Không riêng các linh mục mà hết thảy giáo dân cũng phải sống nội tâm bởi lẽ đó là điều Đức Kito đòi buộc . Khi bố thí thì đừng cho tay tả biết việc tay hữu làm ( Mt 6,3.) Khi cầu nguyện , hãy vào phòng kín đóng cửa lại mà cầu với Đấng thấy trong chỗ ẩn mật ( Mt 6, 6) Khi ăn chay hãy xức dầu thơm trên đầu…đừng tỏ ra cho người ta nhưng chỉ tỏ cho CHA là Đấng ẩn mật ( Mt 6, 17 ). Bố thí, ăn chay , cầu nguyện , những việc ấy tốt lắm nhưng nếu chỉ cốt để lấy tiếng khen của người đời thì chẳng những chẳng có công phúc , trái lại còn bị Chúa quở trách” Khốn thay cho các ngươi, kẻ thông luật và người Pharisieu là bọn giả hình kia, các ngươi giống như mồ mả tô vôi, bề ngòai coi đẹp mà bề trong thì đầy xương người chết và mọi thứ ô uế khác” Mt 23, 1 – 36)
Tại sao khi làm bất cứ việc đạo đức nào Chúa cũng đòi buộc phải quy hướng về Tâm mà làm ? Lý do bởi vì cốt lõi của tất cả những việc ấy chính là để cho ta kiếm tìm một Đấng Thiên Chúa giấu ẩn ( Deus Abconsditus ). Đấng ấy vốn vẫn hằng hữu ở nơi mỗi người nhưng lại chẳng ai hay biết ngọai trừ Đức Kito và những ai được Ngài mạc khải “ Ngòai Cha không ai biết Con. Ngòai Con và người nào mà Con muốn bày tỏ cho thì cũng không ai biết Cha” Mt 11, 27) Tìm kiếm Thiên Chúa , đó là mệnh lệnh nhưng đồng thời cũng là một ân sủng “ Các ngươi hãy tìm Ta và gặp được khi các ngươi tìm Ta hết lòng”Jr 29, 13.). Kiếm tìm Thiên Chúa hòan tòan không giống như thế gian. Người thế gian lăn sả tìm kiếm danh vọng, địa vị , quyền thế và rồi cái mà họ gặp được tất yếu chỉ là đắng cay tủi hổ. Trái lại người tìm Thiên Chúa thì ắt như lời Ngài hứa sẽ gặp được Đấng là cội nguồn hạnh phúc. Đấng ấy diệu kỳ thay lại chẳng ở đâu xa mà ngay tại chính thâm sâu cõi lòng của mỗi người như lời Thánh Têrêsa nói “ Thật là một ân sủng lớn lao khi ThiênChúa giúp ta tìm ra Ngài trong lòng ta”. Để có thể gặp gỡ được với Đấng ở nơi cung lòng thì không thể không quay vào bên trong tức là nơi nội tâm mà tìm. Hiểu như vậy thì người Legio chúng ta phải sống nội tâm thế nào, Thủ Bản chỉ dẫn ra sao ?
Chương 33 câu 362 ( sách cũ 260 a ) ngay mấy dòng đầu TB đã trích dẫn thư Thánh Phao lô gửi tín hữu Galat “ Tôi sống nhưng không còn phải tôi mà là Đức Kito sống trong tôi” Gl 2, 20 ) và tiếp đó giải thích = Đời sống nội tâm có nghĩa là tư tưởng ước muốn tình cảm của mỗi người chúng ta quy hướng về Chúa” . Chúng ta biết Thánh Phao lô đã được ơn trở lại sau biến cố Damat ( Cv 22, 6 -16) và trót cuộc đời còn lại ngài đã để cho Đức Kito hòan tòan chiếm ngự = Không phải tôi nhưng là Đức Kito sống trong tôi.. Từ khi lãnh nhận Bí tích rửa tội, tòan thể tín hữu chúng ta cũng đều được ơn gọi để trở thành những Kito hữu, nghĩa là có Đức Kito ở nơi mình . Thế nhưng thật sự thì ta có nhận thức được điều ấy hay không ? Có mà không biết thì nào có khác gì không có ? Điều này cũng ví như người nghèo cực kia ngày ngày đeo bị đi ăn xin mà không hề biết rằng trong căn lều mục nát của mình có chôn giấu cả một kho tàng. Nếu có ai đó rõ biết được điều ấy, sẵn lòng chỉ bảo và kẻ ăn xin khốn khổ có được lòng tin , quay trở về, ngày ngày chịu vất vả đào bới thì chắc chắn có ngày sẽ có được kho báu ấy. Đức Giêsu Kito chính là người rõ biết ấy “ Các người chẳng từng biết Ngài nhưng Ta biết Ngài” Ga 8, 55). Đức Kito biết và Ngài đã chỉ cho chúng ta rằng ai ai cũng đều có một Người Cha vô cùng nhân từ, giàu lòng thương xót luôn đón đợi những đứa con hoang đàng trở về ( Lc 15, 11 – 24)Tự thân con người do nơi ảnh hưởng của tội nguyên tổ sống trong vô minh điên đảo nên rất khó để mà tin được mạc khải của Đức Kito. Thế nhưng trong kế hoặc quan phòng của Thiên Chúa chúng ta còn có một Người Mẹ vô cùng lân tuất là Đức Maria, Ngài đã cưu mang sinh hạ Đức Kito và đồng thời cũng cưu mang sinh hạ chúng ta những Kito hữu, là anh em là bằng hữu của Chúa Giêsu “ Ta chẳng còn gọi các ngươi là tôi tớ nữa, vì tôi tớ chẳng biết điều chủ mình làm. Nhưng Ta gọi các ngươi là bạn hữu vì Ta từng tỏ cho các ngươi mọi điều Ta đã nghe biết nơi Cha Ta” ( Ga 15, 15 ).
