Ngay trong phần Danh Hiệu và Nguồn Gốc, thủ bản đã xác định tính chất siêu nhiên của Legio như là một mặt trận tâm linh đặt dưới quyền thủ lãnh tối cao của Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội để phục vụ trong trận chiến mà giáo hội không ngừng giao tranh với thế gian và quyền lực tội ác.
Mặt trận ấy có một mục đích rõ ràng đó là “ Thánh hóa hội viên bằng việc cầu nguyện và dưới sự lãnh đạo của giáo quyền, tích cực cộng tác vào hành động của Đức Maria và của Hội Thánh là đạp đầu con rắn và mở rộng Nước Chúa Ki Tô” ( TB số 5 ).
Mở rộng Nước Chúa Ki Tô ở đây không nên hiểu như là việc truyền giáo cho dân ngoại nhưng là làm cho Chúa Giê Su Ki Tô được nhận biết ở nơi mình và nơi người. Chúng ta chỉ có thể nhận ra vai trò thủ lãnh của Đức Maria trong mặt trận tâm linh tức đạp giập đầu rắn Sa Tan với một Nước Chúa Ki Tô trong tâm hồn mà thôi. Tại sao ? Bởi thật ra việc đạp đầu rắn nếu hiểu theo…nghĩa đen như bấy lâu thì nào nó có liên quan gì đến việc truyền giáo cho dân ngoại ?
Rắn, cố nhiên ám chỉ cho Sa Tan kẻ cựu thù mà có lần Chúa Giê Su đã vạch mặt chỉ tên. Chúa nói với người Do Thái: “ Các ngươi ra từ cha các ngươi là ma quỷ và các ngươi muốn làm theo tư dục của cha các ngươi. Từ ban đầu nó là kẻ giết người chẳng đứng trong sự thật vì trong nó không có sự thật đâu. Khi nó nói dối thì tự mình nó nói vì nó vốn là kẻ nói dối cũng là cha của sự ấy” ( Ga 8, 44 ).
Sa Tan là cha của sự dối trá. Đức Chúa Giehova đã cấm nguyên tổ không được ăn trái cây phân biệt thiện ác bởi hễ…ăn vào sẽ phải chết nhưng rắn nói với Eva: “ Hai người chẳng chết đâu nhưng ĐCT biết rằng hễ ngày nào hai người ăn trái đó, mắt mình mở ra sẽ như ĐCT biết điều thiện điều ác” ( St 3, 1 -5 ).
Sau khi ăn trái cấm, nguyên tổ đã bị đuổi ra khỏi Vườn Địa Đàng để trở thành tổ tiên của loài người. Như vậy, theo trình thuật Kinh Thánh, nhân loại sở dĩ hình thành là do nguyên tổ đã phạm tội…ăn trái cấm. Cũng theo trình thuật ấy, nhân loại sẽ vĩnh viễn rời khỏi Vườn Địa Đàng. Thế nhưng Thiên Chúa vẫn dủ lòng xót thương cho trở lại với điều kiện là phải trải qua một cuộc chiến cam go với Sa Tan dưới quyền lãnh đạo tối cao của Người Nữ Maria: “ Đức Chúa nói với con rắn: Ta sẽ làm cho mày cùng Người Nữ, dòng dõi mày cùng dòng dõi Người Nữ nghịch thù nhau. Người sẽ giày đạp đầu mày còn mày thì sẽ rình cắn gót chân Người” ( St 3, 15 )
Người Nữ ám chỉ cho Đức Maria, điều ấy có lẽ chẳng có gì phải bàn. Tuy nhiên…trái mà Đức Chúa cấm ăn tại sao lại là sự phân biệt thiện ác ? Đây là mắc míu vô cùng gay go đối với thần học mà cho đến nay vẫn chưa thể giải gỡ ?
Để hiểu vấn nạn này thiết nghĩ cần giải câu chuyện sa ngã của nguyên tổ nơi Vườn Địa Đàng theo nghĩa minh triết: Vườn Địa Đàng tượng trưng cho Bản Tâm Vô Phân Biệt. Sa Tan cho Lý Trí Phân Biệt. Trái Cấm là Tâm Phân Biệt. Khi khởi Tâm Phân Biệt thì ngay đó mất đi Tâm Vô Phân Biệt tức rời bỏ Vườn Địa Đàng.
