77 (264)
Các Thánh nhấn mạnh cần phải nhận sự phân biệt giữa Ba Ngôi và phải lưu ý cách riêng đến mỗi Ngôi. Kinh Tin Kính của thánh Atanasiô đã quả quyết về vấn đề này và kèm theo những lời răn đe đặc biệt, bởi vì mục đích cuối cùng của việc tạo dựng và nhập thể là để làm sáng danh Chúa Ba Ngôi.
Nhưng mầu nhiệm khó hiểu thế, làm sao chúng ta có thể tìm hiểu đôi chút ? Nhất định là phải nhờ ơn Chúa soi sáng, và chúng ta phải tin rằng ơn này Đức Mẹ xin được cho ta, vì Đức Mẹ là người thứ nhất trên đời được Chúa cho biết rõ về từng Ngôi, chính vào lúc Truyền Tin, một giờ lịch sử. Qua lời của Đại Thiên Sứ, Chúa Ba Ngôi tự giới thiệu mình cho Đức Maria như thế này : “Thánh Thần sẽ đến cùng Bà, Quyền phép Đấng Tối Cao sẽ bao phủ Bà. Do đó, Đấng Thánh bởi Bà sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa” (Lc 1,35).
Qua lời mặc khải trên, Ba Ngôi đều được nói đến rõ rệt. Trước nhất Chúa Thánh Thần với nhiệm vụ thực hiện việc Nhập Thể, kế đến là Đấng Tối Cao, Thân Phụ của Đấng được sinh ra là Chúa Con “Vị sẽ nên cao trọng và sẽ được gọi là Con Thiên Chúa” (Lc 1,32).
Khi chiêm ngắm mối liên quan khác biệt của Đức Mẹ đối với mỗi Ngôi, chúng ta sẽ phân biệt Ba Ngôi dễ hơn.
78 (265)
Đối với Ngôi Hai, Đức Maria có sự liên lạc dễ hiểu nhất là tình Mẹ Con. Tình Mẹ này mật thiết, vững bền và tốt hơn tất cả các tình liên hệ giữa loài người rất xa. Giữa Chúa Giêsu và Mẹ Maria, sự hòa hợp thứ nhất là hòa hợp tâm hồn, và kế đó là hòa hợp thể lý. Một khi con ra khỏi dạ mẹ là có sự tách biệt về thể lý, nhưng sự hòa hợp tinh thần vẫn còn mãi và mỗi ngày càng thêm khắng khít cho đến nỗi Hội Thánh chưa hài lòng khi ta gọi Mẹ Maria là người “cộng sự” với Ngôi Hai – là Đấng Đồng công cứu chuộc, Trung gian các ơn, nhưng phải gọi Mẹ Maria là “Giêsu khác”.
79 (266)
Đối với Ngôi Ba, Đức Maria thường được gọi là Đền Thờ, và là Cung Thánh của Chúa Thánh Thần, nhưng những tước hiệu này còn xa sự thực, vì Ngôi Ba đã làm cho Đức Maria liên kết thực chặt chẽ với mình, tới độ xét về phẩm chức, Đức Mẹ đi liền sau Chúa Thánh Thần. Đức Mẹ kết hợp, sống nhờ Chúa Thánh Thần như là linh hồn của Đức Mẹ. Đức Mẹ không chỉ là dụng cụ, là máng thông ơn Chúa dùng, nhưng Mẹ là người cộng sự sáng suốt, có ý thức, có thể nói Đức Mẹ làm gì thì kể như là Chúa Thánh Thần làm ; không nhận sự can thiệp của Đức Mẹ là cũng không nhận sự can thiệp của Chúa Thánh Thần.
80 (267)
Chúa Thánh Thần là Tình yêu, Tốt đẹp, Quyền năng, Khôn ngoan, Tinh khiết, gồm tất cả những gì là đặc tính của Thiên Chúa. Nếu Chúa xuống đầy đủ trong ai, thì mọi nhu cầu sẽ được thỏa mãn, những gì khó khăn cũng được giải quyết đúng theo ý Chúa. Ai nương tựa vào Chúa Thánh Thần (Tv 77) là thông công với quyền toàn năng. Một trong các điều kiện để xin Chúa Thánh Thần xuống với mình, là phải hiểu mối liên quan giữa Chúa Thánh Thần và Đức Maria. Một điều kiện chính yếu nữa là phải biết Chúa Thánh Thần là một ngôi riêng biệt thực thụ, có nhiệm vụ đặc biệt đối với mỗi người chúng ta. Trí ta càng hướng về Người là ta càng nhận biết Người thêm. Khi lòng ta hướng về Chúa Thánh Thần, thì tất cả sự sùng kính Đức Mẹ là con đường rộng lớn đưa ta đến Chúa Thánh Thần. Chúng ta nên lần chuỗi Môi Khôi theo ý này. Đây chính là lối sùng kính Chúa Thánh Thần hoàn hảo, không những vì đó là kinh nguyện đẹp nhất đối với Đức Maria, mà đặc biệt vì mười lăm mầu nhiệm diễn lại việc Chúa Thánh Thần biểu hiện chính trong bi kịch Chuộc tộâi.
