Có thực tế không thể phủ nhận đó là đời sống tâm linh của người Công Giáo nói chung và hội viên Legio nói riêng ngày càng sa sút có nghĩa chỉ có ở hình thức bên ngoài mà không có chiều sâu. Đang khi đó cái cốt lõi mà Chúa đòi buộc ở nơi mỗi người tức các Ki Tô Hữu là phải nên trọn lành bằng con đường thực thi Thánh Ý Thiên Chúa “ Chẳng phải mỗi kẻ nói cùng Ta rằng = Lạy Chúa, lạy Chúa mà vào được Nước Trời đâu. Nhưng chỉ kẻ nào làm theo Ý Chỉ của Cha ta ở trên trời mà thôi. Trong ngày đó nhiều người sẽ nói cùng Ta rằng Lạy Chúa, lạy Chúa chúng tôi há chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri sao ? Nhân danh Chúa mà đuổi quỷ sao ? Nhân danh Chúa mà làm nhiều việc quyền năng sao ? Khi ấy ta sẽ công bố với họ rằng = Ta chẳng hề biết các ngươi. Hãy lìa khỏi Ta hỡi những kẻ làm ác kia” ( Mt 7, 21 -23).
Nhân danh Chúa để nói tiên tri, đuổi quỷ, làm phép lạ v.v…Tất cả những việc ấy đối với thế gian đều là những việc lớn lao cả thể nhưng với Chúa lại là điều ác. Tại sao vậy ? Bởi vì những việc ấy đã được làm chỉ vì “ Cái Tôi” của họ mà thôi. Đi theo ý riêng mình đó là con đường của quỷ bởi vì nó chính là Satan đội lốt con rắn để cám dỗ ông bà nguyên tổ nơi Vườn Địa Đàng xưa kia. Lại nữa quỷ Satan cũng là tên lừa đảo đã nhiều lần bị Đức Ki Tô vạch mặt chỉ tên “ Từ ban đầu nó là kẻ giết người chẳng đứng trong lẽ thật vì trong nó không có lẽ thật đâu. Khi nó nói dối thì tự mình nó nói vì nó vốn là kẻ nói dối cũng là cha của sự ấy” ( Ga 8, 44).
Sự lừa dối của quỷ dữ Satan có thể nói là vô cùng tinh vi xảo quyệt tự sức con người không ai có thể nhận ra điều ấy ngoại trừ Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội cũng tức là Người Nữ đạp giập đầu rắn. Sau khi nguyên tổ phạm tội Đức Chúa Giehova lên tiếng trách phạt con rắn “ Ta sẽ làm cho mày cùng Người Nữ, dòng dõi mày cùng dòng dõi Người Nữ nghịch thù nhau. Người sẽ giày đạp đầu mày còn mày thì sẽ rình cắn gót chân Người” ( St 3, 15 ). Dòng dõi Người Nữ đó là những ai nếu đó chẳng phải là những người biết vâng theo Thánh Ý Thiên Chúa “ Có kẻ thưa với Chúa Giesu rằng = Mẹ và anh em Thầy đứng ở ngoài muốn gặp Thầy. Nhưng Ngài đáp cùng họ rằng Mẹ và anh em Ta tức là những kẻ biết nghe Đạo ĐCT đây và làm theo” ( Lc 8, 20 -21).
Nghe Đạo và làm theo Đạo chính là việc vâng theo Thánh ý Thiên Chúa bởi chưng Đạo chẳng ở đâu xa mà đã có ngay ở nơi mỗi người “ Đạo ở gần ngươi, ở trong miệng ngươi và ở trong lòng ngươi tức là Đạo Đức Tin mà chúng tôi rao giảng đây. Vậy nếu miệng ngươi nhận Giesu là Chúa và lòng ngươi tin ĐCT đã khiến Ngài từ kẻ chết sống lại thì ngươi sẽ được cứu” ( Rm 10, 8 -9). Lời Chúa cho thấy sống đạo gồm hai phần, có cả bên ngoài lẫn bên trong. Phần bên ngoài là đọc kinh cầu nguyện, tham dự Thánh Lễ chầu Mình Thánh Chúa, ngắm đàng Thánh Giá, ăn chay bố thí v.v…Còn phần bên trong là tin nơi Chúa Ki Tô Phục Sinh Ngài đã chết, sống lại để trở nên nguồn ơn cứu độ cho chúng ta. Nói là bên ngoài bên trong nhưng thực chất vẫn chỉ là một. Lý do là vì sở dĩ chúng ta đọc kinh tham dự Thánh lễ…..là vì chúng ta có lòng tin vào Chúa, còn nếu không tin thì đâu có đọc kinh đi lễ làm gì ? Mặc dầu vậy rất có thể những việc làm ấy chỉ có ở hình thức bên ngoài mà không có bên trong tức phần nội tâm. Nói cách khác việc sống đạo cần phải có đầy đủ cả hình thức lẫn nội dung. Hình thức là để chuyên chở nội dung còn nội dung cũng phải thể hiện ra bên ngoài. Nếu chỉ có bên ngoài mà không có nội dung bên trong thì tất cả những việc đọc kinh, bố thí hay rao giảng lời Chúa v.v…tất cả chỉ là đạo đức giả hình sẽ bị Chúa quở trách “ Dân này chỉ kính thờ Ta ngoài môi ngoài miệng. Còn lòng trí chúng thì xa Ta lắm. Họ kính thờ Ta luống công vì đó là giáo lý loài người” ( Mt 15, 8 -9).
