111 (297)
Sứ mạng của Legio là tiếp cận mật thiết với dân chúng, nhất là người đau khổ. Vậy chúng ta cần hiểu rõ vấn đề đau khổ. Không ai tránh khỏi đau khổ, và hầu hết phẫn uất vì đau khổ. Họ tìm cách giải khổ, nhưng giải không được, họ đành đầu hàng. Như thế là ngược kế hoạch Cứu chuộc. Theo kế hoạch này, muốn xây dựng cuộc đời phong phú phải sử dụng đau khổ cho đúng mức, ví dụ muốn dệt thành một tấm lụa, ngoài những sợi chỉ dọc, cần có những đường tơ ngang. Người đời lầm tưởng gian khổ cản trở và giết chết cuộc đời họ, nhưng họ có ngờ đâu đau khổ làm cuộc đời trở nên hoàn hảo. Mỗi trang Thánh Kinh đã dạy ta điều nói trên, “Tin Chúa Kitô chưa đủ, còn phải chịu khổ với Người” (Pl 1,29), đoạn khác : “Nếu cùng tử nạn với Đức Kitô, ta sẽ sống lại với Chúa, nếu cùng gian nan ta sẽ cùng thống trị trong vinh quang với Người” (2Tm 2,11-12).
112 (298)
Khi nào chúng ta cùng chết với Chúa Kitô ? Là khi chúng ta nằm trên khổ giá đẫm máu. Trên khổ giá, Đầu của chúng ta đã hoàn tất sứ mạng. Dưới chân Thánh giá có một gương mặt đau khổ quá sức, hình như Bà chết được, Bà là Mẹ của Đấng Cứu Thế và của mọi người được cứu rỗi. Bà đã cung cấp dòng máu đầu tiên để rồi hôm nay máu này đổ ra lai láng, xem như vô giá trị, nhưng thực ra là để cứu thế gian. Máu này từ nay phải lưu thông khắp Thân Mầu Nhiệm, để cố đưa sức sống tới khắp châu thân. Phải biết rõ hiệu quả của dòng máu này để áp dụng. Dòng máu này làm cho chúng ta hoàn toàn giống Chúa Kitô : Người vui vẻ và vinh quang ở Bêlem, trên núi Tabor, kể cả lúc Chúa Giêsu chịu khổ nhục trên đồi Calvê.
113 (299)
Phải biết rằng, mọi tín hữu không có quyền phân chia Chúa Kitô ra để chọn phần mình thích. Đức Maria đã nhớ điều này ngay từ giờ Truyền tin, Đức Maria biết mình không được mời để làm Mẹ trong lúc vui, mà còn phải làm một nữ nhân đau khổ. Mẹ dâng trót mình cho Chúa nên được Chúa trọn vẹn. Mẹ hiểu rõ mọi hậu quả khi cưu mang Chúa là nguồn sống : sẵn sàng nhận chịu hết mọi khổ Thương với Con, nên Mẹ được chia niềm Vui và Mừng của Con. Ngày đó, hai trái tim đã nên một, nên ngày nay hai tim này đang hòa nhịp trong Thân Mầu nhiệm. Vì vậy, Mẹ Maria là Đấng Trung gian các ơn, là mạch sống tiếp nhận và lưu thông Máu Thánh Chúa.
114 (300)
Mẹ nào con nấy. Càng mật thiết kết hợp với Thánh Tâm, ta càng nên hữu ích đối với Chúa, vì ta nhận lãnh nhiều Máu Thánh để chuyển sang các tâm hồn. Muốn thế, ta phải theo Chúa qua các giai đoạn của đời Người. Khi Chúa vinh quang, ta theo, lúc Người khổ nhục, ta lại bỏ sao. Thực là phi lý và bất xứng, chỉ có một Chúa thôi, nếu không theo Chúa lúc khổ hình, làm sao tham dự vào sứ mạng cứu chuộc các linh hồn, làm sao chia sẻ vinh quang với Người ?
115 (301)
Do đó, ta sẽ thấy gian khổ vẫn là ơn phước. Nếu đau khổ không chữa lành ta, cũng cho ta thêm sức mạnh. Đâu phải đau khổ lúc nào cũng là hình phạt của tội mà thôi, vì Thánh Augustinô nói : “Ta phải hiểu đau khổ của ta không phải là hình phạt, vì đau khổ có tính chất chữa bệnh tật”. Do đó, những người vô tội, thánh thiện, mới được đặc ân chia sẻ Cực hình của Chúa, để cho họ càng nên giống Chúa nhiều hơn. Hãm mình và đền tạ là trao đổi và hòa hợp đau khổ của ta với đau khổ của Chúa.
116 (302)
Muốn hiểu rõ vấn đề đau khổ, ta đơn giản so sánh với máu lưu thông trong người. Hãy nhìn tay của mình : mạch đang nhảy đều, là do tim đang đập, bơm máu nóng lưu chuyển trong mạch. Tay là một phần đã nối với thân. Nếu để tay lạnh, mạch máu co lại, máu đang lưu thông gặp trở ngại. Nếu tay quá lạnh, mạch lưu thông sẽ tắc nghẽn. Nếu mạch ngưng chạy vì quá lạnh, tay sẽ co lại, thớ thịt chết đi, tay không còn sức sống, trở thành vô dụng. Nếu không chạy chữa thì cánh tay tê liệt.
117 (303)
Đối với Thân mầu nhiệm cũng vậy. Máu Thánh trong Thân không lưu thông, chi thể đó sẽ chết, như cánh tay chấn thương lạnh cóng cần phải cắt đi kẻo nó ăn luồng vào thân. Phải làm cho máu lưu thông, ép cho máu lưu thông trong các mạch thực là đau : cảm thấy đau là triệu chứng tốt đáng mừng. Hiện nay rất nhiều tín hữu tuy chưa bỏ đạo, chưa phải là cánh tay khô ; họ tự mãn chưa nhận thấy mình đang chết cóng, vì họ chưa nhận đủ số Máu Chúa muốn ban. Máu Thánh đang lưu thông trong họ làm cho các mạch yếu căng trở lại, khiến họ đau, do đó họ gặp đau khổ. Vậy ai thấu hiểu ý nghĩa của sự đau khổ sẽ lấy khổ làm vui. Cảm thấy đau khổ tức là cảm thấy Chúa Kitô đã ở gần bên ta.
118 (304)
Chúa Kitô đã chịu xong các khổ đau mà phần Chúa phải gánh ; không có thiếu đau khổ nào cả. Vậy cuộc Tử nạn đã xong rồi chứ ? Phải, đã xong ở phần Đầu nhưng ở phần Thân, cuộc Tử nạn đang tiếp diễn. Chúa Kitô còn đang chịu khổ nạn trên phần Thân, nên Người mời gọi ta chịu khổ với Người cho xong, thực là hợp lý. Hiệp nhất với Chúa phải như vậy. Tất cả những gì Đầu đã chịu thì chúng ta là Thân cùng chịu với Đầu. (T. Augustinô)