3. THÀNH THỰC TÔN SÙNG ĐỨC MARIA
LÀ PHẢI HOẠT ĐỘNG TÔNG ĐỒ
47 (189)
Thủ bản đã có lần nhấn mạnh rằng, trong Chúa Kitô ta không được lựa chọn : nghĩa là ta không thể đón nhận Chúa Kitô vinh quang, nhưng từ chối đón tiếp Chúa Kitô khổ nạn, chịu nhục hình, vào cuộc sống của ta. Một Chúa Kitô làm sao chúng ta chia Người ra làm hai. Phải đón nhận Chúa nguyên vẹn. Nếu đón Chúa để hưởng an bình hạnh phúc, chúng ta sẽ thấy mình bị đóng đinh vào Thánh giá với Chúa. Những cái trái ngược đã được dung hòa, chúng ta đừng phân chia ra : có nhục mới có vinh, có khổ mới có vui, có gian nan mới có vinh quang. Nhặt lên một trong hai, tự nhiên cái thứ hai dính theo.
Dĩ nhiên, đối với Đức Maria cũng như thế, không thể chia Đức Mẹ ra nhiều phần để rồi tự do lựa và chọn phần nào vừa ý ta. Ta không thể chia vui với Mẹ, mà đồng thời tim ta không như vỡ ra vì những sự đau khổ của Mẹ.
48 (190)
Nếu ta muốn như Gioan, tông đồ khả ái, đưa Đức Mẹ về với mình (Ga 19,27), ta phải đón Đức Mẹ nguyên vẹn. Nếu chỉ đón Đức Mẹ trong một giai đoạn nào thôi, Đức Mẹ sẽ không về phần ta, có tôn sùng Đức Mẹ thời phải nhắm và phải cố họa lại hết mọi nét về con người và sứ mạng của Mẹ. Không phải chỉ họa lại những nét chính thôi. Thí dụ, như chỉ ngưỡng mộ Đức Mẹ như là gương mẫu tuyệt vời về mọi nhân đức mà ta phải bắt chước. Nếu chỉ làm thế và không làm hơn nữa, ngưỡng mộ như thế vừa thiếu sót vừa hẹp hòi. Cầu xin Mẹ cũng chưa đi đến đâu, dù có cầu xin rất nhiều. Có hiểu và mừng cho Mẹ vì bao nhiêu cách lạ lùng Chúa Ba Ngôi đã dùng để bao bọc, xây dựng, làm cho Mẹ sáng chói với bao đức tính đặc biệt của Thiên Chúa, thế cũng chưa đủ. Mẹ đáng suy tôn và ta phải suy tôn Người, nhưng còn nhiều việc khác phải làm. Một lối tôn sùng xứng đáng nhất là liên kết với Mẹ. Liên kết phải đồng nghĩa với chia sẻ sự sống với Mẹ, Mẹ sống không phải để được chúc tụng mà chính là để chuyển thông ơn Thánh.
49 (191)
Suốt đời Đức Maria phải đóng vai làm Mẹ đảm đang của Chúa Kitô, sau đó là mẹ của chúng ta. Do quyết định chung từ thuở đời đời, Chúa Ba Ngôi đã chuẩn bị và dựng nên Mẹ Maria để nhận nhiệm vụ này (Thánh Augustinô). Từ ngày Truyền tin, Đức Mẹ đã bắt đầu thi hành sứ mạng cao cả, Người là bà Mẹ bận rộn nhất trong việc nội trợ. Thời gian đầu ở nhà Nazarét, nhà nhỏ bé ấy đã mau chóng bao gồm cả thế giới, và cả nhân loại là con cũng như Chúa Con của Đức Mẹ. Một việc làm liên tục, việc nội trợ càng nhiều khi nhà Nazarét càng rộng lan khắp thế giới, phải có bàn tay Đức Mẹ đảm đang. Mọi sự săn sóc cho Nhiệm Thể chỉ là tiếp tay với Mẹ, hoạt động tông đồ tức là giúp Mẹ một tay, và Mẹ có thể tự xưng là “Ta là việc Tông đồ” cũng như Mẹ đã từng tuyên bố : “Ta là Vô nhiễm thai”.