Như đã biết, nguyên tổ bị đuổi ra khỏi Vườn Địa Đàng vì đã…ăn trái cấm phân biệt thiện ác và để có thể trở về Vườn Địa Đàng tức Tâm Vô Phân Biệt ấy thì cần bỏ đi Tâm Phân Biệt. Thế nhưng bỏ đi Tâm Phân Biệt, cái tội Tổ Tông Truyền ấy là điều bất khả đối với con người hầu như đã bị hoàn toàn khống chế dưới quyền lực của Sa Tan. Chính vì lẽ đó cuộc chiến đấu của hội viên Legio luôn phải đặt dưới quyền lãnh đạo tối cao của Người Nữ Maria Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội.
1/- Tôn sùng Đức Mẹ
“ Một trong những nhiệm vụ Legio quý mến hơn cả là biểu lộ lòng nhiệt thành tôn sùng Đức Mẹ Chúa Trời. Legio nhờ hội viên của mình để thực hiện việc trên đây: Mỗi hội viên có nhiệm vụ phải giúp vào bằng cách nguyện gẫm hẳn hoi và bằng việc làm do lòng sốt sắng. Muốn cho việc tôn sùng này trở nên một nghĩa vụ chính thức của Legio. Mỗi hội viên phải coi đó là một phận sự buộc ngặt như đi họp hàng tuần hoặc làm việc tông đồ. Mọi người phải nhất trí chu toàn phận sự đó. Đây là một điều có nhắc lại bao nhiêu lần cũng không phải là thừa” ( TB số 26 )
Tôn sùng Đức Mẹ là việc nội tâm chỉ có mình và Chúa biết, thế nhưng tại sao lại buộc ngặt giống như việc đi họp pre’sidium hoặc đi làm công tác ? Lý do bởi vì toàn bộ hoạt động của Legio đòi hỏi phát xuất từ nội tâm. Không có nội tâm ấy, Legio chỉ là cái xác vô hồn !!!
Toàn bộ hoạt động Legio phải phát xuát từ nội tâm tức lòng nhiệt thành vô giới hạn: “ Nếu một HV Legio đặt giới hạn cho lòng nhiệt thành của mình, họ tự bảo: Tôi hy sinh đến mức này thôi không xa hơn được nữa thì HV ấy dầu vận dụng đến nhiều nghị lực cũng sẽ chỉ thu được những kết quả không ra gì. Trái lại nếu có thiện chí hiến thân mặc dầu ít khi cần đến hay cần để làm những việc thường đi nữa thì cũng đạt được những công trình cao cả” ( TB số 11 ).
Lòng nhiệt thành phát xuất từ ở nơi Tâm và nó cần biểu lộ như là một bổn phận chính yếu của hội viên: “ Legio long trọng trao cho mỗi HV như một di sản phải giữ bằng cách suy niệm nghiêm chỉnh và nhiệt thành thực hiện lòng tôn sùng của Legio đối với Đức Maria. HV phải coi đây là bổn phận chính trước tất cả bổn phận khác” ( TB 32 ).
Lý do cần coi việc tôn sùng Đức Mẹ như bổn phận cốt yếu bởi vì chỉ có lòng tôn sùng nhiệt thành ấy Legio mới có thể chinh phục thế giới về cho Chúa Ki Tô tức nhận biết và yêu mến Người: “ Legio nhắm đưa Đức Maria đến với thế giới làm diệu kế để chinh phục nhân loại cho Chúa Giê Su. Người Legio không có Đức Maria trong tâm hồn sẽ không thể dự phần vào công cuộc trên. Họ ly khai với Legio, họ là người lính bị tước khí giới, vòng xích đã đứt, như cánh tay tê liệt tuy còn dính với thân nhưng vô dụng” ( TB số 32 ).
II/. Liên kết với Mẹ.
Nhiệt thành tôn sùng Đức Maria là bổn phận cốt yếu của HV Legio, thế nhưng để ho việc tôn sùng ấy thành hiện thực chúng ta cần phải liên kết với Ngài qua công việc tông đồ.
Trước đây người Công giáo chúng ta vẫn nghĩ việc tông đồ chỉ dành riêng cho các Linh Mục nhưng Legio đã cho thấy những ai đã được lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội và đó cũng là bản chất của giáo hội. Nguyên nhân đưa đến có sự lầm lẫn ấy là vì người ta nghĩ rằng để làm việc tông đồ thì cần phải có khả năng và lòng hy sinh cao cả.