Đức Mẹ cưu mang sinh hạ Đức Kito và cũng sinh ra ta trong ơn Thánh. Nói rằng Đức Mẹ sinh ra ta nhưng thực chất là sinh Chúa Kito ở trong ta . Con người được sinh ra cho mục đích để kiếm tìm Thiên Chúa, chính bởi vậy nó chỉ hòan tòan mãn nguyện một khi đã gặp được Ngài. Thánh Augustino than thở “ Lạy Chúa , Chúa đã dựng nên con vì Chúa nên tâm hồn con còn xao xuyến mãi cho tới khi được nghỉ yên nơi Ngài” Từ muôn thuở Thiên Chúa đã tạo dựng nên chúng ta giống hình ảnh Ngài ( St 1, 26 ) thế nhưng tội nguyên tổ đã khiến cho con người QUÊN mất cái cái bản tính Thần linh của nó. Giờ đây Đức Maria đồng thời cũng chính là Người Nữ Đồng Trinh đã nhận lời cưu mang sinh hạ Chúa Kito hầu cho chúng ta có thể NHỚ lại được cái cội gốc ban sơ ấy. Đức Maria sinh Chúa Kito ở trong ta và tất cả công việc của Ngài là Làm cách sao để cho ta có thể NHỚ đến Đấng Chúa ấy. Có NHỚ thì mới NGHE được TIẾNG NGÀI, có NGHE được TIẾNG NGÀI thì mới SỐNG được LỜI NGÀI. Thủ Bản Legio đề ra ba phương thế để cho ta có thể NHỚ được Đấng Chúa ở nơi ta:
1/- CẦU NGUYỆN
Thủ bản ( câu 362) trích dẫn Hiến Chế CĐ “ Kito hữu thực sự được mời gọi cầu nguyện chung với anh em nhưng họ cũng phải vào trong phòng riêng của mình để cầu nguyện với Chúa Cha trong âm thầm. Hơn nữa theo giáo huấn của Thánh Công Đồng,chúng ta phải cầu nguyện không ngừng( SC 12) Ở đây giáo hội nhắc nhở chúng ta cầu nguyện cần phải có hai phần = chung và riêng. Cầu nguyện chung ám chỉ cho việc đọc kinh nguyện ngắm có tính cách cộng đòan nơi nhà thờ, đền Thánh hoặc trong gia đình. Còn cầu nguyện riêng là của từng mỗi cá nhân . Dù chung hay riêng , mục đích của cầu nguyện vẫn là để cho chúng ta được NHỚ đến Chúa . Đọc kinh cầu nguyện mà không NHỚ gì đến Chúa ắt sẽ bị Chúa quở trách “ Dân này chỉ kính thờ Ta ngòai môi ngòai miệng còn lòng trí chúng thì xa Ta lắm, chúng tôn thờ Ta luống công” Is 29, 13 ) Cầu nguyện là để cho ta được NHỚ đến Chúa , tuy nhiên cầu nguyện chung khiến cho người ta có thể ỷ lại vào người khác, thậm chí có người chẳng chịu mở miệng ra mà đọc nữa. Hoặc có người miệng tuy đọc rang rang thuộc lòng như cái máy nhưng tâm trí thì cứ mặc tình dong duổi nơi này việc khác. Đọc kinh lần hạt mà cứ chia lòng chia trí như thế thì chẳng bao giờ có thể gần, có thể gặp được Chúa.