50 (192)
Làm Mẹ các linh hồn là nhiệm vụ chính và là lẽ sống của Đức Maria. Nếu chưa chia sẻ nhiệm vụ này thì không thực tình liên kết với Đức Mẹ. Xin diễn tả chức vụ đó một lần nữa : ai thực sự kính mến Đức Mẹ, người đó biết lo giúp các linh hồn. Đức Maria không lo bổn phận làm Mẹ, hay Kitô hữu không làm việc tông đồ, đúng là hai ý nghĩa kỳ quái, thất thiệt, vô căn cứ, không đúng với ý định của Chúa. Vì vậy, không thể nói Legio đặt trên hai nguyên lý : Đức Maria và hoạt động tông đồ. Chỉ có một nguyên lý : Đức Maria, còn hoạt động tông đồ là hiệu quả tự nhiên, hoặc hiểu cho đúng hơn, đây là tất cả lẽ sống của Kitô hữu.
51 (193)
Ai cũng biết, ước muốn suông không làm nên gì. Chỉ nói : “Con xin dâng tất cả hoạt động của con cho Mẹ”, thật là vô lý. Công tác tông đồ chẳng bao giờ tự nhiên từ trời rơi xuống cho kẻ thụ động ngồi chờ. Và đáng sợ là kẻ cứ ngồi chờ sẽ quen nếp sống ăn không ngồi rồi. Phương pháp thiết thực nhất để hiến thân làm tông đồ, là bắt đầu hoạt động tông đồ ngay. Tiến một bước là có Đức Mẹ tiếp đón ta, và nhận liền việc tông đồ đầu tiên của ta làm, để ta chia sẻ phận vụ làm Mẹ của Người.
52 (194)
Hơn nữa, nếu không có ta giúp, Đức Mẹ không thể thi hành nhiệm vụ. Nói như thế có quá chăng ? Đức Mẹ đầy quyền năng lại phải nhờ đến sự giúp đỡ của kẻ yếu kém sao ? Đây là lý do : Chúa sắp xếp công việc của Chúa, có phần để chúng ta cộng tác với Chúa, và loài người phải cứu vớt lẫn nhau. Tuy kho tàng ơn phúc của Mẹ tràn đầy, nhưng nếu ta không giúp, Mẹ không phân phát được. Nếu cứ theo tình Mẹ mà Người sử dụng quyền năng của mình thì thế gian sẽ hoán cải trong nháy mắt. Nhưng Mẹ phải chờ đợi người đời sẵn sàng cộng tác với Mẹ. Ta không giúp, Đức Mẹ đành bó tay, để các linh hồn đói và chết. Cho nên Đức Mẹ mau mắn đón tiếp những ai tự nguyện đến dâng mình cộng tác, Mẹ sử dụng tất cả không trừ ai, không chỉ những người thánh thiện và những người có khả năng, mà còn cả những người yếu kém bất lực. Mẹ nhờ hết mọi người không bỏ ai. Người yếu kém làm cho uy quyền của Mẹ càng thêm sáng tỏ. Hãy xem ánh sáng mặt trời xuyên qua cửa kính sạch một cách rực rỡ, qua kính dơ ánh sáng chiếu cách lờ mờ hơn.
53 (195)
“Phải chăng Chúa Giêsu và Mẹ Maria là Adong, Evà mới, mà cây Thánh giá đã liên kết cả hai trong đau khổ và tình thương để đền bù nguyên tổ đã phạm trong Vườn Địa đàng ? Chúa Giêsu là nguồn ơn, Đức Maria là suối đem ơn tái sinh và giúp ta đoạt lại Nước Trời.
Theo ý Chúa, chúng ta hãy ca tụng Mẹ Maria, Người mà Chúa đã nâng lên làm Mẹ từ bi, là Nữ Vương và là Mẹ yêu dấu của ta, Trung gian các ơn, quản lý Kho Trời. Con Chúa Trời đã trang điểm Mẹ với vinh quang, vương quyền và quyền năng của chính Chúa. Vì Đức Mẹ đã liên kết với Vua các Thánh Tử Đạo, làm Mẹ và cộng sự với Người trong công cuộc vĩ đại cứu chuộc loài người, đời đời liên kết với Chúa và thực sự Đức Mẹ có quyền vô hạn trong việc phân phối ơn do Chúa cứu chuộc. Vương triều của Mẹ bao la như Vương triều của Con Mẹ thực sự đến mức độ không còn gì vượt hơn quyền năng của Mẹ”.
(Đức PIÔ XII, Diễn từ ngày 21-4-1940 và 13-5-1945)