Đọc Thủ Bản 31/07 – 06/08/2022: Việc Quản Trị Của Legio Mariae – Trang 207 #280 23-25

 

23. Để giúp ích cho buổi họp, đừng nói giọng khiêu khích hoặc nêu câu hỏi để trả lời mà không gợi ý giúp thảo luận ; cũng đừng nêu thắc mắc mà không tìm cách giải đáp. Chỉ ở trong thế tiêu cực như vậy thì chưa thoát ra khỏi cái tai hại của sự im lặng là bao nhiêu.

24. Thuyết phục người khác đồng ý hơn là ép buộc họ theo ý kiến của mình. Đây là điểm chính cần làm nổi bật trong mỗi buổi họp của Legio. Dùng uy lực để làm cho kẻ khác nhận một quyết định quá sớm, ta liều mình tạo ra hai phe : một thiểu số thua và một nhóm lớn thắng. Cả hai phe đều xung khắc và cố chấp ở trong lập trường xung khắc của mình. Trái lại, các quyết nghị chỉ được thu nhận sau khi bàn thảo êm thấm và trao đổi ý kiến hết sức rộng rãi. Tất cả phải chấp nhận, với sự thông cảm, bên thua cũng có công mặc dầu thất bại, và bên thắng không mất gì sau trận thắng.
Vậy, nếu có bất đồng ý kiến, bên được đa số rõ rệt phải tỏ ra hết sức kiên nhẫn ; họ có thể sai lầm, và sẽ rất đáng tiếc, nếu tại vì họ đa số mà một quyết nghị sai lầm lại được chấp thuận. Nếu có thể, nên dời đến kỳ họp sau sẽ quyết định, dù phải dời lại nhiều lần miễn sự cứu xét thêm sâu sắc hơn. Phải cho hội viên biết rõ mọi mặt của vấn đề và nhắc họ cầu nguyện để xin ơn soi sáng, và cho họ biết đó không phải vấn đề làm cho ý kiến của mình thắng, mà là khiêm nhường tìm hiểu Thánh ý Chúa về điểm đang thảo luận. Cách này hầu như bao giờ cũng đi đến chỗ thỏa thuận.

25. Nếu trong một Prỉsidium, là nơi tuy có nhưng ít xảy ra bất đồng ý kiến mà còn phải giữ tình hòa hợp đến thế, thì trong các Hội đồng cao hơn phải thận trọng đến bực nào ; vì :

a) Nơi đó, các thành viên không mấy khi làm việc với nhau.

b) Phải xảy ra vài quan điểm dị biệt, vì một trong những phận vụ chính của Hội đồng là giải quyết nhiều bất đồng ý kiến; tra cứu công tác mới, cố nâng tình trạng hiện tại lên cao; áp dụng kỷ luật chung, bàn về các khuyết điểm, tất cả bấy nhiêu việc tất nhiên phát sinh bất đồng ý kiến, và có thể thêm mãi một cách đáng ngại.

c) Nơi nào đông người họp, dễ nhận ra vài người, đôi khi là hoạt động giỏi, nhưng cách chung có thể gọi là “gàn”. Họ gây ra cho Hội đồng một ảnh hưởng rất tai hại. Vì giỏi hoạt động nên kéo theo họ một số người. Họ gây bầu không khí bất hòa có thể đến thù hiềm. Hậu quả là cơ quan đúng lý ra phải nêu gương mẫu mực cho những kẻ thuộc quyền, về tình huynh đệ và cách quản trị công việc, lại trở thành chỗ gây gương xấu cho toàn thể hội viên Legio. Tim đã bơm chất độc vào châu thân của Legio.

d) Có người giả thành thực, họ làm cách này là thích moi móc Hội đồng kế cận, kể cả Hội đồng cấp trên của mình, cho rằng những Hội đồng này lạm quyền không hành động xứng đáng (tạo vài điều tố cáo xuôi tai để lôi kéo kẻ khác nghe theo, có gì dễ bằng !).