Bởi vậy Chúa dạy cầu nguyện thì phải vào phòng kín đóng cửa lại mà cầu . Cửa ở đây không nên hiểu theo nghĩa đen mà đó chính là các giác quan. Con người có sáu giác quan tức là sáu cái cửa mở ra bên ngòai nơi thế giới hiện tượng đó là mắt, tai mũi lưỡi thân và ý. Đóng kín cửa tức là đóng các giác quan lại không cho nó hướng chiều về ngọai vật. Mục đích của việc đóng giác quan ( thu thúc lụccăn ) chính là để cho tâm trí ta được quy hướng về , được luôn NHỚ đến Chúa ở nơi mình . Con người là hợp thể của thân xác và linh hồn. Thánh Phao lô gọi phần thân xác là con người bề ngòai, còn linh hồn là con người bên trong. Cho rằng con người chỉ là cái xác thân thôi đó là quan điểm của duy vật và như thế tất nhiên người ta sẽ đi đến chỗ phủ nhận bài bác tôn giáo. Trái lại chúng ta tin rằng con người còn có linh hồn tức là cái “ HìnhẢnh” do Thiên Chúa Tạo Dựng và nó phải luôn quy hướng về Ngài. Bởi tin tưởng như thế nên người Công Giáo chúng ta có thể vui lòng vì phần rỗi mình , chịu đựng được những gian truân họan nạn ở đời này hầu có được hy vọng hạnh phúc bất diệt đời sau “ Vậy nên chúng tôi không ngã lòng, dẫu người bề ngòai có hư nát nhưng người bề trong ngày càngđổi mới” 2C 4, 16. Sự đổi mới của chúng ta ở chỗ, ngày càng NHỚ đến Chúa nhiều hơn dù trong lúc ốm đau bệnh họan , dù trong hòan cảnh đói nghèo tù tội. Việc cầu nguyện trong Legio mang một sắc thái riêng, người trưởng trong các phiên hội luôn giữ một bè , với Kinh Catena cũng thế mà Kinh Mân Côi cũng vậy. Điều này khiến cho người trưởng không thể chia trí mà nếu chia trí thì không thể điều hành tốt được buổi cầu nguyện. Mặt khác ngòai phần kinh chung trong các phiên hội hàng tuần, hội viên Legio dù trưởng thành, tán trợ hay Junior đều có bổn phận phải đọc kinh Catena hàng ngày . Chính Kinh đọc riêng này khiến cho chúng ta phải cầm lòng cầm trí , không cầm trí không ai có thể đọc một mình Kinh này được. Kinh Catena trong đời sống của người Legio là vô cùng hệ trọng bởi nó là sợi giây xích nối kết ta với Đức Mẹ, có thể mạnh dạn nói rằng hội viên Legio mà không đọc kinh Catena hàng ngày thì không bao giờ có thể trở thành quân binh của Mẹ , người đó ra mặt trận mà không có vũ khí trong tay.
2/- HÃM MÌNH và QUÊN MÌNH
Legio vinh dự được gọi là quân binh là lính chiến của Mẹ. Quân đội thì phải có kỷ luẫt nhưng kỷ luật đây hòan tòan không do áp đặt nhưng là tự giác. Để có được kỷ luật tự giác ấy người Legio cần phải biềt là mìnhđang phục vụ cho một lý tưởng nào . Càng rõ chừng nào thì kỷ luật tự giác càng cao chừng ấy. Ngược lại kỷ luật Legio sẽ chỉ cỏn là hình thức và người ta có thể vin vào nó để mà chèn ép nhau, đóan xét nhau. Tính chất kỷ luật trong Legio luôn được đề cao và kỷ luật ấy cần phải được phát xuất từ chính nội tâm của hội viên và đây chính là lý tưởng quên mình phục vụ phần rỗi các linh hồn . Đức Kitô đòi hỏi kẻ nào muốn theo Ngài thì phải bỏ mình tức bỏ ý riêng mình đi. Không bỏ mình thì không thể theo Chúa, hay nói cách khác không bỏ mình thì không thể họat động Legio, làm lính của Mẹ được. Con người nếu không được dẫn dắt bởi một lý tưởng cao cả thì rất dễ sa đà vào các nẻo đường hư hỏng hoặc chí ít thì đó cũng chỉ là cái hạng người ích kỷ chỉ thích an nhàn hưởng thụ. Legio cống hiến cho ta một lý tưởng cao vời và nỗ lực thực hiện lý tưởng ấy nó còn giúp ta bỏ được mình, điều mà khó có ai làm được dù cho họ có là triết gia lừng lẫy tiếng tăm như Voltaire ( 1694 – 1778) hay nhà giáo dục đại tài như Jean Jacques Rousseau ( 1712 – 1778 ) v.v…và v.v…Người Legio bỏ mình bằng việc cầu nguyện và làm công tác chỉ định hàng tuần, mỗi tuần ít nhất hai tiếng đồng hồ, đó là một sự hy sinh rất lớn . Tuy nhiên nếu không có được sự kết hợp thực sự với Đức Mẹ thì không ai có thể theo đuổi công cuộc Legio lâu bền và thành tựu được việc bỏ mình.
