PHỤ LỤC 2
Điều khoản trích trong
Hiến Chế Ánh Sáng Muôn Dân
của Công đồng Vaticanô II
573 (621)
Hãy đọc trọn Hiến chế này. Hội Thánh với ơn không sai lầm, khi tuyên bố văn kiện này, đã mở đường cho ta hiểu sâu rộng về Nhiệm Thể Chúa Kitô, nhờ đó sự sống của Hội thánh được thêm vững chắc và lan rộng hơn. Đoạn văn trích ra đây đặc biệt liên quan đến bản chất của Legio – nhiệm vụ làm Mẹ của Đức Maria đối với Nhiệm Thể. Hiến chế trình bày Đức Maria dưới khía cạnh mới. Sau Chúa Kitô, Đức Maria là phần tử cao quí nhất của Nhiệm Thể. Nếu muốn bảo vệ toàn cơ cấu, thì phải tôn trọng Đức Maria như một thành phần không thể tách rời với Hội Thánh.
574 (622)
Điều 60. Tuy có một Đấng Trung gian, mà chúng ta đã biết qua lời của thánh Phaolô tông đồ : “Chỉ có một Chúa và một trung gian giữa Chúa và loài người, là con người của Chúa Kitô Giêsu, Đấng đã hy sinh mình để cứu rỗi toàn thể chúng ta” (1Tm 2,5-6). Phận vụ làm Mẹ của Đức Maria đối với loài người đã không làm mờ hay giảm bớt vai trò Trung gian duy nhất của Chúa Kitô, trái lại càng làm uy quyền của Người thêm sáng tỏ. Lý do là vì ảnh hưởng cứu rỗi của Đức Trinh Nữ trên loài người bắt nguồn từ ý Chúa muốn, chứ không vì một loại nhu cầu nào. Ảnh hưởng cứu rỗi của Đức Mẹ nảy sinh do công nghiệp quá phong phú của Chúa Kitô. Sự trung gian của Đức Mẹ vẫn hoàn toàn lệ thuộc, không tách lìa và nếu có hiệu lực cũng do sự trung gian của Chúa Kitô.
Đồng thời ảnh hưởng của Đức Mẹ đã không cản trở tín hữu trực tiếp liên kết với Chúa Kitô, song còn giúp cho sự liên kết thêm vững vàng hơn.
575 (623)
Điều 61. Từ thuở đời đời Thiên Chúa đã nghĩ đến Đức Trinh Nữ cùng một lúc với chương trình Nhập thể của Ngôi Lời, với nhiệm vụ làm Mẹ Thiên Chúa. Do quyết định của Chúa Quan Phòng, người sẽ là Mẹ hiền của Thiên Chúa Cứu Thế lúc sống giữa trần gian. Vượt trên tất cả và theo đường lối riêng, người là cộng sự viên quảng đại, là một tôi tớ bé nhỏ của Thiên Chúa, Người cưu mang, sinh ra và dưỡng nuôi Đấng Kitô, nơi Đền Thánh, dâng Con cho Chúa Cha, và chia sẻ nỗi đau đớn của Con khi chết trên Thánh Giá. Một cách hoàn toàn đặc biệt, Người đã cộng tác trong công trình cứu chuộc. Người đã giúp vào việc xây dựng lại đời sống siêu nhiên cho các linh hồn do sự vâng lời, tin tưởng, trông cậy và yêu mến nồng nhiệt của Người. Do đó, Người trở thành Mẹ của chúng ta trong phạm vi ơn thánh.
