Đọc Thủ Bản 28/02 – 06/03/2021: HỘI VIÊN VỚI NHIỆM THỂ CHÚA KITÔ – Trang 69 #97-104

GIÁO THUYẾT NÀY LÀ NỀN TẢNG
CHO PHẬN VỤ LEGIO

97 (283)

Hội viên vừa gia nhập, ta phải cho họ biết ngay đặc tính siêu nhiên của phận vụ mà họ sắp đảm nhận. Họ phải hết sức kính nhường khi đến gần kẻ khác, không chỉ vì lý do xã giao, nhưng là vì nhìn thấy và hầu hạ chính Chúa Kitô trong những người này. Dù làm việc gì rất bé mọn cho anh em, phải nhớ là mình làm cho chính Chúa, như lời Chúa phán: “Thực, Thầy nói với các con, ai làm việc gì cho người bé mọn nhất, tức làm cho Thầy” (Mt 25,40).

98 (284)

Ngay buổi đầu và sau này, đừng tiếc công để làm cho hội viên am hiểu giáo thuyết Nhiệm Thể, là nền tảng chính của đời hy sinh, của kỷ luật và sự hòa hợp trong nội bộ Legio. Phải cung kính Chúa Kitô trong các Ủy viên và trong anh chị đồng đội. Ðể ghi sâu cái chân lý có sức hoán cải này vào óc của hội viên, Huấn dụ thường xuyên vào phiên họp đầu tháng có nhắc đến chân lý nói trên. Huấn dụ này còn nhấn mạnh đến một nguyên tắc nữa, là tinh thần kết hợp thực chặt chẽ với Ðức Mẹ, để qua con người Legio, chính Mẹ làm việc.

99 (285)

Giáo thuyết Nhiệm Thể này làm nền tảng cho tất cả các nguyên lý xây dựng nên Legio. Bao nhiêu thư của Thánh Phaolô đề cập đến đề tài này. Có gì lạ đâu, chính vì Chúa đã tuyên bố giáo thuyết Nhiệm Thể này và đưa Phaolô trở về.

Ánh sáng xuất hiện từ trời, Phaolô lừng danh bách hại tín đồ Kitô giáo bị vật ngã ngựa, bị mù mắt. Cùng lúc có tiếng trách oán : “Saolô, Saolô, sao lại bách hại Ta ?” và Saolô đáp: “Thưa, Ngài là ai ?” Chúa Giêsu đáp : “Ta là Giêsu mà ngươi đang khủng bố” (Cv 9,4). Lời này ghi sâu vào đáy lòng Phaolô, khiến vị tông đồ phải luôn luôn viết và giảng về chân lý Nhiệm Thể ẩn chứa câu nói trên.

Thánh Phaolô mô tả sự kết hợp giữa Chúa Kitô và người được Rửa tội, như đầu đối với các chi thể của thân xác. Mỗi chi thể đều được chỉ định để làm việc riêng. Phần cao quí, phần kém hơn, nhưng tùy thuộc nhau cả, và đồng một nguồn sống. Một chi thể hỏng, các phần khác có thể cùng trục trặc, nhưng chi thể nào mạnh các phần khác cùng hưởng nhờ.

100 (286)

Hội thánh là Nhiệm Thể và là sự sung mãn của Chúa Kitô (Ep 1,22). Chúa Kitô là Ðầu, là chủ, là phần cần thiết và hoàn hảo chia sinh lực và sức sống cho các chi thể khác. Nhờ Rửa tội mà ta được kết chặt vào Chúa Kitô với mối tình thân quá sức tưởng tượng. Nên nhớ mầu nhiệm không có nghĩa là không có thực. Lời Thánh Kinh quả quyết : “Chúng ta là các phần thuộc Thân thể của Chúa, cấu tạo bằng xương thịt của Chúa” (Ep 5,30). Giữa chi thể và Ðầu, cũng như giữa chi thể với nhau, chúng ta đồng có nghĩa vụ thiêng liêng, (1Ga 4,15-21). Ðem thân thể làm tỷ dụ sẽ giúp ta dễ hiểu nghĩa vụ nói trên, tuy chỉ nửa phần thôi.

