LEGIO  VỚI  VIỆC  TÔNG  ĐỒ  GIÁO  DÂN

          Chỉ từ sau CĐ Vatican II, khái niệm Tông Đồ Giáo Dân  mới được biết đến  cách rộng rãi. Tuy nhiên ngay từ ban đầu, Legio đã xác nhận việc Tông Đồ chính là bản chất sống đạo của mình. Lý do bởi vì Legio là Đạo Binh của Đức Mẹ, hoàn toàn lệ thuộc vào Mẹ: “ Làm Mẹ các linh hồn là nhiệm vụ chính và là lẽ sống của Đức Maria. Nếu chưa chia sẻ nhiệm vụ này thì không thực tình liên kết với Đức Mẹ. Xin  diễn tả chức vụ đó một lần nữa: Ai thực sự kính mến Đức Mẹ, người đó biết lo giúp các linh hồn. Đức Maria không lo bổn phận làm Mẹ hay Ki Tô Hữu không làm việc Tông Đồ đúng là hai ý nghĩ kỳ quái, thất thiệt vô căn ứ, không đúng với ý định của Chúa. Vì vậy không thể nói Legio đặt trên hai nguyên lý: Đức Maria và hoạt động Tông Đồ. Chỉ có một nguyên lý: Đức Maria, còn hoạt động Tông Đồ là hiệu quả tự nhiên, hoặc hiểu cho đúng hơn, đây là tất cả lẽ sống của Ki Tô Hữu” ( TB chương 6 C. 50 ).

          Trong Ngày Truyền Tin, Đức Maria được sứ thần  truyền cho biết sẽ cưu mang và sinh hạ Đấng Cứu Độ Muôn Dân. Còn khi đứng dưới chân thập giá, Ngài lại được Chúa Giê Su Ki Tô long trọng trao cho sứ mạng làm Mẹ các Tông Đồ: “ Chúa Giê Su thấy Mẹ Ngài và tông đồ mà Ngài thương yêu đứng bên cạnh thì nói cùng Mẹ rằng: Kìa là con Bà” ( Ga 19, 26 ).

          Chúng ta không thể hiểu Đức Maria là Mẹ Chúa Cứu Thế mà lại không một trật là Mẹ của toàn thể các Ki Tô Hữu ! Tuy nhiên đối với Legio, hiểu biết về Đức Maria như thế là chưa đủ mà còn phải chia sẻ chức làm Mẹ với Ngài bằng cách hoạt động Tông Đồ !

          Định nghĩa Hoạt Động Tông Đồ  tức như Đức Maria là Mẹ các linh hồn. Đó là một quan niệm hoàn toàn mới mẻ và chính xác bởi  đã nói lên một chân lý cao cả: Con người được tác tạo nên là Hình Ảnh Thiên Chúa là Con Thiên Chúa ( St 1, 26 ). Được tác tạo là Hình Ảnh Thiên Chúa nhưng vì vô minh tức Tội Nguyên Tổ che lấp  nên chân lý ấy đã bị khuất lấp nên không thể nhận ra.

          Công cuộc Cứu Độ của Đức Ki Tô với sự Đồng Công Cứu Chuộc của Đức Maria tức Người Nữ đạp giập đầu rắn Sa Tan, tất cả cũng không ngoài mục đích để con người có thể nhận ra và trở về với phẩm vị Con Thiên Chúa ở nơi mình !

          Làm cho mọi người có thể trở về với phẩm vị Con Thiên Chúa đó phải là tất cả mục đích của Hoạt Động Tông Đồ. Legio xác tín sự gắn bó bằng nguyên lý cũng như hành động liên kết với Đức Maria là chính công  việc  vĩ đại ấy: “ Legio là chính việc Tông Đồ đã được trình bày cách hấp dẫn và quyến rũ rất linh động có sức thu hút, một công cuộc như ý đức Pio XI mong muốn, hoàn toàn lệ thuộc Đức  Trinh Nữ, Mẹ Thiên Chúa, công cuộc đòi hỏi phẩm chất làm nền tảng cho  hội viên, hơn nữa như một điều kiện bó buộc để cho tổ chức có thể phát triển. Một công cuộc được củng cố và bảo vệ vừa bằng lời cầu nguyện và hy sinh vừa tổ chức chặt chẽ và cộng tác mật thiết với linh mục, Legio là một phép lạ của thời đại văn minh” ( TB chương 10. C. 123 ).

