Sự góp mặt của Legio Mariae trong cánh đồng truyền giáo đến nay đã ngoài chín mươi năm, một thời gian không dài nhưng cũng không ngắn nếu so với đời sống của một con người. Dù trong tính chất tập thể hay cá nhân, hội viên chúng ta ai cũng đều được ơn gọi vào làm Vườn Nho cho Chúa. Người thì được gọi sớm nhưng cũng có người rất muộn “Ước chừng giờ thứ mười một chủ ra lại thấy những kẻ khác đứng đó thì hỏi rằng: ‘Sao các ngươi đứng không cả ngày tại đây?’ Họ đáp: ‘vì không có ai mướn chúng tôi’. Chủ bảo họ: ‘Các ngươi cũng hãy vào làm Vườn Nho cho Ta” (Mt 20, 6 -7 ).
Qua dụ ngôn này đã cho chúng ta thấy cách thức đối xử của Thiên Chúa hoàn toàn khác với con người. Thiên Chúa do lượng nhân từ không hề có sự phân biệt “Ngài khiến mặt trời soi trên kẻ ác cùng người thiện, mưa cho kẻ bất chính cùng kẻ công chính” (Mt 5, 45 ). Còn con người thì do lòng đố kỵ ghen tương không muốn ai hơn mình. Cũng chính vì tính chất đố kỵ đó mà thế gian đã gây ra không biết bao nhiêu là tranh chấp hận thú. Lớn thì giữa quốc gia dân tộc này với quốc gia dân tộc khác, nhỏ thì giữa phe nhóm này với phe nhóm khác. Sự đố kỵ không chỉ thấy ở nơi những người không có đạo (vô thần) mà ngay với những kẻ… tự nhận mình có đạo cũng chẳng hơn chi !!!
Người có đạo tức là người có một con đường để đi. Đường để đi ấy đối với Ki-tô hữu nói chung là Đức Ki-tô, bởi vì Ngài chính là đường “Ta là đường, là sự thật và là sự sống, không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” (Ga 14, 6). Hội viên Legio trước hết cũng là Ki-tô hữu tức những kẻ đi theo Đức Ki-tô, chúng ta có bản sắc riêng của mình và bản sắc ấy lấy hòa hợp làm phương châm “Mục tiêu Legio nhắm tới là cố gắng chấm dứt những mối chia rẽ và bao nhiêu dị đồng trong xã hội. Chiến dịch bắt đầu từ trong căn bản là Praesidium“ (TB câu 516 Chg 39).
Legio nhắm tới mục tiêu vô cùng cao cả, đó là chấm dứt những mối chia rẽ, bất đồng trong xã hội. Thế nhưng, đồng thời cũng biết rằng việc ấy không dễ dàng chút nào, bởi lẽ để thực hiện điều ấy thì không thể không bắt đầu ngay ở nơi chính mình. “Thực là trò trẻ con nếu Legio rêu rao sẽ dung hòa những dị đồng, đang khi trong hàng ngũ mình lại có tinh thần bất hòa rõ rệt” (TB c. 516 Chg 39 ).
Muốn hòa với người thì tiên quyết phải hòa với chính mình, bao lâu chưa hòa được với mình thì không có cách chi hòa được với người. Cái mình phải HÒA ấy trong nghĩa hạn hẹp của nó ám chỉ cho hội viên Legio với nhau. Cùng là hội viên mà Hội Đồng này lại chống với HĐ khác, Praesidium này lại kèn cựa với Praesidium khác. Hoặc trong cùng một đội với nhau lại không có sự đồng lòng, bất bình giữa các ủy viên với nhau, giữa anh này chị khác v.v… Bất cứ Hội Đồng hay Praesidium nào mà còn dung dưỡng sự chia rẽ bất hòa thì từ trong bản chất nó đã đi ngược lại phương châm hòa hợp và tất yếu sẽ đưa đến sự phá hỏng Legio. Trách nhiệm làm cho hòa hợp này trước hết thuộc về người trưởng và sau nữa là của toàn thể hội viên. Trưởng phải chịu trách nhiệm cao nhất, điều ấy là đúng bởi vì đó là người mà Legio trao cho rất nhiều quyền hạn và nếu đã có quyền thì cũng phải có bổn phận đạt cho được mục tiêu hòa hợp một cách tốt nhất. Quyền trong Legio đấy chính là những nén bạc Chúa trao, được trao nhiều bao nhiêu thì phải trả lãi nhiều bấy nhiêu không thể thoái thác.