Thật ra không phải vậy, ý nghĩa của việc tông đồ chính là để cho Chúa Ki Tô ( Nước Chúa Ki Tô ) được sinh ra trong các tâm hồn. Tuy nhiên để Nước Chúa Ki Tô được sinh ra nơi các tâm hồn thì trước hết Chúa cần được sinh ra ở nơi chính mình.Nói Chúa …sinh ra trong mình đó chẳng phải mỗi một Ki Tô Hữu chẳng phải đều là Mẹ Chúa Ki Tô trong tiềm thể hay sao ?
Nhờ lòng nhiệt thành tôn sùng Đức Maria, hội viên Legio đã có được cái vinh dự…làm Mẹ Chúa do bởi thiên chức làm Mẹ của Ngài: “ Suốt đời Đức Maria phải đóng vai làm Mẹ đảm đang của Chúa Ki Tô sau đó là Mẹ của chúng ta. Do quyết định chung từ thuở đời đời, Chúa Ba Ngôi đã chuẩn bị và dựng nên Mẹ Maria để nhận nhiệm vụ này ( Thánh Augustino ). Từ Ngày
Truyền Tin, Đức Mẹ đã bắt đầu thi hành sứ mạng cao cả, Người là Bà Mẹ bận rộn nhất trong việc nội trợ. Thời gian đầu ở nhà Nazareth nhà nhỏ bé ấy đã mau chóng bao gồm cả thế giới và cả nhân loại là con cũng như Chúa Con của Đức Mẹ. Một việc làm liên tục, việc nội trợ càng nhiều khi Nhà Nazareth càng rộng lan khắp thế giới, phải có bàn tay của Mẹ đảm đang. Mọi sự săn sóc cho Nhiệm Thể chỉ là tiếp tay với Mẹ, hoạt động tông đồ tức là giúp Mẹ một tay và Mẹ có thể tự xưng “ Ta là việc Tông Đồ cũng như Mẹ đã từng tuyên bố Ta là Vô Nhiễm Thai” ( TB số 49 ).
Làm Mẹ Chúa Ki Tô đó là thiên chức của Đức Maria nhưng cũng là của mỗi Ki Tô Hữu. Chân lý này thật cao quý biết bao nhưng nếu không phải như vậy thì công cuộc cứu độ của Đức Ki Tô kể như đã…thất bại. Lý do là vì Chúa Giê Su sinh ra trong cung lòng Đức Nữ Trinh Maria dưới quyền năng của Chúa Thánh Thần và chúng ta cũng vậy. Sau khi nghe lời truyền của sứ thần Gabriel, Đức Maria thắc mắc nhưng được giải đáp: “Thánh Thần sẽ đến trên Bà, quyền năng của Đấng Chí Cao sẽ rợp bóng trên Bà cho nên Đấng Thánh sinh ra phải gọi là Con ĐCT” ( Lc 1, 36 ).
Đức Maria cưu mang, sinh hạ Chúa Giê Su với mục đích là để sinh ra vô vàn vô số những người con Giê Su khác nơi các tâm hồn. Chính cái việc sinh hạ Chúa Ki Tô nơi các tâm hồn như thế mà Giáo Hội mới được gọi là Nhiệm Thể Chúa Ki Tô.
III/- Nhiệm Thể Chúa Ki Tô
Như đã biết Đức Mẹ nhận lời cưu mang, sinh hạ Chúa Giê Su là để sinh ra chúng ta trong Ơn Thánh. Sự thật này đã được Đức Mẹ tỏ bày với Thánh Getrude: “ Giê Su, con rất dịu dàng của Mẹ không là con độc nhất ( Unigenitus ) nhưng thật là con đầu lòng ( Primogenitus ) vì Mẹ đã thụ thai Ngài đầu nhất trong dạ. Nhưng sau Ngài, đúng hơn bởi Ngài Mẹ đã thụ thai chúng con hết thảy khi nhận lấy chúng con làm con cái trong dạ đầy tình hiền mẫu Mẹ để chúng con nên anh em Ngài đồng thời là con của Mẹ” ( M.V Bernado O.P Mẹ Trong Đời Tôi ).
Lời Đức Mẹ nói với thánh Getrude nhắc nhở một chân lý vĩ đại đó là mỗi người chúng ta đều được tác tạo là Hình Ảnh Thiên Chúa là Con Thiên Chúa ( St 1, 26 ) Thế nhưng chân lý ấy quả thật cho đến nay vẫn không hề được biết đến để rồi con người cứ mãi phải mang thân phận con cháu Eva, một Eva đã bị đuổi ra khỏi Vườn Địa Đàng vì tội…ăn trái cấm. “ Adam gọi vợ là Eva bởi vì bà là mẹ của chúng sinh” ( St 3, 20 ).