Chúa không chê trách việc đọc kinh hay bố thí, giảng dạy… Thế nhưng nhất thiết khi làm những việc ấy cần phải xoay cái tâm trở vào bên trong bởi vì Chúa đang hiện diện không một phút giây nào ngừng ở trong ta. Toàn bộ hoạt động Legio cũng không ngoài mục đích để giúp hội viên chúng ta quay vào bên trong hầu nhận biết Thiên Chúa Đấng vốn ở nơi mình. Căn cứ vào đâu mà có thể nói hoạt động Legio là để hướng vào bên trong như thế ? Xin thưa là vì trước hết hội viên Legio tất cả đều là dòng dõi Người Nữ có nghĩa chúng ta tôn phong Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội làm thủ lĩnh trong trận chiến tâm linh chống lại ba thù thế gian ma quỷ xác thịt. Sự chống trả ấy chỉ có thể có kết quả bằng cách bỏ đi ý riêng mình. Để bỏ đi ý riêng, Legio có hệ thống trước đây gọi là Bất Di bất Dịch còn nay là Hệ Thống Cố Định “ Hội viên không có quyền thay đổi các quy luật hay cách thực hành. Hệ thống mô tả đây là hệ thống của Legio. Mỗi thay đổi dù nhỏ bé đến đâu cũng không tránh khỏi biến đổi khác và không bao lâu tổ chức Legio chỉ là hữu danh vô thực. Một khi biết đơn vị nào thay đổi như vậy Legio sẽ không ngần ngại khai trừ đơn vị ấy dù họ đã thể hiện những công tác có giá trị đến đâu” ( TB chg 20 – SL 241).
Không được phép thay đổi quy luật hay cách thực hành. Quy luật tức là các nguyên lý đường lối của Legio chẳng hạn như về Chủ Đích về Tinh Thần hoặc Sự Vụ của Legio v.v…Còn cách thực hành tức là về chương trình họp, về Kinh nguyện không thay đổi, về cách bài trí bàn thờ, cách thức vị trí ngồi họp của từng ủy viên v.v..Cần nên nhớ tất cả những quy luật cũng như cách thức thực hành ấy đều có mục đích là để hội viên chúng ta bỏ đi ý riêng mình. Cứ áp dụng thực hành cho đến từng chi tiết Hệ Thống Cố Định ấy thì sẽ bỏ đi được ý riêng. Còn như cố tình không tuân thủ thì đó là làm theo ý riêng mà làm theo ý riêng thì trước hết chẳng có ơn ích mà còn đáng bị luận phạt. Sự luận phạt ấy đối với Legio là phải bị khai trừ “ Legio sẽ không ngần ngại khai trừ đơn vị ấy dù họ đã thể hiện những công tác có giá trị đến đâu”.
Legio sẽ không ngần ngại khai trừ….nhưng thực tế hiện nay thì không phải như vậy. Chẳng những ở cấp đơn vị nhỏ nhất là presidium mà ngay ở các cấp Hội Đồng cũng vi phạm luật Legio cách nặng nề nhưng chẳng hề…bị sao cả ??? Có không ít presidium ở đây vẫn đọc Kinh Thánh thay cho Sách Thiêng Thủ bản dù có nhắc nhở nhưng vẫn cứ đọc. Có không ít prfesidium vẫn xin khấn trong phiên họp hàng tuần dù có nhắc nhở nhưng vẫn cứ…khấn. Tuy nhiên đây chỉ là cấp…thấp còn ngay ở những cấp …cao mà vẫn ngang nhiên vi phạm chẳng hạn như cách ngồi dự họp Ban Ủy Viên lại ở phía sau tượng Đức Mẹ, dù có góp ý nhưng chẳng chịu nghe lại còn nói phải nghe theo chỉ đạo của Hội Đồng cấp trên. Đang khi đó Thủ Bản đã nói rất rõ “ Mỗi phiên họp ( các cấp ) đều sắp đặt như nhau. Hội viên ngồi quanh chiếc bàn dài, đầu bàn dọn làm một bàn thờ nhỏ. Trên chiếc khăn trắng khá rộng ta đặt ảnh Đức Mẹ Vô Nhiễm ( mẫu hay làm phép lạ ) cao độ sáu tấc, hai bên hai bình hoa tươi, trước mặt tượng đặt hai chân đèn với nến sáng. Vexillum được đặt trước tượng độ 15 phân và xê về bên phải cũng quãng chừng ấy” ( TB chg 18 – Sl 189 ).
