LEGIO  VỚI  LUẬT  CẤM  VIỆN  TRỢ  VẬT  CHẤT

          Nghe danh từ “ Viện trợ” xem ra có vẻ…to tát quá nhưng thật ra “ viện trợ” ở đây chỉ có nghĩa là…bố thí: “ Ra luật này, Legio không coi thường chính việc bố thí. Chỉ nói rõ không cho phép Legio làm việc này. Giúp đỡ người nghèo là việc phúc đức. Giúp các linh hồn là việc cao cả. Đấy chính là lý do để thành lập nhiều hội đoàn lớn, nổi bật là Hội Vinh Sơn. Legio hoan hỉ nhận mình mang ơn về gương mẫu và tinh thần của Hội Vinh Sơn và có thể nói Hội Vinh Sơn là gốc phát sinh Legio. Nhưng Legio được chỉ định làm việc khác hơn:  Thiết lập Legio để đem của thiêng liêng đến cho từng người trong dân chúng” ( TB chương ba mươi chín. C 486 ).

          Legio quan niệm việc cho của thiêng liêng và của vật chất trên thực tế không thể đi đôi với nhau bởi nhiều lý do nhưng lý do quan trọng nhất đó là người ta không quý trọng của thiêng liêng cho  bằng của vật chất. Chính  cái việc không quý trọng việc thiêng liêng này mà cả hội viên lẫn người nhận đã bị hiểu lầm:

          “ Nếu hội viên có lý do riêng thấy cần phải giúp đỡ ai thì tại sao không ẩn danh và nhờ một người bạn hoặc nhờ hội từ thiện trao giùm để tránh rắc  rối cho Legio ? Nếu không, hội viên kia cho chúng ta thấy rõ, họ làm phúc vì hư danh hơn là vì phần thưởng Nước Trời” ( TB chương ba mươi chín. C 489 ).

          Bố thí chỉ vì hư danh có nghĩa  muốn cho người ta biết đến tên tuổi mình. Điều đó không thể dự phần trong Nước Trời: “ Vậy khi ngươi bố thí, đừng thổi kèn trước mặt mình như bọn giả hình làm trong nhà hội và ngoài đường phố để được vinh hiển nơi người ta. Quả thật Ta nói cùng các ngươi, họ đã được phần thưởng của họ rồi. Còn ngươi, khi bố thí thì đừng cho tay tả biết việc tay hữu làm hầu cho việc bố thí của ngươi  được ẩn mật và Cha ngươi là Đấng thấy trong chỗ ẩn mật  sẽ báo đáp cho ngươi” ( Mt 6, 2 -4 )

          Bố thí đừng cho tay tả biết việc tay hữu làm có nghĩa không còn…thấy “ Có Ta” ( Ngã chấp ) trong việc bố thí. Ngược lại phải  bỏ “ Cái Ta” đi thì việc bố thí mới thực sự có kết quả. Qua câu chuyện của người thanh niên giàu có  cho thấy giữa việc bố thí và…bỏ mình có một mối liên hệ với nhau.

          Người thanh niên đã thi hành đủ các giới răn nhưng Chúa Giê Su nói anh vẫn còn thiếu một điều để có thể bước vào con đường giải thoát: “ Nếu ngươi muốn được nên trọn lành thì hãy về bán hết của cải mà cho kẻ nghèo thì ngươi sẽ có của báu ở trên trời rồi hãy theo Ta” ( Mt 19, 16 -21 ).

          Tại sao phải bán hết của cải mà cho kẻ nghèo để đi theo Chúa ? Đó là vì  con đường Chúa muốn dẫn ta đi là con đường siêu xuất thế gian và ở nơi con đường này thì mọi của cải, tài sản ở đời chỉ là phù du, không thể để nó lôi kéo, trói buộc.

          Hội viên Legio được ơn kêu gọi theo Chúa để bước đi trên con đường tâm linh về Nhà Cha bởi vậy cần phải thâm nhập  tinh thần xuất thế gian: “ Không cần nói, ai cũng biết Chúa rất khen ngợi khi chúng ta thương giúp người nghèo lúc túng khổ. Nhưng tất cả đều phải nhận rằng  khi chúng ta tích cực dạy dỗ, an ủi là việc cao cả hơn nhiều vì khi đó chúng ta trao tặng các tâm hồn  kia không phải của cải chóng qua ở trần gian mà chúng ta cho họ của cải vĩnh viễn đời đời” ( Thánh giáo hoàng Pio X: TĐ ngày 15/4/1905 về việc dạy giáo lý – TB chương ba mươi chín. C 490 ).