Quả thật chúng ta là…con cháu Eva vì đã mắc tội tổ tông truyền nhưng nay nhờ vào công nghiệp của Chúa Ki Tô và sự Đồng Công Cứu Chuộc của Eva mới là Đức Maria chúng ta đã được…chuộc lại phẩm vị Con Thiên Chúa bị…lãng quên ( L’Oublie de L’Être ). Nếu tất cả những ai đã lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội đều đã trở nên chi thể của Chúa Ki Tô tức là con của Đức Maria thì riêng với HV Legio chân lý này lại cần phải coi như một nguyên lý căn bản: “ Giáo thuyết Nhiệm Thể này là nền tảng cho tất cả các nguyên lý xây dựng nên Legio. Bao nhiêu thư của thánh Phao Lô đã đề cập đến đề tài này . Có gì lạ đâu chính vì Chúa đã tuyên bố giáo thuyết Nhiệm Thể này và đưa Phao Lô trở về…
…Ánh sáng xuất hiện từ trời, Phao Lô lừng danh bách hại tín đồ Ki Tô giáo đã bị vật ngã ngựa, bị mù mắt. Cùng lúc có tiếng trách oán: Sao lô, Sao lô sao ngươi lại tìm bắt Ta và Sao Lô đáp: Thưa Ngài là ai ? Chúa đáp: Ta là Giê Su mà ngươi đang khủng bố đây ! ( Cv 9, 41 ).Lời này ghi sâu vào đáy lòng Phao Lô khiến vị tông đồ phải luôn luôn viết và giảng về chân lý Nhiệm Thể ẩn chứa trong câu nói trên” ( TB số 99 ).
Lời nói của Chúa Giê Su đã gây ấn tượng mạnh nơi thánh Phao Lô và cũng nhờ lời nói ấy, ngài đã hoán cải để trở thành một tông đồ nhiệt thành với Đạo Chúa cho đến chết. Đối với HV Legio thì lời ấy cũng cần gây ấn tượng mạnh mẽ mới có thể làm tông đồ cho Đức Mẹ: “ Giáo thuyết Nhiệm Thể là trung tâm của các tín điều. Vì đời sống siêu nhiên và mọi ân ban cho ta đều là kết quả của Ơn Cứu Chuộc. Việc Cứu Chuộc lại dựa trên sự kết hợp giữa Chúa ki Tô và Hội Thánh thành một Nhiệm Thể duy nhất. Khi Đầu là Chúa Ki Tô lập công, bao nhiêu công phúc của cuộc tử nạn sẽ truyền sang cho các chi thể của Chúa Ki Tô là toàn thể tín hữu. Đó là lý do để Chúa chịu đau khổ vì ta hầu đền những tội mà chính Người không phạm “ Chúa Ki Tô cứu chuộc vì chính Chúa” ( TB số 101 ).
IV/- Kế hoạch của Legio
Ước vọng sâu xa của những người Con Chúa là nên Thánh tức hoàn thiện bản thân: “ Các con hãy nên hoàn thiện như Cha các con trên trời là Đấng Toàn Thiện” ( Mt 5, 48 ) Thế nhưng ước vọng ấy chỉ có thể thành tựu khi gắn liền với Hội Thánh hiểu như Thân Mầu Nhiệm Chúa Ki Tô: “ Ta là cây nho, các con là cành. Ai cứ ở trong Ta và Ta ở trong họ thì nấy kết quả nhiều vì ngoài Ta các con không thể làm gì được” ( Ga 15, 5 ).
Ước vọng sẽ chỉ là ước vọng xuông nếu không có cho mình một phương pháp và cố gắng áp dụng phương pháp ấy cách tích cực. Legio đưa ra cho
HV mình một phương pháp đắc dụng để nên Thánh: “ Như những nguồn lực thiên nhiên nếu không thu dụng sẽ tự mất đi vô ích. Cũng thế lòng nhiệt thành không có phương pháp, chí phấn khởi không được hướng dẫn sẽ đem lại rất ít kết quả vững bền. Bởi vậy, Legio cống hiến cho HV một bối cảnh sống hơn là chỉ cho họ một công việc phải làm và cách sống ở trong khuôn khổ của một tổ chức có kỷ luật chặt chẽ. Có nhiều điều ở trong các hội đoàn khác chỉ nêu ra như một lời khuyên hoặc khích lệ nhưng trong Legio nó được coi như là luật bắt buộc tuân theo hết sức đứng đăn từng chi tiết” ( TB 139 ).