          Với nhận định của hồng y Riberi, trước là khâm sứ tòa thánh  tại xứ truyền giáo Phi Châu, sau làm sứ thần tòa thánh tại Trung Hoa cho rằng “ Legio là phép lạ của thời đại văn minh”, chúng ta có thể hiểu theo hai nghĩa. Một là việc ra đời của legio trong thời đại văn minh…tục hóa này đáng lẽ không thể xảy ra nhưng nó lại…xảy ra. Hai là  phép lạ ấy sẽ hoàn thành sứ mạng của nó ?

          Chúng ta biết, Legio ra đời trong một bối cảnh lịch sử bi đát cho đức tin Công giáo: Trào lưu Duy Lý cũng như biến tướng của nó là chủ nghĩa vô thần  duy vật Cộng Sản đã toa rập với nhau khiến con thuyền Thánh Phê Rô  cơ hồ như muốn tan vỡ ? Mặc dầu như thế nhưng tính chất nguy hiểm cho Đạo Công giáo không phải là chủ  nghĩa Cộng Sản vô thần nhưng là ở nơi Thuyết Duy Lý ( Rationalisme ): Lấy Lý Trí để đánh đổ đức tin tôn giáo !!!

          Giữa Lý Trí và Đức tin không bao giờ có thể tương hợp. Một đàng Lý Trí luôn là khẳng định hoặc nói theo Emanuel Kant ( 1724 – 1804 ): “ Lý trí là khả năng kết luận” ( La raison est le pouvoir de conclure ). Một khi đã đưa ra khẳng định thì điều đó ắt  phải…đúng. Đang khi đó tôn giáo không khẳng định mà chỉ dựa vào đức tin và đức tin ở đây là tin vào mạc khải của Đức Ki Tô về Đấng Cha:“ Ta là đường là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” ( Ga 14, 6 ).

          Đấng Cha là Đấng chẳng ai từng thấy biết ( Ga 1, 18 ). Chính vì Đấng Cha là Đấng chẳng ai từng thấy biết  thế nên mới cần đến mạc khải của Đức Ki Tô bởi vì Ngài đã thấy biết về Đấng Cha: “ Các ngươi chẳng từng biết Ngài nhưng Ta biết Ngài” ( Ga 8, 55 ). Đức Ki Tô…biết Cha và cái biết ấy không phải là lý trí phân biệt  nhưng là Tình Yêu Vô Phân Biệt “ Cha ở trong Ta và Ta ở trong Cha’ ( Ga 10, 38 ).

          Thần học hiện nay là thần học duy lý, chịu ảnh hưởng sâu đậm của triết Hy Lạp thế nên họ không cách chi nhận biết được mạc khải của Đức Ki Tô để rồi đã thay thế  Đấng Cha nội tại ( Deus Abconsditus ) bằng Đấng Ki Tô Ngôi Lời ( Logos ).

          Với một Thiên Chúa của triết học như thế thì việc Tông Đồ trở nên hoàn toàn vô nghĩa. Tại sao ? Bởi vì Tông Đồ có nghĩa là người theo Chúa và làm việc của Chúa. Việc của Chúa như chính Đức Ki Tô  xác nhận đó là Rao Giảng Tin Mừng Nước Trời: “ Ta còn cần phải rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho các thành thị khác vì cốt tại việc đó mà Ta  được sai đến” ( Lc 4, 43 ).

          Nếu việc của Chúa là rao giảng Tin Mừng Nước Trời  như chính Ngài khẳng định  thì làm việc Tông Đồ tất nhiên cũng phải là việc rao giảng Tin Mừng theo lệnh truyền của Chúa Ki Tô Phục Sinh: “ Hãy ra đi khắp thế gian, rao giảng Tin Mừng cho muôn dân. Ai tin và chịu phép rửa thì được cứu. Còn ai không tin sẽ bị định tội” ( Mc 16, 15 ).

          Tin ở đây là tin vào Tin Mừng của Đức Ki Tô về Nước Trời mầu  nhiệm nội tại…” Ở trong lòng các ngươi” ( Lc 17, 20 -21 ). Đức Ki Tô rao giảng Tin Mừng Nước Trời và  đòi buộc những ai theo Ngài thì phải tin và trở về với thực tại mầu nhiệm ấy để được sống đời đời: “ Luật pháp và tiên tri đến Gioan Baptit là hết. Rồi từ đó Tin Mừng được rao giảng ra và ai nấy đều phải nỗ lực mà vào’ ( Lc 16, 16 ).

