối với những người nhút nhát, họ hợp tác với nhau để đánh đổ ý kiến bảo họ phải nói. Nhưng phải thắng tính rụt rè này và hãy tỏ ra can đảm một chút, thứ can đảm mà Legio mong đợi ở bất cứ trường hợp nào.

Đối với điều nói trên, dĩ nhiên người ta có thể phản bác rằng không thể ai ai cũng phát biểu trong một buổi họp. Ý kiến này đúng lắm. Có thể không đủ giờ phát biểu, thì sẽ có cách giải quyết. Trái lại, sự tham gia không đầy đủ của các thành viên thường là vấn đề mà ta cần giải quyết. Chỉ còn một nhóm nhỏ người đa ngôn phát biểu ý kiến mà thôi. Tình trạng đó che đậy việc thảo luận không đầy đủ. Tình trạng hùng biện của nhóm nhỏ lấn át sự im lặng của toàn thể hội viên. Thông thường, Trưởng hay nói nhiều quá và áp đảo tất cả hội viên khác. Ta phải ghê sợ nhất diễn giả đơn độc này và hành động bóp nghẹt của đương sự. Đôi khi, để tự bào chữa người Trưởng viện lẽ rằng, nếu không nói, buổi họp sẽ im lặng như chết. Có lẽ đúng ; nhưng không nên sợ giây phút lặng lẽ. Việc thinh lặng kia có thể trở thành một lời khích lệ hùng biện nhất đối với các thành viên, để họ thông sức sống cho Curia qua những lời nói của họ. Hơn nữa, thinh lặng lại còn có thể là một khích lệ đối với những ai rụt rè nhất, làm cho họ tin rằng đến lúc phải nói, vì bấy giờ họ có phát biểu sẽ không cản trở ai.

Trưởng phải quyết định cho mình một đường lối xử sự là sẽ không thốt lên một lời nào nếu lời ấy không cần phải nói. Đương sự nên suy nghĩ kỹ về điểm này và phân tích cách điều khiển buổi họp.

Chia sẻ Bài này:

Related posts