Xưa nay con đường Nên Thánh dường như chỉ để dành riêng cho những con người đặc biệt xuất chúng. Thế nhưng riêng với Legio là đoàn thể giáo dân, việc Nên Thánh ấy lại là điều…có thể, chỉ cần biết tuân phục quy chế đến từng chi tiết: “ Theo ý Legio sự trọn lành của HV không dựa vào chỗ tự mãn vì những kết quả thực sự hay bề ngoài nhưng chỉ căn cứ vào lòng trung thành từng nét với phương pháp Legio.HV Legio chỉ xứng đáng với danh xưng khi họ biết tuân phục quy chế” ( TB 142 ).
Trung thành từng nét với phương pháp Legio. Điều này đối với những người ngoài cuộc xem ra không thể hiểu được nhất là phương pháp ấy bao gồm những điều hết sức chi li nhỏ nhặt chẳng hạn trong phiên họp lúc nào làm dấu Thánh Giá lúc nào không.Săp xếp bàn thờ, Đức Mẹ cao chỉ khoảng 60 phân. Cành Vexilum đặt cách tượng chỉ 15 phân phía bên phải v.v…
Việc trung thành với phương pháp cho đến từng chi tiết như thế là điều bắt buộc đối với các cấp Hội Đồng: “ Thành lập các Hội Đồng của Legio chính là để bảo vệ Legio nguyên vẹn. Bằng mọi giá, các HĐ này phải trung thành với nhiệm vụ đã nhận lãnh” ( TB 244 )
Việc trung thành với phương pháp đến từng chi tiết như thế mang một ý nghĩa vô cùng quan trọng vì nó khiến ta bỏ được ý riêng mình để thực thi Thánh Ý Thiên Chúa. Chúa nói: “ Chẳng phải mỗi kẻ nói cùng Ta: Lạy Chúa, Lạy Chúa mà vào được Nước Trời đâu. Chỉ những kẻ biết theo Thánh Ý Cha Ta mà thôi” ( Mt 7, 21 ).
V/- Bổn phận cốt yếu
Dự phiên họp hàng tuần của Pre’sidium là nhiệm vụ bắt buộc của các hội viên kể cả ủy viên các cấp “ Nhiệm vụ đầu tiên mà Legio buộc HV phải làm là đi dự các buổi họp. Chính cuộc hội họp làm thành Legio. Cuộc họp giống như tấm thấu kinh đối với ánh nắng mặt trời. Nó là trung tâm phát sinh ngọn lửa làm nóng chảy tất cả những gì ở gần, nó là sợi giây liên lạc. Nếu khinh thường hay cắt đứt sợi giây đó thì công cuộc sẽ tan rã, sụp đổ. Trái lại càng quý chuộng cuộc họp thì năng lực của hội đoàn càng tăng gia” ( TB C. 143 ).
Dự họp hàng tuần Presidium mang tính quyết định sống còn của Legio vì trong chương trình họp đó có Chuỗi Năm Mươi Kinh Mân Côi là kinh nguyện của Đức Mẹ thể hiện toàn bộ công cuộc cứu độ của Chúa Ki Tô và Kinh Catena: “ Trong các kinh nguyện của Legio, không có kinh nào hay và đẹp bằng Kinh Catena lúc nguyện chung. Đối với Pre’sidium lúc tràn ngập vui mừng hay gặp chán nản thất bại hoặc lê gót trên con đường mòn của phận vụ tầm thường. Kinh Catena khác nào làn gió nhẹ, ngạt ngào hương thơm của Đức Maria là hoa hồng, hoa huệ trên trời làm cho ta mát mẻ và phấn khởi vô cùng. Đây không phải là kiểu nói văn hoa nhưng là mô tả sự thực mà người Legio nào cũng biết” ( TB C. 208 ).
Kinh Catena nếu đọc chung trong buổi họp sẽ đem lại niềm vui, phấn khởi như thế nhưng kinh nguyện này khi đọc riêng không những là một bổn phận không thể thiếu sót nó còn mang lại ơn ích vô cùng lớn lao hơn nữa bởi nên nhớ Kinh Catena tiếng La Tinh gọi là sợi giây nối kết ta với Đức Mẹ. Sự nối kết ấy quan trọng không thể kể xiết bởi cho ta được kết nối với Đức Mẹ trong giờ sau hết của đời mình. “ Người là Mẹ của linh hồn con. Tim Mẹ và tim con là một” ( TB C. 168 )./.
Phùng Văn Hóa