101 (287)

Giáo thuyết Nhiệm Thể là trung tâm của các tín điều. Vì đời sống siêu nhiên và mọi ơn ban cho ta đều là kết quả của ơn Cứu chuộc. Việc Cứu chuộc lại dựa trên sự kết hợp giữa Chúa Kitô và Hội Thánh thành một Nhiệm Thể duy nhất. Khi Ðầu là Chúa Kitô lập công, bao nhiêu công phúc của cuộc Tử nạn sẽ truyền sang cho các chi thể của Chúa, là toàn thể tín hữu. Ðó là lý do để Chúa chịu đau khổ vì ta, hầu đền những tội mà chính Người không phạm “Chúa Kitô cứu chuộc cho chính thân Chúa” (Ep 5,23).

Nhiệm Thể làm việc là chính Chúa Kitô làm việc. Ta đã liên kết vào Chúa, và ta sống, ta đau khổ, ta chết với Chúa, để cùng Phục sinh với Người. Phép Rửa tội đã thánh hóa ta Bí tích này thiết lập mối tương giao giữa Chúa Kitô và linh hồn ta, để sự thánh của Ðầu truyền sang đến ta là chi thể. Các Bí tích khác, đặc biệt Phép Thánh Thể, được lập ra cũng vì mục đích tăng cường sự hòa hợp giữa Nhiệm Thể với Ðầu. Sự hòa hợp càng thêm sâu xa nhờ những việc làm của đức Tin và của đức Mến, nhờ sự liên kết trong Giáo quyền và Giáo hội giúp đỡ nhau, nhờ sự khó nhọc và đau khổ mà ta vui lòng lãnh nhận, và cách chung là nhờ tất cả các hoạt động của đời sống đạo. Khi ta biết sẵn sàng hoạt động chung với Ðức Mẹ thì những kết quả kể trên càng thêm hiệu lực.

103 (289)

Với tư cách là Mẹ của Ðầu và của các chi thể, Ðức Maria là mối liên lạc tốt nhất. “Chúng ta là các phần của Thân Thể Chúa, của Xương, Thịt Chúa”. Do đó ta cũng thực sự là con của Ðức Maria, Mẹ của Chúa, Chúa dựng nên Ðức Maria cũng chỉ vì một mục đích là cưu mang và sinh ra Chúa Kitô trọn vẹn, tức là Nhiệm Thể với đầy đủ chi thể tốt đẹp, hòa hợp nhau thực hoàn hảo (Ep 4,15), và nên một với Ðầu là Chúa Kitô. Ðức Maria đã hoàn thành các việc trên với sự cộng tác và bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần, là linh hồn và là nguồn sống của Nhiệm Thể. Ta được lớn lên trong Chúa Kitô ngay từ cung lòng của Ðức Mẹ và nhờ Người chăm sóc, cho đến tuổi trưởng thành của Chúa Kitô” (Ep 4, 13-15).

104 (290)

“Trong kế hoạch cứu chuộc của Chúa, Ðức Maria tham gia phần việc chính (khác hơn mọi người). Trong Nhiệm Thể, Mẹ là phần đặc biệt liền với Ðầu. Phần này có nhiệm vụ trọng yếu đối với mạng sống của toàn thân, đó là Trái Tim. Theo lối Thánh Bênadô, người ta thường ví Ðức Mẹ đới với Nhiệm Thể như cổ nối liền đầu với toàn thân. So sánh như vậy cũng nêu rõ việc Trung gian phổ quát của Ðức Maria giữa Ðầu và Nhiệm Thể. Tuy nhiên cổ lại không đóng vai trò cần thiết cho sự sinh hoạt như Tim, vì Ðức Mẹ đang thủ vai hết sức quan trọng, do quyền lực của Người, đi liền sau Chúa, đang làm cho nếp sống siêu nhiên hoạt động. Cổ chỉ là phần nối liền, mà không phát sinh và nuôi dưỡng sự sống. Trái lại, tim chứa đựng sức sống dồi dào và phân phối sức sống đến từng phần của toàn thân” (Mura : Nhiệm Thể của Chúa Kitô).

Chia sẻ Bài này:

Related posts