576 (624)
Điều 62. Theo đường lối của ơn thánh, Đức Maria đã làm Mẹ chúng ta ngay từ giờ Truyền tin, khi Người chấp nhận một cách tin tưởng sự trinh thai, và nhờ can đảm lập lại dưới chân Thánh giá, Người bền đỗ giữ phận vụ làm Mẹ cho đến người cuối cùng của tất cả những người được chọn. Tuy xác hồn về Trời, Đức Maria vẫn tiếp tục sứ mạng cứu rỗi, vì Người mãi mãi can thiệp bằng mọi cách để mang lại cho chúng ta những ơn thiêng để ta được cứu rỗi đời đời. Với tình Mẫu Tử, Người hằng chăm sóc những em của Chúa Kitô trong suốt cuộc hành trình trên trần gian, đầy những nguy nan gian khổ, cho đến ngày họ được đưa vào hạnh phúc của quê thật cõi Trời. Bởi Người thi hành phận vụ của Bà mẹ, nên Hội Thánh kêu cầu Đức Nữ Trinh với tước hiệu : Trạng sư, Mẹ Hằng Cứu Giúp, Mẹ Bảo trợ, Mẹ Trung gian. Tin tưởng và khẩn cầu như thế, không gia giảm giá trị của vai trò trung gian duy nhất và đầy đủ của Chúa Kitô.
577 (625)
Điều 65. Trong khi Hội Thánh có một Trinh Nữ đã đạt đến tột điểm trọn lành không tỳ vết (Ep 5,27) các tín hữu vẫn phải cố gắng chiến thắng tội lỗi và tăng thêm thánh đức. Và tất cả đưa mắt nhìn về Đức Maria, Người đang chiếu tỏa cho cả cộng đoàn được chọn mẫu gương nhân đức. Hội Thánh yêu thích tìm hiểu, ngắm nhìn Đức Maria trong ánh sáng của Ngôi Lời làm Người, nhờ đó mà càng kính cẩn đi vào mầu nhiệm cao cả của Ngôi Hai Nhập Thể, và mỗi lúc càng nên giống Đức Mẹ là Mẹ thanh sạch của Chúa. Vì Đức Maria đã đóng vai trò quan trọng trong tất cả các biến cố của công cuộc cứu chuộc, nên trong con người của Mẹ như bao gồm nhiều điều khoản quan trọng của đức Tin, và liên kết tất cả lại với nhau thành một giáo thuyết rất thích hợp. Nơi nào Đức Maria được rao giảng và thành kính, Mẹ kêu gọi tín hữu đến với Chúa Con, đến với cuộc Hiến tế và đến với tình yêu của Chúa Cha đời đời.
Trong khi đi tìm vinh danh cho Chúa Kitô, Hội Thánh lớn lên và mỗi lúc càng giống Đức Maria là mẫu gương cao cả; trong khi tìm hiểu và tuân theo thánh ý Chúa trong hết mọi sự, Hội Thánh tiến mãi trong đức Tin, đức Cậy, đức Mến một cách liên tục. Do đó, khi hoạt động tông đồ, Hội Thánh sẽ hoàn toàn liên kết với Đức Maria là Mẹ đã sinh Chúa Kitô, thọ thai do quyền năng Chúa Thánh Thần và sinh bởi Đức Trinh Nữ, để nhờ Hội Thánh mà Chúa Kitô có thể tiếp tục sinh ra và lớn lên trong tâm hồn các tín hữu. Với cuộc sống tư, Đức Maria đã nêu cao tình Mẫu tử, mà tất cả những ai tham gia công tác tông đồ của Hội Thánh, đều phải thấm nhuần tình thương này để tái sinh nhân loại.
578 (626)
“Lần đầu tiên, Hội Thánh được hình thành âm thầm ngày Truyền tin. Lúc ấy, không chỉ nhìn thấy nơi Đức Giêsu và Đức Maria, sự kết hợp đơn giản giữa Con và Mẹ, mà là sự kết hợp giữa Thiên Chúa và Con người, giữa Đấng Cứu Thế và tạo vật đầu tiên được cứu chuộc. Thiên Chúa mời gọi mọi người hội nhập vào cộng đoàn Hội Thánh. Trong Đức Giêsu và Đức Maria chẳng những Hội Thánh tìm được tinh chất của mình, mà thậm chí cả các căn tính nữa. Hội Thánh hoàn toàn Duy nhất và Thánh thiện. Tiềm năng Hội Thánh là Công giáo, nghĩa là phổ quát nơi hai thành viên của hoàn vũ. Chỉ còn thiếu hành động Công giáo đích thực và sứ vụ Tông đồ” (Nhà thần học, Lm. René Laurentin).