Đơn vị căn bản của Legio là Praesidium và đó cũng chính là Nhà Na-da-rét mầu nhiệm (Chương 21). Trong nhà Na-da-rét này, Đức Ma-ri-a giữ vai trò làm Mẹ, có nghĩa bổn phận của Ngài là sản sinh Chúa Cứu Thế Đấng Trung Gian Hòa Giải duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người (x. 1Tm 2, 5). Đức Ki-tô đến với cõi thế này để thực hiện cuộc hòa giải giữa con người với Thiên Chúa qua trung gian của Đức Mẹ. Nói cách khác không có Đức Mẹ thì không một ai có thể đến và gặp được Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng Trung Gian Hòa Giải. Có nhận ra như thế thì mới có thể thấy được vai trò và trách nhiệm của người trưởng Legio trong nhiệm vụ hòa giải là như thế nào, bởi lẽ trưởng chính là hiện thân của Đức Ma-ri-a trong công cuộc sản sinh Chúa Cứu Thế nơi các tâm hồn.
Mỗi một tín hữu từ khi lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội đều đã nên như chi thể của Đức Ki-tô mà đã là chi thể thì cần phải gắn liền với Thân, không gắn với Thân Mình là Đức Ki-tô tất không thể có sự sống “Ta là cây nho, các ngươi là cành. Ai cứ ở trong Ta và Ta ở trong họ thì nấy kết quả nhiều vì ngoài Ta các ngươi không thể làm gì được” (Ga 15, 5). Chi thì phải gắn với thân để có sự sống, cũng vậy bởi vì Đức Ki-tô là Đấng Hòa Giải thế nên tất cả chúng ta trong tư cách là những chi thể nhất thiết cũng phải gắn kết với Ngài thì mới có thể làm hòa được với Thiên Chúa.
Làm hòa với Thiên Chúa đó là mục đích tối hậu của tất cả chúng ta những người Con của Chúa. Thế nhưng, để đạt được mục đích ấy là điều không thể nếu không có Đức Ma-ri-a làm Mẹ. Ngài không chỉ một lần cưu mang sinh hạ Chúa Giê-su, mà còn sinh chúng ta trong từng giây phút cuộc đời. Sau tiếng Xin Vâng (Fiat) của Đức Mẹ, thì Ngôi Hai Thiên Chúa Nhập Thể Làm Người. Còn trong tư cách hội viên Legio có Đức Ma-ri-a làm Mẹ, chúng ta mỗi khi Xin Vâng thì liền đó Chúa cũng được sinh ra. Công việc Xin Vâng của Legio tất cả cũng không ngoài bốn phận vụ đã được nhắc nhở trong các phiên họp đầu tháng: dự họp hàng tuần, đọc Kinh Catena hàng ngày, làm công tác tích cực, thiết thực tuần 02 giờ, giữ kín những điều đã được bàn trong phiên họp v.v…
Sống trên cõi đời này không một ai là không có những mối dị biệt bất đồng, ghét ghen đố kị dù nhiều hay ít. Thế nhưng, chúng ta là những con người có đạo tức là có con đường để theo là Đức Ki-tô mà đường này là đường hẹp, đường bỏ mình “Ai muốn theo Ta thì phải từ bỏ mình, vác thập giá mình hàng ngày mà theo” (Mt 16, 24). Bỏ mình không phải là mất mình (vong thân), nhưng là để làm hòa được với Thiên Chúa Đấng ở nơi mình. Công cuộc làm hòa ấy như đã biết chính là mục tiêu mà Legio nhắm tới và chắc chắn sẽ thực hiện được bởi vì chúng ta có Đức Ma-ri-a làm Mẹ. Ngài đã quy tụ những con người khác biệt nhau về giới tính, tuổi tác, trình độ cũng như đời sống luân lý đạo đức.. để đào luyện họ thành những chiến sĩ của sự hòa giải cho toàn nhân loại. “Khi Praesidium quy tụ vào một khối những người mà xã hội chia cách ra như thế Legio hoàn thành một công việc rất lớn. Tình thương đã bắt đầu như vết dầu loang ảnh hưởng Thánh hảo sẽ lan rộng mãi và tiêu diệt mọi đố kỵ của cả thế giới” (TB câu 516 Chg 39).
Phùng Văn Hóa