          Chúa nói: “ Ai nấy đều phải nỗ lực mà vào” thì…vào ở đây chỉ có thể là “ Vào” nơi nội tâm mình làm sao có thể hiểu cách nào khác ? Như vậy việc trở về với Nước Trời ở nơi cõi lòng mình là công việc của hết thảy mọi người không phân biệt giáo dân hay giáo sĩ. Trước đây người ta thường nghĩ việc Tông Đồ  chỉ dành riêng cho  bậc giáo sĩ hoặc các vị thừa sai. Nhưng nay khi  đã  nhận thức được việc Tông Đồ  là làm theo lệnh truyền của Chúa: Hãy trở về với nội tâm mình  thì  việc trở về ấy vừa là bổn phận  vừa là điều kiện bắt buộc không …chừa một ai cả:

 “ Giáo dân có bổn phận và quyền làm Tông Đồ do chính việc kết hiệp với  Chúa Ki Tô là đầu. Họ được chính Chúa chỉ định làm việc Tông Đồ  vì Phép Rửa Tội tháp nhập họ vào Nhiệm Thể Chúa Ki Tô. Phép Thêm Sức  làm cho họ thêm mạnh mẽ nhờ quyền năng của  Chúa Thánh Thần. Họ được thánh hiến vào chức Tư tế, vương giả và Dân Tộc Thánh ( 1Pr 2, 4 ) hầu trong mọi việc họ dâng những lễ vật linh thiêng và làm chứng cho Chúa Ki Tô ở mọi nơi trên hoàn cầu. Đàng khác, đức ái  như là linh hồn  của tất cả  công việc Tông Đồ  được chuyển thông và nuôi dưỡng  nhờ các Bí Tích nhất là Bí Tích Thánh Thể” ( TB chương 10. C 119 ).

Legio quan niệm đức ái như là linh hồn của tất cả mọi công việc Tông Đồ và đức ái chính là tinh thần của Đức Maria: Làm Mẹ các linh hồn. Làm Mẹ có

 nghĩa là sinh ra, nuôi dưỡng  các linh hồn là chính Chúa Giê Su. Từ khi lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, các tín hữu đã mang Chúa Giê Su Ki Tô nơi mình nhưng Đấng Chúa ấy chỉ có ở trong tiềm thể cần phải được dưỡng nuôi và lớn lên từng ngày đó chính là ý nghĩa sâu xa của việc Tông Đồ !

Hội viên Legio trước hết là những giáo dân, là giáo dân nhưng cũng là tông đồ…cuối thời của Đức Mẹ. Sở dĩ nói đây là cuối thời của Ơn Cứu Độ bởi đức tin trong giáo hội hầu như đã cạn kiệt báo hiệu  Ngày Chúa  Quang Lâm đã gần; “ Vậy Thiên Chúa  há chẳng thân oan  cho tuyển dân Ngài là kẻ đêm ngày kêu cầu Ngài dẫu Ngài nín nhịn với họ đã quá lâu rồi ư ? Ta nói cùng các ngươi, Ngài sẽ kíp thân oan  cho họ. Dầu vậy khi Con Người đến, há sẽ tìm được đức tin trên đất này chăng ? “ ( Lc 18, 7 -8 ).

Chúa nói  chẳng biết có còn đức tin trên đất này chăng. Điều ấy quả thật đức tin của con người ngày nay  đã tàn lụi, thế nhưng chỉ cần những ai có chút lòng tin cũng sẽ được cứu. Hội viên Legio thật sự là những tuyển dân…còn sót lại khi vẫn còn lần  Chuỗi Mân Côi và đọc kinh Ca Tê Na hàng ngày. Trước cơn phong ba bão táp cả trong lẫn ngoài giáo hội, chúng ta vẩn tin vào Lời Chúa đã nói với Si Mon Phê Rô vị giáo hoàng tương lai: “ Cửa Hỏa Ngục cũng chẳng thể thắng được nó” ( Mt 16, 18 )./.

Phùng  Văn  Hóa

 

Chia sẻ Bài này:

Related posts