e) “Càng đông người gặp nhau, thế nào những dục vọng, ý riêng, kiêu căng, hoài nghi đang âm ỉ trong lòng mỗi người, sẽ có dịp bùng lên và cấu kết với nhau. Dù một dân tộc toàn Công giáo! Dù người đạo đức họp nhau để lo việc lành, vừa họp lại thành đoàn, không bao lâu đã bộc lộ bản tính yếu kém tự nhiên của loài người ; vừa trong lòng vừa bề ngoài, bằng lời nói và bằng việc làm, họ phản lại hẳn tính đơn sơ và chân thành của Kitô hữu. Đó chính là điểm các nhà văn đạo đức gọi là “thế gian”, và chỉ cho ta cách đề phòng ; theo như các vị diễn tả, thì đoàn thể hoặc cá nhân, bất cứ ở địa vị nào, việc quốc gia cũng như chức nghiệp, giáo dân hay giáo sĩ, kẻ nhiều, người ít đều chịu ảnh hưởng thế tục kể trên” (ĐHY Newman, “Giữa đời”).

Thật ra, những lời nói trên làm ta kinh ngạc ! Nhưng đây là những lời của một nhà tư tưởng trứ danh. Thánh Grêgôriô Naxianxô cũng đồng một tư tưởng, nhưng Ngài nói cách khác. Đem điều vừa quả quyết ra phân tích, thoạt đầu xem ra kỳ lạ nhưng thực nó có nghĩa như thế này : “thế gian” có nghĩa là thiếu bác ái : chúng ta thiếu bác ái và sự thiếu thốn này được bù đắp phần nào do tình máu mủ, thân thích hay bầu bạn. Bác ái như vậy chỉ thu hẹp trong nhóm nhỏ ; nhưng khi gặp một hội đoàn đông đảo và lời chỉ trích như mối chia rẽ đã chen vào, thì như thánh Bênađô nói : “Thiên Chúa và Bác ái là một. Ở đâu không có Bác ái, thì dục vọng và đam mê xác thịt sẽ ngự trị. Ngọn đuốc đức Tin, nếu không đốt bằng lửa Bác ái, sẽ không cháy sáng rực lâu dài để dẫn đưa chúng ta đến hạnh phúc đời đời… Thiếu Bác ái sẽ không có nhân đức thật sự”.

Nếu các hội viên khi đọc những dòng chữ cảnh cáo liên quan đến nguy cơ chia rẽ trên đây, rồi họ tự quả quyết rằng giữa họ “không có cái nguy cơ ấy bao giờ”, nếu nghĩ vậy có đọc cũng vô ích. Mối nguy cơ này có thể có, và sẽ có, nếu trong các buổi họp chúng ta thiếu bác ái. Để cho tinh thần siêu nhiên khỏi bị suy nhược, chúng ta phải đề phòng luôn về điểm này. Lịch sử cho chúng ta biết rằng, đạo quân Rôma dầu có di chuyển đi xa mấy, thời bình cũng như thời chiến, họ không bao giờ nghỉ một đêm ở đâu mà không đóng trại, đào hào và đắp lũy hết sức cẩn thận. Noi gương kỷ luật nghiêm khắc này, ước gì Legio Mariae chú tâm bảo vệ doanh trại của mình, tức là các buổi nhóm họp thuộc Legio, để tránh cuộc tấn công bất ngờ của “tinh thần thế gian”. Legio đảm bảo doanh trại bằng cách lánh xa lời nói, việc làm trái với đức bác ái, và nói chung, làm cho các buổi họp thấm nhuần tinh thần cầu nguyện, và giữ cho đầy đủ lòng đạo đức của Legio.

“Ơn Chúa, cũng như bản tánh tự nhiên con người, có tâm tình và cảm xúc, có tình yêu, lòng nhiệt thành, hy vọng, vui mừng, đau khổ… Vậy, các tâm tình của ân sủng được thể hiện một cách hoàn toàn trong Đức Trinh Nữ, vì Người sống cuộc đời ơn nghĩa nhiều hơn sống cuộc đời tự nhiên. Phần đông giáo hữu chỉ sống trong ơn nghĩa hơn là sống bằng ơn nghĩa, còn Đức Trinh Nữ thì vừa ở trong ơn nghĩa, vừa sống bằng ơn nghĩa, và trọn đời Người khi còn sống dưới thế, đã sống ơn nghĩa một cách trọn hảo” (Gibieuf : Về Đức Maria đau khổ dưới chân Thánh giá).

 

Chia sẻ Bài này:

Related posts