Đọc Thủ Bản 26/03 – 01/04/2023: Nhiệm Vụ Căn Bản – Học Thủ Bản, Trang 258 #348-354

348 (242)

10. Học Thủ bản.

Luật buộc mỗi hội viên Legio phải học Thủ bản cho thực kỹ càng. Đây là bản giải thích chính thức về Legio. Sách viết hết sức gọn, gồm những gì thực quan trọng mà một hội viên thành thạo phải biết về nguyên tắc, kỷ luật, đường lối và tinh thần của tổ chức. Hội viên, đặc biệt là ủy viên, chưa thông Thủ bản, không thể khai thác Legio cho đúng mức. Trái lại, càng thông Thủ bản, làm việc càng có kết quả. Càng ngày càng thấy nhiều kết quả đặc biệt về lượng cũng như phẩm.
Thường nghe người ta kêu : Thủ bản dài quá ! Thật đáng ngạc nhiên, vì đôi khi nhiều người hằng ngày mất quá nhiều giờ để đọc các thứ báo, với thời gian này họ sẽ đọc rất nhiều trang Thủ bản, thế mà họ lại kêu.

349 (243)

“Quá dài ! Quá nhiều chi tiết !”. Hỏi rằng các sinh viên luật khoa, y khoa, võ bị phải đọc nhiều sách hơn, họ có phàn nàn dài quá không ? Không bao giờ. Trái lại, họ vùi đầu vào sách, nhồi vào trí từng lời, từng ý. Thực ra, “con cái thế hệ này khôn hơn con cái sự sáng” (Lc 16,8).

350 (244)

Ngoài ra, người ta còn chê Thủ bản đầy ý tưởng phức tạp, các vấn đề cao xa, nên nhiều thanh thiếu niên và hội viên ít học khó lòng hiểu được. Sao không viết đơn giản hơn cho họ ? Hiển nhiên, gợi ý như vậy là trái với luật cơ bản về giáo dục: học từ dễ đến khó. Nếu một người hiểu ngay sự việc từ đầu, thì khỏi cần dạy dỗ gì nữa. Sao hội viên lại muốn hiểu Thủ bản ngay, còn hơn là ta mong một học sinh hiểu tức khắc cuốn sách giáo khoa đầu tay ? Phận sự của nhà trường trong việc giáo huấn là phải giảng giải cho rõ những gì học trò chưa hiểu, và sau đó chúng biết thêm kiến thức mới.

351 (245)

“Ngay cả từ ngữ cũng khó hiểu !”. Nhưng không học nổi hay sao ? Từ ngữ trong Thủ bản không cao xa lắm. Tìm hiểu qua anh em hay tra cứu tự điển là thấu hiểu. Thực sự Thủ bản chỉ sử dụng những từ ngữ như báo chí thường dùng. Có ai đề nghị báo chí phải viết đơn giản đâu ? Vì thế, Thủ bản Legio, kể cả Giáo lý Công giáo cũng phải dùng các danh từ chuyên môn, mới mong nói lên tất cả ý nghĩa của đời sống thiêng liêng và nguyên tắc khác của Legio.

Đã nói về từ ngữ, cũng phải nói về nội dung của Thủ bản. Không có ý tưởng nào mà không thể hiểu “Tất cả giáo lý của Hội Thánh ai cũng có thể hiểu, không có phần nào dành riêng cho nhóm nhỏ nào hiểu biết mà kẻ khác không được biết” (TGM Dublin : Gioan Carôlô Mc Quaid). Bằng chứng là có nhiều hội viên, người bình thường và đôi khi mộc mạc đã hiểu rõ các điều trong Thủ bản và sử dụng như món ăn cho đời sống của họ.

352 (246)

Không thể tùy ý muốn biết hay không những quy định trong Thủ bản mà chúng ta cần phải hiểu rõ, nếu muốn hoạt động tông đồ cho có kết quả, vì Thủ bản chỉ gồm những nguyên tắc chính có thể nói là nòng cốt cho đời sống hoạt động tông đồ. Không hiểu rõ các nguyên tắc, hoạt động Tông đồ sẽ mất ý nghĩa đích thực của nó, mất căn bản thiêng liêng, không đáng mang danh Công giáo nữa. Vì công tác tông đồ và công cuộc từ thiện thường khác xa nhau một trời một vực.
Do đó, chúng ta phải hiểu thấu các ý niệm tông đồ trong Thủ bản, và Prỉsidium phải đóng vai thầy dạy. Quá trình này chỉ đạt được nhờ dùng Thủ bản làm sách thiêng liêng, Huấn từ phải giải thích sách thiêng liêng, rồi động viên hội viên về đọc cho có phương pháp và nghiên cứu kỹ. Học phải hành. Mỗi công tác tích cực phải nối liền với lý thuyết thích hợp, nhờ vậy mới có ý nghĩa thiêng liêng.

353 (247)

Một hôm có người hỏi phải học thế nào, Thánh Tôma tiến sĩ đáp : “Hãy đọc một quyển”. Đọc hay nghe bất cứ chuyện gì, phải chịu khó hiểu thấu. Nếu còn nghi ngờ, phải hỏi cho biết chắc”. Người không ám chỉ tác phẩm nào, nhưng bất cứ sách nào có giá trị. Do đó, hội viên nên theo lời khuyến khích trên đây để đọc Thủ bản thật kỹ.

Ngoài ra, Thủ bản có giá trị Giáo lý, Thủ bản trình bày giáo lý đơn giản mà đầy đủ, đúng theo hiến chế của Công đồng Vatican II.

354 (248)

“Thánh Bonaventura cho rằng sự hiểu biết là do ơn soi trí bên trong, đồng thời cũng do sự học hỏi mà có. Dựa theo lời Thánh Grêgôriô, người ví sự học như phép lạ ở đám cưới thành Cana, xứ Galilê. Chúa Giêsu không biến hư vô thành rượu, nhưng Người buộc gia nhân phải đi đội nước về đổ cho đầy các chum. Nếu chúng ta không học hỏi, chẳng tự đổ nước vào chum, Chúa Thánh Thần không ban cho ta Ơn Thông minh và Ơn Hiểu biết. Chúa không soi sáng cho người không biết cố gắng. Hiểu thấu Chân Lý đời đời là phần thưởng dành cho người học hỏi. Không có luật miễn trừ cho bất cứ ai” (Gemelli : “Thông điệp của Dòng Phansinh gởi thế giới”).

 

Chia sẻ Bài này:

Related posts