81 (268)
Đối với Ngôi Cha, Maria là Ái Nữ của Chúa. Với tước hiệu này, chúng ta muốn nói :
a) Mẹ Maria đứng “số một trong vạn vật, là người con vừa ý Chúa nhất, ở gần Chúa nhất và được Chúa yêu nhiều nhất”. (ĐHY Newman).
b) Vì mối tình đặc biệt với Chúa Giêsu Kitô, nên Đức Maria có mối liên hệ với Chúa Cha, vì vậy gọi là Ái Nữ của Chúa Cha, không phải là quá đáng.
c) Vì Chúa đã dựng Mẹ Maria rất giống hình ảnh của Chúa Cha, nên Người mới có thể hạ sinh cho thế gian Ánh Sáng hằng hữu là Con của Chúa Cha chí ái.
“Ở địa vị Thiên Chúa Thánh Mẫu, chắc chắn Đức Maria sẽ nối kết mối nghĩa thiết đằm thắm với Thiên Chúa Cha” (Lépicier).
Nhưng danh xưng “Ái Nữ” lại không diễn tả hết những gì mà Đức Maria, nhờ có liên hệ đặc biệt với Chúa Cha đã làm cho ta, là con của Chúa và cũng là con của Đức Mẹ. “Chúa đã truyền cho Mẹ sản lực của Người đến mức tối đa mà một tạo vật có thể lãnh nhận, nhờ đó Đức Maria có thể sinh Chúa Con, và sinh các người con khác của Nhiệm Thể” (T. Mongpho). Sự liên hệ giữa Mẹ Maria và Chúa Cha là nguồn lực chính, đến nay vẫn tiếp tục ban sức sống cho các tâm hồn, Chúa chỉ đòi buộc một điều, là chúng ta phải hiểu và cộng tác với ơn của Chúa ban cho chúng ta, nghĩa là chúng ta phải năng suy gẫm về sự liên hệ sống động nói trên, đặc biệt khi miệng ta đọc Kinh Lạy Cha, thì lòng chúng ta phải để ý cách riêng đến điểm này. Chính Chúa Giêsu Kitô đã đọc kinh này và dạy chúng ta xin những điều cần một cách hợp lý. Nếu đọc kinh này một cách thực chăm chỉ theo tinh thần của Hội Thánh, tức là chúng ta làm tròn nhiệm vụ tôn vinh Chúa Cha hằng hữu và nhận biết nguồn ơn dồi dào Chúa ban cho chúng ta qua Mẹ Maria.
82 (269)
“Để minhchứng chúng ta lệ thuộc Đức Maria, xin đan cử gương của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Chúa Cha đã ban và nay chỉ ban Chúa Con qua Đức Mẹ. Nhờ Đức Mẹ, Chúa có những người con khác và Chúa chỉ ban ơn qua Đức Mẹ. Chúa Con xưa kia đã nhập thể vì chúng ta cũng qua Mẹ, và hằng ngày Người được tác tạo và sinh lại cũng bởi Đức Mẹ với sự cộng tác của Chúa Thánh Thần, và nhờ Đức Mẹ, Chúa Con thông ban ân đức của Người cho ta. Chúa Thánh Thần đã tác tạo thân xác cho Ngôi Hai chỉ ở trong lòng Đức Mẹ, nhờ Đức Mẹ để tạo nên những người con mới của Nhiệm Thể: và chỉ qua Mẹ, Chúa mới ban bảy ân và nhiều ân lạ cho chúng ta. Với nhiều gương khích lệ của Ba Ngôi, chúng ta đâu có thể nhắm mắt bỏ qua Mẹ, song chúng ta sẽ hiến toàn thân để sống lệ thuộc Đức Mẹ” (T. Mongpho).