3/- LÃNH NHẬN CÁC BÍ TÍCH
Gia nhập hàng ngũ Legio tức là đã can dự vào cuộc chiến một mất một còn giữa Đức Maria và Satan cùng các thế lực Hỏa Ngục. Cuộc chiến ấy đã được tiên báo từ thuở đời đời “ Ta sẽ đặt mối thù giữa mi và Người Nữ, giữa dòng giống mi cùng dòng giống Người Nữ nghịch thù nhau. Người sẽ giày đạp đầu mày , còn mày thì sẽ rình cắn gót chânNgười” St 3, 15.). Dòng giống Người Nữ chính là những ngườicon Tông Đồ của Ngài là chúng ta đây. Đức Maria vị chủ tướng ấy đã chiến đấu và thắng được kẻ thù kiêu căng (đầu rắn cứng cỏi) bằng chính sự khiêm nhường sâu thẳm của Ngài( gót chân người nữ ). Cuộc chiến mà chúng ta tham dự ấy chẳng diễn ra ở một nơi nào khác mà ngay tại chính nội tâm mình “ Trận chiến để cứu các linh hồn xuất phát từ nội tâm của mỗi hội viên Legio, mỗi người phải chiến đấu với chính mình. Quyết tâm thắng tính kiêu căng và lòng ích kỷ củamình” ( TB câu 43 ). Chiến đấu và thắng được người đã là một việc khó nhưng còn khó gấp bội nếu muốn thắng được mình. Người xưa nói “ Thắng vạn quân không bằng thắng mình” Để thắng được mình thì không thể cậy vào sức mình, điều này cũng giống như muốn giập tắt lửa thì phải dùng nước. Cậy sức mình để hòng thắng mình thì có khác nào đổ dầu vào lửa ? Phương thế duy nhất mà Đức Kitô truyền dạy chúng ta để thắng mình là phải bỏ mình “ Ai muốn theo Ta thì hãy từ bỏ mình đi, vác thập giá mình mà theo Ta. Vì hễ ai muốn cứu mạng sống mình thì phải mất. Còn hễ ai vì cớ Ta mà mất mạng sống mình thì sẽ tìm lại được. Bởi chưng được lời lãi cả và thế gian mà mất linh hồn thì nào được ích gi ?” Mt 16, 24 – 26)
Theo Chúa thì phải tin yêu Chúa và lòng tin yêu ấy cần phải được thể hiện bằng cách siêng năng tham dự các Bí Tích . Bí Tích được Chúa thiết lập chỉ có một mục đích đó là thực hiện lòng thương xót vô bờ của Ngài đối với con người, đặc biệt là những kẻ tội lỗi “ Bởi Con Người đã đến để cứu kẻ bị hư mất” Mt 18, 11 ) Mặc dầu là hội viên Legio , chiến sĩ của Mẹ nhưng chúng ta vẫn là những kẻ tội lỗi đáng thương. Dẫu thế chúng ta không ngã lòng vì những lỗi phạm liên miên ấy, vẫn ganh ghét , lỗi đức bác ái cách này cách khác , lười nhác , lẩn tránh những công tác khó khăn v.v. Có hay nói thì mới lỡ lời, có làm thì mới có sai, có theo đuổi con đường trọn lành mới nhận ra được mình còn quá nhiều tội lỗi thấp hèn, còn rất xa cái đích cần phải đạt. Dấu chứng để biết mình chưa ngã lòng đó là chúng ta vẫn còn cố gắng siêng năng lãnh nhận các phép Bí Tích nhất là Bí Tích Hòa Giải và Bí tích Thánh Thể . Hai Bí Tích này là lương thực không thể thiếu cho ngưuời tín hữu, hơn nữa chúng ta lại là quân binh của Mẹ thì càng cần thiết hơn nữa bởi như Thủ Bản nói “ Chúng thắp sáng lối đi cho chúng ta và mang lại an tòan cho cuộc hành trình” ( Câu 362 )
Giuse Maria Phùng văn Hóa