          Bố thí, giúp đỡ người nghèo đó là việc nên làm. Tuy nhiên cần phải nhận  ra sự thật này là  không phải  vì việc bố thí ấy mà người nghèo sẽ hết nghèo, hết khổ. Ngược lại còn cầm  giữ họ mãi trong cảnh nghèo, cảnh khổ. Đức Ki Tô xuống thế không phải để cứu chữa bệnh tật hoặc người đói cơm rách áo nhưng là để  giải thoát  con người  khỏi vô minh tăm tối là căn nguyên của mọi sự ấy !

          Trước ngày Lễ Vượt Qua, Chúa Giê Su đến làng Bethania là nơi mấy chị em nhà Lazaro sinh sống. Maria lấy một cân dầu thơm hảo hạng xức chân Chúa. Thấy vậy, Giu Đa Ich Cariot buông lời trách móc: “ Sao không bán dầu thơm đó lấy ba trăm quan tiền để giúp cho người nghèo ? Nghe vậy Chúa Giê Su bèn đáp: Hãy để mặc nàng, nàng đã để dành dầu thơm này cho ngày chôn Ta. Vì các ngươi có kẻ nghèo luôn. Song không có Ta luôn đâu” ( Ga 12, 1 -8 ).

          Kinh Thánh nói Giu Đa Ich Cariot  do lòng tham mà nói thế chứ thực lòng y cũng chẳng thương yêu gì người nghèo. Tuy nhiên qua lời của Giu Đa cũng đã phản ảnh một thực tế đó là người ta đã…quên hoặc cố tình quên mất con đường xuất thế gian  của Đức Ki Tô để hô hào nhau  xây dựng một thứ Nước Trời Tục Hóa khi người nghèo hết nghèo và người bị áp bức không còn bị áp bức ???

          Cõi thế gian là cõi  sinh diệt vô thường và thân phận con người cũng thế: “ Sự sống của anh em là chi ? Chẳng qua như một thứ hơi nước hiện ra một lát rồi lại tan mất” ( Gc 4, 14 ). Con người và cuộc sống của nó là vô thường nhưng lại cho nó là thật có và…dài lâu thế nên mới hết lòng lo cho …mình  bất chấp có thể làm hại cho kẻ khác.

          Đức Ki Tô xuất sinh nơi đời là một đại sự nhân duyên vì thế Ngài nói không phải các ngươi luôn  có Ta  đâu. Maria lấy dầu thơm xức chân Chúa điều ấy phải được coi như  một hành vi phụng sự cao cả.  Giờ đây Chúa đã phục sinh về trời, không còn ở  nơi cõi thế này nữa.  Mặc dầu vậy Chúa vẫn…còn ở với  chúng ta qua những con người nghèo khổ, bé mọn: “ Quả thật Ta nói cùng các ngươi: Hễ các ngươi đã làm việc đó ( Cho người đói ăn, cho kẻ khát uống, thăm viếng kẻ  tù đầy, bệnh hoạn…)  cho một người trong những anh em Ta dẫu là kẻ nhỏ hơn hết tức đã làm cho chính  Ta vậy” ( Mt 25, 34 -40 ).

          Làm cho những kẻ bé mọn đó là làm cho chính Chúa. Lời này  khiến công tác của Legio  mang một ý nghĩa  hết sức đặc biệt  và quả thật chúng ta đã thực hiện điều đó với đức tin và sự phù trợ của Đức Maria. Chẳng phải trong Kinh Bế Mạc chúng ta vẫn đọc: “ Xin ban cho chúng con đức tin mạnh mẽ. Đức tin sống bởi đức mến để chúng con có sức làm tròn mọi việc chỉ vì mến Chúa và hằng nhìn thấy cùng hầu hạ Chúa ngự trong mình anh em chúng con” sao ? ./.

Phùng  Văn  Hóa

Chia sẻ Bài này:

Related posts