Về cách thức lập bàn thờ nhỏ, đặt tượng Đức Mẹ ngay trên bàn họp và HV ngồi chung quanh mang một ý nghĩa hết sức sâu xa. Với cách thức như vậy, Legio thể hiện phong cách sống đạo khác hẳn với bất kỳ hội đoàn nào và đồng thời cũng đưa ra một quan niệm mới về việc thờ phượng. Từ xưa đến nay việc thờ phượng bao giờ cũng đặt tượng ảnh ( Thánh Giá, tượng Chúa, Đức Mẹ, các Thánh ở trên cao và ở trước mặt. Nhưng nay với Legio thì tượng Đức Mẹ lại đặt ngay trên bàn họp. Điều ấy mang ý nghĩa gì nếu chẳng phải Legio chúng ta nhìn nhận Đức Maria là chủ tướng là lãnh đạo tối cao của mình ? Là chủ tướng thì phải ở sát với các quân binh chiến sĩ của mình chứ ? Mặt khác nếu đã nhìn nhận Đức maria là chủ tướng thì đặc biệt là các ủy viên tức hàng ngũ sĩ quan quân đội phải đứng hay ngồi ngay trước mặt chủ tướng để nhận lãnh các chỉ thị mệnh lệnh của tướng chứ sao có thể ở sau lưng được ?
Để tuân hành đường lối Legio đến từng chi tiết như thế là điều dễ mà khó, khó mà dễ. Dễ là bởi cứ bỏ đi ý riêng mình đơn sơ làm theo sự hướng dẫn của Thủ Bản là được. Còn khó là bởi đã xem thường Thủ Bản mà đã xem thường thì chẳng bao giờ có thể nhận ra ý nghĩa cũng như mục đích của việc tuân thủ đường lối Legio đến từng chi tiết được. Phải tuân hành đường lối Legio cả trong quy luật lẫn cách thức thực hành mục đích là để cho ta bỏ được ý riêng. Thế nhưng bỏ ý riêng là rất khó nếu không hết lòng trung thành với Legio có nghĩa là với Đức Mẹ cho đến trọn đời. Trung thành như thế tức là triệt để thực thi bốn phận vụ đã được nhắc nhở trong các phiên họp hàng tuần trong mỗi đầu tháng. Một trong bốn phận vụ ấy là phải đọc Kinh Catena hàng ngày.
Việc đọc Kinh Catena hàng ngày là bổn phận cốt yếu của toàn thể các cấp hội viên dù là hoạt động hay tán trợ ( Tán trợ đọc nguyên bản kinh Tessera với năm mươi Kinh MC ) dù là trưởng thành hay Junior. Kinh Catena như TB nói đó là sợi giây xích cột chặt ta với Đức Mẹ. Hội viên mà không đọc Kinh Catena hàng ngày thì dù cho có hoạt động Legio nhiều bao nhiêu có giá trị đến đâu cũng chỉ vô ích trong công cuộc Đồng Công Cứu Chuộc của Đức Mẹ bởi lý do là vì đã không có sự nối kết với Ngài. Vả lại đọc Kinh Catena đối với hội viên là một bổn phận mà một khi bổn phận đã không chu toàn thì những việc khác còn nghĩa lý gì nữa ? Đọc Kinh Catena tuy là việc âm thầm có vẻ rất nhỏ nhặt nhưng đó là sự trung thành nhớ đến Chúa Đấng ở nơi mình. Chúa nói với những người đầy tớ đã được trao cho những nén bạc tức là khả năng và ơn lành của Chúa cần phải sinh lợi gấp đôi và những con người sinh lợi ấy đã được Chúa chúc phúc “ Hỡi đầy tớ lương thiện trung tín kia ơi, tốt lắm. Ngươi đã trung tín trong các việc nhỏ Ta sẽ đặt ngươi trên những việc lớn. Hãy vào mà hưởng sự vui mừng của chủ ngươi” ( Mt 25, 21).
Có trung thành thành trong những việc nhỏ như thế đó thì mới được vào hưởng sự vui mừng của chủ tức vào được Nước Trời. Cùng một ý nghĩa ấy, hội viên Legio nào có trung thành với đường lối Legio cho đến từng chi tiết thì mới có thể xứng đáng là chiến sĩ của Đức Maria trong trận chiến cuối cùng này. Là người Legio hơn ai hết cần làm sao để gắn kết được với Đức Maria bởi vì Ngài vừa là Mẹ vừa là chủ tướng đúng như những gì mà chúng ta đã tuyên hứa với Chúa Thánh Thần trong ngày lễ Dâng Mình “ Vậy tay con cầm cờ của Legio, cờ diễn tả trước mắt chúng con những sự thật này. Con đứng trước Tôn Nhan Chúa như người lính và người con của Đức Maria và tuyên xưng con hoàn toàn lệ thuộc Mẹ. Người là Mẹ của linh hồn con. Tim Mẹ và tim con là một” ( TB chg 15 – Sl 168 ).
Phùng Văn Hóa.